Nhìn lại cuộc “tổng biểu tình dịp 02/9/2018”

A policeman stationing near a private residence of a dissident in early September 2018

Facebooker Thương Một Người, ngày 06/9/2018

Rốt cuộc, việc hứa hẹn một cuộc tổng biểu tình đánh sập chế độ cộng sản chỉ là giấc mơ. Dẫu giấc mơ có đắng cay, nó vẫn sẽ là kỷ niệm đẹp trong đời rất nhiều người dân Việt.

Chiều 1/9, Đội bóng U23 Việt Nam thua UAE khiến nhiều người hâm mộ khóc rưng rức nhưng có lẽ đó lại là niềm vui vỡ oà của những người đang đứng đặc các ngã đường khu trung tâm Sài Gòn.

Họ là an ninh chìm, nổi, CSGT, trật tự đô thị, dân quân tự vệ, dư luận viên… 3 tháng sau ngày 17/6, trên mạng đã kêu gọi tổng biểu tình ngày 2/9. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận sau đó dời thành 4/9. Đó là lý do của hàng ngàn người của chính quyền có mặt ở những nơi quan trọng để dập tắt. Đội bóng thua vào thời điểm nhạy cảm này khiến lực lượng này thở phào vì ít ra, họ vẫn còn kiểm soát được tình hình.

Sáng mùng 2/9, tết độc lập. Sài Gòn nắng to nhưng không khí Sài Gòn vô cùng ngột ngạt. Nơi duy nhất không có bóng dáng an ninh chính là sở thú. Còn tất cả những ngã đường vào trung tâm đã bị kiểm soát nghiêm ngặt như thời chiến.

Bất kỳ ai giơ điện thoại chụp hình đều có thể bị an ninh bát về trại tập trung Tao Đàn.

Tôi đi từ khu Đồng Khởi qua nhà thờ Đức Bà rồi quay về Hồ con rùa. Ai cũng có thể đi như vậy hoặc thậm chí hơn như vậy nhưng với ngày 73 năm tết độc lập lúc này lại không bình thường. Bất cứ một ngã ba, tư nào, hàng trăm cặp mắt dõi theo tôi như tội phạm. Góc Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân, ít nhất có 3 người trên 3 xe vượt đèn đỏ trước mặt 6 cảnh sát giao thông cùng 4 dân quân tự vệ nhưng vẫn không bị bắt lỗi. Lý do, tất cả họ đang nhìn tôi trong khi tôi đang ngạc nhiên chuyện vi phạm luật giao thông trước mặt cảnh sát giao thông.

12 giờ trưa, Tùng Lê, người tôi quen trên mạng livestream khu vực nhà thờ Đức Bà. 15 phút sau đó, anh bị bắt và đưa vào trại Tao Đàn. Theo quan sát của Tùng, có khoảng 45 người bị bắt giữ. Trong đó, khoảng 15 người có ý định đi xem biểu tình, phần còn lại là do…. ngây thơ, không biết có biểu tình. Dù không có tra tấn như ngày 17/6, nhưng vài người bị hành hung.

Lúc này, những vụ bắt giữ trái phép đã rất nhiều được các cư dân mạng truyền tải như một sự khủng bố tinh thần người dân dù biểu tình không diễn ra.

Không phải đợi đến 2/9/2018, những vụ bắt bớ mới xuất hiện mà nó đã là một chiến thuật của cộng sản nhằm tung thông điệp mạnh đến người dân trước đó.

Lê Văn Chỉnh, fber thường livestream với Hoà Bình, fber trẻ khác để nói về thay đổi Việt Nam thông qua Hiến pháp và pháp luật hiện thời. Công an đã mời Chỉnh và sau đó đã câu lưu trong đồn công an.

Nguyễn Phương Thảo, thanh niên yêu nước ở Gò Dầu, Tây Ninh đã bị bắt về đồn và bị an ninh tỉnh này đánh phủ đầu với câu hỏi ngớ ngẩn: “Lễ, mày có đi biểu tình không?”. Dĩ nhiên, cậu khẳng định sẽ đi. Nói là làm, cậu xuống Sài Gòn rồi cũng phải về. Trên đường về, cậu chửi bọn an ninh rãi đầy đường là chó nhưng chẳng làm gì được.

Thanh Sang, một fber từ Cao nguyên trung phần về Sài Gòn chăm sóc bố bị bệnh cũng bị giam giữ không qua xét xử từ hôm 2/9 đến nay mà không cho người nhà biết.

Đến tối 2/9, những người đấu tranh dân chủ mới biết tin, người bạn của mình, Nguyễn Văn Diệu Linh cấp cứu tại bệnh viện vì đau tim trong lúc an ninh bắt anh lên đồn công an phường.

