Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 43, từ ngày 22 đến 28/10/2018: Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị trại giam từ chối điều trị y tế

dtd-6-150x150

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 28/10/2018

 

Ban Giám thị trại giam Gia Trung (Gia Lai) từ chối cung cấp dịch vụ y tế cho mục sư Nguyễn Trung Tôn, cựu chủ tịch Hội Anh em Dân chủ đang thụ án tù 12 năm tại sơ sở giam giữ này.

Mục sư Tônm 47 tuổi, đang mắc bệnh hiểm nghèo sỏi thận và tiền liệt tuyến và nhiều vết thương ở chân, hậu quả của việc ông bị đánh đập bởi mật vụ vào tháng Hai năm 2017. Bệnh của ông trở nên nghiêm trọng hơn do điều kiện giam giữ khắc nghiệt ở trong tù.

Ông đã viết đơn đề nghị được chữa trị y tế cho Ban Giám thị trại giam nhưng không nhận được hồi âm.

Trong khi đó, công an thành phố Hồ Chí Minh đã triệu tập cháu Trần Lê Thanh Hà, con gái 13 tuổi của nhà hoạt động Trần Thanh Phương, người đã bị bắt ngày 01/9 và hiện vẫn còn bị giam giữ. Cơ quan An ninh Điều tra của thành phố yêu cầu cô bé lên để buộc cô khai về các hoạt động của cha mình, một thành viên của nhóm Hiến Pháp với chủ trương giúp nhân dân hiểu rõ quyền của mình được ghi trong Hiến pháp Việt Nam 2013 bằng các bài viết trên mạng và phổ biến văn bản quan trọng nhất này. Thành viên của nhóm là những nhân tố tích cực của cuộc xuống đường giữa tháng 6 để phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Chính vì thế, 8 trong số 18 thành viên của nhóm đã bị bắt và bắt cóc và hiện đang bị giam giữ với 4 người bị cáo buộc nghiêm trọng trong phần An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 và bốn người còn lại bị giam giữ mà công an không thông báo gia đình họ về việc bắt giữ và giam giữ.

Liên quan đến người tham gia biểu tình trong tháng 6, Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức phiên toà phúc thẩm ngày 09/11 đối với 15 người từng bị Toà án Nhân dân thị xã Biên Hoà kết án với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và đưa ra mức án từ 8 đến 18 tháng tù giam vào ngày 30/7. Tám trong số họ là phụ nữ có con nhỏ.

Ngày 26/10, công an tỉnh Trà Vinh đã đánh đập và bắt giữ Đặng Văn Thành vì cho rằng người thanh niên trẻ này đã rải truyền đơn kêu gọi biểu tình vào giữa tháng 6. Thành, 25 tuổi, bị đánh và tra khảo trong hai ngày liên tiếp và được trả tự do vào chiều tối 27/10. Công an tiếp tục theo dõi anh và buộc anh phải đến công an Cần Thơ để khai báo tiếp trong tuần tới. Xin nhắc lại, trong ngày 17/10, Toà án Nhân dân Bình Dương đã kết án bác sỹ Nguyễn Đình Thành 7 năm tù giam theo cáo buộc theo Điều 117 vì in 3300 tờ rơi phản đối hai dự luật.

Cho tới cuối tháng 10, chính quyền Việt Nam đã kết án 64 người biểu tình ôn hoà trong giữa tháng 6: 56 người bị kết án từ 8 đến 54 tháng trong tù, 8 người còn lại bị án treo từ năm đến 24 tháng.

Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đã quyết định kỷ luật cựu Thứ trưởng Công nghệ và Khoa học Chu Hảo vì với tư cách là giám đốc Nhà xuất bản Tri thức đã cho in nhiều cuốn sách không đúng với chủ trương, đường đối của đảng. Sau khi Ban Kiểm tra Trung ương của đảng thông báo việc kỷ luật ông, nhiều đảng viên lão thành của đảng đã tuyên bố rời khỏi tổ chức này để ủng hộ ông Chu Hảo.

Hội Cờ đỏ, một tổ chức được chính quyền cộng sản chống lưng và đã gây ra nhiều vụ tấn công và sách nhiễu cộng đồng Công giáo ở tỉnh Nghệ An, đã tiến hành nhiều vụ tấn công nhằm vào linh mục Đặng Hữu Nam, cha quản xứ Mỹ Khánh thuộc xã Khánh Thành, huyện Yên Thành. Lê Đình Thọ, công an viên và đứng đầu nhóm Hội Cờ đỏ ở xã này, đã ba lần đột nhập vào khuôn viên của nhà thời giáo xứ và đe doạ sẽ giết linh mục Nam, một người dũng cảm nói ra những vấn đề của đất nước cũng như bảo vệ giáo dân khỏi sự phân biệt và sách nhiễu của quan chức địa phương.

Ngày 28/10, chính quyền thành phố Hà Nội đưa nhiều mật vụ đến canh gác gần nhà riêng của nhiều người hoạt động địa phương nhằm không cho họ ra ngoài, vì sợ rằng họ tụ tập để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 7 của đội bóng No-U. Một công an đã tấn công Lã Việt Dũng và đánh mẹ của anh khi anh định đưa mẹ anh ra phố.

===== 22/10 =====

Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị từ chối điều trị y tế

Mục sư Nguyễn Trung Tôn, cựu chủ tịch của Hội Anh em Dân chủ và đang thụ án tù 12 năm vì cáo buộc “lật đổ chính quyền” tại Trại giam Gia Trung (Gia Lai) đã bị Ban Giám thị từ chối cung cấp điều trị y tế.

Ông Tôn, 47, bị sỏi thận và tiền liệt tuyến, và nhiều vết thương ở chân, là hậu quả của vụ bắt cóc và đánh đập bởi mật vụ vào tháng Hai năm 2017. Do điều kiện khắc nghiệt trong trại giam, bệnh tật của ông càng trở lên nghiêm trọng.

Hiện ông không thể tự đi lại được, theo vợ ông Nguyễn Thị Lành, người mới đi thăm ông trong trại giam cách xa gia đình hơn 1.000 km.

Ông đã viết đơn đề nghị được đi chữa trị, tuy nhiên, giám thị trại giam không có phản ứng gì.

Thông tin bổ sung: Mục sư Nguyễn Trung Tôn suy kiệt nhưng không được điều trị

——————–

Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam sửa đổi Luật An ninh mạng

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã gửi thư ngỏ đến các đại biểu của Quốc hội để nêu những quan ngại về vi phạm nhân quyền trong Luật An ninh mạng.

Theo lá thư đề ngày 22/10, Ân xá Quốc tế cho rằng luật này không tuân thủ luật pháp quốc tế và chính Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam.

Những điều gây quan ngại đặc biệt là Điều 8, 16 và 58, vì từ ngữ mơ hồ và quá rộng nhằm làm câm lặng giới bất đồng chính kiến.

Tự do mạng và nhân quyền truy cập vào mạng Internet tại Việt Nam cũng bị đe doạ, Ân xá Quốc tế nói, nhấn mạnh rằng Việt Nam là một thành viên của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự & Chính trị (ICCPR) nên có nghĩa vụ pháp lý phải bảo đảm quyền tự do biểu đạt, quyền riêng tư cả trên mạng lẫn ngoài đời thực.

Thông tin bổ sung: Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền trong Luật An Ninh Mạng

===== 23/10 =====

Công an Việt Nam triệu tập con nhỏ để bắt khai báo về cha

Cơ quan An ninh Điều tra của Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh đã triệu tập cháu Trần Lê Thanh Hà, con gái 13 tuổi của nhà hoạt động Trần Thanh Phương, nhằm buộc cháu bé phải khai báo về hoạt động của cha mình.

Ông Phương, thành viên của nhóm Hiến Pháp, đã bị bắt ngày 01/9 và hiện vẫn bị giam giữ tại Trại tạm giam Phan Đăng Lưu của công an thành phố.

Nhóm Hiến Pháp với chủ trương giúp nhân dân hiểu rõ quyền của mình được ghi trong Hiến pháp Việt Nam 2013 bằng các bài viết trên mạng và phổ biến văn bản quan trọng nhất này.

Thành viên của nhóm là những nhân tố tích cực của cuộc xuống đường giữa tháng 6 để phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Chính vì thế, 8 trong số 18 thành viên của nhóm đã bị bắt và bắt cóc và hiện đang bị giam giữ với 4 người bị cáo buộc nghiêm trọng trong phần An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 và bốn người còn lại bị giam giữ mà công an không thông báo gia đình họ về việc bắt giữ và giam giữ.

===== 25/10 =====

Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho TNLT Trần Thị Nga

Hôm 25/10, Ân xá Quốc tế phát ra thư ngỏ kêu gọi cộng đồng quốc tế gửi thư cho Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để đề nghị trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, người đang thụ án tù 9 năm tại Trại giam Gia Trung (Gia Lai).

Theo Ân xá Quốc tế, Ban Giám thị trại giam gần đây thông báo miệng với gia đình bà Nga rằng bà bị kỷ luật vì “không tuân thủ quy định của trại giam” mà không đưa ra một văn bản viết nào.

Trần Thị Nga không được gặp gia đình từ hôm 28/7/2018 và chỉ được gọi về 3 lần trong 3 tháng qua để gặp em trai của mình, mỗi lần 5 phút.

Lần cuối cùng cô Nga gọi về cho chồng mình hôm 17/8 cấp báo việc cô liên tục bị một nữ tù hình sự gây sự, khủng bố, đánh đập dã man và thậm chí bị dọa giết.

Thông tin bổ sung: Ân Xá Quốc Tế kêu gọi tân chủ tịch nước VN trả tự do cho Trần Thị

===== 26/10 =====

Đồng Nai xử phúc thẩm 15 người biểu tình vào ngày 09/11

Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức phiên phúc thẩm xử 15 người biểu tình ôn hoà từng bị kết án tù từ 8 đến 18 tháng tù bởi Toà án Nhân dân thành phố Biên Hoà trong phiên toà sơ thẩm ngày 30/7.

Họ thuộc nhóm 20 người bị xử vào cuối tháng 7: Trần Nguyễn Duy Quang, Phạm Ngọc Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc Liễu, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Trúc Anh, Đinh Mã Phong, Nguyễn Thị Thuỳ Dung, Hồ Công Di, Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Ngọc Huyền, Võ Như Huỳnh, Nguyễn Văn Toàn, Đoàn Văn Thưởng, Diệp Út Tiền và Đinh Kha Ly.

Họ là 15 trong số hàng trăm người biểu tình ôn hoà bị bắt vào giữa tháng 6 vì tham gia tuần hành phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.

Cho tới nay, 64 người đã bị xét xử, 56 trong số họ bị án tù từ 8 đến 54 tháng và 8 người còn lại bị án treo từ 5 tháng đến 2 năm.

===== 28/10 =====

Công an Trà Vinh đánh đập, tra khảo nhà hoạt động Đặng Văn Thanh

Công an tỉnh Trà Vinh đã đánh đập và tra khảo nhà hoạt động Đặng Văn Thanh vì nghi ngờ người thanh niên này rải truyền đơn ở Cần Thơ trong đầu tháng 6 để kêu gọi biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.

Công an đến nhà trọ của Thanh trong thành phố Trà Vinh và bắt giữ anh. Trong quá trình bắt giữ, một sỹ quan đã đánh anh và tước điện thoại.

Thanh bị đưa về đồn công an và tiếp tục bị đánh đập. Sau hai ngày tra khảo, công an đưa anh về nhà trọ và cho người theo dõi.

Công an Trà Vinh nói sẽ đưa Thanh về Cần Thơ để tiếp tục điều tra.

——————–

Công an Hà Nội canh giữ, đánh đập người bất đồng chính kiến và người thân

Ngày 28/10, chính quyền Hà Nội đã đưa nhiều công an và dân phòng đến canh giữ gần nhà của nhiều người hoạt động tại địa phương nhằm cản trở họ đi ra ngoài.

Không rõ mục đích của việc ngăn cản này. Có lẽ chính quyền thành phố không muốn họ tụ tập để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 7 của đội bóng No-U, một tập hợp của những người phản đối sự xâm lăng của Trung Cộng ở Biển Đông.

Trong số những người bị ngăn cản đi lại có Lã Việt Dũng, Trương Văn Dũng, và giảng viên đại học Đào Thu.

Một công an tên Duy ở quận Đống Đa đã tấn công Lã Việt Dũng và đánh mẹ của anh.

Trong nhiều năm, chính quyền Hà Nội tìm mọi cách ngăn cản No-U kỷ niệm sinh nhật, sử dụng mật vụ và côn đồ đến quấy rối, đánh đập người dự.

====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây