Đặng Thị Hoàng Yến kiện Nguyễn Tấn Dũng: Có lý, nhưng cũng rất phi lý

, Luật Khoa tạp chí, ngày 13/9/2019

Vài ngày qua, báo chí Việt Nam và nước ngoài quan tâm đến tình hình Việt Nam xôn xao vụ việc bà Đặng Thị Hoàng Yến (nay là bà Maya Dangelas – quốc tịch Hoa Kỳ) nộp đơn khởi kiện cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra Tòa Trọng tài ở Paris, Pháp theo Bộ Quy tắc Trọng tài của UNCITRAL vì đã có các quyết định trái pháp luật khiến bà này bị thiệt hại toàn bộ giá trị đầu tư và lợi nhuận của dự án.

Tuy nhiên, những kiểu khiếu kiện này không quá quen thuộc với bạn đọc Việt Nam và có thể khiến chúng ta nhầm lẫn các thủ tục tố tụng trong nước với các thủ tục tố tụng công pháp quốc tế; bản chất và mục tiêu của nó. Bài viết này hy vọng có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về vụ việc và từ đó cũng dễ tiếp nhận các thông tin trong tương lai hơn.

Dạng tranh chấp này là gì?

Hiểu một cách đơn giản nhất, bản chất của vụ kiện là dạng giải quyết tranh chấp nhà đầu tư – chính phủ (Investor – State Dispute Settlement – ISDS), theo đó, nhà đầu tư cho rằng chính phủ của một quốc gia đã không thực hiện đúng cam kết của mình ban đầu và dẫn đến thiệt hại cho khoản đầu tư mà họ đã bỏ ra.

ISDS là một dạng tranh chấp khá đặc biệt, vì nó được thỏa thuận và cam kết thực hiện bởi các quốc gia – tức là một phần của công pháp quốc tế, song lại trao quyền khởi kiện cho chủ thể tư nhân là những nhà đầu tư có quốc tịch tương ứng. Nếu so sánh về mặt hình thức tranh chấp, vụ việc này không quá khác biệt với vụ kiện giữa nhà đầu tư Trịnh Vĩnh Bình có quốc tịch Hà Lan và chính phủ Việt Nam hồi năm 2017 mà Luật Khoa đã có dịp phân tích chi tiết.

Bà Maya Dangelas kiện với tư cách gì?

Bà Maya Dangelas kiện với tư cách là một nhà đầu tư Hoa Kỳ, người đứng đầu của hai tổ chức kinh tế có quốc tịch Hoa Kỳ là U.S. Global Institute, Inc. và Angels Company, Inc.

Theo khẳng định của Thông báo Trọng tài, bà Maya Dangelas đã trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 2005 (mà trước đó là công dân Việt Nam). Bà, thông qua hai công ty quốc tịch Hoa Kỳ để thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo (ITA), và từ đó tham gia thực hiện dự án đầu tư cho khu công nghiệp, nhà máy điện và cảng biển nước sâu ở Kiên Lương theo thỏa thuận với chính phủ Việt Nam vào năm 2007. Đến 2008, dự án chính thức được phê duyệt và năm 2013 thì đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, vào năm 2016, Thủ tướng Việt Nam khi đó là Nguyễn Tấn Dũng được cho là bất ngờ loại dự án Nhiệt điện Kiên Lương ra khỏi quy hoạch chung và dự án này từ đó không thể tiếp tục hoạt động, gây thiệt hại cho Tân Tạo.

Căn cứ khởi kiện

Trong Thông báo Trọng tài thì bên nguyên đơn dẫn chứng khá nhiều căn cứ khởi kiện khác nhau như Luật Đầu tư Việt Nam năm 2005 và 2015, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ ký kết vào năm 2000 và chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2001 cho đến nay.

Dựa trên điều ước quốc tế này, chính phủ của cả hai quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ của mình và chấp thuận trở thành một bên trong tranh chấp đầu tư tương lai với nhà đầu tư của quốc gia còn lại. Cụ thể, tại Điều 4 – Chương V về giải quyết tranh chấp, nếu tranh chấp không thể được thỏa thuận, dàn xếp thông qua tham vấn và thương lượng, công dân hoặc công ty của một bên (tức Hoa Kỳ hoặc Việt Nam) có thể đưa tranh chấp ra giải quyết bằng các phương thức như:

  1. khởi kiện trước tòa án đặt tại lãnh thổ của quốc gia tiếp nhận đầu tư (phương thức này thường không được ưa chuộng vì khả năng thiên vị khá rõ ràng cho chính phủ bị kiện); hoặc
  2. khởi kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận; hoặc
  3. khởi kiện ra Trung tâm WTO nếu cả hai bên đều là thành viên của ISCID; hoặc
  4. khởi kiện theo thủ tục của Quy tắc Trọng tài UNCITRAL.

Trong trường hợp này, bên nguyên đơn đã lựa chọn thủ tục của Quy tắc Trọng tài UNCITRAL, vốn cho phép một bên đơn phương lựa chọn tổ chức trọng tài hoặc một cá nhân trọng tài viên để bắt đầu tiến trình tố tụng. Bà Maya Dangelas và các luật sự của mình có vẻ đã chọn tổ chức trọng tài tại Pháp.

Có kiện được cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?

Theo quan điểm của tác giả, đối tượng bị đơn của Thông báo Trọng tài là vấn đề có vẻ không thỏa đáng nhất trong toàn bộ vụ việc, ít nhất là về mặt pháp lý.

Hiển nhiên, công pháp quốc tế ngày nay đã chứng kiến nhiều loại tội hình sự quốc tế hay những hành vi của một chế độ, chính phủ được quy trách nhiệm về một cá nhân. Ví dụ, cựu tổng thống Slobodan Milosevic của Nam Tư đã bị Tòa Hình sự Quốc tế về Nam Tư (ICTY) xét xử về tội ác chiến tranh, thực hiện bởi quân đội và bộ máy nhà nước Nam Tư. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn chưa được thể hiện và thừa nhận trong pháp luật đầu tư quốc tế.

Trong Thông báo Trọng tài, bên nguyên đơn lập luận rằng Hiến pháp Việt Nam có ghi nhận chính phủ Việt Nam bao gồm thủ tướng và nhiều cơ quan khác. Họ cũng khẳng định chính phủ Việt Nam vẫn tham gia với tư cách là một bên của tiến trình tố tụng trọng tài, song cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới là bị đơn và là người có trách nhiệm bồi thường, thực thi phán quyết.

Phát ngôn nhân của nhóm luật sư đại diện pháp lý cho bà Đặng Thị Hoàng Yến trả lời nhật báo Người Việt: “Ông ta (Nguyễn Tấn Dũng) có thể lựa chọn xuất hiện hoặc không tại phiên tòa, nhưng cho dù có hay không, vụ kiện vẫn diễn ra.”

Tuy nhiên, những lập luận này có vẻ không hợp lý vì cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không thể là một bên trong tiến trình tố tụng liên quan đến tranh chấp đầu tư.

Trong Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, khái niệm “tranh chấp đầu tư” (investment dispute) được quy định là tranh chấp giữa một bên (tức Hoa Kỳ hoặc Việt Nam) và công dân hoặc công ty của bên kia (tức tương ứng là Việt Nam hoặc Hoa Kỳ) phát sinh từ hoặc liên quan đến một chấp thuận đầu tư, một thỏa thuận đầu tư… Việc khởi kiện được thực hiện bởi công dân, công ty của một bên đối với bên còn lại.

Đây là nguyên tắc một chiều khá chặt chẽ trong pháp luật đầu tư quốc tế liên quan đến giải quyết tranh chấp: một chiều, một chủ thể khởi kiện, một chủ thể bị kiện.

Chiều khởi kiện chỉ có thể là nhà đầu tư kiện chính phủ một quốc gia.

Bên khởi kiện phải là nhà đầu tư.

Bên bị kiện phải là chính phủ của quốc gia có cáo buộc vi phạm.

Chính phủ của một quốc gia không thể khởi kiện ngược cá nhân, công ty của quốc gia còn lại vì nhà đầu tư không phải là chủ thể có thẩm quyền tham gia hiệp định đầu tư và từ đó không thể vi phạm cam kết mà hiệp định đầu tư đó ghi nhận.

Cũng cùng lý do ở trên, chỉ có chính phủ đại diện cho một quốc gia mới có trách nhiệm (và tư cách) là bị đơn bồi thường trong tranh chấp nhà đầu tư – quốc gia, bởi bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác trong bộ máy nhà nước, dù nghỉ hưu hay còn đương nhiệm, đều không phải là bên ký kết của một hiệp định đầu tư, và vì vậy, không thể vi phạm nghĩa vụ do hiệp định đó ghi nhận.

***

Người viết tin rằng vụ kiện này nếu nhắm vào chính phủ Việt Nam thì hoàn toàn khả thi và có khả năng thành công theo pháp luật quốc tế lẫn pháp luật Việt Nam. Nhưng việc người bị kiện là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiến khả năng cao là đơn kiện sẽ không thể được thụ lý theo các thủ tục của UNCITRAL vì không xác định đúng bị đơn. Hoặc vụ kiện có thể cũng chỉ nhằm mục tiêu tạo chấn động cho công luận vì một lý do chính trị nào đó.