Sách mới: “Học chính sách công qua chuyện đặc khu”

Ba tác giả Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Đoan Trang và Trịnh Hữu Long. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
Luật Khoa tạp chí, ngày 14/12/2018

Hôm nay, 14/12, Luật Khoa tạp chí trân trọng giới thiệu một tác phẩm mới, mang tên “Học chính sách công qua chuyện đặc khu”, của ba tác giả Phạm Đoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn và Trịnh Hữu Long.

Cuốn sách mỏng 100 trang này là một nỗ lực của nhóm tác giả và Luật Khoa tạp chí trong việc giải thích khía cạnh chính sách của vấn đề đặc khu kinh tế.

Lý giải về động lực viết cuốn sách này, nhóm tác giả cho biết:

“Câu chuyện đặc khu làm nổi bật những bất ổn trong hệ thống chính trị Việt Nam – trong quy trình hoạch định và ban hành chính sách công, trong cơ chế công dân giám sát nhà nước, trong việc bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền, trong thực hành dân chủ, thực hành tự do ngôn luận, phản biện xã hội, ngăn chặn những chính sách sai lầm và hành động sai trái của các cấp chính quyền.

Đó là nguyên nhân sâu xa để cuốn sách này ra đời.”

Nhóm ba tác giả đều là các nhà hoạt động xã hội. Trong đó, Phạm Đoan Trang và Trịnh Hữu Long là nhà báo, đồng sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí, còn Nguyễn Anh Tuấn vừa tốt nghiệp hệ thạc sĩ ngành chính sách công.

Đặc khu kinh tế là một vấn đề gây tranh cãi bậc nhất ở nước ta trong nhiều chục năm trở lại đây, đụng chạm đến không chỉ vấn đề kinh tế, chính trị trong nước mà còn liên quan đến một vấn đề an ninh quốc gia cực kỳ nhạy cảm là mối quan hệ với Trung Quốc.

Cuốn sách “Học chính sách công qua chuyện đặc khu” nêu rõ lịch sử hình thành ý tưởng chính sách đặc khu này, bắt đầu từ một nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1997. Kể từ đó đến nay, nó đã trải qua một hành trình dài, mà hai mốc đáng nhớ là việc Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên nhắc đến khái niệm “đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”, tên gọi chính thức của “đặc khu”, và khi Dự luật Đặc khu được dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 6 năm 2018 của Quốc hội.

Phong trào phản đối mạnh mẽ trong công chúng, đặc biệt là các cuộc biểu tình rầm rộ ngày 10/6/2018 ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã dập tắt những nỗ lực thông qua dự luật này trong năm 2018. Dự luật bị hoãn hai lần và chưa biết khi nào mới được khởi động trở lại.

Nhóm tác giả tỏ ra nỗ lực trong việc giải thích vấn đề đặc khu một cách ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu nhất có thể. Ngoài việc giới hạn ở 100 trang (kể cả mục lục), các tác giả sử dụng văn phong phổ thông và nhiều ví dụ thực tế gần gũi với phần đông người Việt Nam ta.

Với nguyên tắc không tự kiểm duyệt, nhóm tác giả trình bày thẳng thắn và trực diện những vấn đề cốt lõi, thể hiện bản chất của vấn đề đặc khu.

Và cũng vì không muốn bị kiểm duyệt nên đơn vị xuất bản là Luật Khoa tạp chí không thể xuất bản sách thông qua các nhà xuất bản trong nước mà phải tự xuất bản thông qua công ty IngramSpark (Mỹ), vốn có hệ thống in ấn và phát hành sách toàn cầu. Mã số ISBN của cuốn sách này cũng được đăng ký ở Mỹ thay vì đăng ký với Bộ Thông tin – Truyền thông nước ta.

Giá sách bán ở Việt Nam là 200.000 đồng (bao gồm cả phí vận chuyển), ở nước ngoài là 9.99 USD.

Sách “Học chính sách công qua chuyện đặc khu” do Luật Khoa tạp chí ấn hành. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.

Cách mua sách ở Việt Nam

Bước 1: Bạn đọc chuyển khoản tiền mua sách vào tài khoản:

Phạm Bảo Ân
Số tài khoản: 19030042962012
Ngân hàng Techcombank, chi nhánh Thắng Lợi, TP. Hồ Chí Minh
Xin ghi rõ lý do chuyển khoản: Mua sách CSC + số lượng. Ví dụ: “Mua sách CSC – 3 cuốn”.

hoặc:

Tài khoản Paypal của Luật Khoa theo địa chỉ: editor@luatkhoa.org.
Xin ghi rõ lý do chuyển khoản: Mua sách CSC + Tên người nhận + Địa chỉ nhận sách + Số lượng.

Bước 2 (chỉ áp dụng cho độc giả chuyển tiền qua ngân hàng): Gửi email tới địa chỉ editor@luatkhoa.orghoặc nhắn tin qua fanpage Luật Khoa tạp chí với nội dung sau:

Tiêu đề email: Mua sách CSC (nếu gửi tin nhắn Facebook thì không cần tiêu đề).

Nội dung: Tên người nhận + Địa chỉ nhận sách + Số lượng + Đính kèm biên lai chuyển tiền hoặc tên người chuyển tiền.

Bước 3: Luật Khoa gửi email xác nhận và chuyển sách.

Cách mua sách ở nước ngoài

Luật Khoa sẽ sớm cập nhật link đặt mua sách bản cứng cho độc giả ở Việt Nam lẫn nước ngoài.

Nếu bạn muốn nhận thông báo về link đặt mua sách online, xin gửi email tới editor@luatkhoa.org với tiêu đề “Mua sách CSC online”. Luật Khoa sẽ thông báo cho bạn khi công bố trang mua sách online.