Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 31 từ ngày 29/7 đến 04/8/2019: 7 nhà hoạt động chống BOT bẩn bị kết tội “gây rối trật tự công cộng”

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 04/8/2019

 

Ngày 30/7, Toà án Nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đã kết án 7 nhà hoạt động chống BOT bẩn với tổng số năm tù là 15 năm 6 tháng tù giam. Anh Nguyễn Quỳnh Phong bị kết án 3 năm tù, Hà Văn Nam và Lê Văn Khiên- 30 tháng tù, Nguyễn Tuấn Quân, Vũ Văn Hà và Ngô Quang Hùng- 2 năm tù, và Trần Quang Hải bị án nhẹ nhất 18 tháng tù. Họ còn bị toà buộc phải bồi thường 23 triệu đồng cho BOT Phả Lại. Việc kết án họ nhằm đe doạ những người hoạt động chống BOT bẩn khác.

Bốn tù nhân lương tâm Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Đào Quang Thực và Trần Phi Dũng chấm dứt cuộc tuyệt thực kéo dài 40 ngày vào ngày 21/7, sau khi ban giám thị Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An) đã lắp lại quạt điện trong buồng giam của họ.

Sau 8 năm bị giam cầm, nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã được trả tự do. Tuy nhiên, chị vẫn phải bị án quản chế 5 năm ở quê nhà thuộc tỉnh Trà Vinh.

Năm thành viên của nhóm Hiến Pháp đã được gặp thân nhân sau 11 tháng bị biệt giam tại Trại tạm giam (số 4 Phan Đăng Lưu) của Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh. Việc điều tra họ đã kết thúc và họ có thể bị đem ra xử về cáo buộc “gây rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự trong tháng tới. Nếu bị kết tội, họ có thể phải đối mặt với án tù từ 7 đến 15 năm tù giam. Cho tới giờ, họ vẫn chưa được gặp luật sư.

Và nhiều tin quan trọng khác

===== 29/7 =====

Bốn tù nhân lương tâm ở Trại 6 dừng tuyệt thực

Bốn tù nhân lương lương tâm Nguyễn Văn Túc, Trần Phi Dũng, Trương Minh Đức và Đào Quang Thực đã dừng tuyệt thực từ ngày 21/7, kết thúc lần tuyệt thực kéo dài khoảng 40 ngày để phản đối việc đối xử vô nhân đạo của ban giám thị Trại giam số 6 (Nghệ An).

Đây là thông tin từ bà Bùi Thị Rề, vợ ông Nguyễn Văn Túc, người cùng con trai đến thăm ông tại trại giam ngày 29/7.

Bà Rề cho biết phía trại giam đã lắp quạt lại trong các phòng giam theo như yêu cầu của những người tuyệt thực từ ngày 10/6.

Tuy nhiên, phía trại giam vẫn chưa cho các ông gọi điện về cho gia đình theo như tiêu chuẩn trong các ngày 20-25 hàng tháng, lấy lý do điện thoại bị hỏng.

Bà Rề cho biết hiện sức khoẻ của 4 tù nhân lương tâm đang bình phục dần nhưng vẫn còn yếu.

Cả bốn ông nói sẽ tuyệt thực tiếp nếu tháng sau ban giám thị trại giam không cho các ông gọi điện về nhà.

Xin nhắc lại, 4 ông đã tuyệt thực để phản đối trại giam tháo dỡ tất cả quạt điện trong phòng giam trong điều kiện nóng nực của mùa hè ở miền Trung. Hàng nghìn người và hàng chục tổ chức dân sự độc lập đã ủng hộ cuộc đấu tranh của các và quan tâm đến cuộc tuyệt thực này. Cả 4 ông đều bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” với án tù 11-15 năm tù giam.

Một số tù nhân lương tâm khác ở Trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá) cũng đã dừng tuyệt thực.

——————–

Chế độ cộng sản Việt Nam chưa muốn công đoàn độc lập

Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không đề cập đến công đoàn độc lập cho dù vấn đề này được ghi như là điều kiện bắt buộc trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPCPP) và Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) cũng như trong các công ước của Tổ chức Công đoàn Thế giới (ILO).

Trong lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam sáng 28/ 7, ông Phúc nói rằng công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ.

Như vậy, theo ông Phúc thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục hoạt động dưới sự chỉ đạo của đảng cầm quyền, trái với nhận thức chung của thế giới rằng những nghiệp đoàn phải là một cơ cấu hoàn toàn phi chính trị, không làm theo chỉ thị của đảng phái và mục tiêu tối hậu là phải tranh đấu cho phúc lợi của những người lao động.

CPTPP và EVFTA cùng Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và EU có ràng buộc về yếu tố lao động và môi trường, được dẫn chiếu theo 8 công ước quốc tế của ILO. Việt Nam đã ký kết thông qua 6 trong số 8 công ước quốc tế đó. Hiện, Việt Nam còn được yêu cầu tham gia và phê chuẩn đầy đủ thêm Công ước 105 và 87.

Chế độ Hà Nội rất sợ những tổ chức độc lập, đặc biệt là đảng phái và công đoàn. Họ luôn sợ công đoàn độc lập có thể trở thành mô hình Công đoàn Đoàn kết của Ba Lan, tổ chức đóng vai trò quan trọng lật đổ chế độ cộng sản năm 1989. Nhiều nhà hoạt động công đoàn như Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Nguyễn Văn Đức Độ bị cầm tù với những bản án nặng nề.

Cùng với nông dân, giai cấp công nhân Việt Nam đang bị bóc lột dã man bởi doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài như Trung Cộng, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc.

===== 30/7 =====

7 nhà hoạt động chống BOT bẩn bị kết án tổng cộng 15 năm 6 tháng tù

Toà án Nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã kết án Hà Văn Nam và 6 nhà hoạt động chống BOT bẩn tổng cộng 15 năm 6 tháng tù giam về cáo buộc nguỵ tạo “gây rối trật tự công cộng.”

Cụ thể, Nguyễn Quỳnh Phong bị án 36 tháng; Lê Văn Khiển và Hà Văn Nam bị án 30 tháng; Nguyễn Tuấn Quân,Vũ Văn Hà và Ngô Quang Hùngbị án 2 năm; và Trần Quang Hảibị nhẹ nhất với án 18 tháng.

Ngoài ra, toà còn buộc các anh bồi thường 23 triệu đồng cho trạm thu phí BOT.

Phiên toà được công bố là công khai tại hội trường xã Đào Viên, tuy nhiên, nhà cầm quyền tỉnh đã điều động hàng trăm cảnh sát, kể cả cảnh sát cơ động, và dân phòng đến khu vực, không cho gia đình và bạn bè của 7 nhà hoạt động vào trong khu vực xử án.

Theo nhiều nhà hoạt động và luật sư thì đây là một bản án bất công trong một vụ án nguỵ tạo vì những người bị kết án chỉ vì những hoạt động chống tham nhũng và chống việc thu phí đường bất hợp pháp của nhiều nhà đầu tư BOT trong nhiều dự án giao thông. Họ đã thực hiện các hành động ôn hoà để phản đối việc thu phí của các trạm thu phí BOT bị nhà đầu tư cố tình đặt sai chỗ để thu tiền nhiều hơn, thu cả từ những lái xe không sử dụng dịch vụ của công trình BOT.

Việt Nam hiện có gần 100 trạm thu phí BOT và hàng chục trong số đó bị đặt sai vị trí, là những dự án có sự chống lưng của quan chức cao cấp của chế độ. Để chống lại những người phản đối việc thu phí bất hợp pháp, nhà đầu tư cấu kết với nhà cầm quyền địa phương và công an để đàn áp, đánh đập, bắt giữ nhiều người trong số họ. Chúng còn sử dụng côn đồ và mật vụ để bắt cóc và hành hung một số người, Hà Văn Nam chính là một nạn nhân như thế, bị bắt cóc và đánh đập gẫy xương sườn trong tháng 1, hai tháng trước khi anh bị bắt.