Trên mạng xuất hiện một số hình ảnh của dư luận viên, cho biết an ninh bắt một nhóm bạn mặc áo lính Việt Nam Cộng hoà. Chúng xem đây là… chiến công,

Báo chí chính thống đưa tin, 2 blogger ở Cần Thơ cũng bị bắt với cáo buộc phản loạn.

Ngày 2/9, nắng to gay gắt nhưng đến 3/9, một lượng mưa khổng lồ lớn nhất từ đầu năm trút xuống Sài Gòn từ sáng sớm đến chiều tối. Trên mạng lúc này, những livestream từ nước ngoài vẫn kêu gọi người dân xuống đường nhằm lật đổ chế độ.

Đêm đó, ở Quảng Nam xảy ra vụ cháy xưởng gỗ kinh hoàng. Chiếc cầu nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận bị sập. Lisa Phạm, cho biết đó là chiến công của nghĩa quân 3 sạch.

Trong lúc này, Sài Gòn vẫn không nổ ra biểu tình.

4/9/2018, ngày người dân trở lại làm việc. Tuy nhiên rất lạ, những điểm ùn tắc giao thông triền miên như sân bay, Cộng Hoà, Nam Kỳ Khởi Nghĩa lại thông suốt lạ kỳ. Và dĩ nhiên cũng không nổ ra biểu tình.

Nhưng chiến dịch bắt bớ vẫn tiếp diễn. Anh Dũng từ Daklak xuống Sài Gòn livestream đoạn Tôn Đức Thắng qua Công trường Mê Linh đến Hai Bà Trưng thì không còn thấy trên hình. Anh cũng đã bị bắt.

Hàng trăm nhà tranh đấu dân chủ ôn hoà bị canh cửa. Quyền tự do đi lại của họ bị tướt đoạt. Sự khác nhau rất lớn trong đợt “ăn bánh canh” lần này chính là những gương mặt mới.

Ngô Thứ, một giáo viên về hưu ở Linh Chiểu, Thủ Đức bị sách nhiễu bởi bọn an ninh. Chúng canh cửa nhà bà và phát loa ầm ĩ để “đấu tranh với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”. Đỉnh điểm, chúng vào nhà bà giáo đe dọa giết với lời hăm “công an cũng không bảo vệ mày”.

Bà Huyền dù đang bị đau không ra khỏi nhà cũng bị canh cửa vì bà đã có mặt trong đợt biểu tình 17/6 trước đó. Long, hoàng tử tờ rơi bị canh và bị bắt lên đồn… viết tường trình, thả ra và bị canh tiếp.

Những nhân vật nổi tiếng trong phong trào dân chủ như: Trần Bang, Võ Hồng Ly, Nguyễn Thanh Loan, nhạc sĩ Tuấn Khanh… đều có người canh giữ.

Dù ngày 4/9 không biểu tình nhưng lại có 2 cuộc đụng độ khác. Sáng 4/9, hàng trăm an ninh vào khu vườn rau quận Tân Bình cưỡng chế. Trong khi đó, cuộc đụng độ lớn giữa người dân Quảng Ngãi lúc 4 giờ sáng khiến hàng chục người bị thương và bị bắt giữ.

Nhưng cuối cùng, tổng biểu tình vẫn không xảy ra. Ngành chức năng không đưa ra con số chính xác có bao nhiêu người trong các lực lượng tham gia “trận đánh lớn” này. Tuy nhiên, theo quán sát, ước tính con số có thể trên 5k người. Một thống kê trên mạng không kiểm chứng ước tính, nhà nước đã bỏ ra ít nhất 1 triệu USD cho chiến dịch chốt chặn.

Chị Lệ ở Bình Chánh đã vô cùng thất vọng. Chị và 5 người khác đã “ém quân” ở Phú Nhuận. “Chỉ cần nổ ra biểu tình là cỡ nào chị cũng đi”, chị buồn bã.

Chị Lệ, nói: “Chính trị đôi khi là sân khấu. Chúng ta đang diễn vai quần chúng”.

Chị không biết rằng, chị vẫn đang là vai chính của đất nước này. Chỉ là đợt kêu gọi này thiếu yếu tố quan trọng nhất, tính chính danh của cuộc cách mạng.

Bài 2: tính chính danh: đã lỡ làng hết rồi!

P/S: Bài viết còn thiếu nhiều anh chị em bị bắt. Độc giả vui lòng để lại trường hợp thiếu sót trong cmt để Thương một người bổ sung ạ! Xin cảm ơn nhiều nhiều ạ!