Dự Thảo Luật An Ninh Mạng: Chuẩn bị cho cuộc đối đầu dài lâu

• Dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam ở Quốc Hội Hoa Kỳ có điều khoản về tự do internet

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Mạch sống Media, ngày 11 tháng 6, 2108

Trong khi Quốc Hội Việt Nam chuẩn bị biểu quyết dự thảo Luật về An Ninh Mạng, chúng tôi (BPSOS) ráo riết vận động Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam, trong đó tự do internet là một trọng tâm hàng đầu. Và chúng tôi đang cần sự tiếp tay của thật nhiều đồng bào người Mỹ gốc Việt ở khắp Hoa Kỳ.

Trong thời gian qua, nhiều nhóm hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cũng như nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã yêu cầu Quốc Hội Việt Nam hoãn hoặc huỷ dự thảo Luật về An Ninh Mạng vì nó sẽ là một bước lùi dài về quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và tự do internet của người dân ở Việt Nam. Nội dung hiện nay của bản dự thảo còn khống chế hoạt động của các công ty quốc tế cung cấp dịch vụ internet và mạng xã hội, ép họ vi phạm các nguyên tắc bảo mật đối với thân chủ.

Đón trước chính sách kiểm soát internet của Việt Nam, mà Luật An Ninh Mạng chỉ là một trong nhiều công cụ, ngày 25 tháng 4 vừa qua Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) đã đưa vào Quốc Hội Hoa Kỳ dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam năm 2018 với mục riêng về tự do internet, Mục 5. Qua đó, Quốc Hội Hoa Kỳ nhận xét rằng Việt Nam là một trong những môi trường hạn chế internet nhất trên thế giới, do chính quyền tích cực theo dõi nội dung chuyển tải qua internet và bắt bớ các blogger và các nhà báo độc lập chỉ vì biểu đạt quan điểm qua internet.

Quốc Hội Hoa Kỳ nhận định rằng một môi trường internet tự do và thông thoáng cũng như sự lưu thông tự do về tin tức và thông tin là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vì nó giúp phát triển kinh tế, bảo vệ các quyền tự do cá nhân, và bảo đảm an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Quốc Hội Hoa Kỳ khẳng định chính sách của Hoa Kỳ là thúc đẩy một môi trường internet thông thoáng và tự do ở Việt Nam, và huy động mọi công cụ sẵn có của Hoa Kỳ để phát huy sự lưu thông tự do về tin tức và thông tin ở Việt Nam mà không bị can thiệp hoặc phân biệt đối xử bởi chính quyền.
Trong trường hợp Việt Nam thắt siết tự do internet, Quốc Hội Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ ưu tiên ngân sách để cung cấp cho người dân Việt Nam các phương tiện vượt qua các biện pháp ngăn chặn của nhà nước Việt Nam và bảo vệ các người bị bách hại vì thực thi quyền tự do ngôn luận, biểu đạt và tiếp cận internet.

Dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam, ở Mục 6, yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ báo cáo chi tiết về tình trạng tự do internet và các trường hợp vi phạm ở Việt Nam trong bản phúc trình hàng năm về nhân quyền nộp cho Quốc Hội.

Một mặt chúng tôi hoan nghênh sự lên tiếng của người Việt ở trong và ngoài nước cũng như của các tổ chức nhân quyền quốc tế, yêu cầu Quốc Hội Việt Nam hoãn hoặc huỷ việc biểu quyết Luật về An Ninh Mạng. Mặt khác, chúng tôi chủ trương phải sẵn sàng cho tình huống tệ nhất: đó là, bất chấp dư luận trong và ngoài nước, Quốc Hội Việt Nam sẽ thông qua Luật về An Ninh Mạng. Trong tình huống ấy, chúng tôi sẽ ngay lập tức:

(1) Vận động sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền Hoa Kỳ: Hành Pháp Trump có thể xem nhẹ nhiều lĩnh vực nhân quyền nhưng lại đặt nặng quyền tự do tôn giáo vì ảnh hưởng của các cộng đồng tôn giáo lên kết quả đắc cử của Tổng Thống Trump, và quyền tự do internet vì nó cần thiết cho môi trường minh bạch làm căn cứ cho việc phát triển kinh tế và mậu dịch của Hoa Kỳ.

(2) Phát động nỗ lực dài hạn với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế để giúp người dân Việt Nam vượt qua các hạn chế về quyền tự do internet: Trong thời gian qua nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã bày tỏ mối quan tâm, như tổ chức Human Rights Watch đã phát biểu tại buổi điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 7 tháng 6 vừa qua; nay là lúc để huy động họ cùng đầu tư nguồn lực và công sức vào một nỗ lực dài lâu để khắc phục các chính sách của nhà nước Việt Nam.

(3) Nối kết việc kiểm soát internet với các lĩnh vực nhân quyền khác: Chẳng hạn, tự do ngôn luận và biểu đạt gắn liền với tự do tôn giáo hay niềm tin. Do đó các lực lượng đồng minh không chỉ là những tổ chức nhân quyền mà còn có thể bao gồm nhiều tổ chức tôn giáo và phong trào phát huy tự do tôn giáo mà chính phủ Trump đang phát động.

Chúng tôi sẽ khai thác 3 cơ hội sắp đến:

(1) Ngày Vận Động Cho Việt Nam, 10 tháng 7 tới đây, để kêu gọi Quốc Hội và Hành Pháp Hoa Kỳ có hành động mạnh mẽ đối với chính sách kiểm soát internet của Việt Nam.
Hàng năm, nhiều trăm người Việt từ các thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ tập trung tại Quốc Hội để cùng lúc vận động các vị dân biểu và thượng nghị sĩ của mình. Một trọng tâm của cuộc vận động năm nay là dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam. Ngày 11 tháng 7, BPSOS sẽ tổ chức phái đoàn tiếp xúc với Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo. Tự do internet sẽ là một trọng tâm trong toàn bộ cuộc tổng vận động năm nay.

(2) Cuộc họp các bộ trưởng về tự do tôn giáo sẽ do Ngoại Trưởng Hoa Kỳ triệu tập ở thủ đô Hoa Kỳ ngày 26 tháng 7 tới đây.
Từ một tháng nay, BPSOS đã tham gia các buổi họp hàng tuần với văn phòng tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ để thảo kế hoạch cho các sinh hoạt song hành với buổi họp của các bộ trưởng. Đối với quốc tế, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và tự do internet là một phần không thể tách rời khỏi quyền tự do tôn giáo hay niềm tin. Luật về An Ninh Mạng của Việt Nam, nếu được thông qua, sẽ trực tiếp xâm phạm đến quyền tự do tôn giáo.

(3) Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á do BPSOS chủ xướng và đồng tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào trung tuần tháng 8 tới đây.
Từ 2015, hội nghị hàng năm này quy tụ các giới chức Liên Hiệp Quốc, các chức sắc tôn giáo trong khu vực, và các đại diện tổ chức nhân quyền quốc tế. Nghị trình hiện nay đã có sẵn đề tài về “tự do ngôn luận và các chính sách giới hạn nó”; trong tư cách ban tổ chức, chúng tôi sẽ đưa vào nghị trình việc đối phó với luật này.

Bất luận diễn tiến về dự thảo Luật về An Ninh Mạng, chính sách kiểm soát internet của Việt Nam sẽ dẫn đến tình trạng đối đầu kéo dài mà một bên là đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam và bên kia là các lực lượng trong thế giới tự do.

Ngay trước mắt, chúng tôi kêu gọi những ai quan tâm đến các chính sách về internet ngày càng khắc nghiệt ở Việt Nam hãy cùng chúng tôi tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam 10 tháng 7 sắp đến. Dùng tư thế công dân Hoa kỳ là cách mà các người Mỹ gốc Việt có thể góp phần hữu hiệu với đồng bào đang trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng ở quê nhà. Ghi danh tham gia: http://tiny.cc/VNAD2018. Để lấy thông tin thêm, xin liên lạc: bpsos@bpsos.org hoặc703-538-2190.

Thông tin về cuộc tổng vận động ngày 10 tháng 7 ở Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ được thường xuyên cập nhật tại: http://CFDVN.org.

Chúng tôi sẽ có thông báo về 2 sự kiện còn lại trong tương lai gần.

http://www.machsongmedia.com/…/1356-2018-06-11-22-13-05.html

Thông tin liên quan:

Nguyên bản tiếng Anh dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam 2018:
https://www.congress.gov/…/bil…/hr5621/BILLS-115hr5621ih.pdf

Dự Luật Nhân Quyền VN: Gói chính sách toàn diện để bảo vệ đồng bào, thay đổi Việt Nam

http://www.machsongmedia.com/…/1331-2018-05-02-23-31-00.html

Ngày 10 Tháng 7: Tổng Vận Động Nhân Quyền Cho Việt Nam Tại Quốc Hội Hoa Kỳ

http://www.machsongmedia.com/…/1325-2018-04-13-19-18-48.html