Từ ‘ Nguyễn Thiện Nhân về thành Hồ’ đến tang lễ nhà báo Hạ Đình Nguyên 

 8g sáng Thứ bảy 7/7/2018, sau khi làm lễ truy điệu, đông đảo thân hữu cùng tang quyến đã tiễn đưa nhà báo Hạ Đình Nguyên về cõi vĩnh hằng trong sự canh gác nghiêm túc của… lực lượng an ninh địa phương.

Trúc Giang, Việt Nam Thời báo, ngày 09/7/2018

Dăm câu chuyện ghi nhận từ các đồng nghiệp, thân hữu đến viếng nhà báo Hạ Đình Nguyên:

* Nhà báo Nguyễn Khắc Nhượng, cựu tổng thư ký báo Thanh Niên: Có người hỏi, ‘tại sao lại phải canh gác vậy? Họ sợ Hạ Đình Nguyên sống lại à?’. Tôi không hiểu tại sao. Có thể đó là nghi thức “quốc táng” dành cho những người yêu nước như anh Hạ Đình Nguyên chăng?

Mà thôi, dẫu gì thì như lời của người đứng đầu Chính phủ phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững 2018, chiều 5/7 rồi. Ngài thủ tướng đã nói đại ý rằng, ‘Việt Nam tuy thu nhập thấp hơn nhiều nước nhưng được đánh giá là quốc gia có Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương’.

Ảnh minh họa. Ảnh: VNTB

Tôi có quen một bác đạp xích lô ở TP.HCM đã trọng tuổi. Cứ sau 5 giờ chiều, khi vô xong một xị rượu đế là bác đẩy xe vào sát hè phố, nằm tréo cẳng trên xe, lim dim mắt rất ư hạnh phúc, nhất quyết không đạp thêm cuốc xe nào nữa dù có khách đến gọi. Bác ngủ qua đêm trên chiếc xe xích lô của mình, không cần giường chiếu nhà cửa từ năm này đến năm khác, với sự mãn nguyện tuyệt đối qua xị rượu đế vào mỗi chiều. Rất tiếc tổ chức quốc tế nào đó khi đến Việt Nam để điều tra về mức độ hạnh phúc đã không gặp bác phu xích lô này, nếu gặp bác ắt họ đã xếp người Việt ta vào vị trí “đệ nhất hạnh phúc thế gian” rồi!

* Nhà báo Ngô Kim Hoa: Hôm Câu lạc bộ (CLB) Phan Tây Hồ Đà Lạt có gửi vòng hoa đến phúng viêng anh Hạ Đình Nguyên, nhưng bị chặn ngay đầu ngõ cướp băng tang và xé vòng hoa.

Cũng có người đến đám tang, CLB tặng cuốn sách ‘Hãy Ngồi Xuống Đây’ của anh Hạ Đình Nguyên nhưng khi ra đường đến ngã ba thì bị chặn lại xét và lấy mất.

Những trò này không lạ đối với những người đấu tranh cho dân chủ, đám tang luật gia Lê Hiếu Đằng hay nhà văn Bùi Ngọc Tấn…vv đều có tình trạng này. Đến nỗi sau này rút kinh nghiệm, để vòng hoa trót lọt có băng tang, thì những tổ chức hay cá nhân thường làm 2 băng tang, nếu cướp thì còn băng kia và vô đến nơi mới cài băng phúng điếu lên. CLB Phan Tây Hồ chưa có kinh nghiệm.

Tưởng ông Nguyễn Thiện Nhân về thành Hồ thì ít ra những việc làm táng tận lương tâm này sẽ không xảy ra… nhưng tiếc thay, không có gì thay đổi.

* Nhà báo Thảo Vy, cựu Trưởng ban Chính trị tạp chí Tiếp Thị Việt Nam: Tôi nhớ một lần hướng dẫn sinh viên thực tập báo chí. Nhóm các em này có kể về việc đã đăng ký làm đề tài “Văn chương ở đô thị miền Nam trước 1975”. Một trong những nguyên nhân khiến các em làm là… anh Hạ Đình Nguyên. Số là trong một chia sẻ nào đó với cánh nhà báo là dân hoạt động Thành Đoàn Sài Gòn, anh Nguyên có nói rằng dường như người ta cố tình lãng quên dòng văn chương trong giới sinh viên Sài Gòn trước 1975.

Tuy nhiên khi các em này đăng ký đề tài thì thầy trưởng khoa từ chối xét duyệt vì lý do… nhạy cảm chính trị. Một thầy cựu trưởng khoa khác thì ủng hộ, nhưng lại không đủ thẩm quyền… Về sau, em trưởng nhóm là chủ đề tài này trong dịp tình cờ gặp anh Hạ Đình Nguyên, em ấy có tâm sự và anh Hạ Đình Nguyên nhiệt tình cho số điện thoại của anh 090.373.52.. và hẹn gặp gỡ để giúp em này tìm hiểu thêm về “Văn chương ở đô thị miền Nam trước 1975”, với tư cách là người trong cuộc.

Mọi việc dừng lại ở đó. Đề tài của nhóm sinh viên dang dỡ. Em sinh viên ngày nào giờ là một phóng viên truyền hình nước ngoài. Em có nhờ tôi đến thắp nén nhang vì em đang công tác xa.

Nhìn những viên an ninh đã căng thẳng tại tang lễ anh Hạ Đình Nguyên, tôi cảm thấy chua sót trước câu nói, “Hy vọng vào thế hệ hôm nay, khi họ tìm hiểu lại một giai đoạn của thời chúng tôi và nhắc nhớ về văn chương được viết bằng chính sinh mạng của tác giả” của những người cùng thời với anh Hạ Đình Nguyên tại đô thị miền Nam trước 1975.

Chợt nhớ tới câu chuyện kể hôm chiều 7/7 của nhà báo Lưu Trọng Văn khi anh tường thuật “Hội thảo về chữ quốc ngữ” đang diễn ra tại Bồ Đào Nha, trong đó có đoạn: “Giáo sư Fernado De La Vieter Nodre từng là ứng cử viên tổng thống Bồ Đào Nha đã nói: Chúng tôi học ở người Việt Nam phẩm chất nhớ ơn”.

Xem ra nhiều người cộng sản hôm nay đã lãng quên quá khứ, và dường như uống nước cũng quên mất nguồn cội.