Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 7 từ ngày 11 đến 17/02/2019: Việt Nam gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến, nhiều người bị bắt, bị mất tích

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 17/02/2019

Để đối phó với sự bất mãn của dân chúng, chế độ toàn trị ở Việt Nam tiếp tục chiến dịch đàn áp nhằm vào giới bất đồng chính kiến, với việc lực lượng an ninh thực hiện nhiều vụ bắt giữ và bắt cóc người hoạt động.

Ngày 28/01, một số kẻ mặc thường phục đã đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở thành phố Hồ Chí Minh và bắt giữ kỹ thuật viên Huỳnh Thị Tố Nga, một bà mẹ đơn thân với hai con nhỏ. Vụ bắt giữ này được cho là có liên quan đến những bài viết về dân chủ và nhân quyền trên hai tài khoản Facebook Diệu Hằngvà Selena Zen. Gia đình và bạn bè của cô vẫn không biết tình trạng của cô ra sao.

Hai ngày trước đó, cảnh sát bắt giữ ông Huỳnh Minh Tâm, người có tài khoản Facebook Huỳnh Trí Tâm. Hiện vẫn chưa rõ ông bị cáo buộc gì, và gia đình không được thấy lệnh bắt giữ cho dù cảnh sát có tiến hành khám nhà riêng của ông.

Cảnh sát tỉnh Bến Tre đã tra khảo nhiều người dùng Facebook của địa phương và nạn nhân bao gồm ông Phan Trí Toàn, sinh viên đại học Trần Ngọc Phúc và ông Đặng Trí Thức. Ông Thức bị phạt hành chính 15 triệu đồng trong khi chưa rõ hình thức trừng phạt dành cho hai ngườo còn lại. Công an địa phương nói họ còn tiếp tục điều tra vụ việc.

Cũng cần nói thêm rằng công an tỉnh Bến Tre đã bắt giữ Nguyễn Ngọc Ánh, một chủ nuôi tôm ở địa phương vì những hoạt động trên mạng xã hội, vào ngày 30/8/2018. Ông bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 và đối mặt với mức án đến 12 năm tù nếu bị kết tội.

Trong ngày 17/02, 40 năm sau ngày Trung Quốc xua khoảng 600.000 quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, lực lượng an ninh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác đã bắt giữ khoảng 10 nhà hoạt động và quản thúc tại gia hàng chục người khác nhằm ngăn cản họ tụ tập để viếng những người lính và dân thường bị lính Trung Cộng giết hại. Ở Sài Gòn, chính quyền thành phố còn đưa nhiều xe rác tới khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo và cẩu lư hương ở đây đi nhằm không cho người dân đến thắp hương tưởng niệm.

Ông Huỳnh Trương Ca, thành viên của nhóm Hiến Pháp và là người mới bị kết án tù 5 năm 6 tháng ở Trại tạm giam Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) nói với gia đình rằng ông bị giam trong phòng tối cùng với tù hình sự và bị chúng đánh thường xuyên. Ông còn bị bỏ đói cho dù đang mắc phải nhiều bệnh hiểm nghèo. Ông còn cho biết trong quá trình điều tra, ông bị một số sỹ quan công an ép ông phải nhận tội và vu khống người khác nhưng ông không nghe theo.

Trong khi đó, nhà hoạt động trẻ Phan Kim Khánh nói với người thân rằng anh sẽ làm đơn chất vấn Toà án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc đã không tiếp nhận đơn kháng cáo của anh. Hiện anh đang thụ án tù 6 năm tại Trại giam Ba Sao của tỉnh Hà Nam.

Nữ tù nhân lương tâm Võ Như Huỳnh là người biểu tình đầu tiên được trả tự do. Cô là một trong hàng chục người bị bắt và kết tội “gây rối trật tự công cộng” vì tham gia biểu tình ôn hoà phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng trong ngày 10/6/2018. Khoảng 100 người biểu tình ôn hoà đã bị kết án với mức án lên đến 54 tháng tù giam.

==== 10/02 ===== 

Washington hoan nghênh Bangkok trong việc điều tra vụ mất tích của nhà báo Trương Duy Nhất

Chính phủ Hoa Kỳ hoan nghênh nhà chức trách Thái Lan điều tra về vụ mất tích của cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, và Washington theo dõi sát sao sự việc này.

Đây là tuyên bố của một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 08/02 về việc mất tích của nhà báo Trương Duy Nhất, người bị mất liên lạc từ ngày 26/02, một ngày sau khi đến Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp quốc về Người tị nạn ở Bangkok để ghi danh xin quy chế tỵ nạn.

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên lên tiếng về sự việc của ông Trương Duy Nhất, một cây bút phản biện và là người cộng tác lâu năm của Đài Á châu Tự do (RFA). Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm Ân xá Quốc tế, Quan sát Nhân quyền (HRW), Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã lên tiếng và kêu gọi chính quyền Thái Lan điều tra việc mất tích của ông.

Đáp lại các lời kêu gọi, cảnh sát Thái Lan đã tuyên bố rằng họ đã bắt đầu điều tra.

Ông Trương Duy Nhất bị chế độ cộng sản Việt Nam cầm tù hai năm với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì những bài viết phản biện chỉ trích một số lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản cầm quyền và chính phủ.

Sau khi mãn hạn tù, ông vẫn tiếp tục viết bài phản biện cho dù với ngôn ngữ có nhẹ nhàng hơn. 

Một số nguồn tin nói ông bị nhân viên của Tổng cục Tình báo quân đội (Tổng cục 2) bắt giữ theo lệnh của Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc vì ông biết quá nhiều thông tin về người đứng đầu chính phủ khi ông ta còn là quan chức ở tỉnh Quảng Nam. Một số người khác liên hệ nhà báo Trương Duy Nhất với Vũ nhôm và cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Việc quốc tế lên tiếng sẽ làm cho tình trạng của cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất an toàn hơn. Nếu ông bị chính quyền Việt Nam bắt cóc, thì những kẻ bắt cóc sẽ không dám thủ tiêu ông.

Vài chục năm trước đây, nhà hoạt động dân chủ và công đoàn Lê Trí Tuệ đã bị mất tích ở Campuchia và nhiều người cho rằng ông bị mật vụ cộng sản Việt Nam thủ tiêu.

——————–

Tù nhân lương tâm Võ Như Huỳnh mãn án tù 8 tháng 

Nữ tù nhân lương tâm Võ Như Huỳnh, người bị cầm tù 8 tháng vì tham gia biểu tình ôn hoà giữa năm 2018, đã mãn hạn tù và trở về nhà ngày 10/02.

Chị là một trong số 20 người bị bắt vì tham gia biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở Biên Hoà vào ngày 10/6/2018 và sau đó bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự 2015.

Tại phiên toà sơ thẩm vào ngày 30/7/2018, 15 trong số 20 người nói trên đã bị kết án tù giam từ 8 đến 18 tháng tù. Năm người còn lại bị án treo. 

Người bị mức án cao nhất là anh Trần Nguyễn Duy Quang với bản án 18 tháng tù giam.

Sau phiên sơ thẩm, nhà cầm quyền ở Đồng Nai đe doạ những người bị khép án tù nhằm ngăn cản họ gặp luật sư và kháng cáo. Nhóm luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miểng và Trịnh Vĩnh Phúc cũng bị đe doạ khi mật vụ ném đá vào xe của họ trong lúc họ đi đến nhà giam gặp thân chủ của mình.

Giữa tháng 6 năm ngoái, chính quyền cộng sản ở nhiều nơi đã sử dụng bạo lực để đàn áp người biểu tình. Hàng trăm người đã bị bắt giữ và tra tấn ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hoà, Bình Thuận, Ninh Thuận…

Khoảng 100 người đã bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và bị khép án tù với mức án cao nhất là 54 tháng tù giam.

===== 

Tù nhân lương tâm Phan Kim Khánh sẽ khiếu nại vì bị từ chối kháng án 

Theo em gái của nhà hoạt động Phan Kim Khánh, anh sẽ làm đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng về việc Toà án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên không tiếp nhận đơn kháng án của anh.

Cô Phan Thị Trang đã thông báo về dự định của anh trai mình trong buổi thăm gặp thường kỳ ngày 10/02 tại Trại giam Ba Sao (tỉnh Hà Nam), nơi nhà hoạt động Phan Kim Khánh đang thụ án tù 6 năm vì tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Nhà hoạt động Phan Kim Khánh bị bắt ngày 21/3/2017 khi đang là sinh viên Đại học Thái Nguyên vì những bài viết chống tham nhũng và cổ suý nhân quyền, dân chủ. Ngày 25/10 cùng năm, anh bị Toà án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên kết án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế.

Sau phiên toà sơ thẩm, nhà hoạt động này đã kháng cáo, nhưng không rõ vì lý do gì mà đơn của anh không được giải quyết và không có một phiên toà phúc thẩm nào cả. Sau đó, anh bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam Ba Sao.

Từ khi bị bắt giữ, nhà hoạt động Phan Kim Khánh đã nhiễm nhiều bệnh do bị đối xử khắc nghiệt và điều kiện giam giữ tồi tệ, cả ở Trại tạm giam tỉnh Thái Nguyên và Trại giam Ba Sao.

Đặc biệt, cũng như ở nhiều nhà tù khác, tù nhân ở Trại giam Ba Sao bị buộc phải lao động 8 giờ/ngày. Không rõ nhà hoạt động Phan Kim Khánh bị buộc phải làm việc gì.

===== 

TNLT Trần Hoàng Phúc nghi ngờ bị Trại giam An Phước âm mưu đầu độc

Tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc, người đang thụ án tù 6 năm tại Trại giam An Phước (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), không dám ăn thức ăn của trại giam vì nghi có thuốc độc.

Theo gia đình của tù nhân lương tâm này thì Phúc không nhận thức ăn của trại giam từ hơn một tháng nay sau khi có nghi ngờ về an toàn thực phẩm. 

Người thanh niên trẻ cương quyết không ăn canh của trại giam và chỉ ăn thức ăn mà gia đình cung cấp trong những chuyến thăm nuôi hàng tháng.

Theo gia đình, Phúc đang bị một số bệnh hiểm nghèo, trong đó có viêm gan siêu vi C. Tuy nhiên, trại giam không cho gia đình gửi một số thiết bị đơn giản để kiểm tra sức khoẻ như cân, máy đo huyết áp, máy đo tiểu đường.

Trong trại giam, Phúc cùng một số tù nhân lương tâm đấu tranh đòi quyền lợi của tù nhân quy định bởi một số văn bản quy phạm pháp luật. Họ đã trồng rau xanh và hoa ở một khu đất gần phòng giam cho dù có sự ngăn cản của Ban giám thị trại giam.

Lo lắng về tình hình sức khoẻ của Phúc, gia đình tuyên bố rằng nếu có vấn đề gì đối với anh thì Ban giám thị Trại giam An Phước phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Trần Hoàng Phúc, 25 tuổi, từng học xong chương trình Luật quốc tế của Đại học Luật Sài Gòn. Anh còn là thành viên của nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á (YSEALI) do Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khi ông còn tại chức.

Anh bị bắt vào tháng 6 năm 2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” chỉ vì trợ giúp kỹ thuật Internet cho nhà hoạt động Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển. Đầu năm 2018, anh bị kết án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế trong khi ông Vũ Quang Thuận bị án 8 năm tù giam còn ông Nguyễn Văn Điển bị án 6 năm 6 tháng tù giam.

Báo chí lề đảng dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát quy kết nhóm 3 người này đã “làm, đăng tải 17 video, clip lên mạng xã hội, Internet và tàng trữ nhiều tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền.”

======= 

Tố công an Đồng Tháp ép cung, TNLT Huỳnh Trương Ca bị đánh đập, bỏ đói

Tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca, người mới bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam vì cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước,” đang bị đàn áp trong Trại tạm giam ở thành phố Cao Lãnh của Sở Công an Đồng Tháp.

Trong lần gặp gia đình mới đây, ông cho biết ông bị nhốt trong phòng tối cùng với tù hình sự. Với sự bảo kê của công an, những tên tù hình sự này ra sức hành hạ ông. Ông cũng không được ăn uống đầy đủ, bữa no bữa đói, cuối tuần hầu như bị buộc ăn cháo.

Đây là những hình thức đàn áp mà công an Đồng Tháp đã đối xử với ông sau khi ông nói với gia đình rằng ông đã bị công an ép cung để buộc ông khai sau khi bị bắt.

Trong lần gặp gia đình vào cuối tháng 1 vừa qua, ông Ca nói rằng trong giai đoạn điều tra, một điều tra viên từ Sở Công an thành phố Sài Gòn đã ép cung, dụ cung nhằm buộc ông khai ra những người khác. Tuy nhiên, ông không mắc mưu và từ chối.

