Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 13 từ ngày 23/3 đến 29/3/2020: Chế độ cộng sản Việt Nam tăng cường đàn áp trực tuyến trong đại dịch Covid-19

 

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 29/3/2020

 

Chế độ cộng sản Việt Nam đang tăng cường đàn áp Facebookers nhằm ngăn chặn việc đăng thông tin được coi là có hại cho chế độ giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành ở khắp Việt Nam và trên toàn cầu.

Theo Bộ Công an, hơn 300 người dùng Facebook đã bị trừng phạt vì những bài đăng của họ liên quan đến đại dịch Covid-19. Cùng với áp dụng khoản tiền phạt hành chính lên tới 15 triệu đồng, công an còn đe dọa sẽ buộc tội hình sự một số Facebook vì “đăng tin giả mạo hoặc tin tức chưa được kiểm chứng và gây ra rối loạn xã hội.”

Liên minh Các Tổ chức Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) có trụ sở tại Nam Phi, với 9.000 thành viên trên toàn thế giới, đã kêu gọi các chế độ độc đoán, bao gồm cả Việt Nam, phóng thích tất cả người bảo vệ nhân quyền và tù nhân chính trị đang bị giam cầm vì các hoạt động nhân quyền của họ hoặc bày tỏ quan điểm. Trong thông cáo báo chí được công bố vào ngày 24 tháng 3, CIVICUS nói rằng các quốc gia không nên áp dụng luật khẩn cấp như một cái cớ để hạn chế quyền công dân trong đại dịch Covid-19 toàn cầu.

Theo thống kê mới nhất của Defend the Defender, Việt Nam đang giam giữ ít nhất 242 tù nhân lương tâm trong điều kiện sống khắc nghiệt trong các trại giam và các cơ sở giam giữ tạm thời trên toàn quốc. Kể từ đầu tháng 2, gia đình họ không được phép gặp họ hoặc cung cấp thêm thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác cho họ vì các cơ sở giam giữ đang thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa nhiễm Covid-19.

Hai tháng trước, các ông David Kaye- báo cáo viên đặc biệt về bảo vệ và cổ suý quyền tự do ngôn luận, Leigh Toomey- phó chủ tịch Nhóm Công tác về Bắt giữ độc đoán, Clement Nyaletsossi Voule- báo cáo viên đặc biệt về quyền hội họp ôn hoà và lập hội, Michael Forst- báo cáo viên đặc biệt về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại của họ về việc giam giữ ông Dũng, chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN); và việc giam giữ tùy tiện và tịch thu hộ chiếu của người bảo vệ nhân quyền Đinh Thị Phương Thảo khi cô trở về Việt Nam sau nhiều năm vận động quốc tế ở nước ngoài.

Các chuyên gia đã yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phản hồi về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến hai sự việc trên và giải thích hai việc này tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

===== 23/3/=====

LHQ chất vấn Việt Nam về vụ bắt giữ nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Một nhóm gồm 4 chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã gửi kháng thư chất vấn nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, coi vụ bắt giữ là độc đoán và là một hành động trả thù cho hoạt động nhân quyền của ông.

Theo kháng thư ký ngày 22/1/2020 bởi  các ông David Kaye- báo cáo viên đặc biệt về bảo vệ và cổ suý quyền tự do ngôn luận, Leigh Toomey- phó chủ tịch Nhóm Công tác về Bắt giữ độc đoán, Clement Nyaletsossi Voule- báo cáo viên đặc biệt về quyền hội họp ôn hoà và lập hội, Michael Forst- báo cáo viên đặc biệt về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền, ông Dũng- chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã bị bắt giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” sau khi ông viết thư ngỏ kêu gọi Nghị viện Châu Âu không thông qua Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU.

Kháng thư cũng nhắc đến việc ông Dũng viết nhiều bài báo cũng như đăng tải nhiều bài báo của Hội Nhà báo Độc lập nhằm nâng cao mối quan tâm của công chúng Việt Nam về quyền con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền lao động và công đoàn độc lập, phản ánh các vấn đề bắt giam những người bảo vệ nhân quyền, và sự quấy rối đối với xã hội dân sự độc lập.

Qua kháng thư, 4 chuyên gia nhân quyền LHQ bày tỏ sự lo ngại về vụ bắt giam ông Phạm Chí Dũng vì mối liên hệ trực tiếp đến các hoạt động thúc đẩy nhân quyền của ông, và khi bị giam giữ các quyền của ông đã không được đảm bảo vì bị biệt giam với nguy cơ bị tra tấn hoặc bị đối xử tàn nhẫn và vô nhân đạo.

Các chuyên gia đã yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phản hồi về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giam ông Dũng và giải thích việc giam giữ ông ấy tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Đọc thêm: LHQ chất vấn chính phủ Việt Nam: “Phạm Chí Dũng bị bắt vì kêu gọi hoãn EVFTA”

===== 24/3 =====

Civicus kêu gọi Việt Nam phóng thích tù nhân lương tâm vì dịch Covid-19

Liên minh Các Tổ chức Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) có trụ sở tại Nam Phi, với 9.000 thành viên trên toàn thế giới, đã yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị, các nhà hoạt động nhân quyền hiện đang bị giam giữ” nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong nhà tù.

Trong thông cáo báo chí của mình ngày 24/3, CIVICUS nói rằng Việt Nam “cần đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Civicus cũng lo ngại lạm dụng “tình trạng khẩn cấp” để đàn áp nhân quyền ở nhiều quốc gia trên thế giới, kêu gọi các chính phủ “Ban bố về tình trạng khẩn cấp vì lý do sức khỏe và an ninh phải được thực hiện phù hợp với luật pháp: các quốc gia không nên áp dụng luật khẩn cấp như một cái cớ để hạn chế quyền công dân và nhắm vào các nhóm, dân tộc thiểu số và cá nhân cụ thể. Không nên áp dụng luật khẩn cấp để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền.”

Ngày 25/3, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng ra lời kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ những người đang bị giam giữ trước sự lây nhiễm bệnh dịch đang lan tràn trong các nhà tù. Cao ủy Nhân quyền Michelle Bachelet cho biết, Covid-19 đã bắt đầu tấn công các nhà tù bởi các cơ sở giam giữ quá đông đúc, điều kiện mất vệ sinh và các dịch vụ y tế không đầy đủ hoặc thậm chí không được cung cấp.

Ông Bachelet  nói “Ngay lúc này, hơn bao giờ hết, các chính phủ nên phóng thích những người bị giam giữ mà không có đủ cơ sở pháp lý, bao gồm các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ chỉ vì bày tỏ quan điểm phê phán hoặc bất đồng.”

Đọc thêm tại đây: COVID-19: Các tổ chức nhân quyền quốc tế lo ngại lạm dụng “tình trạng khẩn cấp” để đàn áp nhân quyền

===== 27/3 =====

Facebooker Đặng Như Quỳnh bị điều tra về nhiều bài viết về Covid-19

Bộ Công an đưa tin Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã điều tra và triệu tập Facebooker Đặng Như Quỳnh để làm rõ hành vi đăng tải hàng trăm thông tin “chưa được kiểm chứng, thất thiệt” về dịch bệnh Covid-19 trên tài khoản Facebook cá nhân mang tên anh.

Theo phía công an, từ tháng 2/2020 đến nay, Đặng Như Quỳnh đã phát tán hơn 200 bài viết với nội dung thông tin không xác thực, chưa được kiểm chứng, liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước. Trung bình mỗi bài viết trên tài khoản Facebook của anh đã thu hút hàng nghìn lượt like, chia sẻ, bình luận.

Công an cho rằng tài khoản Facebook của anh là “nguồn phát tán” các thông tin thất thiệt về dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam trên mạng xã hội trong thời gian vừa qua.

Công an nói rằng Đặng Như Quỳnh đã “thừa nhận đã thu thập thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 từ nhiều nguồn không xác thực, chưa được kiểm chứng, sau đó chỉnh sửa, lồng ghép quan điểm cá nhân, tạo thành tin thất thiệt, nhằm gây sự chú ý. Một số bài viết còn kèm theo hình ảnh các văn bản của cơ quan chức năng khi chưa được công bố chính thức, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương.”

Các bài viết của anh bị cho “gây hoang mang trong dư luận xã hội, khiến nhiều người chuyển chỗ ở, tích trữ lương thực… ảnh hưởng lớn đến cuộc sống ổn định của người dân.”

Công an đã buộc anh phải gỡ bỏ 216 bài viết với nội dung thông tin chưa được kiểm chứng và bài viết có chứa các bình luận với nội dung “xuyên tạc, đưa tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.”

Bộ Công an đang khẩn trương củng cố tài liệu để “xử lý nghiêm hành vi vi phạm” của Đặng Như Quỳnh, đe doạ sẽ phạt hành chính hoặc thậm chí cáo buộc hình sự.

Gần đây, Bộ Công an nói đã có hồ sơ đầy đủ những người trên mạng Facebook bị gọi là đưa tin ngoài luồng, khác với tin tức của Bộ Y tế và Ban Tuyên giáo Trung ương muốn. Cục này nói đã có hơn 300 trên gần 700 trường hợp bị cho đưa tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội trong 2 tháng qua đã bị cơ quan chức năng xử lý.

=================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây