Tình cảnh của nhà hoạt động Nguyễn Trung Lĩnh ra sao?

Xác định đi theo con đường hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam là khó tránh khỏi việc bản thân bị tù tội nhưng khi đã tù tội rồi mà người hoạt động còn phải đối diện thêm tình cảnh có rất ít sự quan tâm của gia đình thì thật là bi đát…

Minh Hải, Việt Nam Thời báo, ngày 09/8/2018

Nhà hoạt động Nguyễn Trung Lĩnh (SN 19/5/1967. Cư trú: số 505-A2, ngõ 29 Lạc Trung, P.Vĩnh Tuy, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) là trường hợp mà Việt Nam Thời Báo (VNTB) muốn nói đến. Theo thông tin mà VNTB đưa tin từ trước, ông Lĩnh bị Công an Hà Nội bắt vào ngày 27/5/2018 vì được cho là có liên quan đến lời kêu gọi biểu tình toàn quốc chống bành trướng Trung Quốc do ông Lĩnh soạn thảo đăng lên mạng Internet vào ngày 24/5.

Được biết, ông Lĩnh hiện nay bị cơ quan Công an Hà Nội bắt với cáo buộc tội “Tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự 1999, tức là Điều 117 Bộ luật hình sự 2015. Từ lúc ông Lĩnh bị bắt đến nay, bạn bè và giới hoạt động dân chủ, nhân quyền Việt Nam khá quan tâm đến tình hình của ông Lĩnh nhưng mọi tin tức về ông Lĩnh để dư luận được biết là khá hạn chế.

Nhà hoạt động Nguyễn Trung Lĩnh

Theo một số bạn bè của ông Lĩnh chia sẻ trên mạng Intrernet, tình cảnh của ông Lĩnh hiện gặp rất nhiều khó khăn bởi vì nhiều thành viên trong gia đình không tán đồng con đường hoạt động nên đã rất ít quan tâm đến ông Lĩnh.

Từng bị Tòa án Lạng Sơn tuyên bản án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế vào năm 2011 vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam”, ông Vi Đức Hồi nói người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam đều có tình trạng chung là ngoài việc bị lực lượng an ninh cản trở hoạt động đấu tranh, bị ly gián với những người dân xung quanh, bạn bè mà nghiêm trọng hợn là bị tác động dẫn đến việc có nhiều trường hợp bị chia rẽ tình cảm người thân trong gia đình đặc biệt là tình cảm vợ chồng. Nói về trường hợp của ông Lĩnh, ông Hồi nói bản thân chỉ biết ông Lĩnh thôi chứ chưa gặp bao giờ, trong trường hợp này có thể người thân của ông Lĩnh bị tác động ít nhiều nên dẫn đến có những hạn chế, thiệt thỏi đối với ông Lĩnh ở trong trại tạm giam gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hồi chia sẻ:

“Tất nhiên gặp nhiều khó khăn rồi. Nếu một tù nhân lương tâm đang bị giam cầm mà gia đình không quan tâm thì đó là một điều hết sức khó khăn. Khó khăn thứ nhất là tình cảm gia đình, lúc này (bị giam giữ) hơn bao giờ hết là phải cố gắng gần gủi để động viên nhau đặng vượt qua giai đoạn thách thức lớn. Tiếp nữa, nếu gia đình không quan tâm thì việc tiếp tế, thăm nuôi là không có và nếu vậy thì trong tùnhư mọi người đã biết chế độ ăn uống đã thấp nên không đảm bảo sức khỏe để đương đầu với những khó khăn mà phía chính quyền họ đang muốn đó là làm nhụt chí.”

Ông Hồi chia sẻ thêm, thời điểm ông bị tạm giam ở trại tạm giam Lạng Sơn, khi thành án thì chính quyền đưa ông Hồi về giam ở trại tạm giam Ba Sao ở Hà Nam, quá trình bị giam tù ông Hồi được sự quan tâm, đồng cảm của gia đình nên có nguồn động viên khá lớn. 

Thiệt thòi, khó khăn của tù nhân lương tâm từ việc không được sự tiếp tế thăm nuôi và động viên của gia đình được nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động anh Đoàn Huy Chương cho biết thêm.

“Nói về khó khăn thì rất nhiều…Khó khăn thứ nhất của người tù là trong quá trình điều tra không gặp được gia đình là nó có những khủng hoảng tinh thần. Tiếp nữa, trong môi trường trại giam vấn đề ăn uống cán bộ họ không cho mình ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng mà chủ yếu là cơm trắng với các loại rau, một tuần có thể họ cho mình một đến hai lần thức ăn khoảng hai lát thịt hoặc một khứa cá nhỏ…rất khó khăn trong cuộc sống và trong quá trình điều tra mà không gặp được gia đình hoặc khi đi traị cũng vậy nếu không có gia đình thăm nuôi đó là sự thiệt thòi đối với người tù”.

Ngoài ra, tình cảnh của Tù nhân lương tâm không có sự hỗ trợ từ gia đình sẽ bi đát, khó khăn hơn được anh Chương chia sẻ:

“Khi mà gia đình không thăm nuôi mình thì nhà trại hoặc người của cơ quan an ninh điều tra họ muốn đối xử với mình như thế nào có thể là đánh đập, tra tấn, cùm kẹp…để moi đủ thông tin vì họ biết gia đình không thăm nuôi mình thì không có ai quan tâm đến mình thì họ muốn làm gì họ làm đó là việc khó khăn của người tù chính trị.”

Vào năm 2010, anh Chương là một trong ba thành viên sáng lập ra Phong trào Lao Động Việt bị Tòa án tỉnh Trà Vinh tuyên 7 năm tù giam vì tội phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân theo Điều 89 Bộ luật hình sự 1999. Bản thân anh Chương cho biết mình từng bị bạc đãi ở trại giam.

“Họ từng cùm chân tôi, họ từng giam tôi vào buồng tối và thời gian đó là thời gian điều tra họ không cho gia đình tôi gặp, tức là gia đình tôi có đi thăm nuôi tôi và có luật sư mà họ còn làm như vậy đối với bản thân tôi huống chi một người không có thăm nuôi, không có sự quan tâm đến từ gia đình thì sẽ còn bị đối xử thậm tệ đến mức nào nữa”. 

Trở lại hoàn cảnh của nhà hoạt động Nguyễn Trung Lĩnh, vẫn còn đó sự may mắn, an ủi là có sự quan tâm của bạn bè và dư luận nói chung. Một thực tế là, trong những năm gần đây những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền Việt Nam được sự quan tâm khá lớn đến từ các cơ quan nhân quyền quốc tế, các Đại sứ quán ngoại giao của những quốc gia dân chủ tiến bộ.

Đây là một sự thật mà ông Vi Đức Hồi thừa nhận khi nhà hoạt động vào tù hoặc bị bắt mà được những tổ chức, bạn bè, mọi người trong và ngoài nước quan tâm lên tiếng đấy là một nguồn động viên lớn để người tù vượt qua mọi khó khăn nên ông Hồi mong ông Lĩnh cũng được như vậy.

“Tôi nghĩ một người tù nhân lương tâm bị bắt mà không có sự liên lạc với bên ngoài, không có sự đồng tình ủng hộ, động viên từ bạn bè và mọi người thì khả năng người ấy vượt qua khó khăn quả thật là huy hữu. Vì vậy tôi mong có sự quan tâm rất đông đến từ bạn bè đặc biệt là các tổ chức trong và ngoài nước.”./.