Gia đình ông cho biết hiện sức khoẻ ông Ca rất yếu.

Công an Đồng Tháp cũng sách nhiễu gia đình ông, theo dõi sát sao mọi thành viên trong gia đình và ngăn cấm họ tiếp xúc hoặc nhận trợ giúp từ những người khác. 

Con gái ông viết trên Facebook dòng chữ “Bố tôi vô tội” và công an địa phương đã triệu tập hai mẹ con lên đồn tra khảo từ sáng đến đầu giờ chiều. Sau đó công an cướp điện thoại của hai người rồi xoá hết các dữ liệu bên trong máy. Công an còn đe doạ, nói bỏ tù nếu còn tiếp tục sử dụng Facebook để truyền tin về ông.

Ông Ca, 48 tuổi, là thành viên của nhóm Hiến Pháp, một nhóm gồm 18 người với chủ trương phổ biến quyền con người được ghi trong Hiến pháp 2013. Nhiều thành viên của nhóm này là những người tích cực trong cuộc biểu tình ôn hoà phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng tại Sài Gòn ngày 10/6/2018.

Ông và 8 người khác của nhóm đã bị bắt giữ đầu tháng 9 năm ngoái khi chuẩn bị cho cuộc biểu tình vào ngày 04/9 trong dịp quốc khánh. Ông bị cáo buộc theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.

Trong phiên toà ngày 28/12/2018 không có luật sư, ông bị kết tội với mức án 66 tháng tù giam và ba năm quản chế.

Tám thành viên khác của nhóm Hiến Pháp vẫn còn đang bị giam giữ, 4 trong số họ tên là Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Ngô Văn Dũng, Đoàn Thị Hồng và Hồ Đình Cương đang bị điều tra với cáo buộc “Phá rối an ninh” theo Điều 118, một người là ông Lê Minh Thể bị cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015. Ba người còn lại tên là Hưng Hùng, Trần Thanh Phương và Đỗ Thế Hoá vẫn bị biệt giam mà chưa có cáo buộc.

Tra tấn, ép cung và mớm cung là “biện pháp nghiệp vụ” mà an ninh Việt Nam thường xuyên áp dụng, nhất là trong các vụ án mang tính chính trị, theo nhiều tổ chức nhân quyền và cựu tù nhân lương tâm.

========

Jubilee Campaign đưa tình trạng “vô quốc gia” ở Việt Nam lên Uỷ hội Nhân quyền LHQ

.

Hôm nay tổ chức nhân quyền Jubilee Campaign đã nộp báo cáo về tình trạng “vô quốc gia” của hàng chục nghìn người Hmong và người Thượng ở Tây Nguyên ở Việt Nam cho khoá họp lần thứ 40 của Uỷ hội Nhân quyền Liên Hợp Quốc dự kiến vào ngày 13/3 tới đây.

Với báo cáo này, Jubilee Campaign mong muốn Uỷ hội Nhân quyền LHQ quan tâm đến số phận của 2.000 hộ dân với khoảng 10.000 người thuộc sắc tộc Hmong và nhóm người Thượng bị chính quyền cộng sản Việt Nam phân biệt đối xử chỉ vì họ có niềm tin vào Chúa Jesus.

Tuy nhiên, Jubilee Campaign cho biết con số thực có thể lớn hơn. 

Theo Jubilee Campaign, khoảng nửa số nạn nhân nói trên đến từ cộng đồng Hmong, một cộng đồng bản xứ ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam như Sơn La và Lai Châu, nơi chính quyền địa phương tìm mọi cách để ngăn cản họ theo đạo Tin Lành. Người Hmong theo đạo Tin Lành bị buộc phải bỏ đạo và những người không tuân theo thì bị đuổi khỏi làng bản của họ. Những người bị đuổi này chạy vào khu vực Tây Nguyên và lập thành các cộng đồng ở những nơi chưa có người ở trong rừng sâu. Ở tại nơi mới, họ không được chính quyền địa phương đăng ký như công dân và họ không được cấp hộ khẩu, chứng minh thư, giấy kết hôn, giấy khai sinh cho con cái… Hậu quả là người lớn thì không thể xin việc làm, khám chữa bệnh, mở tài khoản ngân hàng… trong khi trẻ em thì không được đi học hoặc không được học ở cấp cao hơn tiểu học.

Tình trạng người Thượng, đặc biệt là ở huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai cũng tương tự.

Theo Jubilee Campaign, bằng việc phân biệt đối xử với người Hmong và người Thượng theo đạo Tin Lành, chính quyền Việt Nam vi phạm Điều 24 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, Điều 2 và 7 của Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em, Điều 5 của Công ước Quốc tế về Xoá bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Sắc tộc và Điều 11, 12 và 13 của Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá.

Chính phủ Việt Nam cũng vi phạm Điều 24 của Hiến pháp 2013 được Quốc hội cộng sản thông qua năm 2013 và Điều 6 của Luật Tôn giáo và Tĩn ngưỡng.

Bản báo cáo của Jubilee Campaign quan trọng nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ phải trải qua kỳ kiểm định về thực thi Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị tại Geneva vào trung tuần tháng 3 tới đây.

Jubilee Campaign là một tổ chức nhân quyền Thiên Chúa Giáo, đã từng có nhiều hoạt động từ những thập niên 1990 để bảo vệ cho thuyền nhân Việt Nam ở Hồng Kông.

===== 13/02 ===== 

Tài liệu về vi phạm nhân quyền của Việt Nam được chuyển tới Bộ Ngoại giao Đan Mạch

Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã nhận được một bộ tài liệu về một số vi phạm nhân quyền trầm trọng của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Tuần trước, một thành viên ở Đan Mạch của Mạng lưới Nghị viên vềTự do Tôn giáo (Network of Parliamentarians for Freedom of Religion or Belief)đã chuyển các tài liệu về việc chính quyền cộng sản Việt Nam cướp đất dưới dạng thu hồi đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng (Sài Gòn), Đan viện Thiên An (Huế) và giáo xứ Cồn Dầu (Đà Nẵng), và tình trạng “vô quốc gia”của người Hmong và người Thượng ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành.

Những tài liệu này có thể được sử dụng để chuẩn bị cho Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam dự kiến diễn ra tại Brussels vào ngày 04/3/2019. Đan Mạch là thành viên của khối EU và là một quốc gia quan tâm đến vấn đề nhân quyền.

Cũng trong thời gian này, Nghị viên Daniel Toft Jakobsencủa Quốc hội Đan Mạch cũng gửi văn thư yêu cầu Bộ trưởng về Hợp tác Phát triển báo cáo về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam và những côngviệc mà Toà Đại sứ Đan Mạch và các toà đại sứ của những quốc gia quan tâm đến tự do tôn giáo đang thực hiện nhằm phát huy tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Tự do tôn giáo ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp. Trong khi mở rộng quyền cho các nhóm tôn giáo có đăng ký, chính quyền Việt Nam lại thắt chặt quy định đối với các nhóm tôn giáo không đăng ký và thực hiện nhiều biện pháp đàn áp nhằm hạn chế sự hoạt động của họ hoặc buộc những tín đồ phải từ bỏ niềm tin và quay về với những nhóm đã được cấp phép.

Hàng nghìn gia đình với hàng chục nghìn người Hmong và nhóm người Thượng ở Tây Nguyên đã bị phân biệt đối xử, bị coi là công dân hạng hai khi họ từ chối từ bỏ niềm tin vào Chúa Jesus, theo một báo cáo mới đây của Jubilee Campaign.

===== 

EU khẳng định nhân quyền là chủ đề trọng tâm trong Đối thoại với Việt Nam

18 tổ chức xã hội dân sự, NGO kêu gọi EU hoãn phê chuẩn EVFTA

Người Bảo vệ Nhân quyền, ngày 13/02/2019: Theo Tiến sỹ Riina Kionka, cố vấn trưởng về chính sách ngoại giao của EU, ủng hộ nhân quyền là ưu tiên hàng đầu trong giao tiếp của ông Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk với lãnh đạo của các nước thuộc thế giới thứ 3, trong đó có Việt Nam.

Bà Riina Kionka khẳng định điều đó trong bức thư đề ngày 12/02/2019 phản hồi về bức thư chung của 18 tổ chức phi chính phủ (NGO) và xã hội dân sự trong nước và quốc tế gửi Hội đồng và Nghị viện Châu Âu  để kêu gọi khối này tạm hoãn việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA).

Cảm ơn về bức thư chung soạn thảo bởi tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch vào tháng trước, bà Riina Kionka cho biết vấn đề nhân quyền luôn được EU nêu lên trong các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai bên và Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam sắp tới là một cơ hội nữa để kêu gọi Việt Nam tônn trọng quyền bày tỏ chính kiến, lập hội, tụ họp và tự do tôn giáo cũng như những trường hợp của người bảo vệ nhân quyền.

Nhắc lại rằng việc ký kết Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam không phải là điều bắt buộc và Hội đồng Châu Âu có đủ thời gian để cân nhắc, bà cho biết hiệp định này là một công cụ để nêu lên với phía Việt Nam, như quyền của người lao động. Bà nói rằng bằng việc ký kết hiệp định này, hai bên cam kết thực hiện luật của mình và các công ước về lao động.

Xin nhắc lại, vào ngày 18/01/2019, 18 tổ chức quốc tế và quốc nội đã ký một bản thỉnh nguyện thư đề nghị Liên minh Châu Âu tạm hoãn việc phê chuẩn EVFTA cho tới khi chính quyền Việt Nam thể hiện những tiến bộ rõ ràng trong hồ sơ nhân quyền.

Bức thư nói rằng mặc dù đã tham gia Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), Việt Nam vẫn đang duy trì một trong những bộ luật hình sự khắc nghiệt nhất trong khu vực với nhiều điều khoản mơ hồ, lỏng lẻo, thường xuyên được chế độ sử dụng để giam cầm những người phê bình chính quyền, bloggers, lãnh đạo tôn giáo, những người hoạt động về quyền lao động, môi trường và nhân quyền. Chính quyền sở hữu hoặc kiểm soát tất cả phương tiện thông tin đại chúng, kiểm duyệt Internet và trừng phạt những tiếng nói bất đồng trên mạng; công đoàn độc lập và xã hội dân sự không được phép vận hành, tư pháp thiếu độc lập, và dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đất nước chưa từng biết đến bầu cử tự do và công bằng là như thế nào.

Tạm hoãn tiến trình phê chuẩn đến khi chính quyền Việt Nam ngưng đàn áp nhân quyền sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng Liên minh Châu Âu nghiêm túc thực thi cam kết dùng thương mại để thúc đẩy nhân quyền, và rằng Liên minh Châu Âu kỳ vọng những dấu hiệu cụ thể, rõ ràng rằng Việt Nam sẽ dừng đàn áp để Hiệp định có thể tiến triển. 

===== 

Chính quyền tỉnh Bến Tre tăng cường đàn áp người sử dụng Facebook

Chính quyền tỉnh Bến Tre tăng cường đàn áp người sử dụng Facebook ở địa phương, tra khảo một công dân và phạt tiền một người khác vì những bài viết của họ trong tài khoản Facebook.

Báo chí lề đảng cho biết công an tỉnh Bến Tre đã tra khảo công dân Phan Chí Toàn vì “có hành vi sử dụng tài khoản facebook cá nhân để tuyên truyền kích động biểu tình chống Nhà nước.” 

Theo đó, anh Phan Chí Toàn, 35 tuổi ở xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre, sử dụng tài khoản Facebook tên “Phan Rio” tham gia nhiều hội, nhóm chống đối chính trị, đồng thời viết bài đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều bài viết có nội dung kích động kêu gọi biểu tình, tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của đảng cầm quyền.

Báo dẫn lời của công an thì “Toàn khai nhận mục đích thực hiện các hành vi trên để lật đổ chế độ” và “cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để xử lý theo pháp luật.” 

Với lời lẽ trên của báo chí lề đảng, rất có thể anh Toàn sẽ bị bắt và bị cáo buộc mơ hồ trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự.

Người thứ hai mà báo chí lề đảng nhắc đến là việc chính quyền huyện Mỏ Cày đã phạt hành chính 15 triệu đồng đối với ông Đặng Trí Thức, 55 tuổi cư trú tại xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc vì có thực hiện một số live streams trên Facebook cá nhân để kêu gọi biểu tình trong năm 2018.

Bến Tre là một trong những địa phương mà chính quyền địa phương đàn áp người sử dụng Facebook. Nạn nhân bao gồm anh Nguyễn Ngọc Ánh và sinh viên Trần Ngọc Phúc. Người thứ nhất bị bắt ngày 30/8/2018 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật hình sự 2015 và người thứ hai bị tra khảo đều vì những bài viết cổ suý nhân quyền và dân chủ trên trang Facebook cá nhân của họ.

==========

Facebooker Diệu Hằng vẫn bị mất tích hai tuần sau vụ bắt cóc 

Tình trạng của nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga vẫn không rõ ràng và cô vẫn bị mất tích kể từ cuối tháng 1 vừa qua.

Nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga được cho là có nhiều bài viết sắc bén về nhân quyền và dân chủ đăng trên tài khoản Facebook Diệu Hằng vàSelena Zen. Chính vì những bài viết này mà cô đã bị vào tầm ngắm của lực lượng an ninh cộng sản.

Theo một số nguồn tin, cô đã bị bắt đi bởi một nhóm người khi đang làm việc tại một bệnh viện ở Sài Gòn hôm 28/01/2019.

Trong thời gian gần đây, chính quyền cộng sản Việt Nam tăng cường đàn áp nhằm vào nhiều người sử dụng Facebook sau khi Luật An ninh mạng được áp dụng vào thực tế từ ngày 01/01/2019.

Nhiều Facebooker đã bị bắt giữ hoặc tra khảo về những bài viết trên tài khoản cá nhân của họ có nội dung chỉ trích chính quyền về tình trạng tham nhũng, vi phạm nhân quyền, phản ứng yếu ớt trước sự bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông…

Song song với việc bắt giữ chính thức, an ninh Việt Nam thực hiện nhiều vụ bắt cóc người hoạt động, hoặc bắt người mà không thông báo cáo buộc hay thông báo việc bắt giữ cho phía gia đình.

Đầu tháng 9 năm 2018, an ninh Việt Nam đã bắt cóc nhiều thành viên của nhóm Hiến Pháp và đưa về giam giữ tại Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu thuộc Sở Công an thành phố Sài Gòn. Gia đình của những người này đã phải đi tìm nhiều nơi trong nhiều ngày và cuối cùng mới biết được nơi giam giữ họ. Hiện vẫn còn nhiều người bị biệt giam mà phía công an không thông báo cáo buộc chống lại họ.

Vài ngày trước vụ bắt giữ nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga, công an Việt Nam đã bắt giữ nhà hoạt động Huỳnh Minh Tâm (Facebooker Huỳnh Trí Tâm) và khám nhà của ông. Hiện công an vẫn chưa công bố cáo buộc đối với nhà hoạt động này.

Việt Nam hiện đang giam giữ khoảng 250 tù nhân lương tâm, theo số liệu của NOW!Campaign, một liên minh của 15 tổ chức dân sự quốc tế và quốc nội đấu tranh đòi trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

===== 

Công an bao vây gia đình tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình

Chính quyền cộng sản tỉnh Nghệ An đưa hàng chục công an và dân phòng đến bao vây xung quanh nhà riêng của gia đình tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình ở xã Trung Hưng, huyện Hưng Nguyên.

Theo anh Hoàng Nguyên, em trai của nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, công an được điều động đến gần gia đình anh vào tối ngày 14/02, và hiện vẫn tiếp tục ở xung quanh khu vực với số lượng lớn.

Một số sỹ quan công an còn lấy cớ vào chúc tết gia đình để dò hỏi. Một sỹ quan công an còn mời Hoàng Nguyên đi uống rượu nhưng anh đã từ chối vì biết bản chất xấu xa của lực lượng an ninh.

Gia đình không hiểu chuyện gì đang xảy ra và lo ngại đến tình trạng của nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, người đang thụ án tù 14 năm tại Trại giam An Điềm, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Nhà hoạt động công đoàn và môi trường Hoàng Đức Bình, phó chủ tịch Phong trào Lao động Việt, là một trong những người hoạt động tích cực vì quyền công nhân và trợ giúp nạn nhân của Formosa. Chính vì những hoạt động xã hội của anh mà nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã bắt cóc anh vào ngày 15/5/2017 rồi sau đó cáo buộc hai tội danh nguỵ tạo là “Chống người thi hành công vụ” “Lợi dụng quyền tự do dân chủ…”

Ngày 06/02/2018, toà án cộng sản đã kết tội nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, xử anh tổng cộng 14 năm tù giam cho hai cáo buộc.

Trong thời gian giam giữ trước phiên toà, anh bị tra tấn. Sau phiên toà, anh bị đưa đi thi hành án ở một nơi xa gia đình tại Quảng Nam, và ở nơi đây anh tiếp tục bị đày đoạ.

Gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng yêu cầu chính quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho anh ngay lập tức và vô điều kiện. Một số nghị sỹ của Quốc hội Châu Âu cũng kêu gọi Hà Nội phóng thích nhà hoạt động này.

===== 17/02 ===== 

Nhiều người bị bắt, bị quản thúc trong ngày kỷ niệm Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc

Chính quyền ở nhiều địa phương đã bắt giữ một số nhà hoạt động và quản thúc hàng chục người khác trong ngày 17/02, là ngày kỷ niệm tròn 40 năm việc Trung Quốc xua hàng trăm nghìn lính xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc.

Sáng ngày 17/02, lực lượng an ninh ở Hà Nội đã bắt giữ một số nhà hoạt động như Đặng Phương Bích, Nguyễn Chí Tuyến, cô giáo Hoàng Hà, bà Hạnh… khi họ mang hoa và hương đến tượng đài vua Lý Thái Tổ ở trung tâm thành phố để tưởng niệm những chiến sỹ và dân thường đã bị quân Trung Cộng sát hại trong cuộc chiến kéo dài 1 tháng kể từ ngày 17/02/1979. Họ bị đưa về phường sở tại và chỉ được trả tự do sau nhiều giờ ở trong đồn công an.

Cựu sỹ quan quân đội cộng sản Phan Trí Đỉnh đến thắp hương tại tượng đài vua Lý Thái Tổ thì bị lực lượng dư luận viên khiêu khích và sau đó bị hai mật vụ cưỡng bức rời khỏi khu vực này.

Hàng chục người hoạt động khác bị cấm ra khỏi nhà khi chính quyền thành phố đưa nhiều mật vụ đến canh giữ nhà riêng của họ.

Một số khác đến nghĩa trang thành phố để thắp hương cũng bị gây khó dễ bởi lực lượng bảo vệ và nhiều người trong trang phục dân sự.

Tình hình trong thành phố Hồ Chí  cũng tương tự. Thêm vào đó, chính quyền thành phố đưa nhiều xe rác và lực lượng an ninh trong trang phục công an và quân đội và dân sự bao vây tượng đài Trần Hưng Đạo ở trung tâm thành phố. Bất cứ người dân nào có ý định đến khu vực này để tưởng niệm đều bị lực lượng an ninh ép buộc rời đi.

Theo một số nhà hoạt động, nhằm ngăn cản người dân đến thắp hương tại tượng đài Trần Hưng Đạo, chính quyền thành phố đưa người đến cẩu lư hương đi nơi khác.

Trong một số ngày gần đây, báo chí quốc doanh được phép đăng nhiều bài viết về cuộc xâm lược của Trung Cộng 40 năm trước, nhưng trong tất cả các bài báo này không chỉ đích danh Trung Quốc xâm lược, mà thay vào đó chỉ nói “cuộc chiến biên giới.”

Nhà cầm quyền Bắc Kinh xua khoảng 60 nghìn quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam vào ngày 17/02/1979 sau khi chế độ cộng sản Việt Nam, khi đó bám càng theo Liên Xô, xâm lược Campuchia và lật đổ chế độ Pol Pot do Trung Cộng dựng lên.

Trước khi rút khỏi Việt Nam vào ngày 18/03/1979, quân Trung Cộng đã giết hại hàng chục nghìn người Việt Nam, phá huỷ hầu hết các cơ sở hạ tầng ở sáu tỉnh biên giới. Chúng còn giết cả vật nuôi và bỏ thuốc độc vào giếng và suối.

Cuộc chiến chưa dừng lại đó mà còn kéo dài khoảng 10 năm sau đó trước khi cộng sản Việt Nam chịu cúi đầu và xin nối lại bang giao. Hai nước bình thường hoá quan hệ cuối thập niên 1990, và ký hiệp định phân định biên giới trên bộ vào năm 1999, theo đó, một số địa danh của Việt Nam như ải Nam Quan và phần lớn thác Bản Giốc nằm trong địa phận Trung Quốc.

Theo số liệu của World Bank, diện tích đất của Việt Nam chỉ còn 312,000 Km vuông năm 2013 so với 325,000 km vuông trước khi ký hiệp định nói trên.

===================