Việt Nam “cô đơn và rụt rè” giữa Biển Đông?

Chưa đầy 0.48 giây để ra 3,3 triệu tin bài về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Nguyễn Hiền, Việt Nam Thời báo, ngày 05/11/2019

Và riêng về tin tức báo chí, thì chỉ tính riêng trong 3 tháng gần đây, “đường lưỡi bò” đã xuất hiện ở một bộ phim, một bộ giáo trình đọc sơ cấp ở trường đại học, một bản đồ trên xe SUV Volkswagen Touareg, và một bản địa cầu được bán trên Lazada.

Và trong khi người bên Cục điện ảnh phản ứng bằng quan điểm “vài giây thôi”, thì chủ nhiệm khoa tiếng Trung – tiếng Nhật trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội, nơi có giáo trình in hình lưỡi bò lại chia sẻ “bé tí, mờ mờ, không ai nghĩ đường lưỡi bò”.

Thiếu ý thức về “đường lưỡi bò”, hay thậm chí là “ngay giáo viên không hiểu chấm chấm là đường lưỡi bò” là một thực tế đáng buồn. Và nếu không phải tình hình Biển Đông đang ngày càng căng thẳng, bất lợi hướng về phía Việt Nam, thì chắc chắn, xu hướng “coi thường đường lưỡi bò” tiếp tục xảy ra một cách công khai và trắng trợn.

Không thể trách bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh hay bộ máy quản lý trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội. Bởi bản thân họ có khi chưa được tuyên truyền đầy đủ về “chủ quyền quốc gia” liên quan đến “đường lưỡi bò của Trung Quốc”.
Có một thời gian dài “Hoàng Sa, Trường Sa” trở thành chủ đề cấm kỵ trên mặt báo chí – truyền thông. “Đường lưỡi bò” là khái niệm hiếm hoi xuất hiện trong các hội thảo và mảng tin tức. Thời điểm mà chỉ những người ưu tư với quốc gia, dân tộc; những người bị gọi với cái tên “phản động” mới dám đặt vấn đề về chủ quyền quốc gia trên biển.

Trong một thời gian dài, người Việt Nam bị tước bỏ quyền được thông tin rõ ràng và chính đáng liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông. Và vào năm 2007, lần đầu tiên một cuộc biểu tình nổ ra ở hai đầu Nam-Bắc khi tin tức về sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc được truyền nhau trên mạng.

Tin tức truyền nhau trên mạng, hoàn toàn không đến từ hệ thống báo chí – tuyên truyền của nhà nước. Và nhà nước huy động một lực lượng lớn an ninh lẫn dân quân, cùng với xe buýt để “dồn dân đưa về đồn”, mà nghiệp vụ của ngành gọi là “giải tán biểu tình”.

Năm 2014, dàn khoan HD-981 xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, người biểu tình xuống đường, và Chính phủ buộc phải nhân nhượng trước “sự tức giận lan rộng trong dân chúng. Và người dân biểu thị rõ ràng về sự kiên nhẫn có giới hạn. Họ xuống đường để thể hiện ý chí của người dân Việt Nam trong bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá. Và sẵn sàng chết để bảo vệ quốc gia Việt Nam. Nhưng trước đó 1 năm, vào năm 2013, bị biểu tình phản đối Trung Quốc đã được nhà nước ứng xử bằng xe buýt và xe tuyên truyền.

Năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bày tỏ quan điểm “ghét trung quốc” là cái nguy hiểm cho dân tộc.

Nhưng đến nay, điều gì đã khiến cho tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Việt Nam trở thành một trong những yếu tố mà Bắc Kinh lợi dụng để “trỗi dậy” ở Biển Đông? Không dừng lại ở cải tạo đảo nhân tạo thành tiền đồn, mà phổ biến – tuyên truyền về “đường lưỡi bò” ngay trong vùng nội địa Việt Nam.

Có vẻ, sự lo sợ sự phẫn nộ đối với Trung Quốc, đồng minh tư tưởng và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, có thể dễ dàng đổ vào một phong trào phản kháng rộng lớn hơn chống lại chính phủ đã khiến Nhà nước trở nên “yếm thế” so với Trung Quốc. Một thời gian dài, tuyên truyền biển đảo không xuất hiện, ngay cả bản tin dự báo thời tiết các năm trước cũng không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong khi Việt Nam “rụt rè” và “lo lắng” về tinh thần ghét Trung Quốc, hay hiện tượng mày mò tìm hiểu chủ quyền quốc gia trên mạng xã hội thì Trung Quốc đã và đang làm bất cứ điều gì cần thiết để thực hiện các khẳng định yêu sách của mình. Xây dựng hòn đảo nhân tạo, đưa tàu thuyền vào vùng biển tranh chấp và in các bản đồ hiển thị đường chín đoạn.

Mới đây, Bắc Kinh còn thành công trong thuyết phục Phillippines chấp nhận hộ chiếu có đường lưỡi bỏ, vốn bị Manila từ chối cách đây 7 năm (2012). Điều này càng khiến Việt Nam trở nên “lẻ loi” hơn trong trận chiến chủ quyền với Trung Quốc.

Trong khi đó, quyết định của Mỹ cử một phái đoàn cấp thấp hơn tới các hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc năm nay đã làm dấy lên mối lo ngại trong khu vực rằng, họ không còn có thể dựa vào Mỹ như một đối trọng với sức mạnh khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong lúc “đường lưỡi bò” ngày càng được phát hiện ở Việt Nam ngày một nhiều, thì tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc lần này, Việt Nam tiếp tục rơi vào trạng thái cô đơn. Khi các nhà ngoại giao Việt Nam muốn đề cập đến trong tuyên bố của ASEAN về sự xâm lấn gần đây của Trung Quốc đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình. Và dù dự thảo trước đó đã đề cập đến “sự cố nghiêm trọng” gần đây. Nhưng trong bản tuyên bố chính thức, đã không còn nội dung đó.

Trung Quốc và các đồng minh trong ASEAN, dẫn đầu là Campuchia, đã phản đối bất kỳ nỗ lực nào trong việc sử dụng các cuộc họp thường niên nhằm “phỉ báng” Bắc Kinh.

Hà Nội đang sa lầy vào cuộc chiến chủ quyền, kể cả về mặt ngoại giao, quân sự, và nuôi dưỡng sự hiểu biết và lòng yêu nước của người dân. Và đó có thể là lý do vì sao tướng Lê Mã Lương đánh tiếng sẽ hỏi tội Bộ Ngoại giao nếu chủ quyền bị đánh mất. Nhưng nhìn sâu xa hơn, phải chăng “Hà Nội cô đơn giữa Biển Đông” là hệ quả của sự “rụt rè” trong đấu tranh chủ quyền của các thập niên về trước? Tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đã không được Nhà nước Việt Nam hiểu đúng và làm đúng?

Chú thích