Việt Nam không cần là thành viên có trách nhiệm của LHQ?

Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 21/9/2018 

Hà Nội chưa bao giờ đánh giá một cách thực tâm về khía cạnh quyền con người, họ vẫn cho quyền con người là nhằm suy giảm quyền lực của chính họ, và điều này khiến cái nhìn tiêu cực về quyền con người vẫn hiện diện.

Nhận thức được tầm quan trọng dân chủ, nhân quyền

Vào ngày 19.09, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã ra tuyên bố nhân ngày quốc tế vì Dân chủ.

Tuyên bố cho biết: Mỹ tái khẳng định niềm tin kiên định vào dân chủ như một mô hình chính phủ ưu việt nhất, có năng lực thúc đẩy hoà bình, thịnh vượng, an ninh và bảo vệ các giá trị nhân quyền phổ quát, các quyền tự do cơ bản và nhân phẩm mỗi người. […] Những nguyên tắc này rất cần thiết cho sự thành công của bất kỳ nền dân chủ nào, bao gồm quyền tự do biểu đạt, quyền được hội họp, thượng tôn pháp luật và cam kết chuyển giao quyền lực chính trị một cách hoà bình thông qua bầu cử tự do và công bằng.

Mỹ cũng nhấn mạnh cam kết, sẽ không đứng yên khi các chính phủ khác tước đi các quyền công dân cơ bản cũng như huỷ hoại niềm tin của người dân vào các tiến trình và thể chế dân chủ.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ trong một cuộc họp của tổ chức này. Ảnh: vnmission-newyork

Trong mối quan hệ với Việt Nam, Mỹ nhiều lần tuyên bố tôn trọng đầy đủ thể chế chính trị của Việt Nam, và quan điểm này được giới lãnh đạo Hà Nội coi là cơ sở nền tảng của mối quan hệ hai nước. Tuy nhiên, tôn trọng thể chế của Việt Nam, không đồng nghĩa với việc thừa nhận tính dân chủ và nhân quyền tại một số quốc gia một đảng như Việt Nam với chế định XHCN, bởi bản chất quyền con người là giá trị phổ quát, không phải là giá trị riêng biệt của từng thể chế. Thế nên, trong Toàn văn tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội, tại cụm ý thứ ba cho biết: Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.

Cam kết và thiếu sự thúc đẩy

Tuy nhiên, kể từ sau Tuyên bố chung (11.2017), Hà Nội liên tiếp tiến hành các vụ triệu tập, bắt giữ, tuyên án đối với những người đòi hỏi dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Mới đây nhất, Tòa án tỉnh Hòa Bình đã tuyên án nhà giáo Đào Quang Thực 14 năm tù giam và 5 năm quản chế, và nếu đặt mong muốn của ông Thực (‘muốn người dân được sống trong một môi trường trong lành, an toàn. Đất nước dân chủ và giàu có’) vào trong Toàn văn tuyên bố chung lãnh đạo Việt – Mỹ, thì ‘sự ghi nhận tầm quan trọng’ đã bị xé bỏ hoàn toàn.

Những ghi nhận của Hà Nội đối với các văn bản quốc tế về Quyền con người là không thể chối bỏ, gần như Việt Nam tham gia rất tích cực trong việc ‘ký kết’, tuy nhiên, trong sự thực thi các giá trị được ký kết thì ngược lại. Quan điểm nhân quyền của Việt Nam vẫn gắn liền với tính chất chặt chẽ của thể chế, tức nhân quyền phải là XHCN, nếu lệch tính định hướng XHCN thì đó là ‘cổ súy cho âm mưa diễn biến hòa bình’.

Vậy nhân quyền của Việt Nam sẽ không phụ thuộc vào điều mà Việt Nam ký kết hay nằm trong Hiến Pháp, nó tùy thuộc vào thái độ đổi mới của lãnh đạo Việt Nam đến đâu, tính chất kiềm hãm quyền lực đến mức nào.

Tại sao lại như vậy?

Ngày 12.9, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản 5506/UBND-CNXD ngày 11/9 gửi lên Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển cho Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

‘Cấp phép nhấn chìm ở biển’ này liên quan trực tiếp đến yếu tố ‘phê duyệt, đánh giá tác động môi trường’. Thực tế, ‘đánh giá tác động môi trường’ đối với các dự án công nghiệp tại Việt Nam là khá hời hợt, tính chất của đánh giá thường rơi vào quy trình ‘nhấn chìm trước, đánh giá sau’ hoặc cố tìm hướng để lách luật. Các sự kiện liên quan đến Hòn Cau (nhiệt điện Vĩnh Tân) là một trong những sự kiện mang tính chất tương tự, tuy nhiên sự kiện Hòn Cau đã được cứu vãn, không phải đến từ chính quyền địa phương hay doanh nghiệp, mà đến từ chính áp lực của báo chí và đặc biệt là mạng xã hội Facebook.

Riêng Facebook, việc lan rộng bài viết kêu gọi dừng nhấn chìm chất thải xuống vùng đa dạng sinh học như Hòn Cau đã tác động rất lớn đến dư luận xã hội, đến mức – Facebook phải được coi là ‘ân nhân’ của Hòn Cau. Tính chất lan truyền rộng rãi này đến từ sự tự do thông tin, tự do ngôn luận được thực thi bởi chính những người dùng Facebook. Nói cách khác, những giá trị nhân quyền phổ quát bị bó buộc trong đời sống thực tế, nay đã trở nên sống động trên mạng Facebook. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà vào đầu năm 2018, trong buổi lễ của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo TW, GS –TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận TW, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo TW nhẫn mạnh phải xem xét kênh thông tin có tác động rộng rãi, nhanh chóng để kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội.

Những chia sẻ cứu môi trường và nhấn mạnh phát triển bền vững trên Facebook được xem là yếu tố điển hình nhất của sự tích cực mà quyền con người không nằm trong khuôn khổ XHCN. Nhưng vấn đề là Hà Nội chưa bao giờ đánh giá một cách thực tâm về khía cạnh quyền con người, họ vẫn cho quyền con người là nhằm suy giảm quyền lực của chính họ, và điều này khiến cái nhìn tiêu cực về quyền con người vẫn hiện diện. Facebook trở thành một thế lực thù địch, một mặt trận diễn biến hòa bình mới.

Và Hà Nội yêu cầu Facebook gỡ bỏ các ‘thông tin xấu’. Ngoài ra, Hà Nội tách rời nhân quyền ra khỏi sự phát triển kinh tế, khi mới đây Hà Nội đã từ chối cho bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và ông Minar Pimple, Giám đốc phụ trách hoạt động quốc tế (thuộc Ân Xá quốc tế) nhập cảnh vào Việt Nam tham dự hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới WEF về ASEAN.

Nhân quyền XHCN hay tách nhân quyền ra khỏi phát triển bền vững đã và đang khiến Hà Nội gặp một số tiêu cực nhất định. Đầu tiên, Việt Nam đã tự tước bỏ tính trách nhiệm quốc gia của một thành viên LHQ khi không tuân thủ đầy đủ giá trị phổ quát đã từng ký kết; thứ hai, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hệ quả kinh tế nhất định khi đòi hỏi đi con đường riêng nhân quyền của mình, trong đó bỏ lỡ chuyến tàu EVFTA với sự kiện 32 nghị sĩ EU đòi VN cải thiện nhân quyền trước khi thông qua EVFTA.

Nhân quyền bị bỏ lỡ, thì người dân là đối tượng phải gánh chịu những hệ quả tiêu cực liên quan đến nó nhiều nhất.

Phải chăng, Việt Nam không cần là thành viên có trách nhiệm của LHQ?