Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 33 từ ngày 13 đến 19/8/2018: Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị kết án 20 năm tù

DTD logo

 

Người Bảo vệ Nhân quyền| ngày 19/8/2018

 

Ngày 16/8, Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An kết án nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Lê Đình Lượng với mức án tù 20 năm và 5 năm quản chế, một mức án nặng nề nhất cho một người đấu tranh cho dân chủ.

Trong một phiên toà chỉ diễn ra vài giờ, chủ toạ phiên toà đã đưa ra mức án cao kỷ lục cho dù hai luật sư bào chữa Đặng Đình Mạnh và Hà Huy Sơn cũng như bản thân ông Lượng khẳng định ông không có tội và những hoạt động của ông nằm trong giới hạn mà luật pháp Việt Nam cho phép.

Trong khi đó, Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Bình một cách bất ngờ hoãn phiên toà sơ thẩm xử Nguyễn Trung Trực, phát ngôn nhân của Hội Anh em Dân chủ, về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999, dự kiến vào ngày 17/8. Theo gia đình thì ông Trực bị đánh đập và đối xử hà khắc trong tù, và có thể ông không đủ sức khoẻ để ra toà.

Ngày 15/8, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức phiên toà phúc thẩm đối với nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng, người thành lập Đảng Cộng hoà Việt Nam và là chủ tịch của tổ chức này, và giảm án cho ông thành 6 năm tù giam và 5 năm quản chế. Trước đó, vào tháng 4, Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã kết án ông bảy năm tù giam và 5 năm quản chế.

Trong buổi tối ngày 15/8, khoảng 100 nhà hoạt động và dân thường đã tụ tập ở một quán cafe ở Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh để xem buổi biểu diễn trực tiếp của ca sỹ Nguyễn Tín, người được biết đến bởi thường hay hát những bài hát tiền chiến và nhạc chế, và hay làm từ thiện. Tuy nhiên, giữa buổi biểu diễn, công an đã vào phá đám, bắt giữ và đánh đập nhiều người, trong đó có Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tín, Nguyễn Đại, Diễm Hằng… Nhiều người trong số họ đã bị tổn thương nặng nề, và bị thu giữ điện thoại cũng như giấy tờ tuỳ thân.

Phản ứng về vụ hành hung trên, Ân xá Quốc tế đã ra thông cáo đề nghị chính quyền Việt Nam điều tra vụ việc và đưa những kẻ đánh đập và bắt giữ nhiều nhà hoạt động chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Toà án Nhân dân thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức phiên toà phúc thẩm xử người chống tham nhũng Đỗ Công Đương với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” vào ngày 10/9. Ông Đương, là một dân oan bị cướp đất và là một nhà báo công dân, đã bị bắt vào ngày 24/1 khi ông quay phim một vụ cưỡng chế đất đai ở địa phương và bị cáo buộc trên cùng với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Ông có thể sẽ bị xử về cáo buộc thứ 2 trong một phiên toà khác. Với mỗi cáo buộc, ông có thể phải chịu án nặng nhất là 7 năm tù giam.

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga đang bị đàn áp trong Trại giam Đak Trung ở tỉnh Gia Lai. Để trả thù cho việc chị không nhận tội, ban giám thị nhà tù đã đưa một tù hình sự hung hăng nhất vào sống cùng buồng giam và người này liên tục đánh chị và doạ sẽ giết chết chị. Ban giám thị không trả lời những yêu cầu của chị về đảm bảo sự an toàn của chị.

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực để phản đối ban giám thị gây sức ép buộc ông phải nhận tội để được ân xá. Ông bắt đầu tuyệt thực vào ngày 14 và dự định sẽ nhịn ăn trong 10 ngày, và ông có thể tiếp tục tuyệt thực nếu chính quyền Việt Nam không trả tự do cho những người bị cáo buộc “lật đổ” theo Điều 79 của BLHS 1999 hoặc Điều 109 của BLHS 2015.

Hiện ông Thức đang thụ án tù 16 năm tại Trại giam số 6 thuộc Bộ Công an.

===== 13/8 =====

Hoãn phiên toà sơ thẩm xử ông Nguyễn Trung Trực

Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã bất ngờ thông báo hoãn phiên toà xử ông Nguyễn Trung Trực, người phát ngôn của Hội Anh em Dân chủ. Phiên sơ thẩm dự kiến vào ngày 17/8 tại Đồng Hới.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người được mời bào chữa cho ông Trực, nói rằng ông được thẩm phán Trần Hữu Sỹ, chủ tọa phiên tòa, thông báo việc hoãn phiên toà qua điện thoại. Phiên toà có thể được mở lại sau 1 tháng.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Bình ngày 05/7/2018, Nguyễn Trung Trực ngụ tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị bắt ngày 04/8/2017 về hành vi tham gia Hội Anh em Dân chủ (HAEDC), là phát ngôn nhân, trưởng ban đào tạo, trưởng ban bầu cử đại hội 2, trực tiếp điều hành việc sửa đổi, hoàn thiện điều lệ hoạt động của hội, điều hành việc hoàn thiện các dự án của hội, … tự ứng cử và được bầu giữ chức vụ trưởng ban đại diện chi HAEDC miền Trung.

HAEDC là một tổ chức xã hội dân sự hoạt động với tôn chỉ vận động bảo vệ nhân quyền; cổ xúy cho tiến trình dân chủ hóa Việt nam với hệ thống tam quyền phân lập.

===== 14/8 =====

Phiên xử phúc thẩm của nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng sẽ không có luật sư

Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bất ngờ quyết định tổ chức phiên toà phúc thẩm của nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng, người bị bắt vào 27/9/2017 và sau đó bị Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An kết án 7 năm tù giam và 5 năm quản chế theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của BLHS 1999.

Ông Nguyễn Văn Miếng, người được mời tham gia bào chữa cho Nguyễn Viết Dũng trong phiên phúc thẩm, nói rằng hiện ông đang ở xa thành phố Vinh hơn 1000 km và không thể tham dự phiên toà vì được báo quá gấp.

Nguyễn Viết Dũng, sinh năm 1986 trong một gia đình thuần nông, ngụ tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Anh Nguyễn Viết Dũng thường được biết đến với biệt danh Dũng Phi Hổ.

Bản thân Dũng là một học sinh có thành tích học tập giỏi, và đã đạt danh hiệu trong một đợt thi tháng của chương trình ‘Đường Lên Đỉnh Olympia’, một cuộc thi mang tính học thuật cao tại Việt Nam. Nhiều học sinh đoạt giải trong kỳ thi này đang học tập hay làm việc tại nước ngoài như Úc. Anh Nguyễn Viết Dũng vào năm 2004 thi đậu vào Khoa Công Nghệ Thông Tin, Đại Học Bách Khoa Hà Nội.

Nguyễn Viết Dũng sớm nhận ra những bất cập trong ngành giáo dục Việt Nam cũng như thực trạng đất nước hiện nay so với trước kia. Vào tháng tư năm 2015, Nguyễn Viết Dũng chủ xướng thành lập Hội Những Người Yêu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Đảng Cộng hoà mà anh làm chủ tịch.

Anh tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam cũng như những cuộc tuần hành bảo vệ môi trường, cây xanh trong nước.

Vào tháng 12 năm 2015, anh bị khởi tố với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ và bị án 12 tháng tù.

===== 15/8 =====

Án của Nguyễn Viết Dũng giảm xuống 6 năm

Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã giảm án tù của nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng xuống còn 6 năm tù giam và 5 năm quản chế trong phiên phúc thẩm ngày 15/8 tại Vinh.

Phiên phúc thẩm kéo dài chưa đến 2h mà không có sự tham dự của luật sư Nguyễn Khả Thành vì ông được thông báo trễ và không thể thu xếp được thời gian. Bản thân bị cáo cũng đề nghị hoãn phiên toà nhưng chủ toạ không đồng ý.

Luật sư Nguyễn Khả Thành cho biết, nếu Dũng yêu cầu luật sư và hoãn mà phiên tòa vẫn diễn ra thì việc đó là vi phạm pháp luật.

“Tôi không có mặt ở phiên tòa nên không biết thế nào, nhưng mà theo đúng quy định của pháp luật nếu Dũng chấp nhận xử thì tòa xử. Nhưng nếu thật sự Dũng không chấp nhận thì theo quy định của pháp luật tòa phải tạm hoãn. Có thể vì một phiên tòa như vậy họ phải chuẩn bị nhiều quá nên vẫn xử”.

Đọc thêm: Nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng được giảm án 1 năm

——————–

Nhiều nhà hoạt động bị đánh đập, bắt giữ trong liveshow của Nguyễn Tín

An ninh thành phố HCM đã bắt giữ và đánh đập nhiều nhà hoạt động trong đêm diễn ca hát của ca sỹ Nguyễn Tín, người được biết đến với những bài hát tiền chiến, nhạc chế và nhiều hoạt động trợ giúp gia đình tù nhân lương tâm.

Trong số những người bị bắt và đánh đập có Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tín, Nguyễn Đại, Diễm Hằng…

Theo nhiều nhân chứng tham gia đêm diễn tại một quán cafe thuộc Phường 7 Quận 3 thì có khoảng 100 nhà hoạt động và dân thường đến xem buổi biểu diễn.

Giữa buổi thì công an xông vào, bắt giữ và đánh đập nhiều người.

Công an còn thu giữ giấy tờ cá nhân của những người bị bắt và bị đánh.

Đọc chi tiết tại đây: Xô xát và bắt bớ diễn ra trong đêm nhạc của ca sĩ đấu tranh Nguyễn Tín

===== 16/8 =====

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị tuyên 20 năm tù

Sáng 16/8, Tòa án Tỉnh Nghệ An đã kết án nhà hoạt động vì dân chủ và môi trường Lê Đình Lượng với mức án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của BLHS 1999.

Chỉ có vợ ông được tham dự phiên tòa kéo dài vài tiếng đồng hồ.

Theo luật sư Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa cho ông Lượng tại phiên tòa, hai nhân chứng chính dùng để kết tội ông Lê Đình Lượng là Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng đã phủ nhận tất cả mọi lời khai trước đó, và cho rằng mình bị nhục hình.

“Tôi cho rằng bản án này là sai, không đúng, không có căn cứ để kết tội ông Lượng hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” luật sư Sơn nói với RFA.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người cũng tham gia bào chữa cho ông Lê Đình Lượng, nói rằng toà đã sử dụng những lý do khôi hài nhằm không cho luật sư bào chữa xét hỏi thêm hai nhân chứng Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hoá.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết các luật sư bào chữa kiên quyết yêu cầu Hội đồng xét xử (HĐXX) cho nhân chứng xuất hiện trước tòa, để điều thứ nhất: xác nhận có đúng là họ đang trong điều kiện không thể làm việc hay không; thứ hai: ít nhất là phải có một y tá hay bác sĩ xác nhận việc này chứ không thể là 1 công an vào thông báo trong bối cảnh gần như là họ phản cung và không thừa nhận bất cứ điều gì tại tòa. Luật sư Đặng Đình Mạnh chỉ ra điểm bất hợp lý là mặc dù cả Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng đều khai là bị bức cung ở Hà Tĩnh nhưng tòa án lại chiếu buổi thẩm vấn ở Nghệ An.

Ông Lê Đình Lượng cũng bác bỏ hoàn toàn video được chiếu.

Sau phiên toà, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) lên tiếng cho rằng biện pháp đàn áp có hệ thống của chính phủ Hà Nội đối với những tiếng nói chỉ trích và giới hoạt động tại Việt Nam không thể ngăn cản những con người can đảm như ông Lê Đình Lượng hoạt động cổ xúy cho nhân quyền và dân chủ.

Human Rights Watch cho rằng Việt Nam hiện nay đang trong xu thế trở thành quốc gia có số lượng tù nhân chính trị đông nhất tại khu vực Đông Nam Á. Human Rights Watch kêu gọi các đối tác thương mại nước ngoài và những nhà tài trợ cho Hà Nội cần yêu cầu Việt Nam chấm dứt tình trạng đàn áp đang diễn ra.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng chỉ trích Việt Nam về mức án nặng nề áp dụng lên ông Lê Đình Lượng.

Thông tin bổ sung: Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị tuyên 20 năm tù

===== 17/8 =====

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga bị đàn áp trong trại giam

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, người đang thụ án tù 9 năm tại Trại giam Gia Trung (Gia Lai), đang bị đàn áp trong tù vì không chịu nhận tội.

Để trả thù cho việc chị không thừa nhận tội như bản án đã tuyên, Ban giám thị trại giam đã giam chị chung phòng với một tù nhân đầu gấu nhất trại.

Nữ tù nhân hình sự này liên tục đánh đập Trần Thị Nga và đe doạ giết cô, theo như nội dung cuộc gọi điện thoại của Nga từ nhà tù về cho chồng cô, ông Phan Văn Phong, người đang chăm sóc hai đứa con chung tại Hà Nội.

Việc tù chính trị bị sắp xếp ở chung với các tù hình sự khác và bị đe doạ, bị đánh đập là điều không phải mới.

Tù nhân lương tâm, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đang thụ án tù 10 năm vì tội danh tuyên truyền chống nhà nước, mới đây cũng phải tuyệt thực nhiều tuần để phản đối việc bị ngược đãi, khủng bố, đe doạ đến mạng sống ở Trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

Cuộc tuyệt thực của blogger Mẹ Nấm bắt đầu từ ngày 6/7 và chỉ kết thúc vào ngày 23/7 sau khi đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ đến trại giam thăm chị.

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Hằng cho biết, trường hợp tương tự cũng xảy ra với bà vào tháng 10/2016 khi đại diện Đại sứ quán Mỹ vào thăm bà ở trại giam Gia Trung. Bà cho biết sau chuyến thăm, trại giam mới đáp ứng phần nào yêu cầu của bà và những ngược đãi, đe doạ đối với bà giảm hẳn.

Thông tin bổ sung: Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga bị doạ đánh và giết

===== 18/8 =====

TNLT Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, không nhận tội

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Thức đang tuyệt thực để phản đối đòi hỏi nhận tội từ phía công an để đổi lại lệnh đặc xá.

Ông Thức, người đang thụ án tù 16 năm tại Trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An, bắt đầu tuyệt thực từ ngày 14/8 và dự định nhịn ăn trong 10 ngày đến 23/8. Tuy nhiên, ông có thể tuyệt thực thêm nếu Việt Nam không chịu đáp ứng yêu cầu của ông.

Vào ngày 28/1/2018, sau 8 năm thụ án, ông Thức đã viết đơn gửi đến Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, yêu cầu xem xét lại án tù của mình, và giảm án chiếu theo BLHS 2015.

Theo những quy định trong các Điều 7, 109 và 63 của BLHS 2015 thì ông Thức có đủ điều kiện để Toà án giảm mức hình phạt đã tuyên, và ông có thể được trả tự do ngay bây giờ.

Luật sư Lê Công Định, người cùng bị bắt và bị xét xử với ông Thức, viết trên facebook cá nhân hôm 18/8: “Sở dĩ nhà cầm quyền muốn trả tự do cho anh Thức bằng cách đặc xá là vì họ không muốn áp dụng một quy định luật pháp mới có lợi cho mọi tù nhân nhân quyền, đó là Khoản 3, Điều 109 và Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi “chuẩn bị phạm tội” liên quan đến cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo đó mức hình phạt tù chỉ từ 1 năm đến 5 năm.

Nếu áp dụng điều khoản luật mới có lợi nói trên, nhà cầm quyền buộc phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện những người đã bị bắt giam về tội danh lật đổ chính quyền theo Điều 79 của BLHS 1999. Đó là điều họ không muốn.”

Gia đình ông cho biết ông Thức kiên quyết không nhận tội dù có thể vì thế mà không được đặc xá.

Trước đây ông Thức cũng đã nhận được những lời đề nghị đi tị nạn ở nước ngoài nhưng ông không chấp nhận và khẳng định “sẽ không lưu vong để đổi lấy tự do”.

Những khó khăn mà ông Thức nêu ra bao gồm việc hạn chế viết thư cho gia đình, người thân, hạn chế gửi đơn đến các cơ quan. Kiến nghị của ông gửi Chủ tịch nước không được chuyển đi, những khiếu nại gửi cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao không được gửi đi và không có thông tin phản hồi.

Theo gia đình thì sức khoẻ của ông Thức không được tốt.

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, không nhận tội để được đặc xá

=======================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây