CÁNH ĐỒNG SÊNH: BÁO CÁO VỀ VỤ TẤN CÔNG VÀO XÃ ĐỒNG TÂM

Nhóm Hành động vì Đồng Tâm, tháng 2 năm 2020

 

Tài liệu này là báo cáo về vụ tấn công tàn khốc của chính quyền vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm (Hà Nội) vào rạng sáng 09 tháng 01 năm 2020, dẫn đến cái chết của thủ lĩnh tinh thần của thôn và khiến gần 30 người bị bắt giữ ngay trước dịp Tết nguyên đán. Theo thông tin từ chính quyền, ba sĩ quan công an cũng thiệt mạng trong vụ này. Bản báo cáo đưa ra kết luận rằng đây có thể là vụ cưỡng chế đất đai đẫm máu và có quy mô lớn nhất tại Việt Nam suốt 10 năm trở lại đây; đồng thời cũng nêu bật lên tình trạng bạo hành và lộng quyền của lực lượng công an, cũng như khái niệm đầy mâu thuẫn – “quyền sở hữu toàn dân về đất đai” tại Việt Nam.

Biên tập: Nhóm Hành động Vì Đồng Tâm Thiết kế bìa và trình bày: Nguyễn Khánh An Nhà xuất bản Tự Do – 09/02/2020

 

MỤC LỤC

I. Tóm tắt sự kiện
II. Bối cảnh tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm
III.Các mốc thời gian trong vụ tranh chấp đất tại Đồng Tâm IV. Các điểm gây tranh cãi xung quanh vụ tấn công 09/01 V. Bình luận và lời chứng về vụ tấn công 09/01
VI. Các vi phạm đối với chính luật pháp của Việt Nam
VII. Các vi phạm pháp lý xét theo tiêu chuẩn quốc tế
VIII. Khuyến nghị
Phụ lục A
Phụ lục B

I. TÓM TẮT SỰ KIỆN

Khoảng từ 1 đến 3h sáng ngày mùng 09 tháng 01 năm 2020, hàng nghìn cảnh sát cơ động phối hợp với các lực lượng tại địa phương bắt đầu bao vây và tấn công xã Đồng Tâm, xoay quanh một vùng đất tranh chấp.

Trước đó, dân làng không hề được thông báo gì, nhưng có nghe loa truyền thanh xã nhắc đi nhắc lại rằng đất Đồng Tâm là đất quốc phòng – quan điểm mà chính quyền đã lặp lại nhiều lần trong nhiều năm qua về vùng đất tranh chấp này. Ý thức được thông điệp ngầm là chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế, dân Đồng Tâm tuyên bố trong một đoạn video được ghi hình lại vài tiếng đồng hồ trước khi diễn ra vụ tấn công, rằng họ sẽ “chiến đấu tới cùng” để giữ được mảnh đất.

Theo truyền thông độc lập của dân và blogger, phía công an đã cắt mạng internet và phá sóng điện thoại trước, sau đó ồ ạt tiến vào làng với hơi cay và lựu đạn, chất nổ. Cuối cùng, công an xông vào nhà riêng của ông Lê Đình Kình – người được xem như thủ lĩnh tinh thần của ngôi làng – và bắn chết ông.

Các nhân chứng thuật lại cảnh “hàng ngàn cảnh sát tiến quân vào làng” ném lựu đạn gây choáng, bắn đạn hơi cay, đạn cao su, chặn tất cả các ngả đường và ngõ ngách, đánh đập người dân trong làng một cách bừa bãi, kể cả phụ nữ và người già.

Báo đài chính thống của nhà nước, chỉ lấy nguồn tin duy nhất từ Bộ Công an, cho hay, người dân đã tấn công công an bằng “lựu đạn, bom xăng và dao” khi lực lượng công quyền đang dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn. Nguồn tin của công an cũng cáo buộc dân làng đã cản trợ người thi hành công vụ và “gây rối trật tự công cộng” – một thuật ngữ thường được gán cho tất cả các hành động phản kháng chính quyền tại Việt Nam.

Các bức ảnh chụp và video được đăng tải trên mạng xã hội đã cho thấy rất nhiều bằng chứng về việc nhà chức trách đã bạo hành người dân, bao gồm một đoạn video mà trong đó bà Dư Thị Thành – vợ của ông Kình – kể về việc đã bị công an tra tấn để ép khai nhận chồng bà đã dùng lựu đạn để tấn công lực lượng chức năng.

Ngày 13/01, truyền thông nhà nước phát đi hình ảnh của một số người dân làng bị bắt, với khuôn mặt xây xát và thâm tím, cúi đầu nhận tội. Báo chí cũng công bố quyết định của công an khởi tố 26 cá nhân, trong đó có hai con trai của ông Kình là Công và Chức, vì tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”.

Toàn bộ 26 người này hiện đang bị giam giữ chờ xét xử, không được tiếp cận với luật sư và gia đình như luật định. Những người bị cáo buộc tội giết người sẽ phải đối mặt với những hình phạt nặng nề, kể cả án tử hình.

Báo cáo đầy đủ (cả tiếng Việt và Anh ngữ): https://nhaxuatbantudo.com/wp-content/uploads/2020/02/dongtam-full-final-.pdf