Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 46 từ ngày 11/11 đến 17/11/2019: Bốn nhà hoạt động ôn hoà bị kết án tổng cộng 44 năm tù

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 17/11/2019

 

Sau khi bắt giữ Facebooker Nguyễn Văn Nghiêm và giữ nguyên án tù hà khắc đối với hai ông Michael Minh Phương Nguyễn và Nguyễn Ngọc Anh trong tuần trước, trong tuần này nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến, kết án 4 nhà hoạt động khác với tổng mức án 44 năm tù giam và 15 năm quản chế.

Trong phiên toà sơ thẩm ngày 11/11, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho rằng công dân Australia Châu Văn Khảm và hai công dân Việt Nam Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền phạm tội “hoạt động khủng bố” theo Điều 113 của Bộ luật Hình sự chỉ vì họ là thành viên của tổ chức Việt Tân, một tổ chức đấu tranh ôn hoà về dân chủ và nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ. Trong phiên toà kéo dài chỉ vài giờ, toà đã kết án ông Khảm với mức án 12 năm tù và bị trục xuất sang Australia sau khi mãn hạn, ông Viên- 11 năm tù và ông Quyền- 10 năm tù. Hai ông còn phải thi hành án quản chế 5 năm sau đó.

Bốn ngày sau đó, Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã kết án nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Nguyễn Năng Tĩnh về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự vì một số bài viết trên Facebook, và áp mức án 11 năm tù giam và 5 năm quản chế, một mức án hà khắc nhất cho tội danh này trong lịch sử Việt Nam cận đại.

Không dừng lại đó, nhà cầm quyền Việt Nam còn kết án luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải và vợ Ngô Tuyết Phương về cáo buộc “trốn thuế” nhằm mục tiêu ngăn cản hoạt động trợ giúp tư pháp của ông trong vụ án sắp tới nhằm xét xử cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, người bị bắt cóc từ Bangkok trong tháng 1. Trong phiên toà kéo dài 3 ngày từ ngày 13/11, Toà án Nhân dân thành phố Nha Trang đã kết án hai vợ chồng ông Hải 1 năm cải tạo không giam giữ cho dù hơn 40 luật sư tham gia bào chữa đã chỉ ra rằng toà án này không đủ thẩm quyền để xét xử vì có yếu tố nước ngoài (một trong hai bị cáo khác có quốc tịch Bỉ), và vợ chồng ông Hải không phải là đối tượng phải nộp thuế trong vụ mua bất động sản năm 2014 nên vô tội.

Sau khi ở nước ngoài 4 năm vừa qua để vận động nhân quyền quốc tế, nhà hoạt động Đinh Thảo trở về Việt Nam. Trong khi chờ để nhập cảnh, cô đã bị an ninh sân bay Nội Bài bắt giữ, tịch thu hộ chiếu và tra khảo cô trong 8 giờ trước khi trả tự do cho cô. Công an còn nói cô có thể bị triệu tập để thẩm vấn trong những ngày sắp tới. Nhiều tổ chức nhân quyền, trong đó có Ân xá Quốc tế và Quan sát Nhân quyền đã chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam về việc câu lưu và đàn áp Đinh Thảo, và kêu gọi an ninh Việt Nam không hạch sách cô trong tương lai.

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tập hợp nhiều nhân sỹ trí thức ở Sài Gòn, đã công bố thư ngỏ kêu gọi người dân mặc áo No-U để tuyên truyền chủ quyền biển đảo ở Biển Đông nhằm chống lại những yêu sách phi pháp của Trung Cộng ở Biển Đông.

===== 11/11 =====

Ba nhà hoạt động chính trị Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền bị kết án tổng cộng 33 năm tù

Ngày 11/11, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã kết tội công dân Úc Châu Văn Khảm, và hai công dân Việt Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền tổng cộng 33 năm tù giam về tội danh “hoạt động khủng bố” theo Điều 113 của Bộ luật Hình sự chỉ vì họ là thành viên của đảng Việt Tân.

Trong phiên toà ngắn ngủi kéo dài vài giờ ngày thứ Hai, toà đã kết án ông Khảm, 69 tuổi, mức án 12 năm tù giam và ông sẽ bị trục xuất sau khi thi hành án, còn ông Viễn, 48 tuổi, và ông Quyền, 20 tuổi, bị kết án 11 và 10 năm tù tương ứng. Hai ông còn phải bị án quản chế 5 năm sau đó.

Các luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Trịnh Vĩnh Phúc đã tham gia bào chữa cho 3 nhà hoạt động trong phiên toà, nói rằng cả ba ông không phạm tội gì trừ việc ông Khảm nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam bằng thẻ căn cước giả. Tuy nhiên, toà cho rằng là thành viên của Việt Tân vốn bị chế độ cộng sản độc tài quy kết là tổ chức khủng bố thì đương nhiên có hành động khủng bố.

Ông Khảm phản bác trong phiên toà rằng Việt Tân chủ trương đấu tranh bất bạo động nhằm mang lại nhân quyền và dân chủ đa nguyên cho Việt Nam và ông chưa từng thấy tổ chức này có hành động bạo lực.

Ông Khảm là thành viên cốt cán của Việt Tân ở Úc còn ông Viên là thành viên Hội Anh em Dân chủ, được cho là trở thành đảng viên của đảng này sau cuộc gặp với ông Khảm ở Sài Gòn đầu năm nay. Ông Quyền dường như là thành viên của Việt Tân từ vài năm trước.

Trước phiên toà 3 ngày, Human Rights Watch Australia đã ra thông cáo báo chí kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam xoá bỏ cáo buộc đối với 3 ông. Ngay sau khi phiên toà kết thúc, Hội Anh em Dân chủ cũng ra thông cáo phản đối bản án và kêu gọi Hà Nội trả tự do cho 3 ông ngay lập tức và vô điều kiện.

Với việc kết án 3 ông, chế độ cộng sản Việt Nam đã bỏ tù 30 người hoạt động kể từ đầu năm tới nay với tổng mức án tù 142.5 năm và 30 năm quản chế. Hà Nội vẫn còn giam giữ 26 người khác trong thời gian điều tra về các cáo buộc nguỵ tạo trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự.

——————–

Thượng uý an ninh không trả tiền khi mua hàng, đánh chửi nhân viên thu ngân

Thượng uý Nguyễn Việt Xô, sỹ quan an ninh của thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã bị đình chỉ công tác 1 tháng sau khi tát một nam nhân bán hàng và chửi bới một nữ nhân viên khác trong một trạm dừng nghỉ Hải Đăng ở địa phương.

Theo dữ liệu từ camera an ninh, ông Xô và con trai vào Hải Đăng để nghỉ chân trong ngày 10/11. Khi con trai vào quầy hàng lấy một gói xúc xích và định đi qua quầy thu ngân, nhân viên ngăn lại. Thay vì trả tiền, Xô bóc gói hàng và ném về phía nữ nhân viên. Cùng với việc chửi bới, Xô tát vào mặt nhân viên nam.

Ngay sau đó, đoạn video clip với những hành động côn đồ của Xô đã được phát tán rất nhanh trên mạng và bị chỉ trích dữ dội.

Công an tỉnh Thái Nguyên đã triệu tập thượng uý Xô để bắt viết tường trình. Viên sỹ quan này được cho là tỏ ra hối hận với những hành động của mình. Xô còn gửi lời xin lỗi cộng đồng trên mạng Facebook.

Cộng đồng mạng còn đưa tin Xô chính là người lái xe oto gây tai nạn giao thông và làm chết 1 người năm 2011 nhưng vụ việc được bao che khi công an Thái Nguyên nói không tìm ra chủ nhân chiếc xe và tài xế gây tai nạn. Nhiều nguồn tin còn nói bố của Xô là một sỹ quan cao cấp của Sở công an tỉnh, và ông này có cơ hội thăng chức giám đốc sở nhưng bị buộc về hưu sớm, đổi lại, con trai của ông không bị truy tố và không bị đuổi khỏi ngành.

Sự việc của thượng uý Xô và việc ăn vạ, chửi bậy làm náo loạn phi trường của đại uý công an tên Hiền gần đây cho thấy hình ảnh tiêu biểu của công an Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm về sự hống hách, coi dân không ra gì của lực lượng được coi là thanh kiếm bảo vệ chế độ.

===== 15/11 =====

Giảng viên âm nhạc bị tuyên 11 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”

Ngày 15 tháng 11 năm 2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức phiên xét xử sơ thẩm đối với nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh, giảng viên âm nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Sau vài giờ, toà tuyên bố ông Tĩnh có tội và khép mức án 11 năm tù giam và 5 năm quản, một án tù hà khắc nhất đối với một người bất đồng chính kiến cho tội danh trên trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Trong một phiên toà được thắt chặt an ninh như bao phiên xử người bất đồng chính kiến khác, 3 luật sư biện hộ Đặng Đình Mạnh, Trịnh Vĩnh Phúc và Nguyễn Văn Miểng đến tham dự phiên toà mà không có tài liệu trên tay, vì trong quá trình tiếp cận với hồ sơ của vụ án, họ không được sao chép tài liệu, kể cả bản cáo trạng.

Bản án căn cứ vào kết quả giám định tư tưởng trích xuất từ trang Facebook cá nhân của ông Tĩnh mà người giám định kết luận rằng những bài anh tự viết và những bài anh chia sẻ lại của người khác là độc hại đối với chế độ.

Các luật sư đều cho rằng những giám định đó là không có căn cứ, việc thu thập chứng cứ tài liệu không đúng với trình tự pháp luật, và thân chủ của họ vô tội vì chỉ thực hành quyền tự do ngôn luận được ghi trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết.

Ngay sau phiên xử, người đại diện của tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch), ông Phil Robertson, phó giám đốc phân ban Châu Á có tuyên bố nêu rõ: “ Việt Nam hoàn toàn xem thường tiến trình xét xử công bằng và tự do được phô ra trong cách gói gọn toàn bộ vụ xử chỉ trong vài tiếng đồng hồ trước khi đọc bản án 11 năm đã định trước đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh, một giảng viên âm nhạc có những bài viết trên Facebook mà chính phủ không ưa. Việt Nam từ chối không cho phép ông này được tiếp cận luật sư tư vấn nhiều tháng trời mà chỉ để luật sư bào chữa tiếp cận 100 hồ sơ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Bản án tù dài đối với ông Tĩnh và phiên xử mang tính trình diễn đưa ra bản án đó cho thấy chính xác tại sao tòa án Việt Nam là trò hề nhất tại các nước ASEAN khi đem những người bị cáo buộc ra xét xử.”

——————–

Luật sự nhân quyền Trần Vũ Hải và vợ bị kết án 12 tháng cải tạo không giam giữ

Toà án Nhân dân thành phố Nha Trang đã kết án luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải và vợ Ngô Tuyết Phương về tội danh “trốn thuế”, và kết án hai người 1 năm cải tạo không giam giữ trong phiên toà diễn ra từ ngày 13/11 ở thành phố ven biển.

Phiên toà này rất giống một phiên toà chính trị xét xử người bất đồng chính kiến về tội danh hình sự: lực lượng an ninh được bố trí dày đặc để phong toả khu vực và kiểm soát chặt chẽ an ninh, không có người thân hay bạn bè của vợ chồng luật sư được vào trong phòng xử án. Thậm chí, báo chí lề đảng cũng bị hạn chế tiếp cận.

Theo cáo buộc, ông Hải và bà Phương đã mua một mảnh đất từ bà Hạnh và ông Lắm và giá trị hợp đồng là 16 tỷ đồng nhưng trong văn bản khai thuế của ông Lắm thì chỉ ghi 1,8 tỷ đồng, và người bán chỉ phải nộp 42 triệu đồng tiền thuế. Nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hoà cho rằng người mua đã giúp cho người bán phải nộp ít thuế hơn với số tiền chênh lệch là 276 triệu đồng.

Tuy nhiên, hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho ông Hải-bà Phương nói thân chủ của họ không thực hiện hành vi trốn thuế, và việc tính thuế là việc của cục thuế Khánh Hoà và người bán.

Hơn 60 luật sư đã đăng ký bào chữa cho vợ chồng ông Hải, tuy nhiên, chỉ có 47 luật sư được cấp giấy phép tham dự phiên toà. Trong ngày đầu tiên, luật sư Nguyễn Duy Bình bị thẩm phán ra lệnh cho công an túm cổ khoá tay ông đưa ra khỏi phòng xử án cho dù ông không có hành động gì vi phạm quy định của toà. Ông Bình bị đưa về một đồn công an gần đó để tra khảo.

Nhiều người nhận định nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sử dụng phiên toà để tước thẻ hành nghề luật sư của ông Hải, người từng bảo vệ nhiều người bất đồng chính kiến và tham gia nhiều vụ án dân sự nhạy cảm liên quan đến cướp đất đai của người dân ở nhiều địa phương. Ông Hải sẽ không được tham gia bào chữa cho cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, người bị bắt cóc ở Bangkok đầu năm nay và đang bị giam giữ để điều tra về cáo buộc kinh tế.

——————–

Nhà hoạt động Đinh Thảo bị câu lưu sau 4 năm vận động nhân quyền ở ngoại quốc

Nhà hoạt động Đinh Thảo đã bị an ninh cộng sản Việt Nam bắt giữ và tra khảo ngay sau khi cô vừa về phi trường quốc tế Nội Bài ngày 15/11 sau 4 năm vận động nhân quyền ở ngoại quốc.

Ngay sau khi cô nhập cảnh sau chuyến bay từ Bangkok, một nhóm khoảng 10 sỹ quan an ninh đã xuất hiện và đưa cô vào khu vực cách ly và tra khảo cô đến tận 5 giờ chiều mới trả tự do cho cô.

Công an còn thu hộ chiếu của Đinh Thảo. Cô cho biết thêm phía an ninh có thông báo rằng cô có thể bị triệu tập để làm việc tiếp về các hoạt động nhân quyền trong thời gian qua của cô.

Đinh Thảo từng tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội. Cô tham gia hoạt động dân sự trong nhóm Cây Xanh đấu tranh phản đối kế hoạch của nhà cầm quyền Hà Nội đốn hàng nghìn cây cổ thụ trên một số đường chính ở thủ đô. Cô cũng tham gia hỗ trợ những người hoạt động tham gia cuộc bầu cử năm 2016.

Năm 2016, cô tham gia khoá học dân sự của VOICE ở Philippines và sau đó làm việc cho tổ chức này trong gần 4 năm qua với nhiệm vụ đào tạo và vận động nhân quyền quốc tế cho nhân quyền ở Việt Nam. Cô từng tham gia vận động ở một số cơ chế nhân quyền của Liên Hợp quốc, Liên minh Châu Âu và một số chính phủ nước ngoài. Cô cũng làm việc chặt chẽ với nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và khu vực.

Sau khi được tin cô bị câu lưu, Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) đã kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho cô ngay lập tức. Theo hai tổ chức này thì các hoạt động nhân quyền của cô không có gì sai trái, và yêu cầu Hà Nội không được quấy nhiễu và đàn áp cô trong thời gian tới.

===== 16/11 =====

Nhân sỹ CLB Lê Hiếu Đằng kêu gọi mặc áo No-U

Nhân sỹ và trí thức thuộc Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng kêu gọi người dân mặc áo có in chữ và logo thể hiện nội dung “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam” hoặc hình lưỡi bò bị gạch chéo.

Trong thư ngỏ gửi nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn và các tỉnh thành khác, nhóm nhân sỹ kêu gọi ủng hộ và bảo vệ những người mặc áo có các hình ảnh nói trên. Thư ngỏ nói đây là hành động phản ứng lại việc nhà cầm quyền Bắc Kinh ngày càng ngang ngược, xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, nhiều lần trắng trợn tuyên bố các đảo ở Biển Đông, Bãi Tứ Chính của Việt Nam là của Trung Cộng và yêu cầu Việt Nam không được tiếp tục khai thác dầu ở Bãi Tứ Chính.

Thư ngỏ cũng nhắc lại việc Trung Cộng chủ động dốc toàn lực trên mặt trận tuyên truyền, các diễn đàn quốc tế, đưa hình lưỡi bò trên hộ chiếu, sách giáo khoa, phim ảnh, xe ô tô, các thiết bị điện… rồi dùng mọi thủ đoạn đưa vào Việt Nam.

Nhân sỹ trong nhóm kêu gọi lực lượng an ninh không sách nhiễu những người mặc áo No-U như đã từng làm trong quá khứ, không có các hành động chống lại việc làm yêu nước của người dân.

Họ cũng chỉ trích đảng cộng sản cầm quyền về phản ứng bị động, rời rạc và yếu ớt trước các tuyên bố và hình thức tuyên truyền láo xược của Trung Cộng.

Trong nhiều năm qua, lực lượng an ninh cộng sản đàn áp người mặc áo No-U và tìm cách tịch thu những chiếc áo đầy ý nghĩa này. Nhiều Facebookers bị gỡ bài hay bị gọi lên đồn công an để tra khảo chỉ vì post bài có hình ảnh đường lưỡi bò bị gạch chéo.

Cuối thư, các nhân sỹ kêu gọi mọi người dân tùy theo điều kiện của mình có thể sáng tạo, trao tặng cho nhau và mặc những chiếc áo mang các khẩu hiệu yêu nước như trên.

===================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây