BÁO CÁO VI PHẠM NHÂN QUYỀN VIỆT NAM 2017

BÁO CÁO VI PHẠM NHÂN QUYỀN VIỆT NAM 2017

 Nhóm biên soạn:

Bs. Nguyễn Đan Quế, Lm. Phan Văn Lợi, Ht. Thích Không Tánh,

Ths. Phạm Bá Hải, Ls. Lê Công Định,

Ký giả Nguyễn Vũ Bình, Ks. Lê Thăng Long.

———————–

LỜI NÓI ĐẦU

Với con số chính thức người đấu tranh nhân quyền dân chủ bị bắt, không ít hơn 43, năm 2017 là năm tội tệ nhất của giới bất đồng chính kiến Việt Nam.

Các nhóm dư luận viên, cuồng đảng, và phần lớn, là an ninh giả dạng dân thường đã thực hiện hàng loạt cuộc đánh đập người bất đồng chính kiến và quần chúng phản kháng. Mức độ trở nên nghiêm trọng khi bạo lực xảy ra giữa ban ngày và với sự chứng kiến của lực lượng mặc sắc phục công quyền.

Chính quyền đảng trị gia tăng giám sát các hoạt động đi lại của người bất đồng chính kiến. Bất kỳ sự kiện nào, bao gồm những ngày lễ, tưởng niệm trong nước hay quốc tế, các chuyến viếng thăm của các quan chức nước ngoài…nơi ở của người đấu tranh đều bị canh gác, cấm đi ra ngoài. Các cuộc gặp gỡ của những người bảo vệ nhân quyền hầu hết đều bị cản phá.

Báo cáo vi phạm nhân quyền năm nay được thu thập dữ liệu qua mạng lưới hội viên Hội CTNLT, các nhà hoạt động và trực tiếp từ các nạn nhân. Báo cáo chỉ thống kê các trường hợp nghiêm trọng và đã kiểm chứng nên chắc còn nhiều trường hợp không được biết đến và không thể liệt kê.

Hội CTNLT Việt Nam kêu gọi nhà cầm quyền VN hãy tôn trọng các quyền căn bản trong Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà VN đã cam kết. Trong đó, bao gồm những quyền về tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, tự do đi lại và tụ họp ôn hòa.

Hội CTNLT kêu gọi các nước đối tác thương mại với VN, cần đặt vấn đề nhân quyền trong trao đổi thương mại, yêu cầu VN thừa nhận các tổ chức xã hội dân sự độc lập và tạo điều kiện cho tiếng nói phản biện xã hội được cất lên một cách tự do.

Email: prisonersofconscience@fvpoc.org

Facebook: https://www.facebook.com/cuutunhanluongtam

Website: http://fvpoc.org/

=====================

NHỮNG VỤ ĐÀN ÁP NỔI BẬT

  1. Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên bị cấm xuất cảnh

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên bị cấm xuất cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh vào chiều tối ngày 13/1/2017 khi đưa người thân ra nước ngoài khám chữa bệnh.

Chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do khi còn bị giữ tại Cửa khẩu Mộc bài, bà Phạm Thanh Nghiên cho biết: “Tôi đang ở cửa khẩu Mộc Bài, tôi đưa ba tôi sang Bangkok để chữa bệnh, đồng thời đi thăm em trai và em gái đằng chồng nhà tôi. Nhưng mà tự nhiên họ nói với tôi là tôi thuộc diện cấm xuất cảnh. Tôi hỏi lý do thì họ không nói được.”

Bà Phạm Thanh Nghiên, 38 tuổi là cựu tù nhân lương tâm. Bà bị bắt vào tháng 8 năm 2009; đến tháng giêng năm 2010 bị đưa ra xét xử với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước và bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.

  1. Công an Nghệ An bắt cóc cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai

Vào khoảng 22 giờ tối 19 tháng 01 năm 2017, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã huy động khoảng 20 công an, an ninh mặc thường phục, mai phục trong rừng bắt cóc cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, khi anh đang trên đường đánh cá về để bán dịp Tết Nguyên Đán 2017.

Theo thông tin từ vợ anh Nguyễn Văn Oai cho biết: “ông Nguyễn Xuân Doãn, trưởng công an xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An vừa đến báo cho gia đình biết là anh Oai đã bị công an tỉnh Nghệ An bắt cóc với 2 tội danh gồm: chống người thi hành công vụ, và không thi hành bản án quản chế mà phía công an tỉnh Nghệ An đã cáo buộc cho anh.”

Cựu TNLT Nguyễn Văn Oai từng bị nhà cầm quyền Nghệ An kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế tại địa phương về tội danh “hoạt động lật đổ chính quyền” theo điều 79, bộ luật hình sự và mãn hạn tù vào ngày 02/08/2015.

Được biết, kể từ sau khi mãn hạn tù, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An luôn cho công an mặc thường phục theo dõi, sách nhiễu, khủng bố tinh thần và nhiều lần “triệt để” hoạt động làm kinh tế gia đình anh.

  1. Ông Huỳnh Công Thuận bị đánh

Sáng 19/1/2017 khi tình nguyện viên phòng Công Lý & Hòa Bình là Huỳnh Công Thuận chạy xe đi làm, thì bị nhóm côn đồ ngang nhiên chặn đường đánh và đập xe.
Sáng sớm khi Cô giáo Thanh Hải đi tập thể dục đã thấy những kẻ lạ rình rập ngoài đầu ngỏ, khi ông Thuận bắt đầu dẫn xe ra thấy một đám đông ở đầu đường, nghi ngờ ông Thuận đã gọi báo ngay đến trưởng công an phường Phú Hữu, quận 9 là Trung tá Lê Hữu Anh Tuấn (0903775769), ông Tuấn nghe điện thoại nhưng hoàn toàn không có biện pháp. Ông Thuận bị đạp ngã xe, ông vừa chạy vừa kêu, nhưng bọn tấn công còn thách thức, và bị đánh tiếp bằng tay, bằng chỏ, cả bằng cây. Ông đành bỏ chạy trở vào nhà mình.

  1. Việt Nam bắt bà Trần Thị Nga

Trần Thị Nga, một người có tiếng nói trái chiều với chính quyền, bị bắt tại tỉnh Hà Nam hôm 21/1 về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo truyền thông Việt Nam.

Một đoạn video về vụ bắt giữ lan truyền trên mạng xã hội cho thấy bà Nga bị hai người phụ nữ mặc thường phục giữ tay trong khi nghe nhân viên công an tỉnh Hà Nam mặc đồng phục đọc lệnh bắt.

Đoạn phim ngắn cũng cho thấy nhân viên thi hành công lực mở và nghe các đoạn clip dường như được đăng trên Facebook của bà Nga.

Trên trang Facebook được cho là của bà Nga, có thể thấy các hình ảnh bà từng xuống đường tuần hành vì môi trường sau thảm họa do công ty Đài Loan Formosa gây ra ở miền Trung, cũng như phản đối các hành động của Trung Quốc ở biển Đông.

  1. Nguyễn Văn Hóa bị bắt theo Điều 258

Một người từng thông tin về thảm họa môi trường và những cuộc biểu tình của người dân phản đối nhà máy gây ô nhiễm, anh Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị câu lưu (11/1) để điều tra với cáo buộc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ làm hại quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân…’ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Gia đình của anh Nguyễn Văn Hoá, cho biết chính thức nhận được giấy với nội dung như trên từ công an xã Kỳ Khang. Bà Dương thị Thanh, mẹ của người đang được thông báo bị tạm giữ để điều tra cho biết: “Tôi ra xã hỏi về giấy đã nạp cho công an xã, huyện, tỉnh về trường hợp Hóa mất tích. Sau đó công an xã gửi vào một giấy nói tạm giữ.

  1. An ninh ngăn chặn Linh mục Phan Văn Lợi đi dâng lễ

Ngày 2/2 Linh mục Phan Văn Lợi tại Huế bị lực lượng an ninh thường phục chặn không cho đi dâng lễ với một số linh mục khác trong địa phận Huế.

Bản thân linh mục Phan Văn Lợi cho biết ông tiếp tục bị ngăn chặn trở lại sau 5 ngày tết vắng mặt lực lượng an ninh canh quanh nhà ông như lâu nay, nhất là trong hai tháng vừa qua.

Khi những người không mặc sắc phục cản trở việc đi lại của ông, linh mục Phan Văn Lợi có những yêu cầu và tranh luận cùng họ như sau:

“Tôi nói tôi đi làm lễ tại sao lại chặn tôi; các anh có phải công an không? Dĩ nhiên tôi biết họ là công an vì những tay này tôi từng thấy mặt trước đây rồi. Tôi yêu cầu đưa giấy tờ nhưng một tay ‘to xác’ nói chúng tôi đâu phải công an. Nhưng tôi nói lại các anh dù mặc thường phục nhưng là quân của thượng tá Trần Hồng Lam thuộc Công an Thừa Thiên- Huế. Ông này là sĩ quan công an lo về Công giáo tại Huế.

Theo nhận định của linh mục Phan Văn Lợi việc ông tiếp tục bị chặn có thể vì gần đây ông tiếp xúc với Đan Viện Thiên An, nơi đất đai của dòng tu này bị trưng dụng sau năm 1975 nhưng đến nay vẫn không được trả lại mà còn bị thu thêm.

  1. Người lên tiếng vụ Formosa bị hành hung

Một người tham gia lên tiếng về thảm họa môi trường do Formosa gây nên tại khu vực miền trung Việt Nam lại bị hành hung.

Tối 12/02, chị Nguyễn Thị Thái Lai bị 4 người đàn ông lao vào hành hung đến ngất đi khi chị đang đi ăn cùng một người bạn tại khu vực phường Vạn Thạnh (Nha Trang – Khánh Hòa). Vào chiều hôm 13 tháng 2 chị cho Đài Á Châu Tự Do biết:

Chị bây giờ vẫn còn đau, bị nó đá nó đấm từ trên mặt nó đá xuống người, cho nên bây giờ vẫn con đau và ê ẩm. Đây không phải là lần đầu tiên, năm ngoái chị cũng bị tụi nó đạp xe rồi. Bị triệu tập ra đồn chỉ có vấn đề là vì chị phản đối Trung Quốc và phản đối Formosa, chị xuống đường và viết bài. Bất kỳ ai ở xa tới mà chị đi gặp thì người ta sẽ đi theo và gây khó dễ. Bây giờ mình chỉ có tố cáo cái tội ác của họ cho công chúng thôi, còn họ bao che cho nhau, chị gọi điện trực tiếp cho công an tỉnh thì họ nó họ không biết và không làm việc này.

Sau khi sự việc xảy ra, chị có đến trụ sở công an phường Vạn Thạnh để trình báo thì nhìn thấy những người đánh đập chị đang đi lại ở trong và nói chuyện trao đổi gì đó với những người mặc trang phục công an. Chị Thái Lai cũng cho đài RFA biết đây là lần thứ 4 chị bị côn đồ hành hung.

  1. Nghệ An dùng các lực lượng an ninh ngăn cản người dân nạp đơn khởi kiện

Ngày 20/2/2017 Văn phòng Giáo Phận Vinh ra thông báo lên án chính quyền Nghệ An dùng các lực lượng an ninh ngăn cản người dân nạp đơn khởi kiện. Đó là vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân Việt Nam đã được các công ước Quốc tế, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo vệ. Hơn nữa, hành vi dùng bạo lực tấn công người dân một cách dã man và thô bạo của lực lượng an ninh đã xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và lòng tin của người dân.

  1. Mục sư Nguyễn Trung Tôn trình báo việc bị bắt cóc, đánh đập và cướp tài sản

Vào 12h trưa ngày 27-2-2017, tôi, Nguyễn Trung Tôn, và bạn tôi là Nguyễn Viết Tứ, cùng quê ở xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh hóa, đón tắc-xi từ nhà anh Tứ ra đường tránh thuộc địa bàn xã Quảng Thịnh thành phố Thanh Hóa để bắt xe đi vào Quảng Bình.

…Khi tôi và bạn tôi vừa bước xuống đường thì thấy có khoảng 7-8 nam thanh niên trạc 23 tới 27 tuổi đang đứng tại đó. Họ hỏi chúng tôi:  “Các anh về đâu, có đi xe ôm không?” Tôi vừa trả lời: “Đi Cồn Sẻ, vào đó hết bao nhiều tiền?”, ngay lập tức từ trong nhóm có một người vung tay đấm vào mặt tôi. Bị đánh bất ngờ, tôi không kịp phản ứng gì thì họ đã lôi hai chúng tôi lên một chiếc xe 7 chỗ màu trắng ngay phía sau tôi. Họ lột hết y phục, tư trang hành lý, rồi lấy áo của chúng tôi trùm đầu chúng tôi lại và dùng gậy sắt đánh liên tục vào người. Họ không hề nói lý do vì sao làm vậy. Xe của họ chuyển bánh và cứ thế họ vừa chạy xe vừa đánh chúng tôi. Trên xe có một tài xế và ít nhất 6 người nữa. 3 người đánh tôi và 3 người đánh anh Nguyễn Viết Tứ. Tôi không rõ họ chạy đường nào, nhưng khi tới một nơi rất vắng người qua lại, họ dừng xe và kéo tôi xuống khỏi xe. Tôi nhận ra đây là một triền núi giáp đường, có một mương bê tông thóat nước. Họ tiếp tục dùng gậy sắt đập vào thân thể tôi, lấy chân đi giày dẫm lên các ngón chân của tôi, rồi dùng gậy sắt đập lên mu bàn chân cho tới khi tóe máu. Lúc này chân tôi không thể cử động được.

Họ lại lôi tôi lên xe và chạy tiếp. Trên đường đi, thỉnh thoảng tôi nghe có tiếng chuông điện thoại. Mỗi lần như thế, họ lại dừng, xuống xe, đóng sập cửa để nghe điên thoại. Trong những lần như vậy, tôi cố gắng lắng tai xem họ nói gì, nhưng chỉ lõm bõm nghe được câu: “Bây giờ xử lý sao đây hả sếp?” Tới một đoạn vắng khác, họ lại dừng xe và kéo bạn tôi xuống đường để đánh giống như đã đánh tôi. Có lúc họ nói với nhau: “Đi qua một hồ nào đó thì quăng chúng xuống”. Qua những lời đe dọa của họ, tôi nhận ra ít nhất 4 người nói giọng Thanh Hóa, 2 người nói giọng Hà Tĩnh và Quảng Bình. Họ đưa chúng tôi tới một khu rừng cao su hoang vắng, quay đầu xe rồi lôi chúng tôi xuống, tiếp tục đánh đập rồi vứt đó, trong tình trạng thương tích đầy người, thân thể lõa lồ, tay chân bị trói và trời rất lạnh…”

  1. Linh mục JB Nguyễn Đình Thục gửi đơn tố cáo và yêu cầu khởi kiện nhà cầm quyền CSVN Nghệ An

Vào ngày 03 tháng 03 năm 2017, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục, cha chánh xứ Song Ngọc ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã viết đơn tố cáo và yêu cầu khởi kiện nhà cầm quyền Nghệ An, vì đã có hành vi ngăn cản, hành hung, đánh đập và cướp tài sản của người dân khi đi nạp đơn khởi kiện Formosa hôm 14/02/2017 vừa qua.

Linh mục Thục cho biết: “…Sự kiện ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra đã làm ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu và các cơ quan chức năng cũng đã hứa đền bù cho bà con. Tuy nhiên, khi bà con thống kê thiệt hại để yêu cầu đền bù thì cán bộ đã lật lộng nên bắt buộc bà con phải tiến hành nộp đơn kiện Formosa theo luật định. Tuy nhiên, trong ngày đi nộp đơn kiện 14/02/2017 thì lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã tìm mọi cách ngăn cản, đàn áp, đánh đập và bắt bớ bà con ngư dân. Chính vì vậy, hôm nay tôi gửi đơn tố cáo các cá nhân, cấp lãnh đạo tỉnh Nghệ An hành xử thô bạo trái pháp luật…”

Trong đơn tố cáo, Linh mục Thục cho biết: “…Tuyên bố lên án và tố cáo hành động đàn áp bằng bạo lực của chính quyền tỉnh Nghệ An đối với những người dân thực hiện quyền cơ bản của công dân theo luật định, đồng thời phản đối và tố cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các phương tiện truyền thông vu khống và bôi nhọ chúng tôi bằng cách bóp méo sự thật…

  1. Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển bị bắt vì đưa video clip lên mạng xã hội

Báo chí nhà nước ngày 03.03.2017 đưa tin việc cơ quan an ninh điều tra, công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ 2 ông Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển vì “hành vi làm, phát tán nhiều clip có nội dung xấu lên mạng internet”.
Đông đảo công an đã ập vào khám xét, bắt khẩn cấp hai nhà hoạt động với cáo buộc vi phạm điều 88 – bộ luật hình sự vào khoảng chừng hơn 9:00 tối ngày 02.03.2017 và thu giữ nhiều đồ đạc trong nhà.
Cả hai nhà hoạt động này đều là thành viên Phong trào Chấn Hưng Nước Việt. Giai đoạn gần đây các buổi trò chuyện trực tuyến của họ bàn nhiều vấn đề mà nhà cầm quyền cho là “nhạy cảm” như là chuyện Hồ Chí Minh, Formosa, và vai trò độc tôn lãnh đạo của cộng sản.

  1. Hai bạn trẻ bị đánh vào ngày 5/3 khi xuống đường.

Nguyen Peng gặp và phỏng vấn người biểu tình vì môi trường bị đánh đập. Bạn Trường Sang và Chị Ly chia sẻ quan điểm của minhf rằng “nhà cầm quyền Việt Nam còn gây ô nhiễm môi trường thì các bạn các bạn vẫn tiếp tục đấu tranh dành lại môi trường sạch cho Nhân Dân VN.”

Ly đã phát các tờ rơi tiếng Anh cho người nước ngoài hiểu vấn đề môi trường bị ô nhiễm. Lương Trường Sang lấy thân mình che cho các nữ biểu tình viên bị lực lượng an ninh đánh đập.

  1. Tri ân cũng bị bắt tại công an phường 2 – Vũng Tàu.

Khoảng 8g sáng ngày 10-3-2017 lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ bị thảm sát ở Gạc Ma năm 1988 tại bờ biển Vũng Tàu. Mở đầu ngày đầu tiên trong 7 ngày tưởng niệm từ ngày 10 -3 đến ngày 17-3 -2017 do nhóm anh chị em của CLB Lê Hiếu Đằng tổ chức.

Sau khi thả vòng hoa, khoảng 50 CSCĐ, dân phòng, công an kéo đến đặc kín. Chúng bắt nhóm tưởng niệm về CA phường 2, tp Vũng Tàu. Nhà báo Sương Quỳnh kể cảnh mọi người bị bắt: “tôi nghĩ mình không thể để Tâm kế một mình bị bắt được, tôi vừa chụp hình cảnh bắt Tâm kế, tôi vừa đi lại gần Tâm Kế. Đúng lúc đó gần chục công an thường phục, dân phòng, công an mặc quân phục xúm quây lấy tôi, bốn năm người bẻ tay, cướp điện thoại của tôi. Một người mặc áo đen, tôi đoán là an ninh thành phố chỉ xe đỏ nói: lên xe về đồn. Đúng lúc đó một xe thùng màu trắng, loại xe hay đi hốt đồ của những người bán hè phố đến. Họ bắt tôi lên xe này. Tôi nói tôi lên xe đỏ, không lên xe này. Một công an già , lùn, nói giọng Nghệ An đeo hàm trung tá (sau này tôi biết là đồn phó phường 2 khi ông này xưng danh với các thành viên CLB LHĐ đến đồn đòi tự do cho tôi) ông này quát tôi: Mày phải lên xe này. Và mấy AN mặc thường phục xúm vào lôi tôi lên xe…”.

An ninh đưa Sương Quynh ra Bà Rịa, thả ven đường, trả lại điện thoại sau khi đã bị nhúng ướt sũng.

  1. Nhà cầm quyền Huế tiếp tục quấy phá Đan Viện Thiên An

Ngày 13.03.2017, trang mạng GNsP (Tin Mừng Cho Người Nghèo) đưa tin Đan viện Thiên An tiếp tục bị nhà cầm quyền CSVN sách nhiễu và xâm phạm nội vi, chửi bới và đe dọa các Đan sĩ đang sinh sống tại đây.

Các tu sĩ cho biết những ngày gần đây khi các tu sĩ canh vườn cam như thường lệ thì bị một nhóm côn đồ khoảng hơn 10 người chạy nẹt bô xe máy gầm rú xung quanh vườn, đột nhập vào quấy rối, khiêu khích thô tục làm ảnh hưởng đến đời sống tu sĩ nơi đây.

Bên cạnh khuôn viên tượng Chúa Giêsu chịu nạn, các Đan sĩ dựng tạm một căn nhà nhỏ lợp mái tôn đơn sơ cho khách hành hương dừng chân, nghỉ mệt. Tuy nhiên, ngôi nhà nhỏ tềnh toàng luôn bị “ngập nước” mỗi khi trời đổ cơn mưa. Do vậy, các Đan sĩ quyết định cho máy xúc cào đất, san bằng khu vực nhỏ này, tạo một khuôn viên có nơi cầu nguyện thoáng mát hơn, có nơi dừng chân tốt hơn cho khách hành hương.

Thế nhưng, nhà cầm quyền địa phương đã tự tiện xông thẳng vào nội vi Đan viện, ngăn cản công việc của các Đan sĩ. Giới chức cho rằng, các Đan sĩ muốn làm gì trên khu đất thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An đều phải “xin phép”!

Sự việc căng thẳng xảy ra vào cuối năm 2015, khi các Đan sĩ cho dựng cây Thánh Giá, thì nhà cầm quyền CSVN tại Huế đã huy động lực lượng tự tiện xông vào nội vi Đan viện Thiên An tháo dỡ, đập nát Tượng Chúa Giêsu chịu nạn và bỏ vào rừng sâu. Sau đó, Tượng Thánh được các Đan sĩ tìm thấy, với thân thể Chúa Giêsu gẫy làm ba khúc, hai bàn tay bể vụn được mang về, để lại nơi cũ. Biến cố tượng Chúa Giêsu chịu nạn bị đập nát trở thành một trong những nơi mà khách hành hương từ Bắc vào Nam đổ về, để thăm viếng Đan Viện và nguyện cầu trong suốt thời gian qua.

  1. Đỗ Thanh Vân và Dũng Phi Hổ bị đánh

Ngay khi hay tin một người bạn bị bắt giữ ở phường Bách Khoa, Hà Nội, Dũng Phi Hổ và Đỗ Thanh Vân đến tìm thì bị những người mặc thường phục, cựu chiến binh, côn đồ hành hung trước mặt công an phường. Sự việc bắt bớ này xảy ra sau khi nhóm Dũng Phi Hổ tưởng niệm ôn hòa các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ Gạc Ma năm 1988.

  1. Ba nhà hoạt động nữ bị công an bắt giữ, hành hung vì biểu tình kêu gọi bảo vệ quyền trẻ em

Vào sáng ngày 16 tháng 3 năm 2017, ba nhà hoạt động xã hội gồm: Lê Bảo Nhi, Nguyễn Thị Bích Ngà và Nguyễn Thanh Loan đã bị công an quận Thủ Đức, Tp HCM bắt giữ và hành hung, khi chuẩn bị biểu tình trước cổng Trường học Lương Thế Vinh để kêu gọi cộng đồng quan tâm đến quyền bảo vệ trẻ em, và yêu cầu nhà cầm quyền xử đúng pháp luật những kẻ “dâm ô trẻ em” trong thời gian qua.

Được biết, theo kế hoạch ban đầu, một số chị em phụ nữ sẽ đến trước cổng trường học Lương Thế Vinh ở quận Thủ Đức, Tp HCM nơi nghi có 1 bé nhỏ bị ấu dâm để căng biểu ngữ kêu gọi nghiêm trị những kẻ phạm tội ấu dâm. Nhưng khi vừa tới nơi thì xe công an đã đứng chờ sẵn, xung quanh dày đặc an ninh. Một số thấy không ổn đã tự rút đi nơi khác.

Đến 21 giờ cùng ngày, công an quận Thủ Đức đã thả tự do cho ba nhà hoạt động xã hội nói trên. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thanh Loan đã phải nhập viện ở bệnh viện Gò Vấp, Tp HCM do công an quận Thủ Đức đánh đập và hành hung.

Trên facebook cá nhân, chị Nguyễn Thị Bích Ngà cho biết: “Tôi và chị Lê Bảo Nhi, Nguyễn Thanh Loan lên xe, vừa từ ngã tư Thủ Đức rẽ vào đường Thống Nhất thì bị rất đông những người mặc thường phục chặn xe, lôi ba chúng tôi xuống xe, không cho đụng vào điện thoại hòng ngăn chặn thông tin bắt người. Họ tống chúng tôi lên xe cảnh sát chở thẳng về phường Linh Đông. Chị Nhi và Loan bị đẩy vào ghế trên xe, tôi bị đẩy lên thùng xe phía sau với hai người ngồi kèm. Một người trung niên liên tục quát nạt bắt tôi đưa điện thoại, tôi bảo, “Đó là tài sản cá nhân, anh không có quyền.” Anh ta quát, “Mày có lấy điện thoại ra không? Mày có tin là tao văn cổ mày không?”… Về đồn, tôi và chị Nhi, Loan bị tách ra ba phòng riêng. Họ hỏi về việc đi biểu tình và thay phiên nhau diễn trò good cop, bad cop. Hỏi đi hỏi lại, hỏi tới hỏi lui, và hỏi khôn hỏi ngu đủ cả, nhằm lấy thông tin. Lý do họ bắt là ngăn không cho chúng tôi đi đến trường Lương Thế Vinh để biểu tình.”

  1. Phan Kim Khánh và Bùi Hiếu Võ bị bắt vì tuyên truyền chống nhà nước VN

Bộ Công an vừa bắt hai người để điều tra về tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 bộ Luật Hình sự, website Bộ Công an đưa tin hôm thứ Tư ngày 22/3.

Bùi Hiếu Võ, sinh năm 1962, sống ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh bị bắt hôm 17/3. Theo trang tin của Bộ Công an, từ tháng 5/2015, người này đã lập tại khoản Facebook có tên “Hieu Bui” và đăng nhiều thông tin “có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, phỉ báng” nhà nước.

Ông Võ bị cáo buộc đã “kích động sử dụng bom xăng và axit tấn công lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an” và “móc nối” với thành viên của tổ chức Việt Tân tại Úc để trao đổi và quản trị trang facebook “Hieu Bui”.

Anh Phan Kim Khánh, sinh năm 1993, sống ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, bị Công an thành phố Thái Nguyên bắt hôm 21/3. Ông Khánh bị cáo buộc đã lập và quản trị một số trang blog, Facebook và YouTube với nhiều nội dung “bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

  1. Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý bị nhà cầm quyền khủng bố nhân ngày giỗ đức Huỳnh Giáo Chủ

Vào ngày 20 tháng 3 năm 2017, tức ngày 25/02 âm lịch, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã khủng bố, ngăn cản các tín đồ phật giáo hoà hảo thuần tuý trên địa bàn các tỉnh Đông Tháp, An Giang, Vĩnh Long tổ chức ngày lễ giổ đức Huỳnh Giáo Chủ.

Được biết, trước đó nhà cầm quyền đã thông báo cho các tín đồ, các trị sự trong đạo không được ra khỏi nhà hay vắng mặt tại địa phương từ ngày 20-25/02 âm lịch (tức từ ngày 17-22/3/2017).

Tại Vĩnh Long, rạng sáng ngày 20/3/2017, hai gia đình ông Bùi Văn Luốt, Nguyễn Ngọc Tân đã bị ném “hỗn hợp” gồm hột vịt thúi, nhớt, nước sơn vào nhà. Vào lúc 15 giờ ngày 20/3/2017 phái đoàn gồm đoàn thể, mặt trận, Uỷ ban nhân dân xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh đến thông báo cấm không cho ông Lê Văn Sóc- Phó Hội Trưởng Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý ra khỏi nhà, và cũng ngăn cấm tu họp các địa phương khác đến. Cũng chiều 20/3/2017 công an tỉnh Vĩnh Long đã đến từng tư gia các Trị Sự Viên gồm ông Bùi Văn Luốt, Nguyễn Ngọc ,Nguyễn Quốc Trung, ông Quách Hồng Phúc để thông báo cấm về An Giang dự lễ, ở nhà không được tự họp đông người và treo băng rôn cho ngày lễ.

Đến sáng nay 21/3, cũng chính lực lượng trên do tên Quan công an phòng an ninh tỉnh Vĩnh Long đã đến cướp băng rôn nhà ông Luốt và ông Tân.

  1. Nữ hoạt động Hồng Thái Hoàng bị xịt hơi cay vào mặt

Ngày 13/4/2017 trong lúc đang mua đồ ngoài chợ, Hồng Thái Hoàng bị người lạ xịt vào mặt chất lỏng cay, nóng, rồi bỏ chạy. Chị Hoàng khẳng định đây là trò trả thù của công an do chị thường choàng cờ vàng ba sọc đỏ trên người và phổ biến lá cờ trên facebook.

  1. Trần Hoàng Phúc và Huỳnh Thành Phát bị bắt và đánh đập

Trần Hoàng Phúc viết lại vụ tấn công trên facebook của mình: Khoảng 4 tháng sau khi chuyến đi miền Trung cứu trợ, gần đây mình trở lại thị trấn Ba Đồn, Quảng Bình, để xem xet tình hình và hỗ trợ cho thêm bà con, thăm các Cha trong vùng. Đến rạng sáng ngày 13/04/17, mình và em Huỳnh Thành Phát ra bến xe Xuân Truyền tầm khoảng 5g30 sáng để đi về Sài Gòn thì có một nhóm đối tượng 8 thanh niên đeo khẩu trang đi xe Inova màu đen 7 chỗ đến bến xe và bắt cóc chúng tôi. Bọn chúng tự nhận là nhóm côn đồ để xử lý chúng tôi.

Sau khi bắt chúng tôi, tám đối tượng bịt mặt (trùm đầu) chúng tôi để chúng tôi không thấy được đường đi và không thấy mặt chúng. Ngoài ra, chúng còn bịt mặt và đeo găng tay để không bị lộ. Chúng chở chúng tôi đi theo dọc đường, trên xe chúng thay phiên đánh chúng tôi. Tôi được nếm đòn đấm và tát vào mặt, đấm vào sườn và đùi với lực tương đương hai thanh niên với số lượng hàng trăm cái và tần suất liên tục, Huỳnh Thành Phát thì bị đám vào sườn và mặt. Trong lúc đánh, chúng còn liên tục văng tục và chửi rủa chúng tôi. Chúng lấy điện thoại và ví tiền của tôi và Huỳnh Thành Phát.

Trên đường di chuyển, nhóm côn đồ liên tục trao đổi, nhận lệnh từ cấp trên thông qua điện thoại… Chúng nhận lệnh từ cấp trên chở chúng tôi đi vòng vòng lên khu vực vùng núi, nơi hoang vắng để dễ hành sự ác độc.

Sau khi tới vùng núi, tên cầm đầu đeo găng tay ra tay trói chúng tôi lại, trùm đầu siết cổ, rồi lột hết đồ chúng tôi ra. Trên xe chúng thay phiên đánh đập dã man hơn bằng dây thắt lưng của tôi vào đầu gối và các vị trí trên đầu. Chúng lôi chúng tôi xuống xe, theo đường mòn lên núi khoảng 300m, tiếp tục đấm đá và đánh bằng thắt lưng khoảng 10 phút…bỏ chúng tôi lại giữa rừng Trường Sơn, không mảnh vải trên người, toàn bộ đồ đạc bị cướp sạch với thường tích không tưởng tượng nổi…

  1. Đỗ Thị Minh Hạnh bị câu lưu trái luật và nhà sau đó bị tạt mắm tôm.

Ngày 18/4 khi hay tin có ba người bạn bị bắt tại phường Cô Giang, Q1, nhóm các bạn gồm Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Bang, Thúy Quỳnh, Phương…đến ứng cứu. Tuy nhiên cả nhóm đều bị bắt và đưa đi các phường khác nhau của quận 1, tpHCM. Tất cả đều được thả sau 4 tiếng quấy nhiễu trong đồn.

Ngày 20/4 nhà Hạnh bị an ninh tra thù bằng cách ném mắm tôm.

  1. Linh mục Nguyễn Duy Tân bị cấm giảng lễ

Tỉnh Nghệ An yêu cầu các chức sắc tôn giáo ở giáo phận Vinh không cho linh mục Nguyễn Duy Tân tiến hành các lễ nghi tôn giáo tại xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An.

Yêu cầu đó được ghi trong công văn mang số 2829 gửi đi vào ngày 26 tháng 4. Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, do Phó chủ tịch Lê Văn Đại ký tên, gửi các vị chức sắc giáo phận Vinh gồm Giám mục Nguyễn Thái Hợp, hai linh mục Nguyễn Văn Vinh và Nguyễn Văn Đinh.

Trao đổi với chúng tôi về công văn này, linh mục Đặng Hữu Nam cho rằng nội dung tố giác linh mục Nguyễn Duy Tân trong công văn mang tính chất vu cáo. Ông nói:

“Yêu cầu tôi không cho linh mục Nguyễn Duy Tân giảng lễ tại nhà thờ giáo xứ Phú Yên nữa, là một điều hài hước. Bởi vì việc sinh hoạt của giáo hội là việc riêng, xã hội không thể can thiệp vào việc riêng của giáo hội. Việc bảo rằng người ta ra lệnh cho tôi không cho linh mục Tân đến dâng lễ tại tôi, cái điều đó có hài hước không khi tôi yêu cầu anh không cho người nào đó đến nhà anh?”

  1. Trương Dũng bị an ninh thường phục đánh giữa ban ngày

Ngày 30/4/2017, một số anh chị em tổ chức biểu tình tại bến xe Mỹ Đình. Thì bất ngờ một tên côn đồ nhào ra gây hấn và tấn công anh Trương Dũng. Các biếu ngữ mọi người mang theo, mang dòng chữ “Đảng chọn dân hay chọn Formosa”, “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”…

  1. Lê Mỹ Hạnh và người bạn nữ bị “côn đồ” đánh

Tối 2.5, tại địa chỉ facebook Phan Hùng có đưa lên clip, trong đó ghi lại một cảnh hành hung chị Lê Mỹ Hạnh, kèm nội dung: “Màn chào mừng thành viên cờ vàng 3 sọc đỏ Lê Mỹ Hạnh tại đất Sài Gòn! Còn thằng 3 que nào muốn xuyên tạc, kích động, lăng mạ lãnh tụ, bạo loạn lật đổ nữa thì cứ lên tiếng.”

Chị Lê Mỹ Hạnh cho biết: “Ngày 1.5 chị từ Hà Nội vào Tp.HCM tham gia chuyến đi bộ xuyên Việt và đến ở cùng cô bạn; ngụ trong một chung cư nhỏ trên đường Trần Não, Q.2. Khoảng 15:00 chiều nay, mấy chị em đi ăn xong về, vào nhà chừng 10 phút thì nghe tiếng gõ cửa. Một cô gái trong phòng chạy ra mở, bất ngờ bên ngoài một nhóm người gồm 1 nữ và 4,5 thanh niên ập vào. Họ xịt hơi cay vô mặt cô gái và đấm đá túi bụi – trong clip bé này là người nhìn rõ mặt, ngã xuống.”

Lúc này, chị Lê Mỹ Hạnh la to lên, nhóm người lạ mặt bu lại xịt hơi cay, dùng giày và nón bảo hiểm quất vô mặt; khiến chị sốc, bị choáng hơi cay và ngất xỉu.

  1. Công an bắt nhà hoạt động Hoàng Bình, hàng ngàn Giáo dân Nghệ An chặn quốc lộ 1A phản đối

Vào khoảng 10:25 phút sáng ngày 15 tháng 5 năm 2017, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình đã bị công an Nghệ An bắt cóc khi vừa đến khu vực Đền Cuông thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Theo facebooker Chân Lý tường thuật lại cho biết: “khi chúng tôi vừa đến khu vực Đền Cuông thì công an giao thông ra lệnh dừng xe và nói yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Đúng lúc đó có bốn người mặc thường phục xông đến mở cửa xe oto và lôi anh Hoàng Bình xuống xe. Vì quá bất ngờ nên chúng tôi không kịp phản ứng nên Hoàng Bình đã bị họ bắt cóc và đưa đi đâu không rõ”.

Ngay sau khi Hoàng Bình bị bắt cóc, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc đã gọi điện cho các Linh mục và giáo dân xung quanh đến ứng cứu. Đến 11:30 trưa, có khoảng 4,000 người dân đã tập trung trên đường quốc lộ 1A đoạn qua khu vực xã Diễn Thịnh, Diễn An thuộc huyện Diễn Châu biểu tình nhằm yêu cầu nhà cầm quyền Nghệ An trả tự do cho Hoàng Bình.

  1. Một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo bị cắt cổ chết trong đồn công an

Một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo đã bị cắt cổ chết trong trụ sở công an, vì bị tình nghi may và phát tán Cờ Vàng VNCH. Nạn nhân là anh Nguyễn Hữu Tấn, sinh năm 1979 tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, bị chết vì nhiều vết thương trên đầu và cổ có nhiều vết cắt như đứt lìa khỏi cổ.

Cụ thể là vào khoảng 17 giờ ngày 2/5/2017, công an thị xã Bình Minh và công an tỉnh Vĩnh Long đã đưa khoảng 200 người bắt anh Nguyễn Hữu Tấn và khám xét nhà. Lý do là công an nghi ngờ anh có hành vi “lật đổ chế độ và tuyên truyền chống nhà nước” qua việc làm Cờ Vàng của chế độ VNCH.

Đến 11 giờ ngày 3/5/2017, gia đình anh Tấn đến công an tỉnh Vĩnh Long hỏi thăm về anh, công an cho biết anh Tấn đã chết vì tự dùng dao cắt cổ mình. Đến 18 giờ cùng ngày, công an chở xác anh Tấn về giao cho gia đình anh.

Gia đình anh Tấn cho biết, có thấy vết may trên cổ anh Tấn, gần như vết cắt đứt lìa, đầu có những nơi bị mềm ra. Theo ông Nguyễn Hữu Quân, bố của nạn nhân cho biết ông đã thấy máu loang đỏ đầy phòng điều tra, và ông hỏi công an là có phải anh Tấn đã bị cắt cổ họng. Công an đã không trả lời.

  1. Đấu tố Lm. Đặng Hữu Nam và Lm. Nguyễn Đình Thục

Ngày 8/5/2017, nhà cầm quyền Nghệ An đã tiến hành đấu tố hội động hai Linh mục An Tôn Đặng Hữu Nam và JB Nguyễn Đình Thục một cách quyết liệt. Giám đốc sở Giáo dục Nghệ An, Nguyễn Thị Kim Chi đã ép buộc học sinh phải đi biểu tình đấu tố cha Nam.

Nguy hiểm hơn, ông Lê Đức Thục, hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Đức Mầu đã đấu tố cha Nam trong buổi chào cờ sáng thứ hai đầu tuần trước hàng ngàn học sinh. Trong buổi đấu tố công khai, ông Thục đã quy chụp và dẫn dắt học sinh theo tư duy một chiều, bôi nhọ không chỉ Linh mục Nam mà cả người Công Giáo.

Sau đó, các linh mục trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu ra tuyên bố phản đối nhà cầm quyền dùng mọi phương tiện đấu tố, vu cáo, kết án Linh mục Anthony Đặng Hữu Nam và Linh mục J.B Nguyễn Đình Thục.

  1. Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Vương Văn Thả bị nhà cầm quyền tỉnh An Giang bắt giữ

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 18 tháng 5 năm 2017, ông Vương Văn Thả, một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo đã bị nhà cầm quyền tỉnh An Giang bắt giữ, và hiện nay cả gia đình vẫn bặt vô âm tín.

Một nguồn tin có mặt tại hiện trường cho biết: “ngay từ đêm 17/5/2017, nhà cầm quyền tỉnh An Giang đã huy động lực lượng công an mật phục quanh nhà ông Thả và không cho người dân qua lại. Đến khoảng 8 giờ sáng ngày 18/5/2017, lực lượng công quyền đã tiến hành bắt giữ ông Thả, và sau đó đưa lên một xe biển xanh, còn những người thân trong gia đình, Vương Văn Thuận, Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Nhật Thượng thì đưa lên một xe khác…”.

Vào năm 2013, ông Vương Văn Thả từng bị Công an tỉnh An Giang bắt giữ, với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật hình sự, với bản án 3 năm tù giam.

  1. Hội thảo Tự do Báo chí bị cản phá tại Hà Nội

Bộ Công an đã ngăn cản buổi hội thảo kỹ thuật quản lý truyền thông tại Hà Nội và cảnh cáo những người tham dự nếu cố tình tham dự rằng sẽ nhận “hậu quả nặng nề”. Dự tính có khoảng 20 người bảo vệ nhân quyền, blogger và nhà báo độc lập tham gia hội thảo. Chương trình do Defend the Defenders kết hợp với Liên đoàn quốc tế nhân quyền (FIDH) tổ chức vào ngày 21-22/5/2017.

Sáng ngày 20/5, lực lượng công an bắt đầu ngăn cản một số người chuẩn bị rời khỏi nhà của họ. Tại địa điểm hội thảo, công an cũng dàn quân canh phòng cẩn mật.

  1. Linh mục và giáo dân tại Văn Thai bị đe dọa, tấn công

Hằng trăm người sử dụng gạch đá cũng như mang theo hung khí gồm dao, tuýt sắt… đến giáo họ Văn Thai ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An vào tối ngày 30 tháng 5, tấn công, sách nhiễu giáo dân tại đó.

Tin cho biết nhiều nhà giáo dân bị ném đá vỡ cửa kính, khiến người trong nhà bị thương. Linh mục Nguyễn Đình Thục quản xứ Song Ngọc và giáo họ Văn Thai đến dâng lễ vào chiều ngày 30 tháng 5 đã phải ở lại vì sụ kiện hành hung này.

Cô Nguyễn Thị Trà chứng kiến vụ tấn công giáo dân nên lấy điện thoại ra quay, thì ngay lập tức bị an ninh giật điện thoại và hành hung. Công an báo với Ban Hành giáo Văn Thai đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hải để nhận người về. Một số giáo dân khi đến đó cũng dùng điện thoại quay hình và bị hành hung.

  1. Luật sư Lê Quốc Quân bị đe dọa sau khi gặp TNS John Mccain

Cựu tù nhân lương tâm, luật sư Lê Quốc Quân, cho biết vào sáng 8 tháng 6 ông bị chừng chục người mặc thường phục chặn tại cổng chính tòa nhà nơi gia đình ông đang sống, không cho phép đi đâu và gặp ai nếu không được nhóm người đó cho phép.

Luật sư Lê Quốc Quân đưa ra nhận định về vụ việc bị đe dọa mới nhất:

Bản chất sự việc ở đây là hôm trước tôi gặp (TNS) John Mccain và nó có nhắn tin gọi điện không được gặp, nhưng tôi nhắn tin lại bảo “John Mccain là một người bạn của Việt Nam và là ân nhân của tôi nên tôi phải đi gặp với tư cách là một người bạn, hôm đấy tôi cũng cho cả tùy viên chính trị Mỹ xem những tin nhắn của nó và người ta thấy chuyện ấy vì cuộc gặp rất là nhẹ nhàng, sau đó tôi post lên mạng và chính vì vậy hôm nay nó làm như thế ý là dằn mặt và không cho phép tôi đi gặp các viên chức chính trị và ngoại giao nước ngoài.

Theo Ls Quân, người đe dọa ông có tên là Thắng, đã phạm tội đe dọa giết người qui định tại điều 103 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

  1. Nhà hoạt động Nguyễn Đăng Vũ bị bắt giữ độc đoán và bị đánh đập bởi công an Việt Nam

Ngày 8/6/2017, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Đăng Vũ (còn gọi Nguyen Peng) đã bị bắt giữ một cách độc đoán bởi lực lượng công an ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, và bị đưa vào công an phường Tân Lập, nơi mà anh bị giam giữ và đánh đập trong 31 giờ. Cảnh sát đã tịch thu một số vật dụng cá nhân, kể cả điện thoại, trước khi ép anh lên xe bus và bắt quay về thành phố Hồ Chí Minh vào đêm hôm sau. Nguyễn Đăng Vũ cho biết anh không được cung cấp thức ăn trong suốt thời gian bị giam giữ.

Nguyễn Đăng Vũ đã tham gia một số cuộc biểu tình ôn hoà về quyền môi trường. Anh từng bị an ninh thành phố Hồ Chí Minh bắt khi biểu tình phản đối Formosa, và cũng bị côn đồ đánh lén hai lần vào năm 2016, và các vụ tấn công này có liên quan đến những hoạt động xã hội của anh.

  1. Biểu tình viên Huỳnh Anh Tuấn bị đánh thương tích trước công an phường

Sáng 25.06.2017 đã có một cuộc biểu tình nhỏ nổ ra tại khu vực ngã tư Plaza đường Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh nhằm phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 ở biển Đông. Ngay sau đó cuộc biểu tình đã bị công An Thành phố HCM đàn áp. Sau khi tin tức lan truyền trên mạng xã hội Facebook về trường hợp một gia đình mang theo con nhỏ là FB Phạm Minh Ngọc bị bắt và đưa về đồn công an phường 25 Quận Bình Thạnh – Trụ sở tại 340 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, thì đã có một số anh chị em chạy đến đồn CA để thăm hỏi. Anh Huỳnh Anh Tuấn là người sớm có mặt tại phường 25, khi mới vừa tới, thì anh bị hàng chục tên “côn đồ” mặc thường phục xúm vào đánh hội đồng. Bọn chúng đã dùng cây Ma Trắc có gắn đinh nhọn để đánh anh Tuấn như đánh kẻ thù.

  1. Việt Nam bắt giữ một nhà hoạt động trên facebook – Trần Hoàn Phúc

Trần Hoàng Phúc, 23 tuổi, ở tại Sài Gòn đã bị giam giữ ở Trại Tạm giam Số 1, Công an Thành phố Hà Nội với cáo buộc ‘tàng trữ tài liệu, làm, đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet’, theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Thông báo về việc ‘bắt bị can để tạm giam’ do đại tá Trần Quốc Khánh, phó thủ trưởng thường trực Cơ quan An Ninh Điều tra, Công an Thành phố Hà Nội ký đề ngày 3 tháng 7.

Bà Huỳnh thị Út, thân mẫu của bạn trẻ Trần Hoàng Phúc, xác nhận thông tin người con bị bắt từ ngày 29 tháng 6 và sau quá trình tìm kiếm, bà chính thức được tin: “Ngày 3 tháng 7 tôi đến làm việc với Công an Hà Nội thì mới được thông báo Phúc bị tạm giữ.”

Cựu tù chính trị Lê Thăng Long từ Sài Gòn nhận xét về hoạt động của Trần Hoàng Phúc:

“Trong thời  gian qua tôi có hợp tác, chia sẻ với em Phúc một số công việc trong lĩnh vực giáo dục, cũng như tư vấn về quản trị kinh doanh, quản trị chiến lược; Phúc là người trẻ hết sức nghiêm túc, trong sáng và có tinh thần yêu nước. Phúc làm mọi việc hết sức chuẩn mực và đúng luật nên chúng tôi rất bất ngờ khi biết tin từ mẹ Phúc là em bị tạm giam 4 tháng mà bà nhận được hôm qua.”

  1. Công an bắt bớ những người tuần hành vì môi trường

Sáng ngày 15/7/2017, một nhóm bạn trẻ 9 người đã thực hiện một cuộc đi bộ vì môi trường, với điểm xuất phát là Sài Gòn. Điểm đến của nhóm người này sẽ là Bình Thuận với mong muốn được “ôm biển một lần” trước khi vùng biển này bị hủy hoại bởi chất thải độc hại của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Với việc làm này, các bạn trẻ cũng muốn cảnh báo người dân về thảm họa môi trường đang tàn phá vùng biển cũng như đất nước Việt Nam. Đồng thời kêu gọi mọi người có trách nhiệm hơn, dũng cảm hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Các chuyên gia nhận định, nếu có thêm khoảng 1 triệu m3 chất thải của nhà máy nhiệt điện này đổ xuống xuống khu vực biển xã Vĩnh Tân, hệ sinh thái nơi này sẽ chịu hậu quả khôn lường.

Chọn trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật làm nơi xuất phát, các bạn trẻ vai mang ba lô có gắn kèm khẩu hiệu “Chúng tôi đi Bình Thuận ôm biển” và “Không thể đổ chất thải xuống biển”, họ bắt đầu cuộc đi bộ vì môi trường.

Khi đến đoạn ngã tư Thủ Đức hướng về công viên Suối Tiên, nhóm bạn này đã bị lực lượng công an ngăn cản, khủng bố và tất cả đều bị bắt giữ.

Điều đáng chú ý là công an đã tạo dựng hiện trường một vụ tại nạn giao thông để lấy cớ quy chụp các bạn trẻ “tụ tập gây rối trật tự nơi công cộng”. Sau đó áp giải tất cả các bạn trẻ về đồn công an các phường của quận 9.

  1. Bị đánh sau khi dự tưởng niệm Lưu Hiểu Ba

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình trong một tường trình tự thuật trực tuyến (live), bà Sương Quỳnh, người vừa dự buổi lễ tại nhà riêng của Giáo sư Tương Lai hôm 16/7/2017, đưa ra cáo buộc cho biết bà đã bị tấn công bởi một đám đông khi đi trên xe máy một mình:

“Họ đạp tôi ngã xuống xe, lập tức tôi la lên là ‘Cướp xe! Cướp xe! Nhưng cũng phải đến 5-6 người xông vào đánh tôi, đánh liên tục, đấm đá vào vai, vào lưng, vào tay tôi, đạp vào chân tôi. Tay tôi đang bị xước

“Và họ đánh vào đầu tôi, nhưng do có mũ bảo hiểm, tôi cũng bất ngờ. Mới đầu tôi cũng nghĩ là cướp, nhưng họ không đụng chạm gì đến xe của tôi cả… Nhưng xung quanh đấy người dân thấy tôi la như thế mà thấy chỉ có một mình tôi, nên họ xông ra cũng rất nhiều, có bốn, năm người họ mang gạch, ngói họ xông vào đánh mấy người kia… Thậm chí lúc ấy có người còn mang cả gậy gộc ra.

‘Lúc ấy tôi nghe thấy nói ‘Nhầm rồi, nhầm rồi, bọn tôi là Công an! Tôi là An ninh, bọn tôi đánh phản động!’. Nhưng người dân họ bất kể, họ không tin, họ vẫn xông vào họ đánh và đánh nhau rất là kinh khủng. Lúc ấy là người dân với cả (nhóm tấn công), và tôi không biết nhóm nào vào nhóm nào, họ đánh nhau.

“Lúc ấy tôi thấy lôi cả kiếm, cả gậy gộc ra, sau khi người dân họ túa ra họ lấy gậy gộc, đá nện… thì đám (tấn công) đó mới nhảy lên xe, hơn một chục người, họ lên xe và đi mất và tôi có nhìn thấy một người mà tôi rất quen mặt mặc áo đỏ, mà tôi cho đấy là an ninh thường xuyên theo dõi tôi, an ninh của Quận”, bà Sương Quỳnh nêu cáo buộc.

  1. Công an ngăn cản bạn bè thân hữu đến viếng tang thân phụ luật sư Nguyễn Văn Đài

Vào sáng ngày 24 tháng 7 năm 2017, nhà cầm quyền Tp Hà đã huy động lực lượng công an ngăn cản, sách nhiễu những bạn bè, chiến hữu của Luật sư Nguyễn Văn Đài đến thắp nhang, mang vòng hoa kính viếng, tiễn đưa linh cửu ông Nguyễn Văn Cấp, cah của Ls Đài, về nơi an nghỉ cuối cùng.

Anh Trịnh Bá Phương cho biết: “an ninh Hà Nội đã ngăn cấm những cửa hàng quanh khu vực nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội bán hoa cho những người bạn bè thân hữu Luật sư Nguyễn Văn Đài khi được chỉ mặt. Họ còn cướp giật, phá nát một số vòng hoa mà mọi người mang đến. Họ cũng ngăn cản tôi và một số người khi đến thắp nhang tiễn đưa thân phụ Luật sư Đài về nơi an nghỉ cuối cùng.”

  1. Lê Đình Lượng bị bắt với cáo buộc lật đổ

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng, tức facebooker Lỗ Ngọc, 52 tuổi, quê xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, bị Cơ quan An Ninh Điều Tra Công an tỉnh Nghệ An bắt khẩn cấp vào chiều ngày 24 tháng 7. Cáo buộc được đưa ra là có hành vi ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.’

Bản thân ông Lê Đình Lượng là một cựu chiến binh tham gia cuộc chiến Biên giới Phía Bắc. Trong thời gian gần đây, ông lên tiếng đấu tranh đòi hỏi môi trường biển sạch và bồi thường thỏa đáng cho người dân tại khu vực miền Trung, sau khi Formosa xả thải hóa chất độc hại ra biển khiến cá chết hằng loạt tác động nghiêm trọng đến sinh kế của nhiều người trong khu vực.

  1. Chính quyền Việt Nam bắt liên tiếp bốn nhà hoạt động

Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an đăng tin hôm 30/7 nói, bộ này đã bắt tạm giam các ông Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, và Nguyễn Bắc Truyển, căn cứ vào Điều 79 Bộ luật Hình sự.

Bộ Công an nói 4 người kể trên bị khởi tố và bắt tạm giam vì có vai trò trong vụ án mà bộ gọi là “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo lời bộ, vụ này “xảy ra tại Hà Nội và một số địa phương khác”.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ ông Trội nói với VOA rằng khoảng 30 nhân viên công an của bộ đã đến nơi ở của ông bà ở Hà Nội hồi 10h30 sáng ngày 30/7, đọc lệnh bắt khẩn cấp và khám nhà:

“Anh Trội lúc đấy khá bình tĩnh. Anh ấy phản đối hành động của Bộ Công an bắt anh ấy theo Điều 79. Đối với tôi, Bộ Công an bắt chồng tôi theo Điều 79 là hoàn toàn sai trái pháp luật Việt Nam, bởi vì anh Trội không làm điều gì âm mưu hay lật đổ chính quyền gì cả, anh ấy chỉ nói lên tiếng nói của người dân, với khát vọng về quyền tự do và nhân quyền cho đất nước Việt Nam”.

Khác với ông Trội, có tin ông Nguyễn Bắc Truyển đã bị đưa đi mất “như bị bắt cóc” ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong một video truyền trực tiếp trên mạng xã hội hồi chiều tối ngày 30/7, giờ Việt Nam, bà Bùi Thị Phượng, vợ ông Truyển, nói bà tin rằng công an đã bắt ông đi khi ông đợi bà ở bên ngoài nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở quận 3.

  1. Công an bắt ông Nguyễn Trung Trực vì tội ‘lật đổ chính quyền’

Công an Việt Nam đã bắt giam nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực tại tỉnh Quảng Bình hôm 4/8, theo tin từ gia đình ông. Khoảng 60 công an, an ninh vây quanh nhà, cách ly toàn bộ người dân xung quanh, sau đó tiến hành lục soát trong nhà và tịch thu một chiếc điện thoại của ông Trực, cho là tang vật để bắt ông.

Sau khi ông Nguyễn Trung Trực bị bắt, báo Công an Nhân dân hôm 4/8 viết rằng Nguyễn Trung Trực là một trong những đối tượng cầm đầu của Hội anh em dân chủ (AEDC) giữ vai trò cốt cán (là Trưởng Ban điều hành chi hội AEDC miền Trung; Trưởng Ban đào tạo của Hội AEDC; phát ngôn nhân của Hội AEDC) đã có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà bị bắt vào tháng 12/2015 tại Hà Nội theo điều 88 cuả Bộ luật Hình sự, tức “tuyên truyền chống nhà nước”, cả hai đều bị giam cho đến nay.

  1. Công an Nghệ An đánh đập, bắt đi nhiều người trong gia đình ông Lê Đình Lượng

Nguồn tin trên trang Facebook Thanh Niên Công Giáo cho hay, vào khoảng 2 giờ chiều Thứ Sáu, bạn hữu cùng gia đình bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông Lê Đình Lượng, đến trụ sở công an tỉnh Nghệ An để hỏi về việc tại sao gia đình chưa nhận được giấy tờ gì từ khi ông bị bắt giữ cho đến nay. Không biết vì lý do gì, các viên chức công an tại đây đã đàn áp gia đình ông Lượng, đánh đập một số người và bắt đi nhiều người.

Những người đã bị bắt gồm: bà Quý, vợ chồng con trai ông bà Lượng là Xoan Jery, Lê Đình Hiếu, cháu họ ông Lượng là anh Luyến, Lê Nhàn, và Pha Lê Tuyết.

Ông Lê Đình Lượng bị nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An bắt hôm 14 tháng 7 vừa qua, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 bộ luật hình sự của chế độ. Ông Lượng là một giáo dân thuộc giáo xứ Vĩnh Hòa, tỉnh Nghệ An, thường xuyên có mặt tại các cuộc biểu tình ôn hòa, tranh đấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ, chống Formosa và bảo vệ môi trường.

  1. Nguyễn văn Túc, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt

Một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, ông Nguyễn Văn Túc, một tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, vừa bị bắt ở Thái Bình vào sáng ngày 1 tháng 9.

Bà Bùi Thị Rề, vợ ông Nguyễn Văn Túc cho biết: “Khoảng 8 giờ 45 anh đi lên huyện, đang đi giữa đường thì nó vồ nó quắp lên xe đưa đi rồi, giờ không biết đưa đi đâu. Rồi là nó ập vào nhà tôi hàng mấy tram người, có mỗi một mình tôi ở nhà thế là nó bắt tôi ngồi ở ghế nó đọc lệnh khám nhà rồi nó đi khám xét hết nhà cửa từ sáng đến giờ, suốt một ngày nay.”

Theo cổng thông tin điện tử công an tỉnh Thái Bình, vào ngày 1/9 Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Túc về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79, Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Văn Túc năm nay 53 tuổi là người đã từng bị bắt hồi năm 2008 và bị kết án 4 năm tù theo điều 88 Bộ luật hình sự, tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông ra tù năm 2012.

  1. Một Linh mục Công giáo bị khủng bố

Sáng ngày 04 tháng 9 năm 2017, tại khuôn viên nhà thờ Thọ Hòa, Giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai, một nhóm khoảng 20 người, đứng đầu là tên Nguyễn Trọng Nghĩa, đã đột nhập vào nơi ở của Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân và thực hiện hành động khủng bố tinh thần, có thể nguy hiểm đến cả tính mạng.

Sự việc diễn ra trong buổi sáng, người dân trong giáo xứ và linh mục Tân phát hiện kịp thời nên đã tránh được tổn thất, đồng thời nhóm người khủng bố đã bị người dân nơi đây khống chế. Sau đó là sự xuất hiện của công an huyện Xuân Lộc và xã Xuân Thọ, thông tin trực tiếp cho thấy, công an không thực hiện những công việc cần thiết đối với nhóm người khủng bố đang thực hiện phạm tội quả tang.

Thông tin trực tiếp từ Facebook của Linh mục Tân quay tại hiện trường xác nhận nhóm người này có mang theo hung khí gây sát thương đó là súng ngắn và lựu đạn.

  1. Công an ra thông báo chính thức bắt nhà tranh đấu Nguyễn Viết Dũng

Công an tỉnh Nghệ An hôm 27/9 ra thông báo cho biết đã chính thức bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng, vì có hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước,” sau khi lan truyền tin nhà tranh đấu này đã bị một nhóm người mặc thường phục bắt cóc.

Ông Nguyễn Viết Dũng, với biệt danh trên mạng xã hội là Dũng Phi Hổ, từng bị tuyên 15 tháng tù hồi năm 2015 vì tội “Gây rối trật tự công cộng,” theo Điều 245 của Bộ Luật hình sự, sau khi tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội.

Trên mạng xã hội có tin nói rằng Nguyễn Viết Dũng đã thành lập “Đảng Cộng Hòa” và ‘Hội những người yêu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa’.

Được biết Nguyễn Viết Dũng thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 2004, có tin nói Dũng là thủ khoa ngành Công nghệ thông tin, nhưng bị đuổi học vào cuối năm 2006 do “tham gia biểu tình chống Trung Quốc.”

  1. Mục sư Thân Văn Trường bị cấm xuất cảnh sang Hoa Kỳ

Từ thành phố Hồ Chí Minh, mục sư Thân Văn Trường cho VOA biết: “Tôi đáp máy bay đi Mỹ, đi đến sân bay làm thủ tục thì phía an ninh họ ách lại, không cho đi. Họ nói lý do rằng tôi có thể xâm phạm đến an ninh quốc gia.”

Trong biên bản cấp cho mục sư ngày 3/10, công an cửa khẩu chỉ nói rằng họ “phát hiện ông Thân VănTrường là người thuộc diện chưa được xuất cảnh vì lý do an ninh.” Tuy nhiên, biên bản này không nêu cụ thể lý do an ninh gì.

Mục sư Trường nói ông được cấp thị thực du lịch Hoa Kỳ cùng vợ ông và bà thông gia, nhưng hai người kia thì không gặp trở ngại khi rời Việt Nam. Là mục sư theo Tin lành Baptist, năm nay 68 tuổi, ông Trường nói rằng đây là lần thứ hai ông bị cấm ra nước ngoài.

Bộ ngoại giao Hoa kỳ trong báo cáo Nhân quyền Việt Năm 2016 nói rằng các nhà tranh đấu, những người bất đồng chính kiến, các chức sắc tôn giáo, thường xuyên bị chính quyền Việt Nam cấm đi lại, cấm xuất cảnh, điển hình như mục sư Phạm Ngọc Thạch, luật sư Lê Công Định. Vào hồi tháng 6 năm nay, linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong thuộc phòng Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, cũng bị cấm xuất cảnh tại sân bay Nội Bài vì “lý do bảo vệ an ninh quốc gia.”

  1. Việt Nam bắt nhà hoạt động Trần Thị Xuân, triệu tập nhiều người khác

Chính quyền Việt Nam hôm 17/10 đã bắt giam nhà tranh đấu Trần Thị Xuân, 41 tuổi, thành viên của Hội Anh em Dân chủ tại Hà Tĩnh, theo tin từ gia đình.

Vào cuối ngày 18/10, ông Trần Quyết Tiến, anh của bà Xuân cho VOA biết gia đình vẫn chưa nhận được lệnh bắt, chỉ được chính quyền xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, thông báo qua điện thoại.

Ông Tiến nói về lý do bắt bà Xuân: “Lý do bắt rất vu vơ, không chứng cứ. Việc làm của em tôi trong cái làng không ảnh hưởng gì đến an ninh chính trị của đất nước cả. Em tôi chỉ có làm trưởng ban thanh niên của giáo xứ, hay đi gom ve chai, làm thiện nguyện, giúp người bị bão lụt, tặng quà cho người nghèo, neo đơn trong xã. Tôi chả thấy có tội gì mà để họ bắt cả. Việc này rất vô lý.”

Ông Tiến cho biết thêm bằng vào năm ngoái bà Xuân từng bị chính quyền tạm giam, thẩm vấn qua đêm, tịch thu điện thoại vì có tham gia Hội Anh em Dân chủ, và đăng bài ‘nói xấu’ chế độ trên Facebook. Nhưng kể từ đó, bà Xuân không còn bình luận trên mạng xã hội nữa, ông Tiến nói.

  1. Cựu tù nhân lương tâm Bùi Hằng bị Công an Hà Nội sách nhiễu

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng vào ngày 1 tháng 11 bị công an Hà Nội bắt, cưỡng đoạt điện thoại khi bà này đến thăm người thân tại thị xã Sơn Tây, thuộc Hà Nội.

Tin nêu rõ hai công an đến nhà người thân nơi bà Bùi thị Minh Hằng có mặt, yêu cầu kiểm tra hành chính vào lúc 2 giờ chiều ngày 1 tháng 11. Bà này sử dụng điện thoại di động để thu lại cảnh đó thì bị một nhóm gần chục người từ bên ngoài xông vào bắt đưa vào một chiếc xe bảy chỗ đậu gần ngôi nhà, rồi đưa đến trụ sở Công an Sơn Tây.

Tại đó bà bị lục soát, bị lấy điện thoại và ví tiền có 3 triệu đồng trong đó. Sau đó bà bị thẩm vấn bởi một viên chức tự xưng là thuộc Công An Hà Nội. Bà Bùi thị Minh Hằng từ chối trả lời những câu hỏi của viên công an nên bị bỏ một mình đến 8 giờ tối ngày 1 tháng 11, số công an trở lại yêu cầu bà ký biên bản nhưng bà từ chối. Cuối cùng họ đưa bà về trở lại nhà người thân ở Sơn Tây.

Công an yêu cầu bà Bùi Thị Minh Hằng trở lại làm việc trong ngày 2 tháng 11; tuy nhiên bà từ chối vì lý do sức khỏe.

  1. Phóng viên tự do Huyền Trang bị hành hung

Một phóng viên tự do chuyên viết tin bài cho mạng báo lề trái ‘Tin Mừng Cho Người Nghèo’, cô Huyền Trang, vào ngày 1 tháng 11 bị hành hung bởi thành phần lạ mặt sau khi tham dự lễ giỗ cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tại Nghĩa Trang Lái Thiêu, Bình Dương.

Cô kể lại vụ việc với Đài Á Châu Tự Do vào chiều tối ngày 2 tháng 11 như sau: “

Sau khi kết thúc Lễ của cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, thì tôi cùng các ông thương phế binh trở về Sài Gòn. Khi tôi leo lên được chiếc xe thì họ cố gắng hết sức họ kéo cánh cửa ra để lôi tôi ra khỏi, và ở bên ngoài họ đã dùng gạch họ đập vào cánh cửa xe, họ đã lao lên xe và đánh tới tấp vào màng tai cũng như vào đầu tôi. 

Bác sĩ nói là chấn thương phần mềm và phải theo dõi , nói chung đã cho thuốc uống rồi.”

  1. Nhiều vị tu hành, tín đồ tôn giáo bị công an bắt giam trong dịp APEC

Sư cô Đàm Thoa, Trụ trì chùa Non Đào, bị An ninh Thành phố HCM bắt cóc ngày 31.10 và bị giam một ngày, sau đó đêm 1.11 bị áp giải về nhốt ở chùa Non Đào, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tới 13.11 thì thoát ra được.

Sư Cô Đàm Thoa tố cáo bị an ninh bắt giam, cướp tài sản, khủng bố tinh thần một trong nhiều ngày.  Cư cô kể lại“ Tôi vào Vũng Tàu và Sài Gòn để thăm thầy Thích Không Tánh và Thích Vĩnh Phước thì bị bắt ngay tại bến xe Miền Đông, sau đó bị đưa về về Bắc Giang và bị giam lỏng 13 ngày tại chùa Non Đào. Công an trấn lột cướp phá hỏng điện thoại, laptop, tiền mặt khoảng 6 triệu và một số thứ lấy mất không trả. Công an Bắc Giang đối xử với tôi rất tệ, họ giam tôi trong một phòng, không cho ăn uống sinh hoạt và lên chùa cầu kinh. Nhưng họ lại dàn cảnh dựng hiện trương giả sau đó chụp hình quay phim là đối xử nhân đạo với tôi.Tôi tuyệt thực nên người ốm yếu xanh xao nhưng công an không cho đi viện để kiểm tra sức khỏe, sau đó, đến ngày thứ 13 thì họ thả lỏng và tôi mới được thoát nạn

Trong cùng diễn biến bắt bớ,  ngày 16.11.2017, trên trang Tin Tôn giáo đưa tin công an lại bắt một nữ tín đồ Phật giáo Hoà Hảo, vì bị cáo buộc có liên quan vụ phản đối công an ngăn chặn các tín đồ tới dự lễ giỗ tại nhà một tù nhân tôn giáo hồi tháng Tư. Bà Lê Thị Hạnh, 38 tuổi, bị công an huyện An Phú còng tay và dẫn đi vào lúc 7:30 sáng 13-11 trong khi bà đang bán bánh mì chay ở thị trấn An Phú.

Chiều cùng ngày công an đã thông báo cho gia đình biết bà Hạnh bị bắt vì tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 của Bộ Luật Hình sự. Công an giam giữ bà tại trại giam huyện An Phú, An Giang.

  1. Công an câu lưu 3 nhà hoạt động xã hội vì gặp phái đoàn EU

Công an Hà Nội đã câu lưu 3 nhà hoạt động xã hội vào trưa ngày 16 tháng 11 sau khi những người này có cuộc gặp và trao đổi với đại diện Liên minh châu Âu về vấn đề nhân quyền Việt Nam.

Những người bị câu lưu bao gồm Blogger Phạm Đoan Trang, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Bùi Thị Minh Hằng. Tiến sĩ Nguyễn Quang A và bà Bùi Thị Minh Hằng được thả ra sau đó vài tiếng.

Theo Luật Khoa tạp chí, một tạp chí do blogger Phạm Đoan Trang là người đồng sáng lập, công an đã áp tải Phạm Đoan Trang về nhà riêng của mình ở Hà Nội vào nửa đêm ngày 16/11 và cho người canh giữ cô. Công an cũng thu giữ những vật dụng riêng của Phạm Đoan Trang bao gồm máy tính, điện thoại. Trong quá trình bị tạm giữ cô không hề được liên hệ với bên ngoài.

Vào sáng ngày 17/11, bà Bùi Thị Minh Hằng cho đài Á Châu Tự Do biết về việc bắt giữ của công an đối với Phạm Đoan Trang như sau:

“Khi ở trong tòa nhà đi ra mọi người đều chủ quan thì chị và Đoan Trang đi về một hướng và chuẩn bị bước xuống tầng hầm kiếm gì ăn khi hai chị em khoác tay nhau đi ra, thi họ xô ra trên 20 người, họ đẩy vội chi lên xe mục đích tách rời chị với Đoan Trang ra, người họ muốn bắt chính là Đoan Trang, bởi vì trong thời gian qua phải nói đóng góp của Đoan Trang vào công việc này rất lớn, an ninh Việt Nam họ đang rất cay cú với Đoan Trang.”

Tổng cộng có bốn nhà hoạt động xã hội đã tham gia cuộc gặp với đại diện EU. Người thứ 4 là anh Nguyễn Chí Tuyến. Anh Tuyến sau đó lên Facebook cá nhân và cho biết anh đã về nhà an toàn sau cuộc gặp.

Thông cáo báo chí của Luật khoa Tạp chí hôm 17/11 lên án vụ bắt giữ, giam giữ tại gia của công an Hà Nội đối với blogger Phạm Đoan Trang, coi đây là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, đặt Đoan Trang vào tình thế cực kỳ nguy hiểm vì sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của cô đã bị ảnh hưởng, nhất là khi cô đang phải trải qua quá trình điều trị với vết thương ở chân.

  1. Phú Yên quyết định kỷ luật, xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi danh sách đoàn LS Phú Yên

Chiều nay 26.11, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đã ra quyết định kỷ luật, xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi danh sách đoàn LS Phú Yên với phiếu thuận là 66,66%

Luật sư Võ An Đôn (1977) là trưởng Văn phòng luật sư Võ An Đôn, tại tỉnh Phú Yên. Anh được biết đến nhiều khi tham gia một số vụ án được cho là nhạy cảm như các vụ kiện liên quan tới công an đánh chết người, dân oan, gần đây là vụ của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm).

Vào giữa tháng 8.2017, LS Võ An Đôn đã nhận được văn bản “Thông báo xem xét kỷ luật Luật sư” do Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Phú Yên Nguyễn Hương Quê ký. Theo văn bản đó, thì lý do là “Trên trang mạng xã hội facebook Đôn An Võ có nhiều bài viết nói xấu LS, đăng tải các clip phỏng vấn giữa LS Võ An Đôn với các đối tượng ở nước ngoài với các nội dung kích động, xuyên tạc không đúng sự thật gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và giới LS Việt Nam”.

  1. Công an tỉnh Khánh Hòa đánh đập dã man phụ nữ ngay sau phiên tòa Mẹ Nấm

Đoạn video ghi lại hôm xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm (30/11) cho thấy, hai viên an ninh thường phục xông đến đấm mạnh vào đầu và mặt của một phụ nữ trung niên, đấm trực diện vào mặt. Nạn nhân bị đánh là bà Trần Thị Thu Nguyệt, một người hoạt động xã hội từ Sài Gòn ra. Bà Nguyệt sau đó bị bắt giữ thô bạo và đưa về giam ở trụ sở công an phường Xương Huân, thành phố Nha Trang.

Nhiều người khác cũng bị đánh đập và bắt giam sau khi kết thúc phiên tòa như: chị Trịnh Kim Tiến, anh Nguyễn Công Thanh, anh Nguyễn Peng… Ngay cả mẹ ruột Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Tuyết Lan, cũng bị hành hung. Trước đó, bà Lan bị ngăn cản không cho tham dự phiên tòa xét xử con gái mình, dù bà là người có quyền lợi liên quan.

Thống kê thiệt hại tài sản do an ninh Khánh Hoà gây ra cho những người đến ủng hộ Mẹ Nấm trong phiên toà phúc thẩm:
1. Luật sư Đôn An Võ bị cướp 1 điện thoại smartphone.
2. Trịnh Kim Tiến bị cướp 1 điện thoại IPhone 6.
3. Nguyễn Peng bị cướp 2 điện thoại (1 Iphone 6 Plus & 1 điện thoại thường), bị lấy toàn bộ ví tiền gồm giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ xe, 100$ & 4 triệu người khác nhờ chuyển hộ.

  1. Linh Mục Nguyễn Đình Thục bị cấm xuất cảnh tại phi trường Tân Sơn Nhất

Linh mục JB Nguyễn Đình Thục vừa bị công an ở phi trường Tân Sơn Nhất  ngăn không cho đi dự phiên điều trần về nhân quyền Việt Nam ở Úc.

Linh mục chánh xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh, là một trong những người từ Việt Nam được mời dự phiên điều trần của Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Liên Bang Úc hôm 7 tháng 12. Ông là một trong các linh mục dẫn dắt các cuộc biểu tình của giáo dân và ngư dân miền Trung đòi bồi thường thiệt hại trong vụ Formosa hồi năm ngoái. BBC hôm Thứ Sáu 8 tháng 12 trích dẫn biên bản của công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất cho biết, Linh mục Nguyễn Đình Thục bị xem là “người thuộc diện chưa được xuất cảnh, theo đề nghị của công an tỉnh Nghệ An”. Biên bản này cũng yêu cầu linh mục liên lạc với công an tỉnh Nghệ An “để giải quyết”.

Linh mục Thục nhận định rằng “…Dù không biết phiên điều trần này sẽ có hiệu ứng hay tạo áp lực với Hà Nội đến đâu, nhưng các linh mục là nhân chứng phải lên tiếng để thế giới biết về tình hình tại Việt Nam…”.

Được biết ban tổ chức tại Quốc Hội Úc vẫn dành sẵn một chỗ ngồi trống với tấm bảng đề “Father Nguyen Dinh Thuc” trong suốt buổi điều trần.

  1. Một sự cản phá trắng trợn buổi buffet nhân quyền tại sài gòn

Theo Facebook Phạm Bá Hải, ngày 8/12, anh có mời 30 thân hữu dự buổi chiêu đãi buffet tại Shri – Rooftop Restaurant & Lounge, Lầu 23 Centec Tower, 72 – 74 Nguyễn Thi Minh Khai, Quận 3, Sài Gòn. Nội dung chương trình sẽ trao đổi với anh chị em quan tâm về chương trình học cửa nhân Human Rights.

Chiều 4g trước khi chương trình buffet bắt đầu (6g-9g tối), an ninh và công an địa phương đã vào nhà anh. Họ yêu cầu ở nhà và đóng chốt canh luôn ngay cổng mặc dù anh đã trình bày đây là bữa tiệc cá nhân và nội dung của nó không có gì gọi là bí mật. Sau một hồi gọi điện, họ bảo “anh ở nhà”, và nói thêm nếu anh có đi thì cũng không vào được nhà hàng. Gần 9g họ mới rời chốt canh.

Tại nhà hàng, họ ép nhà hàng đóng cửa và đưa lực lượng an ninh công an ngăn chặn khách mời lên phòng. Đã có sự tranh cải xảy ra giữa người tham gia và an ninh giả dạng nhân viên nhà hàng.

Những buổi nói chuyện thuận túy lý thuyết về quyền con người cũng bị xem là “nguy hại đến an ninh quốc gia” ở VN dưới thời cộng sản.

  1. Các linh mục và hoà thượng bị công an sách nhiễu trong ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12

Vào sáng ngày 10 tháng 12 năm 2017, các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn và hoà thượng Thích Không Tánh đã bị công an TPHCM ngăn chặn, sách nhiễu và không cho ra khỏi nhà trong ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12.

Linh mục Lê Ngọc Thanh cho biết: “Đoàn chúng tôi gồm có các Linh mục: Lê Xuân Lộc, Trương Hoàn Vũ, Bà Cố mẹ cha Thoại, phóng viên Huyền Trang, bác Hải,…. Dự kiến sẽ đi xuống giáo xứ Thọ Hoà để cùng với Linh mục Nguyễn Duy Tân dâng lễ nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Tuy nhiên, khi vừa đến địa điểm ngã tư giữa đường Hai Bà Trưng và Phạm Ngọc Thạch thì bị công an Quận 3 chặn lại, sách nhiễu, đòi kiểm tra giấy tờ, công an mặc thường phục dùng nón bảo hiểm đập vào đầu Cha Lộc. Sau đó, họ bắt chúng tôi và đưa chúng tôi về công an Quận 3 nằm ở đường Lê Văn Sỹ”.

Linh mục Thanh cho biết thêm: “Có một số bạn trẻ từ khắp nơi đã đến yêu cầu công an thả tự do cho chúng tôi về nhưng họ bảo phải chờ ý kiến lãnh đạo. Và sau đó, công an liên tục đập cửa kính xe đòi kiểm tra giấy tờ cá nhân của chúng tôi, nhưng chúng tôi nhất quyết không chịu mở cửa xe.”

Trong cùng một diễn biến khác, Linh mục Nguyễn Duy Tân, chánh xứ nhà thờ Thọ Hòa ở Xuân Lộc, Đồng Nai có mời Hòa Thượng Thích Không Tánh tham dự lễ Bổn Mạng Giao Xứ Thọ Hòa tổ chức ngày 10/12/2017. Tuy nhiên, khi Hòa Thượng vừa ra khỏi cổng chùa Giác Hoa ở Đường Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh, Tp HCM thì bị lực lượng công an khoảng hơn 10 người mặc thường phục xấn lại xô đẩy, ngăn cản hòa thượng một cách hung bạo. Hòa Thượng muốn ngất xỉu đành phải ngồi lại trong sân chùa nên không thể đi dự lễ, dù đã hẹn với quý Linh Mục ở Dòng Chúa Cứu Thế…. Được biết, một chú thị giả đi theo Hòa thượng, lấy điện thoại ra chụp hình thì bị 3, 4 công an nhào tới cướp mất điện thoại.

  1. Mùa Giáng sinh không lành ở giáo xứ Đông Kiều, Nghệ An

Sự việc diễn ra vào ngày 13 tháng 12 năm 2017 tại nhà thờ Giáo xứ Đông Kiều. Hàng chục công an, an ninh từ cấp xã tới cấp huyện ập về tấn công không cho Giáo xứ mừng đón Lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 tới đây. Phía nhà cầm quyền bắt dừng ngay công việc làm hang đá, đồng thời yêu cầu Giáo xứ phải dỡ bỏ Hang Đá trong vòng 24 giờ.

Diễn biến không dừng tại đó, khi màn đêm sập xuống, bầu trời nhá nhem tối, có một tốp thanh niên lạ mặt đã lén vào phá hai cổng chào mừng Giáng Sinh đầu đường vào giáo xứ Đông Kiều. Trong đó có Anh Hoàng Văn Thuận và anh Trần Văn Liên bị nhóm côn đồ này rút dao chém vào cánh tay và đầu chảy máu.

Cũng cần phải nhắc lại, các Giáo xứ và Giáo họ tại Giáo phận Vinh đã bị tấn công nhiều lần, Giáo xứ Đông Kiều liên tục bị đánh phá tài sản, tượng thờ. Ngày 30/10/2017, hai linh mục Phạm Xuân Kế và Nguyễn Ngọc Ngữ đã bị hội cờ đỏ này bao vây tại UBND xã Diễn Mỹ trong sự chứng kiến của hàng trăm công an sắc phục các loại.

  1. Công an Nghệ An tấn công Giáo xứ Kẻ Gai

Sáng ngày 17.12.2017 bà con giáo dân Giáo xứ Kẻ Gai – Giáo Phận Vinh đang chuẩn bị xây dựng một ngồi nhà thờ thuộc xã Hưng Thịnh – Hưng Nguyên – Nghệ An, để tách họ thì nhà cầm quyền Tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng Cảnh sát cơ động, công an, hội cờ đỏ đến quấy phá và đánh đập người dân.

Người dân ở Giáo xứ Kẻ Gai kể trong sự phẫn nộ: “Những kẻ tham gia đánh chúng tôi, chúng tôi biết rõ là được thuê từ Diễn Châu về. Trong khi chúng đang đi trên đường thì bỗng nhiên chúng [Hội cờ đỏ] ngang nhiên lao xuống đánh dân chúng tôi”

  1. Nhà Lm. Phan Văn Lợi bị ném chất bẩn

Tin từ Huế, Linh mục Phan Van Loi cho biết công an lại ném chất bẩn vào nhà cha Lợi đêm 19 rạng ngày 20-12-2017. Đây là lần thứ 4 trong hai năm nay. Chưa kể 6 lần đổ keo 502 vào ổ khóa cổng. Chắc là một kiểu “mừng Giáng Sinh” của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Những ngày cận kề Giáng sinh 2017, công sản Việt Nam gia tăng các hoạt động đàn áp, sách nhiễu các linh mục và giáo dân tại nhiều nơi.

  1. Thêm 5 người bị tù vì cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước

Tòa án nhân dân tỉnh An Giang hôm 21 tháng 12 năm 2017 tuyên phạt 5 người với tổng cộng hình phạt là 19 năm tù giam với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước, theo điều 88 Bộ luật hình sự của Việt Nam.

Theo cơ quan công an thì vào ngày 25 tháng 4 năm 2017, năm người này đã treo cờ vàng ba sọc đỏ của nước Việt Nam Cộng hòa, tức là miền Nam Việt Nam trước năm 1975, tại một số nơi trong Thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, với tổng cộng là 26 lá cờ. Báo chí nhà nước Việt Nam gọi lá cờ này là lá cờ của ngụy quyền, tức là một chính phủ không hợp pháp.

Năm người bị kết án lần lượt là ông Nguyễn Tấn An, 25 tuổi, bị năm năm tù giam, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, 38 tuổi, bốn năm tù giam, ông Nguyễn Ngọc Quí, 25 tuổi, bốn năm tù giam, ông Phạm Văn Trọng, 23 tuổi, ba năm tù giam, ông Nguyễn Thanh Bình, 23 tuổi, ba năm tù giam.

Trong số năm người bị kết án, ông Nguyễn Tấn An bị xem là người cầm đầu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo cơ quan công an thì ông An đã tổ chức trên mạng xã hội những tổ chức có tên là “Nghĩa quân An Giang”, “Tuổi trẻ An Giang”.

  1. Nhà hoạt động XHDS, Vũ Sỹ Hoàng, lỡ chuyến đi Mỹ vì “chưa được xuất cảnh”

Trưa ngày 26-12-2017, ông Vũ Sỹ Hoàng – một nhà hoạt động XHDS ở Sài Gòn bị lập biên bản “chưa giải quyết xuất cảnh” đồng thời tịch thu hộ chiếu khi ông có chuyến bay đi Mỹ để đoàn tụ gia đình.

