Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 22 từ ngày 27/5 đến 02/6/2019: Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 02/6/2019

 

Ngày 29/5, lực lượng an ninh của tỉnh Nghệ An đã bắt cóc nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền, thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh của Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An. An ninh bắt ông Tĩnh khi đưa ông hai con nhỏ đi ăn sáng gần nhà bố đẻ ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tống cả ba bố con lên xe rồi đưa đến trụ sở công an xã. Sau 2 h, công an gọi bố của ông Tĩnh lên đón hai cháu về, nhưng không cho gặp con trai cũng không nhận lệnh bắt giữ. Ngay trong ngày, công an cũng thực hiện khám xét căn phòng trọ của ông ở thành phố Vinh.

Trong ngày hôm sau, nhà cầm quyền Nghệ An công bố lệnh khởi tố và bắt giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015. Ông Tĩnh, người được biết với video clip dạy học sinh nhiều bài hát yêu nước, sẽ bị biệt giam trong thời gian 4 tháng tới, và đối mặt với án tù từ 5 đến 12 năm.

Toà án Nhân dân tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức phiên toà sơ thẩm xét xử nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Anh vào ngày 06/6 tại thành phố Bến Tre. Ông Anh, 39 tuổi, một kỹ sư thuỷ sản và chủ đầm tôm, bị bắt giữ ngày 30/8/2019 với cáo buộc theo Điều 117. Ông được biết đến với việc tham gia biểu tình ôn hoà chống Trung Cộng xâm lược ở Biển Đông và Formosa, và có nhiều bài viết về dân chủ và nhân quyền trên Facebook.

Sau hơn hai năm mà công chúng không biết, số phận của blogger Nguyễn Danh Dũng đã được sáng tỏ. Anh bị bắt ngày 16/12/2016 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự 1999. Sau đó, anh bị kết án một cách bí mật với mức án 30 tháng tù giam. Anh được giảm án 3 tháng và được trả tự do vào giữa tháng 3 năm nay.

Ngày 27/5, một nhóm gồm 7 người, trong đó có 4 cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Trúc Anh, Hồ Công Di và Võ Như Huỳnh đã bị bắt giữ bởi lực lượng an ninh ở cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sau khi họ trở về từ Campuchia. Phía an ninh đã tịch thu điện thoại và máy tính của họ, giam họ trong hơn 30 giờ rồi mới trả tự do vào chiều muộn ngày 28/5 mà không trả lại tài sản cho họ. Nhà báo độc lập tự do Lê Thị Thư cũng bị bắt, bị tịch thu điện thoại và laptop.

Hai tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá và Nguyễn Việt Dũng đã và đang bị kỷ luật tại trại giam An Điềm và Ba Sao, vì những nguyên nhân chưa rõ ràng. Họ bị giam riêng và bị tước nhiều quyền mà tù nhân khác được hưởng.

Trong khi đó, tại An Điềm, tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển và Hoàng Đức Bình tiếp tục tuyệt thực từ ngày 12/5 để ủng hộ bạn tù Nguyễn Văn Hoá.

Khoảng 100 nhà hoạt động ở Việt Nam đã cùng ký vào một bức thư phản đối việc chính quyền Việt Nam áp dụng chính sách hạn chế đi lại của người hoạt động ở Việt Nam. Hàng trăm người hoạt động ở Việt Nam thường xuyên bị quản chế trong nhiều dịp hoặc bị cấm xuất cảnh trong nhiều năm qua. Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết.

Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 27/5 =====

Toà án cấp cao y án vụ 5 cảnh sát đánh chết công dân Võ Tấn Minh

Trong phiên toà phúc thẩm vào tuần trước, Toà án Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra phán quyết y án đối với 5 cảnh sát gây ra cái chết của anh Võ Tấn Minh tại Nhà tạm giữ của công an thành phố Phan Rang–Tháp Chàm.

Cụ thể mức án cho từng bị cáo như sau: Ngô Văn Sáng- 7 năm tù, Trần Đức Lâm và Nguyễn Phạm Việt Hà đều 6 năm tù, Hồ Bá Đồng- 5 năm tù còn Vũ Trọng Trường bị 3 năm tù cho cùng một tội danh “dùng nhục hình.”

Theo hồ sơ của vụ án, nạn nhân Minh là nghi phạm buôn bán ma tuý.Vào khoảng 15 giờ ngày 8/9/2017, cảnh sát điều tra công an tỉnh Ninh Thuận di lý anh về Nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang–Tháp Chàm để tiếp tục giam theo thẩm quyền. Tại đây,anh Minh bị 5 công an nói trên đánh đập sau khi anh có va chạm với một người bị giam cùng phòng.

Anh bị 5 tên cảnh sát đá, đấm, tát và đập bằng một tuýp sắt có bọc nhựa, sau đó bị còng tay và chân. Do vết thương quá nặng, anh đã chết trong trại giam.

Trong phiên toà công khai, công an chỉ cho hai người trong gia đình nạn nhân vào phòng xử án.

Mẹcủa nạn nhân, bà Huyền cho biết gia đình phản đối bản án, cho rằng 5 tên công an phải bị xử vì tội “cố ý giết người” thay vì “dùng nhục hình.” Thêm nữa, trưởng Trạm tạm giam Nguyễn Hữu Bình cũng phải bị xử về “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Bà cũng nói rằng con trai bà vô tội vì phía công an không chứng minh được con bà buôn bán ma tuý với ai, và không tìm ra ma tuý khi khám xét nhà.

Tra tấn phổ biến trong trại tạm giam, trại giam và đồn công an cho dù Việt Nam đã ký Công ước quốc tế chống tra tấn vào năm 2013. Theo một báo cáo của bộ công an cộng sản, đã có 226 trường hợp chết trong đồn công an và trại giam trong thời gian từ tháng 10 năm 2012 đến tháng 9 năm 2014. Phía công an nói nguyên nhân chủ yếu là bệnh tật nhưng phía gia đình các nạn nhân cho rằng tra tấn chính là nguyên nhân gây ra cái chết của họ.

——————–

Quốc hội sẽ thảo luận Dự án Luật Lao động và việc gia nhập Công ước số 98 của ILO

Quốc hội Việt Nam sẽ bàn thảo về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong tuần làm việc thứ 2 trong các ngày 27-31/5/2019.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO trong khi bộ trưởng lao động-thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98.

Bộ trưởng Dung cũng sẽ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) còn chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Quốc hội, với hơn 90% là đảng viên cao cấp, cũng sẽ nghe và thảo luận báo cáo của đoàn giám sát của quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Trong tuần này, các nghị gật cũng sẽ thảo luận dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; thảo luận tại tổ về các dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Trong ngày 30/5 và sáng 31/5, quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Quốc hội Việt Nam thường thực hiện các chính sách của đảng cầm quyền. Trước khi quốc hội họp, Ban Chấp hành Trung ương đảng họp và ra các nghị quyết để quốc hội thực thi, luật hoá các chính sách của đảng.

===== 28/5 =====

Bốn cựu tù nhân lương tâm bị bắt giữ sau khi nhập cảnh từ Campuchia

Nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ 4 cựu tù nhân lương tâm và một số người khác khi họ nhập cảnh vào Việt Nam sau một chuyến du lịch ở quốc gia láng giềng Campuchia.

Bốn cựu tù nhân lương tâm đang bị an ninh cộng sản giữ là Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Trúc Anh, Hồ Công Di, và Võ Như Huỳnh. Cô Võ Như Huỳnh mãn án tù 8 tháng vào tháng 2 năm nay còn 3 người còn lại được trả tự do sau 10 tháng tù giam vào ngày 10/4. Họ đều bị kết tội “gây rối trật tự công cộng” vì tham gia biểu tình chống dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng vào ngày 10/6/2018 tại Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

Theo gia đình của hai chị em Phượng và Anh thì sau một tuần du lịch, họ trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) vào sáng ngày 26/5. Ngay sau khi nhập cảnh, họ bị an ninh giữ lại. Phượng chỉ kịp thông báo với gia đình rằng nhóm bị giữ lại, và sau đó là mất liên lạc.

Trong nhóm còn có bà Lệ, là mẹ của Huỳnh, và một đứa con của cô lên 5 tuổi.

Sau khi tra hỏi họ, an ninh cộng sản đã trả tự do cho họ vào chiều thứ Hai (27/5). Không rõ nguyên nhân bắt giữ và giam giữ họ trong gần 2 ngày.

Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Trúc Anh, Hồ Công Di, và Võ Như Huỳnh là bốn trong số hàng trăm người bị bắt giữ và kết án tù chỉ vì biểu tình ôn hoà ngày 10/6/2018 khi hàng chục nghìn người xuống đường phản đối kế hoạch của quốc hội cộng sản thông qua hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Dự luật thứ nhất đưa ra nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư Trung cộng mà không thèm đếm xỉa gì tới chủ quyền quốc gia trong khi dự luật thứ 2, đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, là công cụ hữu hiệu để đàn áp trực tuyến.

Chế độ cộng sản luôn theo dõi và đàn áp cựu tù nhân lương tâm sau khi đã đày đoạ họ trong thời gian thi hành án tù.

——————–

Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh sẽ bị xử với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vào ngày 06/6

Nhà cầm quyền tỉnh Bến Tre sẽ đưa nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ Nguyễn Ngọc Ánh ra xét xử ngày 06/6 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Theo chị Nguyễn Thị Châu, vợ của anh, thì phiên toà sẽ do Toà án Nhân dân tỉnh Bến Tre tiến hành tại trụ sở của cơ quan này ở thành phố Bến Tre từ 7.30 giờ sáng. Chị cũng bị toà án này triệu tập đến phiên toà với tư cách người làm chứng.

Chị còn cho biết chồng chị đã từ chối luật sư, và có thể là sức ép của phía an ninh điều tra.

Anh Ánh, sinh năm 1980, từng tốt nghiệp đại học thuỷ sản và có đầm tôm ở thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại. Anh bị bắt vào ngày 30/8/2018 vì những bài viết cổ suý dân chủ và nhân quyền và chỉ trích đường lối của đảng cộng sản cầm quyền trên mạng Facebook.

Anh có thể phải đối mặt với mức án tù nhiều năm. Theo luật pháp hiện hành, mức án dành cho tội danh này là từ 5 đến 12 năm tù giam.

Sau khi anh bị bắt, công an Bến Tre liên tục gây khó dễ cho vợ và con anh. Chúng thường xuyên theo dõi nhà và khách đến thăm, và ép ngân hàng buộc chị vợ phải trả nợ sớm hơn thời hạn ghi trong hợp đồng vay trước đó.

Theo thống kê của NOW! Campaign, hiện Việt Nam giam giữ hơn 240 tù nhân lương tâm. Trong số đó có 24 người bị kết án với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 với mức án từ 3 đến 12 năm tù giam.

——————–

Blogger Nguyễn Danh Dũng đã thụ xong án tù

Blogger Nguyễn Danh Dũng, người bị bắt ngày 16/12/2016 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ,” đã bị kết án 30 tháng tù giam và thi hành xong án từ giữa tháng 3 năm 2019.

Đây là thông tin mà tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) nhận được sau khi liên lạc trực tiếp với anh Dũng qua điện thoại. Tin tức về anh không xuất hiện ở báo chí lề đảng, do vậy, không ai biết về tình trạng của anh cho đến tận hôm nay.

Anh Dũng cho biết anh bị Toà án cộng sản thành phố Thanh Hoá kết án và sau đó thi hành án ở Trại giam Thanh Lâm (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá). Do “thái độ tốt” nên anh được giảm án 3 tháng và được trả tự do vào ngày 16/3 vừa qua.

Vào tháng 12 năm 2016, truyền thông lề đảng đưa tin nhà cầm quyền Thanh Hoá đã bắt giữ Nguyễn Danh Dũng, sinh năm 1987 và cư trú tại phố Phượng Đình 3, phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa, với cáo buộc theo Điều 258 của Bộ luật hình sự 1999. Cụ thể, anh bị cho là chủ tài khoản và quản trị, điều hành kênh Youtobe “ThienAn TV” đăng tải video có tiêu đề xuyên tạc, bôi nhọ quan chức cao cấp của chế độ trên mạng Internet. Công an còn tịch thu 2 máy tính xách tay; 2 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung và nhiều tài liệu khác.

Sau khi bắt giam Dũng, ban chuyên án của Công an tỉnh Thanh Hoá được thưởng 100 triệu đồng. Sau đó, báo chí nhà nước im lặng về vụ này, không đưa tin về phiên toà cũng như mức án mà anh bị kết án.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và trong nước quan tâm đến tình hình của anh Dũng, tuy nhiên, vì có quá ít thông tin về anh nên không một tổ chức nào tiếp cận được với gia đình Dũng cho đến ngày hôm 27/5, với sự giúp đỡ của một người đồng hương của anh là Phạm Văn Điệp, DTD mới có thể liên lạc trực tiếp với anh và gia đình.

====== 29/5 =====

Nghệ An bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ Nguyễn Năng Tĩnh

Nhà cầm quyền cộng sản ở tỉnh Nghệ An đã bắt giữ ông Nguyễn Năng Tĩnh, một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền và là giảng viên của trường Cao đẳng Nghệ thuật Nghệ An.

Theo nguồn tin từ địa phương, công an Nghệ An đã bắt giữ ông và hai con gần khu vực gần nhà ông ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, rồi đưa lên uỷ ban xã. Sau đó, công an tiến hành khám xét nhà của ông và thu giữ nhiều vật dụng.

Sau khoảng 2 giờ, công an gọi bố của ông Tĩnh lên để nhận hai cháu về, còn giữ ông Tĩnh lại. Hiện vẫn chưa biết ông Tĩnh bị cáo buộc gì.

Vụ bắt giữ được tiến hành khi ông Tĩnh cùng hai con trở về từ Sài Gòn, nơi hai con ở cùng với mẹ. Ông Tĩnh đón con về chơi hè ở quê nhà.

Theo một số nguồn tin không chính thức thì ông Tĩnh là thành viên cốt cán của đảng Việt Tân ở tỉnh Nghệ An, sau khi ông Lê Đình Lượng bị bắt giữ và kết án 20 tù giam về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”

Một số anh chị em hoạt động dân chủ ở Nghệ An cho hay ông Tĩnh hiện bị sỏi thận nặng và đang có kế hoạch đi phẫu thuật để chữa trị. Ông là người hòa nhã, vui tính lại rất nhiệt thành trong các công việc hỗ trợ những người bị bất công xã hội, hoạt động tôn giáo và văn hóa của các giáo xứ tại giáo phận Vinh. Ông từng nhiều lần bị mật vụ bắt cóc và đánh đập trong những năm gần đây.

Việt Tân là một tổ chức chính trị của người Việt có trụ sở chính ở Hoa Kỳ. Tổ chức này bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là tổ chức khủng bố, và nhiều thành viên của đảng này ở Việt Nam đã và đang bị đàn áp khốc liệt bởi chế độ toàn trị Hà Nội. Tháng 1 vừa qua, an ninh cộng sản đã bắt giữ công dân Úc Châu Văn Khảm với cáo buộc “lật đổ chính quyền.”

Thông tin bổ sung:Thêm một nhà hoạt động xã hội ở Nghệ An bị bắt

——————–

TNLT Nguyễn Viết Dũng bị kỷ luật

Trong khi tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ) bị kỷ luật trong trại giam thì vẫn chưa có tin tức gì về cựu tù nhân lương tâm Đinh Mã Phong, người mất tích từ chiều 24/5.

Ngày 28/5, ông Nguyễn Viết Hùng, cha của anh Dũng đã đến Trại giam Ba Sao (tỉnh Hà Nam) để thăm gặp con trai, người đang thụ án tù 6 năm về tội danh nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước.” Tuy nhiên, khi ông tới phân trại 1 để thăm và gửi quà cho Dũng như mọi khi thì được phân trại 1 cho biết rằng Dũng đang bị kỷ luật và đã bị chuyển sang phân trại 2.

Tại phân trại 2, ông được thông báo là Dũng đang trong thời gian chịu kỷ luật nên không được gặp người nhà, cũng không được nhận bất cứ thư từ, thực phẩm, thuốc men hay tiền lưu kí do gia đình gửi vào. Phía trại giam cũng không cho biết lý do Dũng bị kỷ luật, bị kỷ luật trong bao lâu và ngoài việc không được gặp người thân, không được nhận đồ tiếp tế thì còn phải chịu kỷ luật gì thêm nữa.

Xin nhắc lại, Dũng và blogger Nguyễn Văn Hoá là nhân chứng trong vụ án của ông Lê Đình Lượng, người bị khép tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” với bản án 20 năm tù giam. Hiện Hoá đang bị biệt giam và nhiều hình thức kỷ luật khác sau khi bị đánh đập bởi quản giáo ngày 12/5. Rất có thể việc đàn áp hai tù nhân lương tâm có liên quan đến nhau.

===== 30/5 =====

Giảng viên cao đẳng, nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh bị cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước

Nhà cầm quyền Nghệ an đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam giảng viên cao đẳng Nguyễn Năng Tĩnh để điều tra theo tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước” theo Khoản 1, Điều 117 của Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, ông Tĩnh sẽ bị giam trong ít nhất 4 tháng tới mà không được gặp gia đình hoặc luật sư, và ông có thể phải đối mặt với án tù từ 5 đến 12 năm nếu bị kết tội.

Ông Tĩnh, sinh năm 1976 tại xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưuvà cư trú tại xã Nghi Phú, thànhphốVinh. Ông là giảng viên của trường Cao đẳng Văn hoá-Nghệ thuật Nghệ An.

Dẫn nguồn của bên công an, báo Nghệ An viết rằng ông “là đối tượng có hoạt động móc nối, lôi kéo và chịu sự tác động của một số đối tượng cực đoan, phản động trong và ngoài nước.”

Ôngbị cho là “đã đăng tải, chia sẻ các bài viết, video, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích chống nhà nước…” trên Facebook cá nhân mang tên Nguyễn Năng Tĩnh.

Theo gia đình, ông Tĩnh bị bắt khi đang đưa hai con đi ăn sáng trong sáng 29/5. Lực lượng an ninh cộng sản đã đưa ba bố con lên xe và chở ra uỷ ban nhân dân xã. Vài tiếng sau, chúng gọi bố của ông ra đón hai cháu và chuyển ông đi mà không công bố lệnh bắt. Chúng cũng tiến hành khám xét nhà trọ của ông và tịch thu một số thiết bị, tài liệu.

Nhiều người hoạt động ở Nghệ An cho biết ông Tĩnh là một người hoạt động dân chủ và nhân quyền tích cực, thành viên của một số tổ chức xã hội dân sự như Bảo vệ sự sống, No-U FC Vinh, Quỹ phát triển con người, và Truyền thông Công giáo, đều bị coi là những tổ chức chống lại chế độ.

Trong một số năm gần đây, ông nhiều lần bị bắt cóc và đánh đập bởi mật vụ tỉnh Nghệ An.

=====

Giới bất đồng chính kiến tố cáo Việt Nam hạn chế tự do đi lại

Khoảng 100 nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến đã cùng ký vào một đơn chung tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền và hạn chế quyền tự do đi lại của họ.

Trong đơn kiến nghị gửi chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, các nhà hoạt động đã tố cáo nhà chức trách ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Nghệ An, đã không cho họ đi ra khỏi nhà trong những ngày đặc biệt như tưởng niệm Hoàng Sa, Gạc Ma, cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, hay khi lãnh đạo hoặc quan chức ngoại giao của các chính phủ dân chủ sang thăm Việt Nam.

Hình thức phổ biến là nhà cầm quyền địa phương sai công an trong quần áo dân sự, dân phòng hay người thuộc đoàn thể nhà nước đến canh gác gần nhà người hoạt động và không cho họ đi ra ngoài trong những dịp như thế.

Ngoài ra, có hàng trăm người hoạt động bị cấm xuất cảnh một cách tuỳ tiện với lý do mơ hồ là “an ninh quốc gia” nhằm không cho họ đi học tập hoặc đơn giản là đi du lịch ở nước ngoài.

Trong những người ký tên có ông tiến sỹ Nguyễn Quang A, luật sư cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải, blogger Phạm Thành, cô giáo Trần Thị Thảo…

Chính nhà cầm quyền cũng công khai việc ngăn cản tự do đi lại. Cuối tháng Tư, bí thư thành uỷ Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân, uỷ viên bộ chính trị của đảng cầm quyền, tuyên bố sai lực lượng công an theo dõi chặt chẽ khoảng 600 người hoạt động trong thành phố trong dịp nghỉ dài, không cho họ tự do đi lại nhằm ngăn cản họ tụ tập biểu tình.

Việt Nam là quốc gia thành viên tham gia ký Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, trong đó quyền tự do đi lại của công dân phải được tôn trọng.

——————–

Cẩm nang nuôi tù- Phạm Đoan Trang

Nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang mới cho ra đời cuốn sách Cẩm nang nuôi tù với mục tiêu cung cấp thông tin cho những người có người thân bị công an cộng sản bắt giữ và đánh đập, vàbị tống giam.

Trong lời tựa, nhà báo Phạm Đoan Trang cũng viết rằng mọi công dân, từ người hoạt động cho đến những người có thực sự phạm tội và là bị cáo trong một vụ án hình sự đều phải được hưởng những quyền con người nhất định, được bảo vệ cả về sức khỏe lẫn tinh thần, danh dự, nhân phẩm, vàthậm chí tính mạngtrong thời gian giam giữ và tù đày.

Cô nói rằng đây là “cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam dành cho những gia đình có người thân bị tù, đặc biệt khi người thân là tù nhân lương tâm, tù chính trị.” Cuốn sách 275 trang nêu chi tiết tất cả những gì gia đình phải làm để hỗ trợ và bảo vệ người thân trong trại giam/nhà tù, suốt từ những ngày đầu khi mới bị bắt, trải qua giai đoạn tạm giam chờ xét xử, rồi ra tòa và có án, cho đến những năm tháng thụ án.

Ngoài việc cung cấp những khái niệm liên quan đến bắt giữ, xét xử và thi hành án, cẩm nang này cũng vạch trần vô số thủ đoạn, chiêu trò, chiến thuật, chiến lược đadạng của lực lượng công an cộngsản (an ninh, cảnh sát, điều tra viên, quản giáo, v.v.) đối với người bị bắt, bị tù, và gia đình của họ: bao gồm mớm cung, ép cung, lừa đảo, đến khủng bốvàtra tấn tinh thần; từ theo dõi, kiểm soát, đến hành hung, vàtấn công thể chất.

Viếtcuốn cẩm nang này trong thời gian đầu tháng 12 năm 2018 đến cuối tháng 3 năm 2019, tác giả muốn góp hết sức mình để hỗ trợ, bảo vệ được phần nào quyền con người ở Việt Nam, và vạch trần những sai phạm và tội ác của hệ thống hành pháp-tư pháp công an trị ở Việt Nam, trên tinh thần minh bạch hóa để chống cái xấu, cái ác và mở đường cho việc xây dựng một thiết chế công an-tòa án công minh, tiến bộ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Là người từng chịu nhiều sách nhiễu, đàn áp và thậm chí bị giam cầm trong nhà tù cộng sản, tác giả khẳng định những điều mình viết là sự thật, không phóng đại hoặc nói tránh.

Cây bút chính trị xuất sắc Phạm Đoan Trang còn có nhiều cuốn nổi đình nổi đám, tiêu biểu là Chính trị bình dân, một cuốn sách được nhiều người tìm đọc trong thời gian gần đây.

Quý vị ở trong nước có thể mua sách (bản in) thông qua một số kênh phân phối, hoặc liên lạc trực tiếp với tác giả để nhận được bản pdf.

===== 31/5 =====

Ông Dương Trung Quốc: Tranh chấp đất đại ở Đồng Tâm chưa kết thúc

Đại biểu quốc hội cộng sản Dương Trung Quốc phát biểu rằng vụ việc tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm chưa kết thúc dù thanh tra chính phủ đã kết luận rằng thanh tra của thành phố Hà Nội làm đúng và đơn khiếu kiện của người dân Đồng Tâm là thiếu cơ sở.

Phát biểu tại cuộc họp trong sáng ngày 31/5, ông Quốc chất vấn bộ công an về việc bắt giữ ông Lê Đình Kình, một cán bộ kỳ cựu có nhiều năm tuổi đảng.

ÔngQuốc nói “Bởi lẽ có một thực tế là việc bắt giữ người như vậy có cần thiết với một ông già 80 tuổi đời, 50 năm tuổi đảng hay không, mà phải dẫn dụ người ta ra ngoài đồng đi kiểm tra mốc giới để bắt? ….Tại sao chúng ta không bắt một cách rất đàng hoàng như chúng ta thường thấy trên truyền hình: tại gia, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, của cư dân địa phương, kể cả của gia đình nữa…”

Ông cũng hỏi tại sao thanh tra chính phủ không hỏi dân mà chỉ hỏi lãnh đạo Hà Nội. Ông đặt vấn đề về tính khách quan của việc thanh tra khi thanh tra chính phủ không tiếp cận những đương sự có liên quan, nhất là những người tố cáo.

Theoông, điểm yếu lớn nhất của nhà cầm quyền trong giải quyết tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm là không đưa ra bằng chứng lịch sử. Nếuphía chính phủ đưa ra bản đồ quốc phòng năm 1991 thì việc giải quyết tranh chấp Đồng Tâm rất đơn giản.

Ôngcũng đề nghị chính phủ nhìn nhận vụ việc Đồng Tâm và nhiều vụ việc khác một cách khách quan để nhận được lòng tin của nhân dân.

Xin nhắc lại, giữa tháng Tư năm 2017, công an huyện Mỹ Đức đã lừa ông Kình ra đồng để bắt giữ ông. Trong quá trình bắt giữ, công an đã đánh đập ông làm ông bị gãy xương chậu và chịu nhiều thương tổn khác. Công an bắt một số người khác nữa, và buộc dân làng phản ứng bằng cách bắt khoảng 40 quan chức và cảnh sát cơ động làm con tin. Sau gần 2 tuần, dân Đồng Tâm mới phóng thích con tin sau khi chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung về hứa không truy cứu việc bắt giữ và giải quyết tranh chấp đất đai một cách nghiêm túc.

===================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây