Việt Nam kết án 40 nhà hoạt động với tổng án tù 300 năm trong năm 2018

Người Bảo vệ Nhân quyền, ngày 31/12/2018

Biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/6/2018 (Nguồn ảnh: Internet)

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), chính thể cộng sản Việt Nam kết án 40 nhà hoạt động với tổng mức án 300 năm tù giam và 69 năm quản chế trong năm 2018.

Trong số 40 nhà hoạt động này thì có 16 nhà hoạt động bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật hình sự 1999. Tổ chức Hội Anh em Dân chủ có 8 thành viên bị kết án vì tội danh này, tiếp theo là tổ chức Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết có 5 thành viên bị xử án tù vì tội danh này.

Người bị kết án nặng nhất là ông Lê Đình Lượng- 20 năm tù và 5 năm quản chế. Những người bị án dài tiếp theo là ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Quốc Hoàn.

Sáu nhà hoạt động bị kết án theo tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật hình sự 2015. Các ông Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc, Bùi Hiếu Võ, Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Đình Thành bị án tù từ sáu đến tám năm tù giam và 3 hoặc 4 năm quản chế.

Bốn Facebookers Trương Đình Khang, Nguyễn Hồng Nguyên, Đoàn Khánh Vinh Quang và Bùi Mạnh Đồng bị kết án với tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật hình sự 2015 với mức án nhẹ nhất là 1 năm và nặng nhất là 2 năm 6 tháng.

Nhà báo công dân Đỗ Công Đương bị khép hai tội danh theo Điều 331 và “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật hình sự 2015. Ông bị xử với tổng mức án là 9 năm.

9 nhà hoạt động và 64 người biểu tình ôn hoà trong giữa tháng Sáu bị khép tội “gây rối trật tự công cộng” và bị xử mức án từ 8 đến 6 năm tù giam.

Cũng trong năm 2018, Việt Nam bắt giữ ít nhất 26 nhà hoạt động với những cáo buộc nghiêm trọng như “phá rối an ninh”, “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo các điều khoản 117, 118 và 331 của Bộ luật hình sự 2015. Nhiều người bị bắt, bắt cóc và còn bị giam giữ trong nhiều tháng cho dù phía công an chưa đưa ra cáo buộc chính thức.

Theo Now!Campaign, một nhóm gồm 14 tổ chức dân sự và nhân quyền quốc tế và Việt Nam thì Hà Nội hiện đang giam cầm 244 tù nhân lương tâm, còn theo Ân xá Quốc tế thì số tù nhân lương tâm ở Việt Nam vào khoảng 100. 

Năm tới, chính quyền Việt Nam có thể sẽ đàn áp giới bất đồng chính kiến mạnh hơn nếu việc áp dụng Luật An ninh mạng được thực hiện một cách nghiêm túc. Nhiều nhà hoạt động và Facebooker có thể sẽ bị bắt và kết án vì một luật được cho là công cụ để bịt miệng giới bất đồng chính kiến.