Việt Nam lại ‘hứa suông’ về ký 3 công ước lao động?

Trong cuộc điều trần EVFTA – nhân quyền vào ngày 10/10, một người tham dự cuộc họp là bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện…

 

Minh Quân, Việt Nam Thời báo, ngày 21/10/2018

   

Sau ngày 17 tháng Mười năm 2018 là thời điểm mà Ủy ban châu Âu làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu về EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt  Nam – châu Âu), đã bắt đầu hé ra những tin tức đầu tiên về kết quả cuộc điều trần EVFTA- nhân quyền mà Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu tổ chức vào ngày 10/10/2018.

Một trong những điều khoản của Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU, vừa được Ủy ban châu Âu thông qua tại Brussels, đưa ra yêu cầu về thúc đẩy dân chủ và tôn trọng nhân quyền, một vấn đề được cho là đã cản trở tiến trình đàm phán hiệp định này.

Điều 6 của hiệp định này lưu ý: “Có một sự liên kết thể chế và pháp lý giữa Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-Việt Nam. Liên kết này cho phép các biện pháp được coi là phù hợp trong trường hợp vi phạm nhân quyền, bao gồm cả biện pháp đình chỉ Hiệp định Thương mại.”

Ngay trước đó, Trưởng đặc trách thương mại EU Cecilia Malmstrom nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi đang bàn về chuyện này một công khai với những người tương nhiệm của phía Việt Nam và thỏa thuận thương mại sẽ không làm cho Việt Nam bỗng chốc trở thành một nền dân chủ. Nó là một công cụ trong hộp công cụ mà chúng tôi có trong quan hệ với Việt Nam và các nước khác” –  được đài VOA đưa tin. Theo đó, “các bên đã nhất trí về một thỏa thuận liên quan để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, bao gồm các cam kết, đối thoại và các chế tài khả dĩ”.

Tuy nhiênđã không thấy điều 6 của Hiệp định EVFTA nêu cụ thể về 3 công ước quốc tế về lao động liên quan đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam phải có trách nhiệm ký kết theo yêu cầu của EU (Liên minh châu Âu). Việc thông tin khá chung chung của EU đang làm dấy lên mối lo ngại rằng tuy đã mất công tổ chức cuộc điều trần về nhân quyền đối với EVFTA, nhưng rốt cuộc có thể EU đã không mấy mặn mà quan tâm đến chủ đề này và vẫn cứ cho chính thể độc đảng ở Việt Nam được tham gia EVFTA mà chẳng phải ký các công ước quốc tế về quyền lao động, cũng không phải ‘nhả’ bớt thói đàn áp nhân quyền trong nước.

Hoặc cứ cho là sau khi không đáp ứng được bất kỳ yêu cầu nào của EU về cải thiện nhân quyền và nhận thấy rõ là chính vì nguồn cơn đó mà sẽ khiến EVFTA không thể được ký kết lẫn thông qua, vào phút cuối chính quyền Việt Nam đã phải giở ra những con bài dự trữ tiềm năng là ‘thả Mẹ Nấm’ và hứa hẹn ‘sẽ ký 3 công ước quốc tế về quyền lao động’, thì liệu có tin được lời hứa hẹn đó?

Trong cuộc điều trần EVFTA – nhân quyền vào ngày 10/10, một người tham dự cuộc họp là bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.

Đã từ quá lâu, chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Bằng chứng về thái độ hai mặt đó đã tích tụ quá nhiều kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.

Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi…

Nếu không có những quy định chế tài hết sức cụ thể và nghiêm khắc trong Hiệp định EVFTA, khả năng CSVN nuốt lời, cho dù có chịu ký 3 công ước quốc tế về lao động, là rất lớn.

Hiện nay, EVFTA đang trong giai đoạn được Ủy ban châu Âu trình lên Hội đồng châu Âu để quyết định việc ký kết chính thức. Vẫn còn thời gian cho một cuộc vận động xem xét lại nội dung hiệp định này về các nội dung nhân quyền và chế tài nếu vi phạm nhân quyền.