Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 38 từ 16/9 đến 22/9/2019: Liên Hợp Quốc nói Việt Nam là một trong tốp mười nước trả thù người báo cáo vi phạm nhân quyền

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 22/9/2019

 

Trong báo cáo của mình ở phiên họp thứ 42 của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva tháng này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Cao uỷ Nhân quyền đã nói rằng Việt Nam là một trong tốp mười quốc gia trên thế giới trả thù người báo cáo vi phạm nhân quyền. Trong phần nói về Việt Nam, báo cáo đã đưa chi tiết về 6 vụ việc trong đó các nạn nhân bị tra hỏi, cấm xuất cảnh, bị tịch thu hộ chiếu hoặc bị đe doạ bắt giữ. Việt Nam bị nêu tên trong các báo cáo tương tự trong các năm 2014-2016.

Trong tuần này, nhà cầm quyền cộng sản đã kết tội hai Facebooker Nguyễn Văn Công Em ở tỉnh Bến Tre và Trần Đình Sang ở thành phố Yên Bái. Ông Em, sinh năm 1971, bị kết án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự vì nhiều bài viết chỉ trích chế độ trên trang Facebook cá nhân. Ông Sang, sinh năm 1980, bị kết án 2 năm tù giam vì tội danh nguỵ tạo “chống người thi hành công vụ” chỉ vì những bài viết trên Facebook vạch mặt lực lượng cảnh sát trong việc trấn lột tiền người tham gia giao thông. Họ là hai trong số 8 Facebooker bị bắt từ đầu năm khi Luật An ninh mạng có hiệu lực.

Công an Nghệ An nói đã hoàn thành điều tra vụ án chống lại nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, người bị bắt ngày 29/5 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Hồ sơ đã được chuyển đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh với đề nghị truy tố và phiên toà sơ thẩm sẽ được tiến hành trong thời gian gần.

Công an thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành việc điều tra cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, người bị cảnh sát Thái bắt cóc và chuyển cho công an Việt Nam vào cuối tháng 1 năm nay. Ông Nhất sẽ bị truy tố về “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 của Bộ luật Hình sự với mức án tù cao nhất là 15 năm nếu bị kết tội.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá, người đang thi hành án tù 7 năm ở Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam), đã không còn bị biệt giam sau khoảng 4 tháng chỉ vì không chịu thừa nhận phạm tội. Trong khi đó, ông Lê Đình Lượng không được gặp thân nhân trong ngày thăm viếng hàng tháng mà không rõ lý do. Ông đang thụ án tù 20 năm tại Trại giam Ba Sao, một trong những trại khét tiếng về sự hà khắc đối với tù nhân lương tâm.

Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 16/9 =====

Việt Nam trong tốp 10 nước trả thù người báo cáo vi phạm nhân quyền: LHQ

Theo phúc trình thường niên của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterre và Hội đồng Nhân quyền thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia nổi bật trong việc trả thù những người báo cáo vi phạm nhân quyền.

Bản phúc trình trên được chuẩn bị bởi phụ tá tổng thư ký LHQ về nhân quyền và được Ngài António Guterres công bố trong buổi khai mạc phiên họp thứ 42 của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva vào ngày 9/9 vừa qua.

Trong bản phúc trình này, trong thời gian từ 01/6/2018 đến 31/5/2019, nhà cầm quyền Việt Nam đã trả thù những người báo cáo vi phạm nhân quyền trong 6 trường hợp: 5 người Tây nguyên theo đạo Tin Lành bị trả thù vì đã báo cáo các vi phạm về tự do tôn giáo, bà Nguyễn Thị Kim Thanh bị giữ ở phi trường và chiếu khán bị tịch thu sau khi trở về từ Geneva nơi bà lên tiếng cho chồng mình là tù nhân lương tâm Trương Minh Đức, bà Bùi Thị Kim Phượng bị cấm xuất cảnh khi ra phi trường để lên đường đến Âu Châu vận động cho chồng là tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, nhiều giáo dân và linh mục Công giáo bị trả thù vì báo cáo sự bạo hành của Hội Cờ đỏ và sự bảo kê của nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An, và 18 người thuộc nhiều cộng đồng tôn giáo bị cấm xuất cảnh hoặc bị triệu tập để tra hỏi sau khi dự hội nghị về tự do tôn giáo.

Hàng năm, Hội đồng Nhân quyền thu thập chứng cứ về việc trả thù của nhà cầm quyền một quốc gia đối với những người báo cáo vi phạm nhân quyền. Các hành vi hăm doạ hoặc trả thù bao gồm: cấm xuất cảnh, đe doạ, quấy nhiễu, tung chiến dịch bôi nhọ, theo dõi, bạo hành, áp đặt luật lệ khắc nghiệt, bắt và giam độc đoán, tra tấn, ngược đãi, không cho tiếp cận dịch vụ y tế, hoặc sát hại.

Chế độ cộng sản Việt Nam trả thù một cách có hệ thống những người hoạt động nhân quyền và báo cáo vi phạm nhân quyền, và đã bị nêu tên trong bản phúc trình năm 3 lần trước trong các năm 2014, 2015 và 2016.

——————–

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá không còn bị kỷ luật biệt giam

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá, người đang thụ án tù 7 năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” tại Trại giam An Điềm (Quảng Nam), đã không còn bị kỷ luật bằng hình thức biệt giam.

Thông tin trên được tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình cung cấp cho người nhà anh trong chuyến thăm gặp ngày 14/9.

Anh Bình nói anh mới nhìn thấy Hoá sau hơn 4 tháng bị kỷ luật. Hoá có vẻ gầy đi nhiều.

Nguyễn Văn Hoá bị biệt giam đầu tháng Năm sau khi đã bị quản giáo đánh đập. Trong thời gian này, anh không được gặp gia đình và nhận đồ tiếp tế. Phía nhà tù không thông báo tin anh bị kỷ luật cho các tù nhân khác, dẫn đến việc Hoàng Đức Bình và Nguyễn Bắc Truyển tuyệt thực trong nhiều ngày để yêu cầu công bố thông tin và nguyên nhân.

Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995, là phóng viên của đài Á Châu Tự Do, người dùng flycam để quay lại các thước phim trên cao liên quan đến các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người dân miền Trung trong thảm họa Formosa. Anh bị bắt hồi đầu năm 2017 khi đang quay phóng sự gần khu vực tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Đọc chi tiết: Tù nhân Nguyễn Văn Hóa hết bị kỷ luật biệt giam

===== 17/9 =====

Chỉ trích chế độ trên mạng xã hội, Facebooker thứ hai bị bỏ tù chỉ trong hai tuần

Trong vòng 2 tuần, nhà cầm quyền CSVN đã kết án hai Facebooker với án tù dài hạn chỉ vì chỉ trích chế độ trên mạng xã hội.

Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ngày 17/9, Toà án cộng sản tỉnh Bến Tre đã kết án ông Nguyễn Văn Công Em mức án tù 5 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông bị cho là đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook như “Vệ Quốc Đoàn,” “Tấn Lê,” “Tân Nguyên,” và “Lê Thành Bạc” …để đăng tải 199 bài viết cùng 5 live streams và chia sẻ 72 bài viết trong thời gian từ 27/10/2017 đến 26/2/2019 với nội dung “xuyên tạc chế độ” và “tuyên truyền và kích động, kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia biểu tình gây mất an ninh trật tự.”

Ông Em, sinh năm 1971 và trú tại Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, còn bị cho là kích động biểu tình chống nhà nước vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Hàn tại Hà Nội vào cuối tháng 2.

Trước đó, vào ngày 05/9, Toà án cộng sản tỉnh Ninh Bình đã kết án ông Lê Văn Sinh 5 năm tù giam về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Ông bị kết tội đã sử dụng 2 tài khoản Facebook mang tên “Sinh Lê” và “Sinh Levansinh (Sinhle)” để chia sẻ 16 bài có nội dung “nói xấu, bôi nhọ đảng và nhà nước, phản đối Luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu Kinh tế” và 16 bài tố cáo 14 viên chức của tỉnh và huyện Hoa Lư.

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders-DTD), hai ông nằm trong số 8 người bị kết án tù với mức án từ 5 đến 8 năm vì những bài viết trực tuyến chỉ trích chế độ từ đầu năm đến nay, khi luật An ninh mạng có hiệu lực. Cũng theo DTD, hiện Việt Nam đang giam giữ 233 tù nhân lương tâm.

——————–

Giới bất đồng chính kiến kêu gọi Hà Nội kiện Trung Cộng xâm phạm ở Biển Đông

Đã có 8 tổ chức và hơn 400 cá nhân thuộc giới bất đồng chính kiến đã cùng nhau ký tên vào một bản kiến nghị kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kiện Trung Cộng ra toà án quốc tế vì đã xâm phạm lãnh hải ở Việt Nam, và tăng cường hợp tác quốc phòng với những nước có chung quyền lợi hợp pháp trên biển Đông.

Kiến nghị thư được một nhóm nhân sỹ trí thức soạn thảo  phản ứng lại với hành động gây hấn của Trung Cộng ở khu vực Bãi Tứ Chính, nơi Bắc Kinh đưa tàu nghiên cứu Hải Dương 8 với sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh vào hoạt động từ đầu tháng 7 và tàu cần cẩu Lam Kinh vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong vài tuần gần đây.

Kiến nghị thư đưa ra 2 điểm: (i) Đề nghị kiện Trung Cộng vì đã xâm phạm quyền lợi kinh tế biển của Việt Nam ở Biển Đông và đòi nhà cầm quyền Bắc Kinh trả lại các đảo của Việt Nam thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Cộng đã cưỡng chiếm bằng vũ lực, và (ii) Ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Mỹ và những nước có chung quyền lợi hợp pháp trên biển Đông.

Theo nhóm soạn thảo, những hành động gây hấn của Trung Cộng đã quá manh động và mang tính hệ thống mà nhà cầm quyền Hà Nội không thể chần chờ và nhân dân không thể kiên nhẫn chờ đợi trước hiểm hoạ xâm lăng ngày càng không tránh khỏi.

Theo nhóm soạn thảo, phản ứng của Hà Nội trước các hành động xâm lăng của Bắc Kinh là yếu ớt. Thái độ ấy của chính quyền gây ra sự nghi hoặc và bất bình rất lớn trong nhân dân và không một quốc gia nào muốn giúp đỡ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền.

Kiến nghị thư cũng nhắc lại rằng từ ngàn đời Trung Hoa luôn có tham vọng xâm chiếm Việt Nam. Hiện nay, Trung Cộng có lực lượng quân sự, kinh tế mạnh hơn Việt Nam do vậy Việt Nam phải liên kết với các quốc gia khác để chặn đứng sự xâm lăng của người hàng xóm xấu bụng này.

Kiến nghị thư cho rằng Việt Nam cần phài gia nhập cộng đồng các nước dân chủ, văn minh, con đường duy nhất đảm bảo cho sự phát triển giàu mạnh, cơ sở vững vàng để bảo vệ độc lập, chủ quyền.

——————–

Bộ Công an nói Việt Nam chưa có khủng bố

Theo trung tướng Trần Văn Vệ, chánh văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) thì Việt Nam chưa có khủng bố, cũng chưa có nước nào đề nghị Hà Nội truy bắt các đối tượng khủng bố mà chủ yếu là các đối tượng tội phạm hình sự, đối tượng phạm tội về kinh tế…

Báo Công an Nhân dân dẫn lời phát biểu trên của tướng Vệ trong buổi họp báo ngày 18/9 ngay sau buổi khai mạc của Hội nghị Tư lệnh cảnh sát Đông Nam Á lần thứ 39 (ASEANAPOL 39) đang được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Vệ cho biết gần đây có một số vụ án thực hiện bởi tội phạm do tư thù cá nhân chứ không liên quan đến khủng bố. Việt Nam đang hợp tác quốc tế rất tốt để đề phòng ngừa với loại tội phạm nguy hiểm này.

Phát biểu trên của tướng Vệ mâu thuẫn với việc bỏ tù nhiều người với cáo buộc khủng bố, một tội danh nghiêm trọng trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật hình sự, với mức án tù nặng nề kéo dài hàng chục năm hoặc bị tử hình.

Năm 2018, an ninh thành phố Sài Gòn bắt giữ 16 người, gắn cho họ tội khủng bố và kết tội 15 trong số họ với mức án từ 5 năm tù đến 16 năm tù giam vì cho rằng họ đặt bom xăng ở gần phi trường Tân Sơn Nhất và đốt một bãi giữ xe vi phạm luật giao thông.

Chế độ cộng sản ở Hà Nội cũng coi Việt Tân, một đảng đấu tranh ôn hoà đòi dân chủ và nhân quyền có trụ sở tại California là tổ chức khủng bố. Một số nhà hoạt động bị kết án với bản án nặng nề vì bị cho là thành viên của đảng này.

Rất nhiều nhà hoạt động coi chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay là tổ chức khủng bố vì những hành động bạo lực của đảng chống lại các nhóm yêu nước khác, và đàn áp giới bất đồng chính kiến sau khi đã giành trọn quyền lực.

===== 18/9 =====

Nhà hoạt động chống tham nhũng Trần Đình Sang bị kết án 2 năm tù giam

Ngày 18/9, Toà án Nhân dân thành phố Yên Bái đã kết án Facebooker Trần Đình Sang án tù 2 năm về tội danh nguỵ tạo “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 của Bộ luật Hình sự.

Báo Dân Trí đưa tin ông Trần Đình Sang, người bị bắt vào ngày 09/4/2019, đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và bày tỏ thái độ ăn năn, hối lỗi.

Theo cáo trạng, khoảng 20 giờ 15 ngày 23/3, một tổ tuần tra thuộc phòng cảnh sát cơ động của công an tỉnh Yên Bái phát hiện Nguyễn Việt Anh đang điều khiển xe chở 2 người ngồi phía sau không có mũ và gương chiếu hậu. Tổ công an đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nhưng không lập biên bản. Ông Sang đi qua và nhận thấy đây là việc làm có dấu hiệu ăn hối lộ của cảnh sát nên dừng lại quay phim và chụp ảnh và đưa lên trang Facebook Trần Đình Sang và Những Người Bạn.

Phát hiện ra việc ông Sang quay phim, nhóm cảnh sát đã đến yêu cầu ông xoá các hình ảnh vừa quay nhưng ông từ chối. Do ông khăng khăng không chịu nghe lời mình, nhóm công an đã bắt ông và đưa về đồn công an để đánh đập ông. Chúng chỉ trả tự do cho ông vào lúc nửa đêm khi ông bị đánh gẫy xương sườn cùng nhiều vết thương nghiêm trọng khác trên cơ thể.

Ông Sang là một người hoạt động chống tham nhũng ở thành phố Yên Bái và đối tượng mà ông phản ánh là lực lượng công an và cảnh sát giao thông cũng như phản đối nhiều trạm thu phí bị đặt sai chỗ. Vì nhiều bài viết của ông trên Facebook nên ông bị nhà cầm quyền địa phương căm ghét và quyết triệt hạ.

Ông là một trong 8 Facebooker bị bắt giữ và kết án vì những bài viết trực tuyến kể từ đầu năm đến nay khi luật An ninh mạng có hiệu lực.

Yên Bái là một địa phương mà bí thư tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà lũng đoạn trong nhiều năm. Em trai của bà là Phạm Sỹ Quý, được chuyển về một cơ quan trung ương ở Hà Nội sau khi bị nhiều tố cáo tham nhũng và lợi dụng chức quyền khi còn giữ một số chức vụ chủ chốt ở tỉnh này.

 ——————-

Hội đồng Liên Tôn Việt Nam làm việc với phái đoàn Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ

Sáng ngày 18/9, tại chùa Giác Hoa (Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh), đại diện Hội đồng Liên Tôn Việt Nam đã làm việc với phái đoàn của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (the US Commission on International Religious Freedom- USCIRF) về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Thượng toạ Thích Không Tánh cùng 9 người của Hội đồng đại diện cho nhiều tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Tin Lành tham gia cuộc gặp mặt trong khi phía khách có bà Anurima Bhagavar dẫn đầu. Đại diện Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn cũng tham dự buổi làm việc.

Phía chủ nhà đã thông báo việc đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội đối với tất cả các tôn giáo: Bên cạnh việc cướp nhiều tài sản của các tôn giáo, chế độ cộng sản đang áp dụng nhiều chiêu thức lũng đoạn như dựng lên những tổ chức tôn giáo hoặc đưa sỹ quan an ninh vào cài cắm trong hàng ngũ giáo phẩm hoặc can thiệp việc bổ nhiệm tu sỹ.

Phía khách cũng được thông báo có hơn 50 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ vì cổ suý tự do tôn giáo. Hội đồng đề nghị USCIRF can thiệp để các tù nhân lương tâm được sinh hoạt tôn giáo trong thời gian thụ án.

Phía khách đã ghi nhận mọi thông tin mà Hội đồng đưa ra và nói sẽ làm hết sức mình để ủng hộ tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia đàn áp tôn giáo ở mức đáng báo động, theo báo cáo của USCIRF công bố trong tháng Tư. Chính tổ chức này đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách những nước bị quan tâm vì đàn áp tôn giáo (CPC) trong nhiều năm gần đây.

Trước đó 1 ngày, phái đoàn Hoa Kỳ có tiếp xúc với một số đại diện dân oan ở vườn rau Lộc Hưng, những người bị phá nhà và cướp đất trong tháng 1 năm nay.

===================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây