Câu chuyện nước Anh: bán thiết bị giám sát cho Hà Nội

Ánh Liên, Việt Nam Thời báo, ngày 08/01/2019

Ngày 2.1, The Guadian đưa một thông tin đáng chú ý về Việt Nam, theo đó, Bộ trưởng Anh  Quốc bị chỉ trích vì không lên án Luật An ninh mạng của Việt Nam. Cụ thể, ông Bộ trưởng Ngoại giao Anh quốc Mark Field lên tiếng ủng hộ tự do báo chí, nhưng ông đã im lặng trước luật An ninh mạng (vốn bị đánh giá là hạn chế quyền dân sự – chính trị của người dân Việt). Có thể hiểu đây là sự tôn trọng của chính quyền nước Anh đối với vấn đề ‘nội bộ’ (hoặc đặc tính chủ quyền) của Việt Nam. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, bài báo cho biết thêm, bất chấp tình hình nhân quyền ở Việt Nam, các quan chức Vương quốc Anh coi Việt Nam như là một khách hàng trọng tâm trong xuất khẩu công nghệ quân sự và an ninh. Hà Nội là một trong số các quốc gia được mời mua sắm thiết bị giám sát tại hội chợ vũ khí diễn ra vào tháng 3.2017.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu, theo Andrew Smith, phát ngôn viên của Chiến dịch chống buôn bán vũ khí cho hay, là thiết bị đánh chặn viễn thông trị giá 5 triệu bảng Anh. Smith cho biết: thiết bị đặc biệt nhạy cảm khi được đặt vào tay các quốc gia độc tài.

Nước Anh nói chung hay bản thân Bộ trưởng Ngoại giao Anh quốc nói riêng bị ‘chỉ trích’ bởi HRW. Bởi quốc gia này, bằng cách nào đó, gián tiếp thực hiện việc hạn chế quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Câu chuyện nước Anh làm nhớ lại câu chuyện Slovakia – đất nước có dính líu đến nghi án ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’. Và Cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Slovakia, ông Robert Kalinak được xem là người thông đồng.

Đức – quốc gia được xem là nghiêm khắc vụ ‘bắt cóc’ – vốn được miêu tả chỉ ‘có trong thời kỳ chiến tranh Lạnh’ cũng đã dịu giọng hơn.

Anh Quốc, Đức Quốc, và Slovakia là những nước tư bản, những nước có truyền thống đề cao pháp quyền và nhân quyền bỗng nhiên mềm mỏng đến đáng sợ, chỉ bởi Việt Nam là một đối tác thương mại và mua bán vũ khí, thiết bị tiềm năng lớn. Nếu đặt nhân quyền Việt Nam vào trong câu chuyện này, thì người đấu tranh nhân quyền chua chát nhận ra, họ không khác gì món hàng hóa, hoặc sự hiện diện của họ không có quá nhiều tác động. Giá trị nhân quyền yếu thế, trơ trọi trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. 


Tư bản, với thương mại, và họ có lúc nhắm mắt làm ngơ.

Xu hướng dân chủ liệu có đi xuống? Chắc chắn có, khi mà bản than chủ nghĩa cực hữu dân tộc lên cao, quan điểm ‘quốc gia trên hết’ đã khiến nhân quyền không còn là mối lo chung cuộc.

Nhân quyền đi xuống không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà ở nhiều nước khác. Congo (một quốc gia ở Trung Phi) trong đầu năm mới này, đã cắt mạng internet trên toàn quốc, chặn đài RFI, và truyền thông địa phương trong cuộc chuyển giao quyền lực. Còn tại Nicaragua (quốc gia ở Trung Mỹ), một chiến dịch ‘bắt và nhốt’ các nhà báo và các nhà hoạt động, bắt giữ hơn 400 người biểu tình; sử dụng  cảnh sát và lực lượng bán quân sự nổ súng vào người biểu tình,… vẫn đang diễn ra. 

Trong mọi trường hợp, khi nhân quyền đi xuống, khi nhiều quốc gia độc tài phủ bóng ‘sợ hãi’ lên trên thì các nước tư bản lớn, những nước với nền pháp quyền và nhân quyền bậc cao cũng phải có một phần trách nhiệm của họ, bởi sự ‘im lặng’ và ‘thông đồng’.

Trở lại với vấn đề Việt Nam, câu chuyện Vương Quốc Anh bán thiết bị ‘nghe lén viễn thông’, vốn có thể sẽ được sử dụng để theo dõi trái phép những nhà hoạt động nhân quyền là một hành động phỉ báng vào giá trị mà nước Anh đã từng theo đuổi (tất cả mọi người bình đẳng, công bằng, nhân phẩm và tôn trọng). 

Bởi nước Anh có Bộ Nhân Quyền

Bởi Bộ trưởng Bộ Nhân quyền Anh Quốc Tariq Ahmad trong một cuộc thảo luận để kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã tuyên bố: Anh Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ nhân quyền, bảo vệ các giá trị của chính quốc gia này và cho các quyền của các cộng đồng chịu thiệt hại trên toàn thế giới.

Nhưng câu chuyện Anh Quốc trọng thương mại hơn nhân quyền cũng đề ra cho những nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam nguyên tắc: không trông chờ, không lệ thuộc, không quá hy vọng vào sự thay đổi trong nước bằng áp lực nước ngoài. Nói cách khác, nhân quyền Việt Nam phải ‘tự thân vận động’. Cùng theo đuổi việc đấu tranh nhân quyền bằng niềm tin, sự độc lập, nhưng đồng thời phải lên án, chỉ trích, phê phán những nước ‘tư bản’ đã hỗ trợ gián tiếp cho sự đi xuống của nhân quyền Việt Nam. 

Anh Quốc là một trong những nước đáng bị chỉ trích như vậy. Một nước đang làm xói mòn giá trị nhân quyền bằng các hành vi đi ngược nhân quyền.