Nhân quyền lành tính ‘made in Vietnam’

VNTB – Nhân quyền lành tính ‘made in Vietnam’

Nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, nhân quyền tại Việt Nam tốt hơn. Đây không phải lối nói châm biếm, mà thực sự là ‘tốt’ trên khía cạnh nhân quyền lành tính. 

 

Thục Kha, Việt Nam Thời báo, ngày 02/01/2020

 

Nhân quyền lành tính là cách thực thi và thúc đẩy các khía cạnh nhân quyền mà nhà nước Việt Nam chấp nhận được hoàn toàn chấp nhận. Bao gồm: quyền của người khuyết tật, quyền LGBT, quyền tiến bộ của người phụ nữ,…

Trong thực tế, ngay cả đối với quyền nhóm LGBT, dù gặp trở ngại ở ‘phong tục tập quán’ thì nhà nước Việt Nam vẫn luôn tìm cách cải thiện, giúp đỡ, khuyến khích đối với cộng đồng này. Hệ thống cộng đồng, diễn đàn hay tổ chức cho người LGBT khá rộng, và hằng năm lễ hội tôn vinh LGBT (Kiêu hãnh LGBT – LGBT Pride) được tổ chức ở cả ba miền Nam – Trung – Bắc. Đó cũng là lý do tại sao mà Việt Nam là nước dẫn đầu ở Đông Nam Á trong công nhận quyền lợi của LGBT.

Hoạt động bảo vệ quyền lợi được đẩy mạnh hơn nữa trong khía cạnh này, khi mới đây, từ ngày 1-1-2020 sẽ tiến hành thực hiện giam giữ riêng phạm nhân là người trong khối LGBT, căn cứ pháp lý là Luật thi hành án Hình sự 2019.

Những nỗ lực này được Việt Nam thúc đầy liên tục, và luôn được nằm trang trọng tring Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm định kỳ phổ cập (UPR) theo chu kỳ.

Trong khi ưu ái khía cạnh nhân quyền lành tính, thì các khía cạnh nhân quyền bị Nhà nước Việt Nam coi là ‘nhạy cảm’ bị hoãn hoặc gây trở ngại liên tục. Nổi bật là Luật về Hội, Luật biểu tình treo không hạn định, tức đến nay vẫn chưa xác định ‘lộ trình ban hành’, trong khi theo đánh giá của ĐBQH Dương Trung Quốc, chỉ tính riêng Luật biểu tình, đó ‘không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà gần như là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do’. Còn đối với Luật về Hội, buộc phải ban hành để theo kịp cam kết EVFTA, như là một phần của Công đoàn ngoài nhà nước.

Hiện nay, nếu các cuộc biểu tình không do Nhà nước tự tay tổ chức thì đều bị coi là ‘bất hợp pháp’, và bị phê phán là ‘xúi giục, kích động nhằm chống phá nhà nước Việt Nam’. Những hội đoàn không do Nhà nước thành lập hoặc phê chuẩn thành lập liên quan đến lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật hay thậm chí là chính trị thì đều bị coi là ‘phản động’, là ‘mầm mống, chủ thể gây bạo loạn, kích động chống phá nhà nước’.

Rõ ràng, Nhà nước Việt Nam đã biết cách để phô diễn nhân quyền theo ý của mình. Và bằng cách thức đó, khiến điểm số nhân quyền của Việt Nam không thấp hơn so với các quốc gia khu vực là bao nhiêu. Điều này, nếu không tỉnh táo, các tổ chức hay Chính phủ có liên quan đến hợp tác thương mại với Việt Nam có thể cùng ‘đồng thuận’ về việc, lấy nhân quyền lành tính trở thành ‘yêu cầu đảm bảo nhân quyền cần thiết’ trong các hoạt động (thoả thuận) thương mại. Trong khi các khía cạnh nhân quyền ‘nhạy cảm’ sẽ được bồi đắp bằng những văn bản pháp lý nhưng thiếu nội dung triển khai chi tiết hoặc trì hoãn triển khai.

Gần đây nhất, Bộ Công an đã lùi thời hạn triển khai ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can, vốn dự định tiến hành từ tháng 1-1-2020. Dù rằng, phía Bộ Công an khẳng định, ‘hiện quản lý 69 trại tạm giam, trong đó có nhiều buồng hỏi cung đảm bảo chuẩn. Từ trước đến nay ngành Công an đã làm và đạt kết quả tốt.’

Câu chuyện nhân quyền Việt Nam chưa bao giờ là dễ dàng và tốt đẹp như trên báo cáo.