Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ nhất từ ngày 01 đến 06/01/2019: Việt Nam đang giam giữ ít nhất 244 tù nhân lương tâm

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 06/01/2019

Chính quyền cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 244 tù nhân lương tâm, theo Now! Campaign, một chiến dịch nhằm đòi trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam với sự tham gia của 14 tổ chức độc lập quốc tế và trong nước.

Con số trên bao gồm 224 người hoạt động đã bị kết án và 20 người hiện còn đang bị giam giữ trong thời gian điều tra hoặc chờ ngày ra toà. Đa số họ bị kết án vì những cáo buộc mơ hồ trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Ngày 04/01, Toà án Nhân dân thị xã Buôn Hô ra quyết định buộc nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy phải thi hành án tù giam 2 năm 9 tháng cho dù chính toà án này cho phép cô chưa thi hành án tù do còn đang nuôi con nhỏ. Theo quyết định này, cô phải đến cơ quan thi hành án của Toà án này trong vòng 7 ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Trước đó, ngày 30/11/2018, Toà án Nhân dân thị xã Buôn Hô đã kết án cô về cáo buộc “xúc phạm quốc kỳ” theo Điều 276 của BLHS 1999. Hiện con gái của cô mới chỉ 27 tháng và cô đang mang thai đứa con thứ hai. Theo luật hiện hành, phụ nữ nuôi con dưới 36 tuổi không bị tù đến khi đứa trẻ đủ 3 tuổi.

Nhà hoạt động Lê Minh Thể, thành viên nhóm Hiến Pháp, vẫn chưa được gặp gia đình và luật sư gần ba tháng sau ngày bị bắt giữ. Ông bị bắt ngày 10/10/2018 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của BLHS 2015 chỉ vì những hoạt động ôn hoà nhằm cổ suý nhân quyền và quyền dân sự và chính trị theo Hiến pháp 2013 và những công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

Nhà hoạt động dân chủ Lê Đình Lượng đã bị chuyển đi thi hành án ở Trại giam Ba Sao của tỉnh Hà Nam, khoảng 300 km từ huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) nơi gia đình ông đang sinh sống. Việc chuyển ông đến trại giam này sau khi kháng cáo của ông bị từ chối sẽ gây khó khăn cho gia đình trong việc thăm nuôi hàng tháng.

Trong khi đó, ngày 04/01, nhà hoạt động Vũ Văn Hùng đã được trả tự do sau khi thi hành đủ án tù 1 năm vì cáo buộc “gây thương tích” theo Điều 134 của BLHS 2015 trong một vụ án tạo dựng.

Chiều ngày 04/01, công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ một cách độc đoán nhà hoạt động Nguyễn Trí Dũng nhằm ngăn anh đi đến vườn rau Hưng Lộc, nơi chính quyền thành phố cưỡng chế đất đai. Mật vụ cũng đánh đập mẹ anh là bà Dương Thị Tân, một người hoạt động nhân quyền. Anh Dũng là con trai của bà Dương Thị Tân và cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày), người hiện đang phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ.

Có ít nhất 11 công dân Việt Nam đã bị chết trong khi bị giam giữ trong năm 2018, theo đài Á Châu Tự do.

===== 02/01 =====

Nhà hoạt động Lê Minh Thể vẫn chưa được gặp gia đình sau gần 3 tháng bị bắt giữ

Công an thành phố Cần Thơ vẫn không cho phép gia đình của nhà hoạt động Lê Minh Thể được gặp ông trong nhà tạm giam của Công an huyện Bình Thuỷ kể từ khi bị bắt gần 3 tháng trước.

Ông Lê Minh Thể, sinh năm 1963, bị bắt ngày 10/10/2018 với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015 vì những hoạt động ôn hoà nhằm cổ suý dân quyền và nhân quyền. Ông là một trong 18 thành viên sáng lập của nhóm Hiến Pháp.

Gia đình ông cho biết vào cuối năm 2018, phía trại tạm giam đã đồng ý cho ông gặp thân nhânvà yêu cầu gia đình xin giấy xác nhận của phường An Thới, nơi gia đình ông đang cư trú. Tuy nhiên, khi người nhà mang giấy đã có xác nhận của chính quyền địa phương thì trại tạm giam lại từ chối.

Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì người bị bắt với cáo buộc hình sự được phép gặp người thân và luật sư trong thời gian bị tạm giam. Tuy nhiên, trong hầu hết các vụ án chính trị, người bị bắt không được tiếp cận luật sư và được thăm viếng bởi gia đình trong thời gian điều tra.

Ông Thể là một trong 10 thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt hoặc bị bắt cóc từ đầu tháng 9 năm ngoái. Bốn trong số họ, ông Ngô Văn Dũng, cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Đoàn Thị Hồng và Hồ Đình Cương bị cáo buộc “gây rối an ninh” theo Điều 118 trong khi ông Huỳnh Trương Ca bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015. Ba người còn lại là các ông Đỗ Thế Hoá, Trần Thanh Phương và Hùng Hưng vẫn bị biệt giam mà gia đình không được thông báo về việc bắt giữ cũng như tội danh mà họ bị cáo buộc.

Trong dịp quốc khánh năm 2018, an ninh Việt Nam bắt giữ hàng chục nhà hoạt động nhằm ngăn chặn làn sóng biểu tình phản đối những chính sách của đảng cầm quyền. Theo một số nguồn tin chưa được kiểm chứng thì nhiều người bị biệt giam và thân nhân của họ không được phía công an thông báo về việc bắt giữ và nơi giam giữ.

Việt Nam hiện giam giữ gần 250 tù nhân lương tâm, theo Now!Campaign, một chiến dịch đòi trả tự do cho tù nhân lương tâm có sự tham gia của 14 tổ chức dân sự và nhân quyền quốc tế và trong nước. 

——————–

Có ít nhất 11 người chết trong khi bị giam giữ trong năm 2018: RFA

Theo đài Á Châu Tự do (RFA), có ít nhất 11 người bị chết trong đồn công an ở nhiều nơi của Việt Nam năm 2018. Đây là những nạn nhân trong những sự việc được ghi nhận bởi truyền thông.

Nạn nhân cuối cùng trong năm ngoái là anh Nguyễn Minh Sang, người qua đời ở Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 23/12/2018 sau vài tiếng bị giam giữ trong trụ sở Công an phường 2, quận Tân Bình, Sài Gòn.

Trong các trường hợp này, 6 người được cho là tự tử hoặc tự ngã dẫn đến tử vong. Tất cả họ đều chết với những chấn thương nặng ở đầu hoặc thân thể. 

Theo RFA, báo chí trong nước không đưa ra con số thống kê về số người chết trong đồn công an trong nhiều năm gần đây. Năm 2015, Bộ Công an đưa ra báo cáo nói rằng có 226 người chết trong thời gian bị giam hay bị tạm giữ trong 3 năm 2011-2014, với nguyên nhân chủ yếu là do bệnh lý và tự sát.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp (Bộ Công an) nói rằng “Chúng tôi xin khẳng định tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chiếm tỉ lệ rất nhỏ 0,3% tổng số phạm nhân đang chấp hành trong trại giam. Các trường hợp chết đều do bệnh hiểm nghèo bị mắc trước khi vào trại. Số này chiếm 98,6%. Chỉ có 1,4% là chết do tai nạn rủi ro; hoặc có 1 trường hợp là tự tử.” 

Tuy nhiên, đại đa số gia đình các nạn nhân nghi ngờ rằng họ chết bởi tra tấn.

Việt Nam ký Công ước Chống Tra tấn của Liên Hợp quốc vào ngày 7/11/2013 và được Quốc hội cộng sản phê chuẩn vào ngày 28/11/2014. Đây được cho là 1 trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp quốc.

Nhiều tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế đánh giá tình trạng công an sử dụng bạo lực đối với người dân đang trở nên phổ biến ở nhiều địa phương của Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, số liệu báo cáo của Chính phủ Việt Nam cho biết từ 2015 tới nay, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ thụ lý 6 vụ với 11 bị can về tội dùng nhục hình.

===== 03/01 =====

Now! Campaign: Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 244 tù nhân lương tâm

Theo Now!Campaign, một chiến dịch nhằm vận động trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam của 14 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam, thì hiện chính quyền cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 244 tù nhân lương tâm.

Trong thông cáo báo chí của chiến dịch công bố ngày 03/01 thì con số trên bao gồm 224 tù nhân lương tâm đã bị kết án và 20 người khác đang bị giam giữ trong giai đoạn điều tra hay chờ ngày xét xử.Con số trên không kể 8 người người tham gia biểu tình ôn hòa vào giữa tháng 6 năm 2018 đã bị kết án với bản án tù treo từ năm tháng đến hai năm.

32 tù nhân lương tâm là nữ. 176 người- 76.6% là người Kinh, 59 người Thượng, 17 người Hmong, và 2 người Khmer Krom.

Hầu hết các tù nhân lương tâm đã bị buộc tội hoặc kết án về các cáo buộc theo các Điều 109, 116.117, 318 và 331 trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (Điều 79, 87, 88, 245 và 258 của BLHS 1999):

– 45 nhà hoạt động bị kết án về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của BLHS 1999 hoặc Điều 109 trong BLHS 2015;

– 23 nhà hoạt động bị kết án và năm người bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của BLHS 1999 hoặc Điều 117 của BLHS 2015;

– 53 người dân tộc thiểu số bị kết án vì cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 của BLHS 1999;

– 13 nhà hoạt động bị kết án hoặc bị buộc tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của BLHS 1999 hoặc Điều 331 của BLHS 2015;

– 78 cá nhân bị kết án hoặc bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 của BLHS 1999 hoặc Điều 318 của BLHS 2015). Năm mươi hai người trong số họ đã bị cầm tù vì tham gia biểu tình ôn hòa hoặc bị nghi ngờ có kế hoạch tham gia vào các cuộc biểu tình giữa tháng Sáu.

– 16 cá nhân bị bắt giữ hoặc giam giữ nhưng cơ quan chức năng không/chưa công bố cáo buộc hay tội danh chống lại họ.

Riêng trong năm 2018, Việt Nam bắt giữ 27 nhà hoạt động và kết án 41 nhà hoạt động với tổng mức án tù giam là 302 năm 9 tháng và 69 năm quản chế. Hai nhà hoạt động Lê Đình Lượng và Lưu Văn Vịnh bị mức án tù cao nhất tương ứng là 20 năm và 15 năm.

Ngoài ra, Việt Nam còn bắt giữ hàng trăm người biểu tình ôn hoà, và kết án tù giam 64 người với mức án tù từ 8 tháng đến 54 tháng.

Ngoài việc bắt giữ độc đoán, giam giữ lâu trước khi xét xử, xét xử không đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của quốc tế về phiên toà công bằng, chính quyền còn đàn áp và đối xử hà khắc, vô nhân đạo với nhiều tù nhân lương tâm. Nạn nhân bao gồm ông Trần Huỳnh Duy Thức, cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và cô Trần Thị Nga….

——————–

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị chuyển đi thi hành án ở Hà Nam

Theo gia đình của mình, tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng đã bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam Ba Sao, tỉnh Hà Nam, xa gia đình ông ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vào khoảng 300 km.

Ông Lượng, người bị kết án cao kỷ lục 20 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật hình sự 1999, đã bị chuyển đi thi hành án sau khi kháng cáo của ông bị Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bác bỏ trong phiên phúc thẩm vào ngày 18/10/2018.

Trại giam Ba Sao hiện giam giữ nhiều tù nhân lương tâm như Phạm Văn Trội và Phan Kim Khánh. 

Cô Xoan, là con dâu của ông Lượng, hiện đang sống cùng chồng và con ở Đồng Nai. Cô dự gia đình nhỏ của cô và gia đình chồng sẽ luân phiên thăm ông cho dù từ nơi ở của cô đến trại giam Ba Sao xa chừng 1,700 km.

Bộ Công an Việt Nam có chính sách đưa những tù nhân lương tâm không chịu nhận tội đi thi hành án ở những nơi xa gia đình. Người có gia đình ở miền Bắc thì bị đưa vào miền Trung hay Tây Nguyên còn người ở miền Nam thì bị đưa ra miền Trung hay miền Bắc.

Việc đưa tù nhân lương tâm đi thi hành án xa gia đình là một hình thức trừng phạt bổ sung nhằm vào những người bị coi là “cứng đầu.”

Ông Lượng là một trong số 40 nhà hoạt động bị kết án trong năm 2018. 39 nhà hoạt động khác bị kết án với tổng mức án là 280 năm và 64 năm quản chế trong năm ngoái, theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền.

Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 244 tù nhân lương tâm, theo Now!Campaign, một chiến dịch vận động trả tự do cho tù nhân lương tâm của một nhóm 14 tổ chức nhân quyền và dân sự quốc tế và trong nước.

===== 04/01 =====

Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy bị buộc thi hành án tù dù con gái chưa đến 3 tuổi

Ngày 04/01/2019, Toà án Nhân dân thị xã Buôn Hô, tỉnh Dak Lak đã ban hành quyết định buộc nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy phải thi hành án tù 2 năm 9 tháng ngay lập tức.

Quyết định này được đưa ra hơn 1 tháng sau khi cô Huỳnh Thục Vy bị Toà án Nhân dân thị xã Buôn Hô kết án cô về cáo buộc xúc phạm quốc kỳ theo Điều 279 của Bộ luật hình sự 1999.

Theo quyết định này, cô Huỳnh Thục Vy sẽ phải có mặt tại trụ sở của cơ quan Thi hành án thuộc Công an thị xã Buôn Hô trong vòng 7 ngày tới để thi hành án, bằng không, cô sẽ bị cưỡng chế buộc thi hành.

Trong phiên toà ngày 30/11/2018, Toà tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam nhưng cho hoãn thi hành án vì đương sự đang còn nuôi con nhỏ. Theo luật Việt Nam, phụ nữ có con nhỏ thì được hoãn thi hành án cho đến khi đứa con đó đủ 3 tuổi. Con gái của cô Huỳnh Thục Vy mới hơn 2 tuổi và lẽ ra cô được hoãn thi hành án ít nhất gần 1 năm nữa.

Gần đây, cô Huỳnh Thục Vy có thông báo trên Facebook rằng cô đang mang thai đứa con thứ 2.

Với việc kết án nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, Việt Nam chịu sự chỉ trích của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, đặc biệt là Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch).

Cô Huỳnh Thục Vy là một người hoạt động nhân quyền rất mạnh mẽ. Cô là đồng sáng lập Hội Phụ nữ Nhân quyền, và là Đồng Chủ tịch của Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập Việt Nam.

Cô có nhiều bài viết giá trị cổ suý cho dân chủ và nhân quyền, và là tác giả của cuốn “Nhận Định Sự Thật – Tự Do & Nhân Quyền.”

Năm 2018, cô được BBC xếp vào danh sách 5 phụ nữ không ngại nguy hiểm để cất tiếng nói bảo vệ nhân quyền.

———————

Mật vụ thành phố HCM đánh đập nhà hoạt động Dương Thị Tân, bắt cóc con trai Nguyễn Trí Dũng

Ngày 04/01/2019, lực lượng công an thành phố Hồ Chí Minh đã đánh đập nhà hoạt động Dương Thị Tân và bắt giữ con trai bà là anh Nguyễn Trí Dũng.

Một số nhà hoạt động ở Sài Gòn đưa tin mật vụ đã bắt giữ anh Nguyễn Trí Dũng và đưa anh đi mà không thông báo cho gia đình. Bà Tân cho biết anh Dũng định lên Uỷ ban nhân dân phường nhưng bị bắt khi vừa định rời khỏi nhà.

Vợ anh Dũng cho biết mật vụ đã bắt giữ anh và tống anh lên xe rồi đưa đi. Anh Dũng không mang theo điện thoại nên gia đình không biết chuyện gì đã xảy ra.

Bà Tân cho biết mật vụ cũng xông vào nhà bà và đánh bà ở trong sân. Bà bị nhiều cú đạp và đấm, tuy nhiên, do phải tập trung chăm sóc mấy đứa cháu nội nên bà không thể đi khám bệnh.

Không rõ việc đàn áp nhằm vào gia đình bà Tân có liên quan gì đến cưỡng chế đất ở khu Vườn Rau trong ngày thứ Sáu.

Bà Tân là vợ cũ của ông Nguyễn Văn Hải hay còn được gọi với cái tên Điếu Cày, và anh Nguyễn Trí Dũng là con của hai người.

Ông Nguyễn Văn Hải bị kết án với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” với mức án 12 năm tù giam. Tuy nhiên, ông được phóng thích ngày 21/10/2014 nhưng buộc phải lưu vong ở Hoa Kỳ từ đó.

Bà Tân đã nhiều lần bị công an Sài Gòn đánh đập khi bà đấu tranh đòi tự do cho ông Hải cũng như khi tham dự nhiều sự kiện nhân quyền khác.

Bà tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ tù nhân lương tâm và gia đình của họ và nhiều người hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ.

——————– 

Nhà hoạt động Vũ Văn Hùng mãn hạn tù

Nhà hoạt động dân chủ, tù nhân lương tâm Vũ Văn Hùng đã mãn hạn tù vào ngày 04/01/2019 sau một năm bị giam cầm vì cáo buộc “cố ý gây thương tích” theo Điều 134 của Bộ luật Hình sự 2015.

Theo một số nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ như Ngô Duy Quyền và Nguyễn Thuý Hạnh đi đón ông Hùng từ Trại giam số 3 ở huyện Tân Kỳ của tỉnh Nghệ An thì sức khoẻ của ông Hùng tương đối tốt và tinh thần vững vàng.

Ông Hùng, một cựu giáo chức ở Hà Đông và cũng từng bị cầm tù 3 năm vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” trong cùng vụ án với một số nhà hoạt động dân chủ như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, đã bị bắt ngày 04/1 trong một vụ án dàn dựng. Ông bị hai mật vụ khiêu khích và đánh đập nhưng cuối cùng ông lại bị vu cho là “cố ý gây thương tích.”

Trong phiên toà thiếu công bằng vào ngày 12/4/2018, ông bị Toà án nhân dân quận Thanh Xuân (Hà Nội) tuyên phạt 1 năm tù giam cho dù ông và luật sư luôn khẳng định ông vô tội.

Việc bắt giữ và giam cầm ông có nguyên nhân chính là do ông là thành viên tích cực của Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức hoạt động nhằm cổ suý dân chủ và nhân quyền. Trong các năm 2015-2018, khoảng 10 người của tổ chức này đã bị bắt giữ và khép tội với những tội danh mơ hồ trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật hình sự. Họ bị kết án với những mức án từ 7 đến 15 năm tù giam và án quản chế từ 1 đến 5 năm.

==================== 

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây: https://www.vietnamhumanrightsdefenders.net/2019/01/06/vietnam-human-rights-defenders-weekly-report-for-january-01-06-2019-now-campaign-says-vietnam-hold-244-prisoners-of-conscience/?preview=true