Hai ngày trước phiên toà, Ân xá Quốc tế đã kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Hà Văn Nam và 6 đồng đội của anh.

——————–

Việt Nam trục xuất nhiều người Trung Quốc trong tình hình Bãi Tư Chính căng thẳng

Nhà cầm quyền Việt Nam dường như bắt đầu thắt chặt kiểm soát sự có mặt của người Tàu trên lãnh thổ của mình, trong lúc Trung Cộng tiếp tục đưa nhiều tàu bán vũ trang đến khu vực bãi Tư Chính ở Biển Đông.

Theo báo lề đảng, trong ngày 29/7, công an tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất các thủ tục và yêu cầu xuất cảnh khỏi Việt Nam đối với 6 người mang quốc tịch Trung Cộng, vì lý do nhập cảnh trái phép, thực hiện không đúng quy định xuất nhập cảnh và làm việc không có giấy phép lao động.

Những người này khai là bác sĩ ngoại khoa/phụ khoa, kế toán, hậu cần và chủ đầu tư, đang làm việc trái phép tại phòng khám đa khoa Thái Dương, tại  phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hoà.

Tại Hải Phòng, bộ công an đã điều động hơn 700 cảnh sát đột kích vào khu đô thị Our City và bắt giữ 380 người Trung Cộng, đang hoạt động điều khiển hệ thống đánh bạc trực tuyến. Đáng chú ý là chỉ có 27 người trong số họ có đăng ký ở tại khu đô thị này, một khu vực có thể được gọi là khu tự trị của Trung Cộng. Ngay sau đó, Việt Nam trao trả những tên tội phạm này cho phía Trung Cộng mà không xét xử, gây bất bình cho nhiều người Việt.

Việt Nam thực hiện chính sách không visa cho người Tàu, nhằm khuyến khích du lịch và đây chính là điểm chết người, không quản lý chúng làm gì, ở đâu trong khi nhà cầm quyền lại thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ người dân Việt bằng chế độ hộ khẩu và đăng ký tạm trú.

Có hàng trăm phòng khám của người Tàu ở Việt Nam, và hàng nghìn người Việt trở thành nạn nhân của chúng vì giá dịch vụ cắt cổ mà tình trạng bệnh tật không thuyên giảm, thậm chí nhiều trường hợp bị nặng thêm và lại phải vào cơ sở chữa trị công để khắc phục hậu quả.

Bên cạnh Formosa và Bauxite Tây Nguyên, không ai biết có bao nhiêu dự án “khu tự trị” kiểu Our City của người Trung Cộng trên đất Việt Nam. Đây có thể là cái cớ để  Trung Cộng xua quân xuống phía Nam, nếu Ba Đình thực hiện chính sách bất lợi cho người Tàu.

——————-

Quan chức tham nhũng ở Ninh Bình, Hà Tĩnh trục lợi từ tưởng niệm liệt sỹ

Quan chức ở hai tỉnh Ninh Bình và Hà Tĩnh trục lợi từ dịp tưởng niệm liệt sỹ (27/7) bằng việc kê khống tiền thắp hương và mua quà lên nhiều tỷ đồng.

Theo những gói thầu đăng tải trên website của Bộ kế hoạch và đầu tư thì Sở lao động, thương binh và xã hội của tỉnh Hà Tĩnh đã chi gần 4,7 tỷ đồng ($20.000) cho việc thắp hương cho khoảng 24.000 liệt sỹ ở địa phương cho dịp 27/7 vừa qua.

Trong khi đó, Sở lao động, thương binh và xã hội của tỉnh Ninh Bình đã chi 8,7 tỷ cho việc mua bánh kẹo tặng gia đình liệt sỹ, thương binh trong dịp này.

Theo nhiều người, thì đây là số tiền quá cao và chắc chắn bị đội lên nhiều lần so với chi phí thực tế. Một Facebooker nói nếu số tiền thực chi như trên thì gia đình liệt sỹ, thương binh của tỉnh Ninh Bình sẽ bị tiểu đường vì ăn quá nhiều kẹo.

Ngoài việc lợi dụng thương binh, liệt sỹ cho mục đích tuyên truyền, như vụ học sinh tiểu học ở một xã của tình Hải Dương bị buộc ngồi cạnh mộ liệt sỹ nhiều giờ trong đêm để thắp nến tưởng niệm, thì quan chức lợi dụng sự kiện này để tham nhũng, coi đây là dịp để đục khoét ngân sách.

Tham nhũng mang tính hệ thống ở Việt Nam và ở mức độ trầm trọng, đặc biệt là tỉnh Ninh Bình, quê hương của cựu chủ tịch nước và bộ trưởng công an Trần Đại Quang. Một dự án nạo vét kênh mương với dự toán là 72 tỷ đồng nhưng khi thực hiện đã đội vốn lên thành 2.600 tỷ đồng. Quan chức cộng sản ăn mọi thứ, từ xi măng, sắt thép đến bỉm của trẻ em, và giờ là xác của những người lính trong chiến tranh.

===== 30/7 =====

Mật vụ An Giang tấn công tư gia gia đình Phật giáo Hoà Hảo

Mật vụ đã đập phá nhà riêng tại phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyêncủa ông Phong Xuân, trị sự viên đặc trách thông tin liên lạc của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý tỉnh An Giang.

Nguyên nhân là ông Xuân luôn cổ suý tự do tôn giáo, treo tấm băng rôn chào mừng những ngày lễ lớn của Phậtgiáo Hoà Hảo và treo đạo kỳ trước cửa. Chính quyền coi ông là cái gai và đã nhiều lần sách nhiễu ông.

Vụ tấn công xảy ra vào lúc 19h ngày 30/7: một nhóm 10 mật vụ trong trang phục dân sự đến nhà ông bằng xe gắn máy. Chúng xông vào nhà và dùng gậy đập bể tất cả đồ đạc trong nhà gồm loa, vi tính, amphi và 2 chiếc xe gắn máy xong bỏ đi. Ông Xuân, một người hành nghề xe ôm, không bị đánh vì lúc đó ông đang tắm phía sau nhà.

Ông có đến công an phường trình báo sự việc và yêu cầu trích xuất camera an ninh tại dịa phương để tìm kiếm thủ phạm nhưng công an nói việc đó là của công an và nói ông Xuân về nhà khi có kết quả sẽ thông báo cho ông Xuân biết.

Vụ đập phá này là một trong nhiều vụ đàn áp, sách nhiễu tín đồ Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý, nhất là dịp kỷ niệm ngày mất của Đức Huỳnh Phú Sổ, người bị cộng sản thủ tiêu. Sáu người trong gia đình ông Bùi Văn Trung bị bắt giữ và kết án tù từ 2 đến 7 năm vì thực hành tự do tôn giáo.

Chế độ cộng sản Việt Nam muốn kiểm soát mọi tôn giáo và chúng lập ra những nhánh tôn giáo song song với các tôn giáo hiện có rồi bắt người dân chuyển sang nhánh mới, nếu không sẽ bị đàn áp, sách nhiễu.

Việt Nam đang giam giữ gần 240 tù nhân lương tâm, 101 trong số này bị cầm tù vì tự do tôn giáo, theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền.

——————–

Thêm một bé gái bị lạm dụng tình dục, thủ phạm nhởn nhơ ngoài vòng luật pháp

Thêm một ông bố cầu cứu cư dân mạng về việc con gái của mình bị xâmhại tình dụcmà nhà cầm quyền địa phương không điều tra sự việc một cách nghiêm túc và nhanh chóng.

Theo mạng xã hội, anh Nguyễn Thành Trungở thành phố Vinh gửi con gái Nguyễn Băng T (6 tuổi) cho bạn là Trần Thị Thùy An ( sinh năm 1998ở Hậu Giang). An đã đón con gái anh tại nhà riêng sau đó đưa lên khách sạn Mường Thanh Thanh Niênở thành phố này. Đến khoảng 23h cùng ngày, Trung đến khách sạn để đón con thì thấy con khóc, mắt sưng, anh Trung có hỏi An thì An nói “do nó đòi anh nên khóc.”

Chiều hôm sau khi đón con đi học về thì nghe con nói đau bụng, tiếp tục 2 ngày sau vẫn thấy con kêu đau bụng và đau bộ phận sinh dục và hậu môn. Cháu bé cho biết trong khi ở khách sạn, An và bạn gái giữ chân tay của cháu để một nam thanh niên hiếp cháu.

Anh Trung kiểm ra bô phận sinh dục và hậu môn của con thì phát hiện có dịch chảy, nghi ngờ con bị xâm hại tình dục. Anh Trung đã đưa con đi khám và làm đơn trình báo công an thànhphốVinh.

Sáng ngày 1/7/2019 anh Trung đưa An lên công an làm việc, đến chiều cùng ngày An gọi điện cho anh và nói với giọng thách thức “lên toàn gặp người quen cả, anh làm được gì thì làm.”Sau đó An trốn khỏi Vinh.

Người bố đưa con gái vàonhà thương Chợ Rẫy chữa trị nhiễm trùng, mưng mủ ở phía sâu trong hậu môn và bộ phận sinh dục trong khi công an Vinh không có động thái gì chứng tỏ họ điều tra rốt ráo sự việc.

Trongvài tháng gần đây, có nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị phanh phui, nhưng nhiều kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài xã hội do được phía công an bao che.

===== 02/8 =====

Nhiều tù nhân lương tâm của nhóm Hiến Pháp được gặp gia đình sau 11 tháng

Thân nhân của 5 tù nhân lương tâm thuộc nhóm Hiến pháp đã được gặp họ lần đầu tiên kể từ khi bị bắt đầu tháng 9 năm 2018 trong Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu của Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Các anh Hồ Văn Cương, Ngô Văn Dũng, Trần Thanh Phương, và hai chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Đoàn Thị Hồng đã được gặp gia đình vào ngày 02/8 trong điều kiện sức khoẻ không được tốt do bị tra tấn về tinh thần. Chưa có thông tin về 2 thành viên khác là Đỗ Thế Hoávà Hoàng Thị Thu Vang.

Chị Hồng, người có con nhỏ dưới 3 tuổi khi bị bắt, nói quá trình điều tra vụ án đã khép lại cách đây 4 tháng nhưng không hiểu sao nhà cầm quyền Sài Gòn giờ mới cho chị gặp chị gái. Chị vẫn chưa được gặp con và hy vọng vào lần gặp kế tiếp.

Chị cũng cho biết phía điều tra thuyết phục chị không nên thuê luật sư vì rất tốn kém, và dụ rằng chị có thể được trả tự do sớm nếu nghe theo lời của chúng. Tuy nhiên, gia đình đã nói với chị rằng chị cần có luật sư bảo vệ tại phiên toà và gia đình đã ký hợp đồng với luật sư nhiều tháng trước đây.

Như tin đã đưa, mật vụ thành phố HCM đã bắt cóc/bắt giữ 7 thành viên của nhóm Hiến pháp trong 4 ngày đầu của tháng 9 năm ngoái và đưa về giam giữ ở số 4 Phan Đăng Lưu mà không thông báo cho gia đình họ, buộc gia đình phải đi tìm họ ở nhiều nơi và sau nhiều ngày mới được biết nơi giam giữ của họ.

Nhiều tháng sau, công an thành phố mới ra thông báo rằng họ bị cáo buộc “gây rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật hình sự, với mức án từ 7 năm đến 15 năm nếu bị kết tội.