Ông Vũ Sỹ Hoàng cho Đài Á Châu Tự Do biết, đây chính là cách để Công an Việt Nam sách nhiễu ông: “Tôi nghĩ là lúc trước tôi có tham gia vào Câu lạc bộ No-U SG, phản đối Formosa xả thải. Đồng thời tôi cũng tham gia vào Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Nhà báo độc lập để nói lên tiếng nói để ủng hộ quyền của người dân, ủng hộ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Chính vì vậy tôi cũng hay bị hạch sách, sách nhiễu. Đây chính là cách để họ sách nhiễu mình thôi!”

Hồi tháng 7/2017, bà Đỗ Ngọc Xuân Trầm cũng bị “chưa giải quyết xuất cảnh” khi về thăm gia đình. Tuy nhiên sau đó bà được giải quyết xuất cảnh vì áp lực của nhiều nơi. Bà Trầm là chị gái của nhà hoạt động công đoàn, cựu TNLT Đỗ Thị Minh Hạnh.

  1. Chín nhà hoạt động bị xét xử theo Điều 79 và Điều 88

Ngày 29/12 nhà nước VN đã đưa ra tòa xét xử 9 nhà hoạt động chính trị ôn hòa. Các bị cáo gồm: Tạ Tấn Lộc (sinh năm 1975, trú Quận 1, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Quang Thanh (sinh năm 1983, trú huyện Tiên Phước, Quảng Nam), Nguyễn Văn Nghĩa (sinh năm 1978, trú TP Mỹ Tho, Tiền Giang), Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1984, trú huyện Thái Thụy, Thái Bình); Huỳnh Hữu Đạt (sinh năm 1970), Đoàn Thị Bích Thủy (sinh năm 1972) Trương Thị Bích Ngọc (sinh năm 1994), Trương Thị Thu Hằng (sinh năm 1984, cùng trú TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và Phạm Long Đại (sinh năm 1996, trú thị xã Ayunpa, Gia Lai).

Theo cáo trạng, rạng sáng 16/2/2017, Huỳnh Hữu Đạt cùng các đối tượng đã in và phân công nhau rải tờ rơi ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Định nói xấu lãnh tụ, tuyên truyền kích động nhân dân lật đổ chính quyền.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Tạ Tấn Lộc, Nguyễn Quang Thanh cùng chịu mức án 14 năm tù giam; Huỳnh Hữu Đạt 13 năm tù giam; Nguyễn Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Tuấn cùng chịu án 12 năm tù giam; các bị cáo còn lại chịu mức án từ 3 năm đến 6 năm tù giam.

DANH SÁCH TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM 2017

(Danh sách không bao gồm người dân tộc thiểu số và các trường hợp không thể xác minh thông tin).

Stt Họ Và Tên Sinh Bị Bắt Án (Năm) Quảnchế Điều
Bùi Hiếu Võ 1962 17/3/2017 88
Bùi Thị Bích Tuyền 3 245, 257
Bùi Văn Thâm 1987 26/7/2017 6 245, 257
Bùi Văn Trung 1964 26/7/2017 6 245, 257
Cấn Thị Thêu 1962 20 tháng 245
Đào Quang Thực 1960 5/10/2017 79
Đinh Nguyên Kha 1988 11/10/2012 4 3 88
Đỗ Thị Hồng 1957 10/2/2012 13 79
Đoàn Đình Nam 1951 6/2/2012 16 79
Đoàn Thị Bích Thủy 1972 2/2017 (3-6) 88
Đoàn Văn Cư 1962 10/2/2012 14 79
Hoàng Đức Bình 1983 15/5/2017 14 257,258
Hồ Đức Hòa 1974 30/7/2012 13 5 79
Hồ Văn Hải (Bs. Hồ Hải) 1959 3/11/2016 4 2 88
Huỳnh Hữu Đạt 1970 2/2017 13 3 79
Huỳnh Thị Kim Quyên 1979 30/4/2017 4 2 88
Lê Duy Lộc 1956 5/2/2012 17 79
Lê Đình Lượng 1965 24/7/2017 79
Lê Đức Động 1983 5/2/2012 12 79
Lê Thanh Tùng 1961 14/12/2015 12 4 79
Lê Phúc 1951 5/2/2012 15 79
Lê Thị Hên 2 năm treo 245, 257
Lê Thị Hồng Hạnh 3 245, 257
Lê Thu Hà 1982 16/12/2015 88
Lê Trọng Cư 1966 5/2/2012 12 79
Lương Nhật Quang 1987 23/11/2012 12 79
Lưu Văn Vịnh 1967 6/11/2016 79
Ngô Hào 1948 8/2/2013 15 5 79
Ngô Thị Minh Ước 1957 8/7/2014 4 3 88
Nguyễn Bắc Truyển 1968 30/7/2017 79
Nguyễn Danh Dũng 1987 14/12/2016 258
Nguyễn Dinh 1968 23/11/2012 14 79
Nguyễn Đặng Minh Mẫn 1985 2/8/2011 8 4 79
Nguyễn Hoàng Nam 27/6/2017 4 245, 257
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 1981 23/2/2010 9 88
Nguyễn Hữu Vinh 1956 5/5/2014 5 258
Nguyễn Kỳ Lạc 1951 6/2/2012 16 79
Nguyễn Hữu Quốc Duy 1985 27/11/2015 3 88
Nguyễn Nam Phong 1980 28/11/2017 2 257
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 1979 10/10/2016 10 88
Nguyễn Ngọc Quý 1992 30/4/2017 4 2 88
Nguyễn Văn Thượng 1985 18/5/2017 6 88
Nguyễn Nhật Trường 1985 18/5/2017 6 88
Nguyễn Quang Thanh 1984 2/2017 14 79
Nguyễn Quốc Hoàn 11/2016 79
Nguyễn Tấn An 1992 30/4/2017 5 2 88
Nguyễn Thái Bình 1986 23/11/2012 12 79
Nguyễn Thanh Bình 1994 30/4/2017 3 2 88
Nguyễn Trung Tôn 1972 30/7/2017 79
Nguyễn Trung Trực 1974 4/8/2017 79
Nguyễn Văn Đài 1969 16/12/2015 88
Nguyễn Văn Điển 1983 3/3/2017 6.5 4 88
Nguyễn Văn Đức Độ 1975 6/11/2016 79
Nguyễn Văn Hóa 1995 8/1/2017 7 3 88
Nguyễn Văn Hữu 1957 17/7/2014  4 230
Nguyễn Văn Nghĩa 1978 2/2017 12 79
Nguyễn Văn Oai 1981 19/1/2017 257
Nguyễn Văn Tèo 11/2016 79
Nguyễn Văn Thiện 1961 6/8/2014 4 245
Nguyễn Văn Tuấn 1984 2/2017 12 79
Nguyễn Văn Túc 1966 1/9/2017 79
Nguyễn Viết Dũng 1986 27/9/2017 88
Phạm Thị Phượng 1945 15/4/2010 11 79
Phạm Long Đại 1996 2/2017 (3-6) 88
Phạm Văn Trội 1972 30/7/2017 79
Phạm Văn Trọng 1994 30/4/2017 3 2 88
Phan Kim Khánh 1993 21/3/2017 6 4 88
Phan Thanh Tường 1987 28/2/2012 10 79
Phan Thanh Ý 1948 23/11/2012 14 79
Phan Trung (Thích Nhật Huệ) 16/11/2016 79
Phan Văn Thu (Trần Công) 1948 5/2/2012 Chung thân 79
Tạ Khu 1947 6/2/2012 16 79
Tạ Tấn Lộc 1975 2/2017 14 79
Trần Anh Kim 1953 21/9/2015 13 5 79
Trần Hoàng Phúc 1994 29/6/2017 6 4 88
Trần Huỳnh Duy Thức 1966 24/5/2009 16 5 79
Trần Linh 11/2016 79
Trần Phi Dũng 1966 10/2/2012 13 79
Trần Quân 1984 10/2/2012 12 79
Trần Thị Bích Ngọc 1994 2/2017 (3-6) 88
Trần Thị Nga 1977 21/1/2017 9 5 88
Trần Thị Thúy 1971 10/8/2010 8 5 79
Trần Thị Xuân 1976 17/10/2017 79
Trương Thị Thu Hằng 1984 2/2017 (3-6) 88
Trương Minh Đức 1961 30/7/2017 79
Từ Công Nghĩa 11/2016 79
Từ Thiện Lương 1950 23/11/2012 16 79
Võ Ngọc Cư 1951 6/2/2012 16 79
Võ Thành Lê 1955 5/2/2012 16 79
Võ Tiết 1952 23/11/2012 16 79
Vũ Quang Thuận 1966 3/3/2017 8 5 88
Vương Tấn Sơn 1953 10/2/2012 17 258
Vương Văn Thả 1969 18/5/2017 12 88
Vương Thanh Thuận 1990 18/5/2017 7 88

 

DANH SÁCH BẮT GIAM 2015-2016-2017

2015 Tên Án tù (năm) Quản chế Điều luật
STT (năm)
1 Nguyễn Viết Dũng 12 tháng 245
2 Vũ Thị Hải 15 tháng 245
3 Đinh Tất Thắng 7 tháng 258
4 Trần Anh Kim 13 5 79
5 Lê Thanh Tùng 12 4 79
6 Nguyễn Hữu Quốc Duy 3 88
7 Nguyễn Hữu Thiên An 2 88
8 Nguyễn Văn Đài 88
9 Lê Thu Hà 88
2016 Tên Án tù (năm) Quản chế Điều luật
STT (năm)
1 Cân Thị Thêu 20 tháng 245
2 Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 88
3 Hồ Văn Hải  4  2 88
4 Lưu Văn Vịnh 79
5 Nguyễn Văn Đức Độ 79
6 Nguyễn Quốc Hoàn 79
7 Phan Trung 79
8 Từ Công Nghĩa 79
9 Trần Linh 79
10 Nguyễn Văn Tèo 79
11 Nguyễn Danh Dũng 258
2017 Tên Án tù (năm) Quản chế Điều luật
STT (năm)
1. Nguyễn Văn Hóa  7  3 258
2. Nguyễn Văn Oai 5 257
3. Trần Thị Nga 9 5 88
4. Vũ Quang Thuận  8  5 88
5. Nguyễn Văn Điển  6.5  4 88
6. Trần Hoàng Phúc 6 4 88
7. Bùi Hiếu Võ 88
8. Phan Kim Khánh  6  4 88
9. Hoàng Đức Bình  14 257, 258
10. Nguyễn Nam Phong  2 257
11. Vương Văn Thả  12 88
12. Vương Văn Thuận  7 88
13. Nguyễn Nhật Trường  6 88
14. Nguyễn Nhật Thượng  6 88
15. Bùi Văn Thâm 6 245, 257
16. Lê Thi Hồng Hạnh 3 245, 257
17. Lê Thị Hên 2 245, 257
18. Bùi Văn Trung 6 245, 257
19. Nguyễn Hoàng Nam 4 245, 257
20. Lê Đình Lượng 79
21. Phạm Văn Trội 79
22. Nguyễn Trung Tôn 79
23. Trương Minh Đức 79
24. Nguyễn Bắc Truyển 79
25. Nguyễn Trung Trực 79
26. Nguyễn Văn Túc 79
27. Nguyễn Viết Dũng 88
28. Đào Quang Thực 79
29. Trần Thị Xuân 79
30. Nguyễn Tấn An 5 2 88
31. Huỳnh Thị Kim Quyên 4 2 88
32. Nguyễn Ngọc Quý 4 2 88
33. Phạm Văn Trọng 3 2 88
34. Nguyễn Thanh Bình 3 2 88
35. Huỳnh Hữu Đạt 13 3 79
36. Tạ Tấn Lộc 14 79
37. Nguyễn Quang Thanh 14 79
38. Nguyễn Văn Nghĩa 12 79
39. Nguyễn Văn Tuấn 12 79
40. Phạm Long Đại (3-6) 88
41. Đoàn Thị Bích Thủy (3-6) 88
42. Trương Thị Thu Hằng (3-6) 88
43. Trần Thị Bích Ngọc (3-6) 88

 

(Hết)