Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 15, từ ngày 08 đến 14/4/2019: Thêm một nhà hoạt động xã hội bị bắt

 

Người Bảo vệ Nhân quyền| ngày 14/4/2019

Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội bằng việc bắt giữ Trần Đình Sang, một người chống tiêu cực ở thành phố Yên Bái. Anh bị cáo buộc “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 của Bộ luật Hình sự 2015 với mức án từ 6 tháng đến 7 năm tù giam. Trước đó, khi giám sát một tổ cảnh sát cơ động phạt người vi phạm giao thông, anh bị bắt và đưa vào đồn công an nơi anh bị đánh đập bởi nhiều sỹ quan cảnh sát, với hậu quả là nhiều xương sườn bị gãy và bầm dập nhiều nơi trên cơ thể.

Anh Sang, sinh năm 1980, thường xuyên đưa tin về mãi lộ của cảnh sát giao thông trên tài khoản “Trần Đình Sang và những người bạn”, và tham gia phản đối những trạm thu phí được đặt sai địa điểm.

Công an thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép hai nhà hoạt động Trần Long Phi và Michael Minh Phương Nguyên được gặp gỡ gia đình sau khoảng 9 tháng bị biệt giam. Hai nhà hoạt động bị bắt cùng với Huỳnh Đức Thanh Bình vào ngày 07/7/2018 với cáo buộc “lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015.

Tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc tiếp tục kháng cáo lên Toà án Nhân dân Tối cao đòi giám đốc thẩm vụ việc của anh. Anh bị bắt ngày 29/6/2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 vì trợ giúp kỹ thuật cho hai nhà hoạt động Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển để họ đăng tải nhiều video clip phản đối vi phạm nhân quyền và độc tài của nhà cầm quyền Hà Nội. Cả 3 bị kết án bởi Toà án Nhân dân Hà Nội vào ngày 31/01/2018 với mức án 8.5 năm tù giam cho ông Thuận, 6.5 tù cho Nguyễn Văn Điển và 6 năm cho Trần Hoàng Phúc, và kháng cáo của họ đã bị Toà án Cấp cao tại Hà Nội bác bỏ kháng cáo trong phiên phúc thẩm vào tháng 7 năm ngoái.

Ngày 10/4, 12 biểu tình viên ở Biên Hoà đã được mãn hạn tù và trở về với gia đình. Họ trong số 20 người bị bắt trong cuộc biểu tình ôn hoà ở thành phố Biên Hoà trong ngày 10/6/2018 để phản đối hai dự luật “Đặc khu kinh tế” và “An ninh mạng.” 15 trong số 20 người bị bắt đã bị kết án tù. Hiện còn 2 người đang thụ mức án tù 16 và 18 tháng.

Trong nhiều ngày gần đây, nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội bị giam lỏng vì chính quyền thành phố không muốn họ đến Đồng Tâm trong kịp kỷ niệm 2 năm ngày khủng hoảng con tin. Mật vụ và dân phòng được cử đến chốt gần nhà riêng của họ và ngăn cản họ đi ra ngoài.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Vinh Anh Ba Sàm đang gặp nguy hiểm trong nhiều tháng trước khi mãn hạn tù dự kiến vào ngày 05/5. Trong tháng 12 năm 2018, một sỹ quan công an đến gặp ông ở Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hoá) và yêu cầu ông ủng hộ Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sau khi để lại một phong bì có tiền. Ban giám thị trại giam cảnh báo họ sẽ đưa ông đến một nơi vắng vẻ để trả tự do nếu những người đến đón ông gây ồn ào và có bangron.

Ân xá Quốc tế cho biết Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về số án tử hình được thực thi năm 2018, với số người bị hành hình là 85, so với 1,000 của Trung Quốc, 253 của Iran, là hai nước đứng đầu danh sách. Xếp thứ 3 là Saudi Arabia với số vụ hành quyết là 149.

=====

Tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc tiếp tục kháng cáo, yêu cầu Giám đốc thẩm

Tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc và gia đình có kế hoạch tiếp tục kháng án lên Toà Giám đốc thẩm để chống lại bản án 6 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Theo bà Huỳnh Thị Út, mẹ của Phúc, thì luật sư đang tiến hành các thủ tục pháp lý gởi đến các cấp, các cơ quan có thẩm quyền giải quyếtsau khi anh và gia đình giấy yêu cầu luật sư đề nghị luật sư làm đại diện pháp lý để làm đơngiám đốc thẩm cho anh.

Bà Út nói rằng hai mẹ con bà quyết tâm đòi công lý cho anh dù đã, đang và sẽ gặp gian nan, thậm chí có thể bị đe doạ tính mạng.

Bànói gia đình bà mong nhận được sự trợgiúp củatất cả mọi người.

Phúc là một nhà hoạt động trẻ tuổi và năng động. Anh đã học hết năm cuối khoa luật, trường Đại học Luật Sài Gòn, nhưng vì những hoạt động dân chủ, anh không được nhận  bằng tốt nghiệp.

Anh là thành viên nhóm sáng kiến lãnh đạo Đông Nam Á (YSEALI) do ông Barack Obama sáng lập khi còn đương chức tổng thống Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy tiềm năng lãnh đạo của thanh niên trẻ ở Đông Nam Á. Khi Obama sang thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016, Phúc cùng 800 bạn trẻ thuộc YSEALI được ông này gửi thư mời gặp gỡ giao lưu tại hội trường ở Sài Gòn. Phúc đã viết thỉnh nguyện thư nêu quan điểm, đưa ra những bằng chứng và giải pháp cho vấn đề thảm họa Formosa. Tuy nhiên khi xếp hàng để vào hội trường gặp Obama lúc 8h30 thì Phúc bị an ninh mật vụ bắt đưa lên xe về Sở Ngoại vụ.

Anh bị bắt vào tháng 6 năm 2017 vì trợ giúp kỹ thuật cho hai nhà hoạt động Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển. Anh bị kết án năm 2018 và sau đó bị Toà án cộng sản cấp cao tại Hà Nội bác bỏ kháng cáo. Hiện anh đang thụ án tù ở Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương).

===== 

Giới hoạt động tiếp tục kêu gọi viết kháng thư phản đối tử hình của Đặng Văn Hiến

Giới hoạt động tiếp tục kêu gọi cộng đồng viết thư lên chủ tịch nước để phản đối án tử hình của anh nông dân Đặng Văn Hiến, người đã nổ súng giết chết 3 người và làm bị thương 13 người khác trong nỗ lực bảo vệ đất đai của gia đình.

Bốn ngày sau khi toà án phúc thẩm tuyên án tử hình đối với anh Hiến, đã có hơn 3.500 chữ ký đề nghị Chủ tịch nước không chuẩn y án tử hình đối với anh Hiến. Nhiều nhà hoạt động xã hội đã sử dụng các mạng xã hội như Facebook và Twitter để kêu gọi cộng đồng quan tâm đến người nông dân này. 

Họ nói việc toà phúc thẩm tuyên án tử hình sau khi chính quyền tỉnh Dak Nong hứa giảm án cho anh lúc kêu gọi anh đầu thú, là một sự vô nhân đạo, lừa lọc của nhà cầm quyền. Họ nói nếu nhà cầm quyền quyết áp mức án tử hình cho anh Hiến thì việc kêu gọi đầu thú trong những vụ án sau này sẽ trở thành vô vọng.

Họ cũng so sánh vụ án này với vụ án đồng Nọc Nạn, một vụ tranh chấp đất đai lớn xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu để thấy rằng nền tư pháp của Việt Nam hôm nay thua xa nền tư pháp của chế độ Pháp thuộc về tính công bằng.

Xin nhắc lại vụ việc: Công ty Long Sơn, với sự hậu thuẫn của chính quyền Đắc Nông, sử dụng quân có trang bị vũ khí và xe ủi tràn đến Tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để cướp 1.079 hecta đất, trong đó có cả vườn, rẫy… là sinh kế và tương lại của hàng trăm gia đình. Để bảo vệ đất đai của gia đình, anh Hiến đã buộc phải nổ súng vào đám công nhân hung hãn của công ty này. Sau khi nổ súng, anh Hiến đã trốn vào rừng sâu, nhưng ra đầu thú khi nhà cầm quyền địa phương hứa sẽ xem xét sự việc.

Sau nhiều lần xét xử thì anh Hiến bị áp mức án cao nhất.

Dưới chế độ cộng sản thì người dân không được sở hữu đất đai và nhà cầm quyền trung ương và địa phương có thể thu hồi với giá đền bù rẻ mạt để làm công trình xã hội hoặc bán lại cho công ty bất động sản hay khu công nghiệp.

Hàng chục nghìn người dân bị cướp đất bằng hình thức trên ở khắp cả nước, trở thành đội dân oan đi khiếu kiện nhiều năm trời ở thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn.

====== 

Hai tù nhân lương tâm Trần Long Phi, Michael Minh Phương Nguyễn đuọc gặp gia đình sau 9 tháng biệt giam

Hai tù nhân lương tâm Trần Long Phi và Michael Minh Phương Nguyễn mới được gặp gia đình sau 9 tháng bị biệt giam trong thời gian điều tra trước xét xử.

Ông Trần Văn Long, bố của anh Phi, cho biết gia đình mới được phép gặp anh trong Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu (thành phố Sài Gòn) gần đây lần đầu tiên kể từ khi anh bị bắt đầu tháng 7 năm 2018.

Ông Michael Minh Phuong Nguyễn, quốc tịch Hoa Kỳ, người bị bắt cùng, cũng đã được gặp gia đình. Tuy nhiên, Huỳnh Đức Thanh Bình, người thứ 3 trong cùng vụ, vẫn chưa được gặp gia đình vì chỉ có mẹ của anh mới có thể được gặp anh nhưng hiện bà không có mặt ở Việt Nam. Bố của anh, ông Huỳnh Đức Thịnh, người được trả tự do sau 7 tháng biệt giam, không được gặp con trai chỉ vì có trục trặc về giấy tờ.

Hai anh Bình, Phi và ông Phương bị bắt ngày 07/7/2018 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015. Hai anh, cùng với ông Long, là những người cổ suý nhân quyền và dân chủ bằng biện pháp ôn hoà. Họ tham gia biểu tình ôn hoà ở Sài Gòn vào trung tuần tháng 6 năm ngoái để phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.

Việc nhà cầm quyền Sài Gòn cho gia đình gặp đồng nghĩa việc điều tra kết thúc và ba người có thể bị đưa ra xét xử trong thời gian sắp tới. Họ có thể phải đối mặt với mức án chung thân, thậm chí là tử hình, nếu bị kết tội.

Hiện có 43 người đang thi hành án với tổng mức án 657 năm, 1 người bị án chung thân sau khi bị kết tội với cáo buộc “lật đổ,” theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền.

===== 09/4 ===== 

Nhà cầm quyền Yên Bái bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Đình Sang 

Nhà cầm quyền tỉnh Yên Bái đã bắt giữ nhà hoạt động xã hội Trần Đình Sang, người nhiều lần cất lên tiếng nói bảo vệ sự công bằng, vạch trần thói mãi lộ của cảnh sát giao thông và chống bất công tiêu cực trong xã hội.

Công an Yên Bái đã đến nhà riêng của anh Sang trong sáng sớm ngày 09/4 và bắt anh với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 của Bộ luật Hình sự, một tội danh với mức án tù cao nhất là 7 năm tù giam.

Anh Sang là một trong nhiều tài xế đấu tranh chống BOT bẩn, là những trạm thu phí được đặt sai vị trí bởi nhà đầu tư nhằm thu tiền của cả những phương tiện không sử dụng dịch vụ.

Anh là một trong nhiều nhà hoạt động chống BOT bẩn bị đàn áp, sách nhiễu trong vài tháng gần đây. Trong tháng 3, nhà cầm quyền Bắc Ninh bắt giữ anh Hà Văn Nam với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự.

Việc bắt giữ hai anh Nam và Sang nhằm làm nao núng những chiến sỹ đấu tranh chống BOT bẩn và nhiều tiêu cực ở Việt Nam.

Chế độ cộng sản toàn trị ở Việt Nam luôn tuyên bố tuyên chiến với tiêu cực và hứa thưởng cho những người tố cáo tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều người phanh phui tiêu cực lại bị đàn áp, sách nhiễu và bỏ tù, như nhà báo công dân Đỗ Công Đương, người bị bắt và cáo buộc bằng hai tội danh nguỵ tạo. Ông đã bị kết án tổng cộng 8 năm tù giam với hai cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì đã dũng cảm tố cáo nhiều cán bộ của thị xã Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh về tham nhũng và hối lộ.

Yên Bái là một địa phương mà bí thư tỉnh uỷ Phạm Thị Thanh Trà lũng đoạn trong nhiều năm. Em trai của thị, Phạm Sỹ Quý, được chuyển về một cơ quan trung ương ở Hà Nội sau khi bị nhiều tố cáo tham nhũng và lợi dụng chức quyền khi còn giữ một số chức vụ chủ chốt ở tỉnh này.

===== 10/4 ===== 

12 người biểu tình chống Luật Đặc khu Kinh tế ở Biên Hoà mãn án tù

12 người biểu tình chống luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai vào ngày 10/6/2018, đã trở về nhà sau 10 tháng bị giam cầm trong lao tù của chế độ cộng sản Việt Nam.

Đó là các anh Đinh mã Phong, Hồ Công Di, Đoàn Văn Thưởng, Nguyễn Thanh Toàn, Diệp Út Tiền và các chị Nguyễn Thị Ngọc Liễu, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Trúc Anh, Nguyễn Thị Thuỳ Dung, Nguyễn Thị Lan Anh, Đinh Kha Ly và Phạm Ngọc Huyền.

Họ nằm trong số 20 người bị bắt bởi nhà cầm quyền tỉnh Đồng Nai vào ngày 10/6/2018 trong cuộc biểu tình ôn hoà ở thành phố Biên Hoà nhằm phản đối 2 dự luật nêu trên. Trong phiên toà ngày 30/7/2018, họ bị kết án 10 tháng tù giam với tội danh nguỵ tạo “gây rối trật tự công cộng.

Hai người hiện còn bị giam là Trần Nguyễn Duy Quang (18 tháng tù) và Phạm Ngọc Hạnh (16 tháng tù). Cô Võ Như Huỳnh bị kết án 8 tháng tù giam và dường như đã được trả tự do vào tháng 2 vừa qua.

12 người được trả tự do hôm nay đều khoẻ mạnh và tinh thần vững vàng cho dù đã bị đối xử khắc nghiệt trong thời gian bị tù đày.

Trong giữa tháng 6 năm ngoái, hàng chục nghìn người đã đổ ra đường phố ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Biên Hoà, Nha Trang, Bình Thuận và Ninh Thuận và nhiều nơi khác để biểu tình phản đối việc quốc hội bù nhìn của Việt Nam dự định bỏ phiếu thông qua 2 dự luật trên. Dự luật Đặc khu Kinh tế đưa ra nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư Trung Quốc ở Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc trong khi dự luật An ninh mạng có ý định bịt miệng giới hoạt động trên mạng xã hội.

Nhà cầm quyền Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh như đánh đập, bắt giữ, sử dụng vũ khí đặc biệt để giải tán người biểu tình. Hàng trăm người đã bị đánh đập và kết án với những bản án nguỵ tạo lên đến 6 năm tù giam.

===== 11/4 =====

Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về số vụ hành quyết năm 2018: Ân xá Quốc tế

Theo một nghiên cứu của Ân xá Quốc tế (AXQT) thì Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về số vụ thi hành án tử hình năm 2018, với số người bị hành quyết ít nhất là 85 người.

Tuy đứng thứ tư về số vụ hành quyết, số tử tù bị thi hành án ở Việt Nam năm ngoái là khá nhỏ so với con số 1000 của Trung Cộng, 253 của Iran, là hai nước đứng đầu danh sách. Xếp thứ 3 là Saudi Arabia với số vụ hành quyết là 149.

AXQT cho biết số liệu về thi hành án tử hình ở Việt Nam là bí mật quốc gia và việc Bộ Công an công bố số liệu năm 2018 là một điều bất ngờ thú vị.

Trong báo cáo mới công bố của mình, AXQT có nêu một số trường hợp tử tù kêu oan như Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng hiện vẫn bị nguy cơ hành quyết. Đây là hai thanh niên có nhiều bằng chứng mạnh chứng minh sự vô tội nhưng không được nhà cầm quyền đếm xỉa. Họ cũng kêu rằng bản án dựa phần lớn vào lời khai mà họ bị buộc phải khai khi bị công an điều tra tra tấn.

Trong vài năm gần đây, nhiều tử tù được minh oan như Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén sau hàng chục năm chờ thi hành án, và họ đều nói rằng họ phải khai như bên công an yêu cầu để tránh bị tra tấn đến chết trong thời gian điều tra.

AXQT cùng nhiều tổ chức dân sự khác đang hoạt động tích cực để vận động các quốc gia xoá bỏ án tử hình.

Theo nghiên cứu của AXQT thì số vụ án tử hình giảm 31% trong thập kỷ qua. Trong phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc vào tháng 12 năm 2018, đã có 121 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình và chỉ có 35 quốc gia phản đối.

Tuy nhiên, AXQT cũng nói rằng số vụ hành quyết đang tăng lên ở một số quốc gia như Belarus, NhậtBản, Singapore, NamXudang và Hoa Kỳ.

====== 

Blogger Anh Ba Sàm gặp nguy hiểm trước ngày được trả tự do 

Theo Luật Khoa tạp chí, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (tức Anh Ba Sàm) đang gặp nguy hiểm vài tháng trước khi anh mãn hạn tù, dự kiến vào ngày 05/5/2019.

Theo lời kể của bà Lê Thị Minh Hà với Luật Khoa thì vào ngày 9/12/2018, một người đàn ông mặc sắc phục công an vào trại thăm ông và nói chuyện một tiếng rưỡi. Cuối cuộc nói chuyện, người này để lại một phong bì tiền và dặn khi ra tù nên ủng hộ Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bà Hà nói rằng bà và chồng không hiểu người này là người của ông Tô Lâm hay là người muốn hại đương kim bộ trưởng, và cho rằng đây là một lời đe doạ và do vậy cần được đưa ra công luận để bảo vệ Anh Ba Sàm.

Hai vợ chồng ông Vinh- bà Hà là bạn đồng môn với ông Lâmtại Đại học An ninh Nhân dân, một cơ sở đào tạo sỹ quan công an mà nhiều tướng lĩnh công an tốt nghiệp trường này. Khi ôngLâm đang là thứ trưởng công anphụ trách an ninh thì ông Vinh bị bắt ngày 5/5/2014với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” vì làm chủ trang blog Anh Ba Sàm, một trong những báo điện tử độc lập nổi tiếng nhất Việt Nam trong nhiều năm.Sau đó, ông Vinh bị kết án 5 năm tù giam.

Trong ngày 27/1, đại diện Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hoá) nơi ông Vinh đang thụ án tù, nói rằng vào ngày trả tự do, nếu những người đến đón ông mà gây ồn ào với băng rôn thì trại sẽ đưa ông đến một nơi vắng vẻ để phóng thích.

Bà Hà đã gửi thư tới Bộ trưởng Lâm, Cục trưởng Cảnh sát quản lý Trại giam Hồ Thanh Đình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội về việc đe doạ trả tự do ông Vinh ở nơi vắng vẻ. Tuy nhiên, họ lại không trả lời mà chuyển đơn về Trại giam 5.

Ông Vinh được coi là tù nhân lương tâm bởi Ân xá Quốc tế và NOW! Campaign.

===== 13/4 ===== 

Nhà hoạt động Hoàng Dũng tố cáo bị an ninh Việt Nam ép cộng tác

Nhà hoạt động xã hội Hoàng Dũng nói rằng anh bị an ninh cộng sản Việt Nam ép ký một văn bản cộng tác với lực lượng này trước khi anh được phép rời quê nhà sang định cư tại Hoa Kỳ.

Chia sẻ trên Facebook ngay khi đặt chân đến Hoa Kỳ, anh nói rằng trong nhiều tháng trước đây, khi anh được Chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận gia đình anh theo diện nhân đạo, an ninh cộng sản đã ép anh phải ký một văn bản theo mẫu BL05/2015, là một cam kết cộng tác với cơ quan an ninh Việt Nam để bảo vệ an ninh quốc gia.

Anh nói rằng anh kiên quyết không ký vì không muốn trở thành cột ăngten của cộng sản Việt Nam ở nơi ở mới. Việc này làm trì hoãn nhiều tháng việc sang định cư tại Hoa Kỳ của gia đình anh.

Hoàng Dũng là cựu thành viên của Con đường Việt Nam, một tổ chức đấu tranh đòi nhân quyền, dân quyền và đa nguyên chính trị. Trong nhiều năm, anh đã sát cánh cùng nhiều anh chị em trong giới hoạt động ở Hà Nội và Sài Gòn trong nhiều sự kiện chống Trung Cộng xâm lấn biển đảo, cổ suý nhân quyền, đòi đa nguyên đa đảng, và chống lại tiêu cực ở Việt Nam. 

Khoảng 2 năm trước, anh tuyên bố rời tổ chức để tập trung chăm sóc gia đình.

Anh cho biết gia đình anh đến Hoa Kỳ an toàn và đang trong giai đoạn làm các thủ tục giấy tờ để có thể ổn định cuộc sống. Anh nói mình cần thời gian nhất định trước khi có thể tiếp tục đóng góp cho cố quốc.

Theo một số nhà hoạt động thì mẫu BL05/2015ra đời năm 2015 thời Trần Đại Quang làm Bộ trưởng Công an. Trước khi một người hoạt động nào đó được đi định cư ở nước ngoài, an ninh cộng sản ép họ phải ký vào mẫu này với cam kết cộng tác với cơ quan mật vụ của Việt Nam để bảo vệ an ninh quốc gia và không chống phá nhà cầm quyền Hà Nội.

===== 14/4 ===== 

Nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội bị giam lỏng trong ngày Đồng Tâm kỷ niệm

Hàng chục nhà hoạt động ở Hà Nội đã bị giam lỏng tại gia trong ngày dân xã Đồng Tâm kỷ niệm hai năm ngày họ bắt và giữ làm con tin hàng chục công an, nhà báo và quan chức địa phương trong một vụ tranh chấp đất đai.

Theo đó, nhà cầm quyền Hà Nội đưa mật vụ và dân phòng đến đóng gần nhà riêng của những người hoạt động này từ chiều ngày 13/4 nhằm ngăn cản họ đi đến xã Đồng Tâm.

Facebooker Hà Thanh ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì cũng bị canh cho dù ông không được dân xã Đồng Tâm mời đến dự cuộc gặp mặt. Ông cho rằng việc canh giữ này vô lý và tốn tiền thuế của dân.

Hai năm trước đây, ngày 15/4/2017, dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã bắt và giữ làm con tin 38 người gồm cảnh sát cơ động, công an, nhà báo và quan chức, trong đó có phó chủ tịch uỷ ban huyện Đặng Văn Triều, phó trưởng công an huyện Nguyễn Thanh Tùng, trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Đặng Văn Cảnh. 

Việc người dân bắt giữ quan chức địa phương và cảnh sát xảy ra sau một cuộc tranh chấp đất đai tại xã này và 4 người đại diện của họ bị nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức bắt mà không trình giấy phép bắt người.

Để giải quyết khủng hoảng, chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung phải về xã Đồng Tâm nói chuyện với người dân, đưa ra cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân địa phương về vụ bắt giữ. Dân Đồng Tâm đồng ý thả con tin vào ngày 22/4.

Theo luật Đất đai hiện hành, tất cả đất đai thuộc sở hữu nhà nước và người dân chỉ có quyền sử dụng đất. Nhà cầm quyền ở trung ương và nhiều địa phương hay cướp đất của dân với giá đền bù rẻ mạt rồi bán lại cho các nhà đầu tư khu công nghiệp hay bất động sản, và Đồng Tâm là một trường hợp như vậy.

======================== 

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây: https://www.vietnamhumanrightsdefenders.net/2019/04/15/75067/