Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 45 từ ngày 30/10 đến 05/11/2017: Nhiều nhà hoạt động bị canh gác khi Việt Nam chuẩn bị Hội nghị APEC

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 05/11/2017

Lực lượng an ninh Việt Nam thắt chặt kiểm soát trên cả nước từ mấy ngày trước khi Hội nghị APEC khai mạc tại Đà Nẵng. Hàng chục nhà hoạt động ở nhiều địa phương cho biết chính quyền sở tại đã cử an ninh mặc thường phục đến canh gác gần nhà riêng của họ, nhằm không cho họ đi ra ngoài.

Cơ quan Công an Điều tra của Sở Công an tỉnh Nghệ An nói rằng đơn vị này đã kết thúc điều tra đối với nhà hoạt động công đoàn Hoàng Đức Bình, và đã chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh với đề nghị truy tố anh với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Vào ngày 01/11, lực lượng an ninh thành phố Hà Nội đã bắt cóc cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng khi bà đến thăm gia đình cậu mợ tại huyện Sóc Sơn. Công an đã ép buộc bà lên xe oto rồi đưa đến trụ sở Công an Huyện nơi mà bà bị trấn lột đồ, bị đánh rồi bị tra hỏi trong nhiều giờ. Bà được trả tự do vào lúc 21 h cùng ngày.

Cũng trong ngày, côn đồ tấn công một số nhà hoạt động sau buổi lễ tưởng niệm cố Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Ngô Đình Diệm. Những kẻ tấn công, được sự hỗ trợ ngầm của lực lượng an ninh thành phố Hồ Chí Minh, đã đánh đập phóng viên Huyền Trang của trang Tin mừng cho Người nghèo, và một nhà hoạt động khác.

Nhân dịp Việt Nam đăng cai APEC, nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới như Human Rights Watch, Civil Rights Defenders cũng như nhiều trí thức trên thế giới đã đưa ra những tuyên bố kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, và chấm dứt việc đàn áp nhằm vào giới bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền, người hoạt động xã hội và blogger.

Bộ Công an đã trình Dự luật An ninh mạng lên Quốc hội để thảo luận và thông qua. Nhiều nhà hoạt động, nhà báo tự do cho rằng dự luật là một bước lùi về quyền tự do thông tin, và cho rằng đại biểu quốc hội nào bỏ phiếu cho dự luật là phạm phải tội ác chống lại loài người.

===== 30/10 =====

Nhóm Cờ đỏ khủng bố Giáo xứ Đông Kiều

Theo tin từ Thanh inên Công giáo, sáng 30/10/2017, linh mục Đaminh Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp, và linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Ngự, quản xứ Đông Kiều được Ủy ban Nhân dân xã Diễn Mỹ mời đến để làm việc, liên quan đến việc lộng hành của Hội Cờ đỏ trong thời gian qua.

Buổi làm việc diễn ra từ 8 giờ sáng đến 10 giờ cùng ngày. Khi làm việc xong, hai linh mục dự tính ra về, thì có khoảng 300 người của Hội Cờ đỏ đã vây quay ủy ban la hét, đe dọa và không cho hai linh mục về. Đến 11 giờ 40 phút, hai linh mục vẫn còn kẹt lại tại Uỷ ban xã Diễn Mỹ.

Được biết, khi hai linh mục đi lên xã, những kẻ trong Hội Cờ đỏ đã đi quanh làng Diễn Mỹ, khu vực giáo xứ Đông Kiều la hét, đánh trống, kẻng…

Người dân cho rằng đây là ý đồ của chính quyền xã Diễn Mỹ, cấu kết với Hội Cờ đỏ để khủng bố tinh thần linh mục.

Trong khi đó, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, trong 2 ngày 28 và 29/10, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã cùng nhiều lãnh đạo trung ương về thăm và làm việc tại Nghệ An. Chương trình làm việc chủ yếu là đi thăm các gia đình thuộc diện chính sách, có công với cách mạng.

Trong cùng ngày, Hội Cờ đỏ đã tấn công giáo dân và đã có một số người bị đánh, như ông Thống ở họ Đức Thinh, xã Diễn Hải bị đánh đập dã mam bằng gộc, bằng đá… dưới sự chứng kiến của công an xã Diễn Mỹ.

Mãi đến chiều muộn, hai linh mục mới về được đến nhà an toàn.

===== 31/10 =====

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị truy tố với cáo buộc theo Điều 258 của BLHS

Ngày 30/10/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ an đã kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ đến VIện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An với đề nghị truy tố Hoàng Đức Bình theo khoản 2, Đ 258 BLHS:

Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân

  1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
  2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Như vậy, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình đối diện với mức án cao nhất là bảy năm tù giam.

===== 01/11 =====

Phóng viên tự do Huyền Trang bị hành hung sau lễ giỗ tổng thống Ngô Đình Diệm

Ngày 01/11, nữ phóng viên tự do của báo mạng Công giáo “Tin mừng cho Người nghèo” Huyền Trang bị một nhóm người lạ mặt hành hung, sau khi tham dự để đưa tin về lễ giỗ cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm tại nghĩa trang Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương.

Phóng viên Huyền Trang bị nhóm người lạ mặt xúm vào đánh ngay sau thánh lễ. Cô đã leo lên xe và sắp cùng với những người khác trở về Sài Gòn, thì nhóm côn đồ kéo đến. Bọn chúng cố gắng kéo cánh cửa xe để lôi phóng viên Huyền Trang ra khỏi xe. Một số tên dùng gạch đá đập vào cửa xe. Những tên còn lại leo lên xe và đánh người nữ phóng viên tới tấp vào mang tai và đầu.

Huyền Trang cho biết cho bị đau khá nặng ở đầu vì vụ tấn công này.

Vụ tấn công xảy ra ngay trước Ngày Quốc tế Yêu cầu Chấm dứt Dung dưỡng Tội ác đối Với Nhà báo (02/11) do Liên Hiệp Quốc đề ra. Theo Liên Hiệp quốc, trong vòng 11 năm qua có hơn 900 nhà báo bị giết hại trong khi đưa tin đến cho công chúng.

——————–

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng bị an ninh Hà Nội bắt cóc, đánh đập và trấn lột

Vào hồi 14h ngày 01/11, cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng đã bị an ninh Hà Nội bắt cóc tại nhà của cậu mợ bà ở thị xã Sơn Tây.

Công an địa phương đã đến nhà của người cậu với lý do kiểm tra hộ khẩu. Khi bà Hằng bước ra nói chuyện và quay phim thì họ xông vào gần chục người khống chế bà, lôi bà lên một chiếc xe 7 chỗ đậu sẵn trước cổng nhà.

Sau khi đi lòng vòng, xe đưa bà đến trụ sở Công an huyện Sơn Tây và tại đây, công an xúm vào lột đồ của bà, gồm 01 điện thoại thong minh và số tiền gần 3 triệu đồng.

Sau đó, công an đưa bà vào một phòng rồi tra hỏi. Tuy nhiên, bà lớn tiếng tố cáo việc bắt người trái phép và từ chối làm việc.

Sau khị không ép được bà ký vào biên bản làm việc, công an đã buộc phải trả tự do cho bà.

An ninh không chịu trả những đồ đã lấy, mà hẹn bà sang ngày hôm sau đến cơ quan công an ở thành phố Hà Nội để làm việc.

Bà Hằng, một người tích cực tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc, là mục tiêu khủng bố của nhà cầm quyền Việt Nam.

Năm 2013, bà bị bắt với cáo buộc gây rối trật tự công cộng, và bị kết án 3 năm tù giam.

Trước đó bà còn bị chính quyền Hà Nội bắt giữ trái phép và đưa vào trại phục hồi nhân phẩm. Bà được trả tự do sau nhiều nỗ lực tranh đấu của bản thân và nhiều người hoạt động khác.

===== 03/11 =====

 

Nhiều tổ chức, học giả quốc tế yêu câù Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm và chấm dứt đàn áp

Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh APEC mà Việt Nam là nước chủ nhà, nhiều tổ chức và học giả quốc tế lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, và chấm dứt đàn áp nhằm vào giới bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền, người hoạt động xã hội và blogger.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị tạm giam hoặc bỏ tù vì thực thi ôn hòa các quyền của mình.

HRW cũng đề nghị các nhà lãnh đạo và đối tác thương mại tham dự thượng đỉnh APEC sắp tới ở Đà Nẵng vào ngày 10 tháng 11, hãy kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt việc ngược đãi có hệ thống đối với những người chỉ trích ôn hòa, và bảo đảm các quyền tự do biểu đạt, lập hội, tụ tập và tôn giáo cho các công dân của mình.

HRW nói các giới chức ngoại quốc đến đó vì APEC không nên làm ngơ hơn 100 tù nhân chính trị đã bị chính các lãnh đạo đó bỏ tù.

Việt Nam vẫn vận hành một nhà nước công an trị, không chấp nhận một người bất đồng chính kiến nào, HRW cho biết.

Hàng chục học giả trên khắp thế giới đã cùng ký tên vào một thư ngỏ gửi các vị nguyên thủ tham dự APEC và chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho hai nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga.

Người Bảo vệ Quyền Dân sự (Civil Rights Defenders- CRD) cũng kêu gọi Việt Nam, Campuchia và Myanmar chấm dứt việc bảo kê cho côn đồ tấn công nhiều nhà báo tự do.

===== 04/11 =====

Nhiều nhà hoạt động bị giam lỏng trước ngày APEC khai mạc

Chính quyền ở nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã đưa lực lượng an ninh tới nhà riêng của nhiều nhà hoạt động để giam lỏng tại gia họ nhiều ngày trước ngày khai mạc APEC (06-10/11).

Tại Nghệ An, an ninh địa phương đã đến nhà đưa cựu tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch lên đồn công an để tra khảo về Hội Anh em Dân chủ trong ngày 03/11.

Trong cùng ngày, an ninh ở thành phố HCM bắt cóc nhà hoạt dộng vì môi trường Trần Quỳnh Như Uyên khi cô đang tham gia giao thông. Công an ném cô lên xe, bắt cô úp mặt lên sàn xe và đưa về một đồn công an để tra khảo. Công an chỉ trả tự do cho cô sau nhiều giờ giam giữ.

Từ ngày 04/11, nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội, Saigon và nhiều nơi khác bị giam lỏng trong nhà.

===== 05/11 =====

Nhiều nhà hoạt động phản đối Dự luật An ninh mạng

Dự thảo Luật An ninh mạng của Bộ Công an đang bị các chuyên gia, các tổ chức thương mại và cộng đồng cư dân mạng chống đối kịch liệt, vì điều khoản đòi hỏi các công ty như Google và Facebook phải mở văn phòng và đặt máy chủ tại Việt Nam.

Dự luật có điều khoản: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải… đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam không thể đơn giản đưa ra một quy định như vậy, và điều khoản này đi ngược lại các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam VCCI, một trong những tổ chức lớn tiếng phản đối dự luật an ninh mạng, nói rằng dự luật này vi phạm cam kết của Việt Nam khi tham gia WTO, và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.

Dự luật này cũng gặp phải làn sóng chỉ trích dữ dội của các blogger và cư dân mạng Việt Nam. Nhà báo tự do Huy Đức gọi đây là “luật chống lại loài người”. Huy Đức viết rằng, “Nếu ai bỏ phiếu thông qua một đạo luật khiến cho người dân Việt Nam không thể tiếp cận được với mạng xã hội, với Facebook, Google… thì lịch sử sẽ không coi bọn họ là bảo thủ hay dốt nát, mà là như những tên tội phạm chống lại loài người, chống lại cơ hội tiếp cận với thế giới văn minh của 90 triệu người dân Việt Nam”. Tác giả “Bên Thắng Cuộc” cũng yêu cầu báo chí “công bố tên tuổi những người chấp bút đạo luật này” cũng như những người đã lên tiếng ủng hộ nó.

Theo báo Tiếng Dân hôm Thứ Bảy, nhiều blogger, Facebooker và cư dân mạng khác cũng bày tỏ ý kiến phản đối mạnh mẽ. Facebooker Trần Song Hào bình luận rằng, “đảng muốn có chi bộ trong máy chủ!”. Facebooker Nguyễn Sơn cảnh cáo, “Việt Nam sẽ sắp sánh vai với… Bắc Hàn về mức độ tự do ngôn luận”. Nhà báo Nguyễn Thông thẳng thừng đả kích, “Đó là thứ tư duy cộng sản man rợ, mông muội của những năm đầu thế kỷ 20. Miệng hô hào kêu gọi cách mạng 4.0, nhưng tay thò kéo cắt cáp internet, đó là sự kéo dài tính man rợ”.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập từng bị bỏ tù một thời gian vô cớ, viết rằng, “Chỉ cần một năm vắng bóng Facebook và Google sẽ thấy đất nước này lạc hậu so với thế giới hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm”.

Luật sư Lê Văn Luân nhận xét: “Luật pháp (Việt Nam) ban hành ngày càng tệ và có xu hướng đi ngược lại tiến trình phát triển văn minh của nhân loại… Thế giới thì vẫn ngày càng tiến lên, còn chúng ta chết vì sự ngu dốt của chính chúng ta mà thôi”.

=====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây