Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới chính là ‘công đoàn vàng’ lớn nhất?

Thường Sơn, Việt Nam Thời báo, ngày 05/11/2018

 

 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới chính là ‘công đoàn vàng’ lớn nhất?

 

Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một cách công khai, chứ không còn trên các tài liệu nghiên cứu và phát biểu trong những cuộc họp nội bộ, khái niệm ‘công đoàn vàng’.

Khái niệm trên được một quan chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu – nêu ra trong cuộc thảo luận tổ về dự thảo hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 2/11/2018 – trùng với thời điểm đích thân ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ đạo’ Quốc hội thông qua hiệp định này để kinh tế, mà có thể hiểu đứng sau lưng nó là thể chế chính trị độc đảng ở Việt Nam, để được nhận GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035.

Quan chức Ngọ Duy Hiểu “lo ngại, nếu không cẩn thận, sẽ hình thành một loại tổ chức công đoàn gọi là ‘công đoàn vàng’, hoặc một loại tổ chức đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp” – theo tường thuật của báo chí.

Vậy như thế nào là ‘công đoàn vàng’ và ‘hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp’?

Kể từ khi Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam được đảng phân công ‘cai trị’ hoạt động công nhân, rất nhiều nguồn tin từ giới công nhân đã khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.

Cũng trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam – tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ – đã nghiễm nhiên hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động), nhưng lại chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.

Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, một cách thực chất, đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.

Và một cách thực chất, có thể xem Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam là tổ chức ‘công đoàn vàng’ lớn nhất. Quan chức Ngọ Duy Hiểu đã đủ ‘liêm sỉ’ để lần đầu tiên hướng lái dư luận như thế.

Trong khi ung dung lẫn trắng trợn ăn chặn nguồn thu nhập xương máu của công nhân và doanh nghiệp, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và chính quyền Việt Nam lại luôn vẽ vời bức tranh đen tối về Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước, chỉ trích và lên án Công đoàn Đoàn kết về ‘thủ đoạn lật đổ chính quyền’ gán ghép Công đoàn độc lập ở Việt Nam với Công đoàn Đoàn kết và coi đó là “một thủ đoạn nguy hiểm của Diễn biến hòa bình”, đồng thời cấm tiệt tất cả các cuộc đình công chính đáng và phù hợp hiến pháp của công nhân Việt Nam

Điều gì sẽ xảy ra một khi người công nhân được tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập để tự bảo vệ quyền lợi của họ, phản đối các chính sách bất công của chính quyền và giới chủ và cũng đương nhiên phản ứng với não trạng, thái độ và cách hành xử bảo thủ, quan liêu và ngập ngụa tư chất lợi ích nhóm của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam?

Khi đó, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam sẽ phải chịu nguy cơ lớn, hoặc rất lớn về mất mát quyền lực, hoặc chắc chắn sẽ mất hẳn vai trò “tổ chức chính trị – xã hội’ của nó, không những không còn ngân sách đảng phóng tay cấp tiền ăn xài mà còn sẽ mất hẳn 3% ‘ăn’ được từ giới doanh nghiệp và công nhân.

Đó chính là nguồn cơn sâu xa mà đã khiến giới quan chức của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam quy chụp chính trị không cần liêm sỉ về “một loại tổ chức đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp”, khi đề cập đến công đoàn độc lập.

Nhưng trình độ và nhận thực của gia tầng công nhân Việt Nam đã vượt cao hẳn so với nhiều năm trước, công nhân không còn dễ bị Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và giới tuyên giáo đảng mị dân phỉnh dụ. Hàng loạt cuộc đình công tự phát của công nhân từ năm 2015 đến nay đã cho thấy họ đang tìm cách vượt qua sự kềm siết của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và chính quyền, tự tìm cho mình một hướng đi bảo vệ quyền lợi chính đáng thông qua các công ước quốc tế về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Vai trò và số phận phải tiêu vong của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cũng bởi thế hầu như là một tương lai không còn hoài nghi, cho dù trong thời gian tới tổ chức này có tính kế ‘ve sầu thoát xác’ nhằm vớt vát một chút niềm tin của công nhân để kéo dài chút này hay chút ấy tuổi thọ tàn tạ của nó.