Một số thành viên của nhóm Hiến pháp phải chạy sang tỵ nạn tại Thái Lan. Nhóm này chủ trương phổ biến Hiến pháp 2013 trong dân chúng để nhân dân hiểu được quyền của mình. Các thành viên của nhóm tham gia tích cực vào cuộc biểu tình ở thành phố HCM ngày 10/6/2018 để phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.

——————–

Tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn mãn hạn tù 8 năm

Tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn mãn hạn tù 8 năm và đã trở về với gia đình tại thành phố Trà Vinh ngày 02/8.

Tuy nhiên, cô vẫn bị buộc thi hành án quản chế tại địa phương trong 5 năm tới.

Nguyễn Đặng Minh Mẫn sinh năm 1985. Cô đã bị bắt cùng với cha mẹ của mình vào ngày 2/11/2011, vì đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Cộng, với biểu ngữ HS – TS VN (Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam). Trong một phiên tòa diễn ra tại Nghệ An vào ngày 8-9/1/2013, Mẫn đã bị kết tội theo tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Trong 8 năm qua, Mẫn bị giam giữ ở Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hoá). Trong tù, cô đã từng bị ngược đãi, tra tấn. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã từng can thiệp, yêu cầu chế độ cộng sản trả tự do cho cô, nhưng bất thành.

===== 03/8 =====

Ông Trần Bắc Hà chết vì kiệt sức trong trại tạm giam sau khi tuyệt thực?

Một nguồn tin cho rằng ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chết trong buồng giam của Trại tạm giam 771 của Bộ Quốc phòng vì kiệt sức sau nhiều ngày tuyệt thực.

Theo nguồn tin chưa được kiểm chứng này thì khi mở cửa phòng giam vào lúc 17.30 giờ ngày 17/7, lính canh của trại tạm giam tìm thấy ông Hà, 66 tuổi, đã chết còng queo. Nguyên nhân chết có thể là do kiệt sức sau khi nhịn ăn nhiều ngày trước đó.

Nhiều cơ quan liên quan đến việc bắt giữ và điều tra vụ án đã họp ngay trong chiều tối cùng ngày và thống nhất phương án giải thích về cái chết của ông Hà, rằng phía trại tạm giam đã phát hiện ông ta có biểu hiện sức khoẻ nguy cấp và đưa ông này đi cấp cứu ở Quân y viện 105 nhưng đã chết trên đường trước khi tới bệnh viện.

Ông Hà bị bắt vào giữa tháng 11 năm ngoái với cáo buộc vi phạm quản lý ngân hàng và bị biệt giam trong Trại tạm giam của quân đội cộng sản. Ông này được cho là đã phản đối mọi cáo buộc, và đòi được đi chữa trị bệnh huyết áp cao và một số bệnh của tuổi già, nhưng không được đáp ứng và do đó ông ta đã tuyệt thực để phản đối từ ngày 12/7. Nguồn tin khẳng định ông Hà không có vấn đề về tim và gan.

Nguồn tin này khẳng định có kết quả khám nghiệm tử thi, trong đó có nói rằng dạ dày của ông này không có thức ăn. Nguồn tin còn nói rằng có video và hình chụp ông Hà nằm chết trong phòng biệt giam, nhưng vì lý do nhân đạo nên không công bố hình ảnh.

Nhiều nhà quan sát cho rằng nếu nguồn tin này đúng thì ông Hà đã bị đối xử vô nhân đạo trong quá trình điều tra và đây là nguyên nhân gây ra cái chết của ông ta. Nhiều người nói rằng thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, cục trưởng cục điều tra hình sự (C03) của Bộ công an cộng sản là người chịu trách nhiệm về việc này. Ngọc cũng là một trong những kẻ chỉ đạo công an thành phố Hà Nội đàn áp các cuộc biểu tình chống Trung Cộng từ năm 2011 đến 2018 với tư cách là phó giám đốc sở công an thành phố.

====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây