Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 10 từ ngày 04 đến 10/3/2019: Nhà hoạt động xã hội Hà Văn Nam bị bắt với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”


Người Bảo vệ Nhân quyền| ngày 10/3/2019

Chính quyền toàn trị Việt Nam đã bắt giữ nhà hoạt động xã hội, hiệp sỹ chống BOT bẩn Hà Văn Nam bị bắt với cáo buộc nguỵ tạo “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự.

Sáng sớm ngày 05/3, một nhóm công an của tỉnh Bắc Ninh đã đến nhà riêng của anh Nam tại Hà Nội và bắt giữ anh rồi đưa anh đi giam ở Trại giam công an huyện Quế Võ mà không trưng ra lệnh bắt anh. Sau đó, công an Bắc Ninh công bố anh bị cáo buộc gây rối trật tự công cộng ở Trạm thu phí BOT Phả Lại ngày 31/01/2019. 

Anh Nam là một trong những nhà hoạt động tích cực phản đối việc thu phí BOT vì những trạm này được đặt không đúng vị trí, thu tiền từ những lái xe không hề sử dụng dịch vụ đường xây dựng mới. Cuối tháng 1, anh đã từng bị bắt cóc và đánh đập bởi một nhóm mặc thường phục ở Hà Nội.

Việc bắt giữ anh với cáo buộc nguỵ tạo nhằm đối phó lại với phong trào chống BOT bẩn của nhiều trạm thu phí trên toàn quốc.

Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền, người đang sống tỵ nạn ở Bangkok, nói rằng anh đang bị nguy hiểm bởi cảnh sát Thái Lan, với sự trợ giúp của Đại Sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, đang tìm cách bắt giữ anh vì anh là nhân chứng duy nhất chứng kiến cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất đến Bangkok và xin tỵ nạn. Anh kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế và truyền thông lên tiếng để anh không bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam.

Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức phiên toà phúc thẩm xử 5 nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 vào ngày 18/3 tới. Năm nhà hoạt động bị bắt vào đầu tháng 11 năm 2016, bị giam giữ biệt giam trước khi bị đưa ra kết tội bởi Toà án Nhân dân thành phố HCM với mức án từ 8 đến 15 năm tù giam và 3 năm quản chế cho mỗi người vì kế hoạch thành lập Liên minh Dân tộc Việt, một tổ chức độc lập nhằm đấu tranh đòi quyền dân sự và chính trị cho người dân.

Toà án Nhân dân quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ dự kiến sẽ xét xử nhà hoạt động Lê Minh Thể, người bị bắt ngày 10/10/2018 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015. Ông là một thành viên của nhóm Hiến Pháp, bị bắt chỉ vì những bài viết cổ suý dân chủ và nhân quyền, và tham gia biểu tình ôn hoà ngày 10/6/2018.

Và một số tin quan trọng khác

===== 04/3 ===== 

Một công dân Pháp bị bắt ở Sài Gòn vẫn còn bị công an biệt giam

Một công dân Pháp gốc Việt tên là Daniel Modan vẫn còn bị biệt giam kể từ khi bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ vào cuối tháng 2 trong dịp hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Bắc Triều Tiên vì ý định thể hiện chào mừng Tổng thống Donald Trump khi ông đến Việt Nam.

Theo anh Trần Duy Chiến, là người bạn của ông Daniel Modan, thì anh và ông Daniel Modan bị bắt vào khoảng 9 giờ sáng ngày 27/02 khi hai người đi xe máy và dừng lại mua cafe ở khu vực ngã tư đường Alexander và Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.  

Công an đã đưa hai người về một cơ sở giam giữ mà anh không biết tên. Tại đây, công an tách hai người ra hai nơi. Anh Chiến bị thu giữ điện thoại, ví gồm có tiền và giấy tờ cá nhân. Trong hai ngày 27 và 28/02, anh bị hỏi cung liên tục bởi nhiều sỹ quan, và nhiều lần bị đánh đập bởi một số kẻ mặc thường phục.

Anh Chiến, sinh năm 1990, chỉ được trả tự do vào đêm 28/02 nhưng phía công an không trả lại điện thoại, tiền và giấy tờ cá nhân. Anh nói hiện đang bị đau toàn thân, muốn đi khám sức khoẻ mà không có tiền và giấy tờ cá nhân.  

Anh Chiến cho biết cho tới giờ anh không thể liên lạc được với người bạn Daniel Modan và cho rằng người này vẫn còn bị giam giữ bởi công an. Anh nhận được một nguồn tin nói rằng bạn của anh đang bị giam giữ ở trại tạm giam T2 của Công an quận 1.

Chiến cũng cho biết anh Daniel Modan là một công dân Pháp gốc Việt, sinh năm 1971. Anh về Việt Nam vài năm trước nhưng gia đình hiện vẫn ở Pháp. Daniel Modan có nhiều bài viết về dân chủ và nhân quyền trên Facebook cá nhân là Daniel Modan. Anh Chiến kêu gọi cộng đồng quan tâm đến trường hợp của Daniel Modan để giúp anh này được tự do.

——————– 

Thái Lan sẽ trục xuất ông Cao Lâm vì cáo buộc lao động bất hợp pháp

Chính quyền Thái Lan sẽ trục xuất ông Cao Lâm, một công dân gốc Việt từng sống nhiều năm ở nước này, vì cáo buộc lao động bất hợp pháp.

Gia đình ông Cao Lâm bị Cảnh sát Hoàng gia Thái bắt giữ gần đây, một tháng sau khi cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất mất tích ở thủ đô Bangkok; và theo một số nguồn tin, ông Nhất đã bị bắt cóc và ông Lâm là người có dính lứu đến vụ bắt cóc này.

Tuần trước, cả gia đình ông Lâm bị bắt giữ nhưng cảnh sát chỉ giữ ông lại và trả tự do cho vợ con ông. Sau phiên toà ngày 04 tháng 03, ông bị kết tội lao động bất hợp pháp và bị đưa về Trung tâm giam giữ người nước ngoài sống bất hợp pháp ở Thái Lan (IDC). Ông sẽ bị trục xuất khỏi Thái Lan và bị buộc phải trở về Việt Nam.

Với hành động trên của cảnh sát Thái Lan, có lẽ ông Lâm không dính dáng gì đến vụ bắt cóc hoặc mất tích của ông Nhất.

Ông Nhất được cho là đến Thái Lan bất hợp pháp vào ngày 19 tháng 01. Ông đến Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) ở Bangkok để đăng ký xin tỵ nạn. Nhưng gia đình ông không thể liên lạc được với ông kể từ ngày 26/01 và ông được cho là mất tích.

Blogger Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) đang sống ở Đức, viết trên mạng xã hội rằng ông Nhất đã bị mật vụ của Tổng cục Tình báo Quân đội (Tổng cục 2) của Việt Nam bắt cóc ở một trung tâm thương mại ở ngoại ô Bangkok; và một số người Việt sống ở đây như ông Lâm và một người Việt khác có bút danh Kami giúp sức cho nhóm bắt cóc. Ông Lâm là một người hay trợ giúp nhiều người tỵ nạn đến từ Việt Nam, còn ông Kami là một blogger từng viết nhiều bài ở RFA và mạng xã hội chỉ trích chính quyền cộng sản Việt Nam.

Một số nguồn tin nói ông Nhất đã bị đưa về Việt Nam và hiện đang bị giam giữ ở Trại tạm giam B14 của Bộ Công an. Hà Nội hiện vẫn im lặng về sự việc.

===== 05/3 ===== 

Hiệp sỹ chống BOT Hà Văn Nam bị bắt với cáo buộc nguỵ tạo

Chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã bắt giữ hiệp sỹ chống BOT Hà Văn Nam với một cáo buộc nguỵ tạo nhằm ngăn cản anh phanh phui việc tham nhũng liên quan đến một số công trình giao thông được xây dựng dưới dạng xây dựng-khai thác-chuyển giao.

Theo tin tức của nhiều nhà hoạt động, anh Nam đã bị công an huyện Quế Võ bắt giữ với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự, với mức án tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Anh Nam cùng với nhiều nhà hoạt động xã hội khác thực hiện nhiều hoạt động nhằm phản đối việc thu phí của nhiều trạm thu phí vì những trạm này không được đặt đúng vị trí.  Họ làm nhiều hành động, bao gồm sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hoặc thật lớn để thanh toán tiền khi đến các trạm thu phí trên nhằm kéo dài thời gian chi trả và như vậy gây tắc nghẽn giao thông, buộc chủ trạm thu phí phải mở cửa cho xe chạy tự do. Chính vì các hoạt động này của họ mà các chủ trạm thu phí rất tức và sử dụng côn đồ hay cấu kết với công an để đánh đập, sách nhiễu người chống BOT.

Cuối tháng 1, anh Nam bị một nhóm mặc thường phục bắt cóc và đánh đập anh trước khi bỏ anh xuống ở một địa điểm thuộc huyện Đan Phượng. Anh bị gãy xương sườn và nhiều vết đau khắp cơ thể. Anh là một trong nhiều nhà hoạt động chống BOT bị đánh đập hoặc giam hãm trong xe riêng nhiều giờ trong vài tháng gần đây.

Việt Nam có gần 100 trạm thu phí BOT (Build-Operate-Transfer)  trên khắp cả nước. Rất nhiều trong số này bị cố tình đặt sai vị trí nhằm giúp chủ đầu tư thu được nhiều tiền phí, kể cả từ những xe không sử dụng dịch vụ. Tất cả các trạm thu phí BOT đều có quan chức cao cấp của chế độ chống lưng.

——————– 

Vợ tù nhân lương tâm Trương Minh Đức bị tịch thu hộ chiếu sau chuyến vận động châu Âu

Chính quyền Việt Nam đã tịch thu hộ chiếu của bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức, sau khi bà có chuyến đi tham gia Kiểm định Nhân quyền Phổ quát (UPR) của Việt Nam tại Geneva và vận động nhân quyền ở châu Âu.

Ngày 4 tháng 3, bà Thanh đến văn phòng phía Nam của Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (Bộ công an) ở thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu cơ quan này trả lại hộ chiếu cho bà, thì nhận được câu trả lời rằng họ sẽ tịch thu hộ chiếu của bà để tiêu huỷ với lý do an ninh quốc gia.

Cần nhắc lại, sau khoảng 1 tháng đi vận động ở châu Âu, bà Thanh trở về Việt Nam ngày 21/02/2019. Tuy nhiên, bà đã bị an ninh giữ lại ở phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất. Bà bị thu giữ hộ chiếu và bị tra hỏi trong nhiều giờ bởi một nhóm sỹ quan an ninh.

Trong chuyến đi châu Âu, bà Thanh đã tham gia nhiều sự kiện vận động cho dân chủ và nhân quyền, bao gồm tham dự UPR Việt Nam tại Geneva vào ngày 21/01, gặp một số quan chức của Bộ Ngoại giao Đức để nói về tình trạng nhân quyền hiện tại ở Việt Nam với việc chính quyền Việt Nam giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm điều kiện sống tồi tệ và bị đối xử khắc nghiệt.  Bà đã cùng nhiều tổ chức khác kêu gọi Liên Hợp quốc, EU và một số quốc gia dân chủ gây sức ép để buộc Hà Nội phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Chồng bà, ông Trương Minh Đức là phó chủ tịch Hội Anh em Dân chủ và Phong trào Lao dộng Việt và là một ký giả kỳ cựu. Ông bị bắt ngày 30/7/2017 cùng với 3 nhà hoạt động khác với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.” Năm 2018, ông cùng 5 nhà hoạt động của Hội Anh em Dân chủ bị đưa ra toà và bị kết án với mức án từ 7 đến 15 năm tù giam, riêng ông bị án 12 năm tù.

===== 06/3 =====

Cần Thơ hoãn phiên toà sơ thẩm xử nhà hoạt động Lê Minh Thể sang ngày 20/3

Chính quyền thành phố Cần Thơ đã quyết định hoãn phiên sơ thẩm xét xử nhà hoạt động Lê Minh Thể với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, Toà án Nhân dân quận Bình Thuỷ sẽ tổ chức phiên toà này vào ngày 20/3/2019. Trước đó, phiên toà đã được ấn định vào ngày 06/3, năm tháng sau khi ông Thể bị bắt giữ.

Lý do hoãn phiên toà là do đề nghị của luật sư của ông Thể. Gia đình mới ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với luật sư Nguyễn Văn Đức từ Văn phòng Luật sư Dân Đức và do vậy luật sư chưa có nhiều thời gian gặp gỡ với thân chủ để chuẩn bị bản bào chữa.

Ông Lê Minh Thể, 56 tuổi, là thành viên của nhóm Hiến Pháp, một nhóm chủ trương đấu tranh ôn hoà nhằm cổ suý quyền dân sự và chính trị như đã được ghi trong Hiến pháp 2013. Nhiều thành viên của nhóm tham gia biểu tình ôn hoà tại Sài Gòn ngày 10/6/2018. Sau đó, khoảng 10 thành viên của nhóm đã bị bắt giữ trong đầu tháng 9 và sáu người hiện còn đang bị giam giữ là Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Đoàn Thị Hồng, Ngô Văn Dũng, Đỗ Thế Hoá, Trần Thanh Phương và Hồ Đình Cương trong khi ông Huỳnh Trương Ca đã bị kết án 5.5 tù giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Ông Thể bị bắt ngày 10/10/2018 và việc bắt giữ ông được cho là có liên quan đến những bài viết, live streams và chia sẻ của ông trên trang Facebook cá nhân mang tên mình về nhiều vấn đề nóng của đất nước như chủ quyền ở Biển Đông, ô nhiễm môi trường trầm trọng, vi phạm nhân quyền, tham nhũng mang tính hệ thống. Nếu bị kết tội, ông phải đối mặt với mức án từ 6 đến 36 tháng tù giam, theo luật hiện hành.

Ông Ca cũng bị triệu tập đến phiên toà sơ thẩm xử ông Thể với tư cách đương sự của vụ án.

Tám thành viên của nhóm Hiến Pháp đang bị trong lao tù được nằm trong danh sách tù nhân lương tâm của NOW! Campaign, một chiến dịch đòi trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam của 15 tổ chức dân sự độc lập, trong đó có Người Bảo vệ Nhân quyền, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Civil Rights Defenders, và Front Line Defenders.

Chế độ cộng sản Việt Nam thường sử dụng tội danh theo Điều 331 và các điều khác trong phần An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự 2015 để giam cầm người bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và blogger nhằm làm câm lặng tiếng nói của họ và đe doạ những người khác. 

———————

5 nhà hoạt động của Liên minh Dân tộc Việt sẽ ra toà phúc thẩm ngày 18/3

Ngày 18/3, Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức phiên toà phúc thẩm xét xử 5 nhà hoạt động của Liên minh Dân tộc Việt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung bị bắt đầu tháng 11 năm 2016. Sau nhiều tháng bị giam giữ biệt giam, họ bị đưa ra toà sơ thẩm ngày 05/10 và bị Toà án Nhân dân thành phố HCM kết án tổng cộng 57 năm tù giam trong một phiên toà không đạt các tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp quốc về công minh.

Cụ thể, ông Lưu Văn Vịnh bị án 15 năm, ông Nguyễn Quốc Hoàn- 13 năm, ông Nguyễn Văn Đức Độ- 11 năm, ông Từ Công Nghĩa- 10 năm và ông Phan Trung- 8 năm. Ngoài ra, mỗi ông đều bị án quản chế 3 năm sau khi thực hiện án tù.

Sau khi nhận được kháng cáo của 5 nhà hoạt động, Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố HCM định mở phiên phúc thẩm vào ngày 21/1/2019 nhưng đến phút chót hoãn lại do ông Phan Trung không có luật sư riêng.

Gần đây, gia đình ông Phan Trung đã thuê luật sư cho ông.

Theo dự đoán của nhiều người hoạt động thì toà phúc thẩm sẽ tuyên y án hoặc giảm án rất ít vì trong tất cả các phiên toà xử người hoạt động thì án đã được định sẵn bởi công an mà không phụ thuộc vào sự biện hộ của luật sư hay chứng cứ hoặc lời khai của bị cáo trước toà. 

=====

Ân xá Quốc tế kêu gọi quan tâm đến tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International- AI) kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế quan tâm đến trường hợp của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá, người đang tuyệt thực tại Trại giam An Điềm ở tỉnh Quảng Nam.

Trong lời kêu gọi phát ra ngày 05/3, Văn phòng Ân xá Quốc tế tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương hối thúc mọi người gọi điện cho Bộ Công an và Ban giám thị Trại giam An Điềm để yêu cầu họ ngừng đàn áp nhà hoạt động trẻ tuổi Nguyễn Văn Hoá.

Nguyễn Văn Hóa là một trong những nhà báo tự do đầu tiên tiếp cận hiện trường trong thảm họa môi trường do Formosa gây ra năm 2016. Nhờ sự dũng cảm của anh, mà người dân Việt Nam mới biết được sự thật diễn ra lúc đó. 

Anh Nguyễn Văn Hoá bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” và bị kết án 7 năm tù giam vì đưa tin về thảm hoạ Formosa và nhiều cuộc biểu tình của người dân tỉnh Hà Tĩnh, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm hoạ này.

Sau khi bị kết tội một cách không công bằng, anh bị đưa đi thụ án tù tại Trại giam An Điềm, nơi anh bị đàn áp một cách liên tục. Giám thị trại giam cấm anh không được viết đơn tố cáo về việc anh bị tra tấn và ép cung trong giai đoạn điều tra còn quản giáo nhiều lần đe dọa và mạt sát anh.

Anh còn bị đánh đập bởi công an Nghệ An sau khi tố cáo việc mình bị tra tấn để buộc phải khai bất lợi cho nhà hoạt động Lê Đình Lượng trong phiên xử sơ thẩm của ông.

Freedom Now, một tổ chức dân sự độc lập ở Hoa Kỳ chuyên vận động cho tù nhân lương tâm, nói họ đang vận động và đề cử Nguyễn Văn Hoá cho giải thưởng Tự do báo chí 2019 của UNESCO có tên Guillermo Cano World Press Freedom Prize.

Theo một nguồn tin, Nhóm Công tác về Bắt giữ Độc đoán của Liên Hợp quốc sẽ đưa ra nghị quyết yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo Nguyễn Văn Hoá.

Trước đó, nhiều tổ chức như Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nhiều lần lên tiếng phản đối việc bắt giữ và kết tội anh. 

===== 07/3 ===== 

Bình Thuận bỏ tù thêm 15 người biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng

Chính quyền cộng sản tỉnh Bình Thuận lại kết án thêm 15 người tham gia biểu tình ngày 10/6/2018 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật hình sự.

Trong phiên toà ngày 07/3 chỉ kéo dài vài giờ, Toà án cộng sản huyện Tuy Phong đã kết án 15 người tổng cộng 40.5 năm tù giam, người bị nhẹ nhất là 2 năm tù giam và nặng nhất là 3 năm 6 tháng tù.

AnhHồ Thái Hà bị án tù 3 năm 6 tháng, các anh chị Huỳnh Văn Sù, Trần Hổ, Nguyễn Thanh Phương, Đặng Ngọc Tấn, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Thị Liên và Phạm Thanh Mẫu bịán 3 năm tù,  các anh Nguyễn Thanh Đông; Kinh Tấn Hoạch; Nguyễn Trường Vĩnh Phúc; Nguyễn Duy Sang bị 2 năm 6 tháng tù, và hai chịLê Thị Ngọc AnhvaPhạm Thị Minh Thu bịán 2 năm tù.

Cáobuộc mà chính quyền đưa ra là họ đã tham gia gây rối trật tự công cộng trên quốc lộ 1 tại khu vực cầu Nam và cầu Sông Lũythuộc địa phậnhuyện Tuy Phongtrong ngày 10/6 để phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ning mạng. Cáo trạng cho biết các bị cáo này đã “hô hào kích động đám đông, mua cờ và phát cho nhiều người tham gia gây rối, chặn trước đầu xe đang chạy trên quốc lộ, gây ách tắc giao thông, ném gạch đá vào lực lượng chức năng.”

Truyềnthông kiểm soát bởi chính phủ nói vụ“gây rối”đã làm một số lính cơ động bị thương, 2 ô tô và mô tô bị hỏng, gây ách tắc giao thông trên diện rộng trong khoảng 15 giờ trên Quốc lộ 1.

Đây là phiên toà thứ 2 mà Toà án cộng sản huyện Tuy Phong kết tội người biểu tình. Trong phiên toà thứ nhất vào tháng 7 năm ngoái, toà này đã kết án 10 người biểu tình khác với mức án từ 2 nămđến3 năm 6 tháng tù giam cũng với tội danh “gây rối trật tự công cộng.”

Như tin đã đưa, hàng chục nghìn người thuộc nhiều tầng lớp xã hội đã kéo xuống đường biểu tình ngày 10-11 tháng 6 năm ngoái khi chế độ toàn trị ở Việt Nam dự kiến thông qua hai dự luật trên. Người dân bức xúc vì dự luật Đặc khu Kinh tế có ý định mang lại nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư đến từ Trung Quốc mà không quan tâm đến chủ quyền quốc gia trong khi dự luật thứ hai nhằm bịt miệng giới bất đồng chính kiến.

Để đối phó, chính quyền độc đảng ở Hà Nội đã sử dụng nhiều biện pháp mạnh để đàn áp biểu tình, sử dụng cảnh sát chống bạo động với trang bị tối tân để giải tán biểu tình. Hàng trăm người bị bắt và nhiều trong số họ bị tra tấn. 

Hơn một trăm người tham gia biểu tình đã bị xử với mức án tù từ 8 đến 54 tháng tù giam với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng.” 

===== 08/3 ===== 

Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền kêu cứu vì bị cảnh sát Thái truy lùng 

Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền, người cùng gia đình đang tỵ nạn tại Thái Lan đang kêu cứu sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế vì anh cho rằng mình đang bị truy lùng bởi cảnh sát Thái Lan.

Trong một bức thư ngỏ của Bạch Hồng Quyền đăng trên trang Facebook của cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) gửi các cơ quan truyền thông và nhân quyền quốc tế, anh nói rằng mình bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan kết hợp với Đại Sứ quán Việt Nam tại Thái Lan truy lùng anh để bắt giữ và trục xuất về Việt Nam với mục đích xoá dấu vết việc ông Trương Duy Nhất đến Thái Lan.

Theo anh, anh bị rơi vào tình trạng nguy hiểm vì anh là nhân chứng duy nhất chứng nhận việc cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất có mặt ở Thái Lan để xin quy chế tỵ nạn từ Cao uỷ Liên Hợp quốc về Người tỵ nạn (UNHCR).

Xin nhắc lại, ông Trương Duy Nhất, người từng bị cầm tù 2 năm vì viết bài chỉ trích ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được cho là đến Thái Lan theo con đường bất hợp pháp vào ngày 19/01/2019 và đến UNHCR ghi danh xin tỵ nạn vào ngày 25/01. Một ngày sau đó, ông bị mất liên lạc và bị cho là mất tích.

Một số nguồn tin nói rằng anh Bạch Hồng Quyền là người giúp đỡ ông Trương Duy Nhất trong thời gian ở Thái Lan trước khi bị bắt. Một số nguồn tin khác còn nói chính anh là người giúp ông này nhập cảnh lậu vào đất Thái.

Anh Bạch Hồng Quyền là một người hoạt động nhân quyền ở Hà Nội. Anh cùng nhà hoạt động Hoàng Đức Bình trợ giúp bà con ngư dân ở Nghệ An trong việc phản đối Formosa và đòi công ty này bồi thường thiệt hại cho họ. Chính vì những hoạt động này của hai người, họ bị rơi vào tầm ngắm của an ninh cộng sản. Anh Hoàng Đức Bình bị bắt ngày 15/5/2017 và sau đó bị kết án 14 năm tù giam còn Bạch Hồng Quyền bị truy nã và buộc phải chạy sang Thái Lan để tỵ nạn.

Anh và gia đình gồm vợ và ba con đã được UNHCR cấp thẻ quy chế tỵ nạn.

Thái Lan không tham gia Công ước Quốc tế về Người tỵ nạn, do vậy, người xin tỵ nạn, kể cả người đã được UNHCR công nhận và cấp thẻ tỵ nạn, vẫn có thể bị cảnh sát Thái bắt và trục xuất về Việt Nam.

===============

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây: https://www.vietnamhumanrightsdefenders.net/2019/03/09/vietnam-human-rights-defenders-weekly-report-for-march-4-10-2019-social-activist-ha-van-nam-arrested-in-trumped-up-allegation-of-causing-public-disorders/