Khi Luật an ninh mạng được thông qua: phản đối sẽ thành chống đối!

Trong khi người dân dồn sự chú ý cho đặc khu và vấn đề 99 năm, thì ngày 12.06 tới đây, Quốc Hội có thể thông qua Luật an ninh mạng.

Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 11/6/2018

Dự luật này không chỉ tác động đến bản thân 3 địa điểm, mà tác động đến chính tình hình chính trị – xã hội, không chỉ bản thân các NGO chính thống mà cả các tổ chức phi chính phủ độc lập; không chỉ các Facebooker mà còn có cả các nhà kinh doanh; không chỉ đối với chính trị mà còn có cả nền kinh tế.

Sức tác động của Luật an ninh mạng có thể được hiểu qua cụm từ: bắt bỏ tù tự do ngôn luận tại Việt nam hay ‘phản đối sẽ thành chống đối’.

Khi Luật này được thông qua, số tù nhân và người bị bắt phạt sẽ không chỉ dừng ở ngưỡng 100 người như hiện nay, mà sẽ tăng gấp hàng chục, hàng trăm lần. Lý do, mọi đối tượng đều có thể là ‘thủ phạm’.

Luật này sẽ khiến cho Luật biểu tình (nếu được hiện diện) sẽ không còn sức tác động; mạng xã hội Facebook sẽ giảm tính quyền lực truyền thông của nó; quá trình công an trị sẽ len lỏi vào trong từng khía cạnh nhỏ nhất của đời sống.

Avatar phản đối Luật an ninh mạng

Nói cách khác, Luật an ninh mạng sẽ khủng bố về mặt thông tin đối với tất cả người dân, mà trực tiếp nhất là đối với hơn 50 triệu người dùng mạng xã hội tại Việt nam. Và khi Luật được thông qua, đồng nghĩa với việc Hội nhà báo độc lập Việt nam bị kết án tử.

Kỹ sư Dương Ngọc Thái, một chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng đang làm việc tại Silicon Valley (Hoa Kỳ) đã gửi thư đến Quốc hội đã thẳng thắn nhấn mạnh rằng, việc ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng – Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hiểu ‘An ninh mạng nếu giải thích dễ hiểu nhất là không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình’ là sai bản chất và có thể dẫn đến nguy cơ vừa mất an ninh quốc gia vừa kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Sự lo sợ này là có thật, vì nhiều điều khoản trong Luật an ninh mạng chính là sự kết hợp giữa các văn bản vi phạm pháp luật vốn làm suy giảm quyền con người tại Việt nam.

Một trong những điều được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội là Điều 15 – theo đó ‘cấm loan tải thông tin tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, lôi kéo tụ tập đông người gây rối’. Chỉ với nội hàm như vậy, phía Nhà nước có thể dễ dàng áp đặt bất kỳ hoạt động tụ tập nào của xã hội dân sự (trong đó có cả sự lan truyền thông tin, đăng tải thông tin về cuộc biểu tình phản đối đặc khu) trở thành một hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 15, điểm 1, khoản C trong đó ‘Cấm các thông tin xúc phạm quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc’ là sự mở rộng của Nghị định 72/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh, theo đó nó không xác định bất kỳ một khuôn khổ, hay chuẩn mực nào đối với các đối tượng nêu trên, thậm chí là việc xác định nội hàm ‘xúc phạm’ còn mang tính mơ hồ. Nếu luật này được thông qua, thì toàn bộ những chia sẻ hay nhận định về một nhân vật lịch sử bất kỳ của ĐCSVN sẽ bị chụp mũ là ‘xúc phạm’ và dễ dàng ăn án tù.

Điều 16 – ‘Cấm cố ý nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái phép’, điều này những tưởng sẽ bảo vệ quyền bí mật thư tín; tuy nhiên vì không rõ ràng, nên nó dễ dàng lấn sang việc ngăn cản người dân giám sát quyền lực hoặc hoạt động công cụ của nhà nước. Các file ghi âm/ ghi hình trong các cuộc họp ban giữa người dân và chính quyền; giữa một người dân với lực lượng thi hành công vụ sẽ bị ngăn trở.

Điều 26 – yêu cầu ‘các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách khi có yêu cầu bằng văn bản; Xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin chậm nhất là 24 giờ’. Điều này can thiệp trực tiếp vào quyền tự do thông tin, bí mật thư tín của người dân. Bản chất hành vi dân sự giữa người dân và khách hàng đã biến thành một phi vụ mua-bán nửa vời, bởi sự can thiệp 24/24 của phía lực lượng công an. Nhiều blogger, nhà hoạt động nếu nằm trong danh sách đen của chính quyền sẽ chính thức bị giám sát triệt để; các khoản bí mật giữa khách hàng – chủ cung cấp dịch vụ sẽ bị xâm phạm.

Blogger Phuong Mai Nguyen có lý khi nhấn mạnh: Luật an ninh mạng nếu được thông qua thì việc thông qua luật đặc khu là chuyện nhỏ. Bởi Luật an ninh mạng hỗ trợ tốt cho sự ra đời mà không gặp sự chống đối của bất kỳ ý kiến nào.

Như vậy, việc Chính phủ nâng sự kiện đặc khu với 99 năm có phải là đánh lái dư luận để dọn đường cho sự thông qua êm thấm của Luật an ninh mạng? Và khi dự luật này thông qua, thì chỉ số xếp hạng tự do báo chí, nhân quyền không chỉ dừng ở mức ngưỡng gần thấp như hiện nay mà sẽ hoàn toàn đội sổ.

Dự luật an ninh mạng cũng mở đường cho sự thiết lập một xã hội bị giám sát (thay vì một sự giám sát từ xã hội) bởi các hệ thống mật vụ, an ninh như trong tác phẩm 1984 do George Orwell miêu tả.

Khi Luật an ninh mạng được thông qua – sự phản kháng dù ở mức ‘biểu cảm’ cũng sẽ bị trấn áp ngay lập tức.

‘Cư dân Oceania, nhất là các thành viên Đảng Ngoài, không thật sự có sự riêng tư. Nhiều người sống trong các căn hộ được trang bị màn hình theo dõi telescreen hai chiều, dẫn đến việc bất cứ lúc nào họ cũng bị theo dõi, bị nghe lén. Những màn hình tương tự được lắp đặt ở các công xưởng và chỗ công cộng, kèm với đó là những chiếc microphone ngầm. Thư từ thường xuyên được mở ra và kiểm ra bởi Chính phủ trước khi chúng được gửi. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát tư tưởng còn cho điệp viên của mình giả dạng dân thường nhằm tìm kiếm những ai có tư tưởng chống đối. Trẻ em cũng được dạy báo cáo những kẻ khả nghi cho chính quyền, bao gồm chính cha mẹ chúng.’