Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 19 từ ngày 04/5 đến 10/5/2020: Hai tù nhân lương tâm Ngô Văn Dũng và Lê Quý Lộc bị đánh đập trong trại tạm giam

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 10/5/2020

 

Cùng với việc bắt giữ nhiều nhà hoạt động và quấy rối những người bất đồng chính kiến ​​khác, chế độ cộng sản Việt Nam tiếp tục bức hại những người đang bị giam giữ trong lao tù. Lần này, nạn nhân của sự tàn bạo của lực lượng công an là hai ông Ngô Văn Dũng và Lê Quý Lộc, những người đã bị bắt vào đầu tháng 9 năm 2018 và bị buộc tội “gây rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự, một cáo buộc nghiêm trọng có thể dẫn đến phạt tù đến 15 năm.

Theo nhiều tù nhân lương tâm khác cùng bị giam giữ tại Trại tạm giam Phan Đăng Lưu thuộc Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh, hai ông đã bị hàng chục cảnh sát đánh đập dã man vào ngày 12/4. Sau đó, ông Dũng, 51 tuổi, đã bịchuyển đến Trại tạm giam Chí Hòa trong khi ông Lộc, 44 tuổi, phải nhập viện trong 1 tuần để điều trị các vết thương từ vụ tấn công.

Hiện chưa rõ lý do công an đánh đập họ vì gia đình vẫn chưa được phép gặp họ trong trại giam từ nhiều tháng nay.

Vào ngày 8 tháng 5, sau ba ngày xem xét hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải, người bị kết án giết hai nữ nhân viên bưu điện tại Long An năm 2018, hội đồng 17 thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao đã bác bỏ kháng cáo của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, nói việc kết tội với mức án tử hình của anh ta đã được xử chính xác bởi phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm. Năm ngoái, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ban hành một quyết định nói rằng có những thiếu sót nghiêm trọng trong cuộc điều tra trong vụ án và có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Hải đã bị kết án sai. Quyết định của hội đồng thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao không có gì đáng ngạc nhiên vì nó được chủ trì bởi ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, người từng là phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát kiêm một phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra của Bộ Công an khi vụ án mạng kép xảy ra, và người đứng đầu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao năm 2011 khi cơ quan này bác bỏ kháng cáo của Hải.

Quyết định của hội đồng đã gây ra sự phẫn nộ của giới bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội cũng như hàng triệu người dân vì họ tin rằng hung thủ thực sự vẫn ở bên ngoài và Hải nên được phóng thích hoặc ít nhất cảnh sát phải tiến hành điều tra lại vụ án.

Vào ngày 8/5, lực lượng an ninh đã bắt giữ Phùng Thủy đang vận chuyển sách cho Nhà Xuất bản Tự do. Chúng đã đưa anh đến một văn phòng đại diện của Bộ Công an tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi chúng đã tra tấn anh nhằm khai thácthông tin về Nhà Xuất bản Tự do chuyên in sách của người bất đồng chính kiến ​​và nhiều tác giả ngoại quốc. Mặc dù phải chịu nhiều thương tích khắp cơ thể, Phùng Thuỷ đã trốn thoát khỏi những kẻ thẩm vấn vào đầu giờ ngày 9 tháng 5. Hiện tại, anh đang được điều trị vết thương ở một nơi bí mật, vì sợ bị cảnh sát bắt giữ.

Cũng trong ngày thứ Sáu, Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã kết án hai nhà hoạt động chống tham nhũng là Đặng Thị Huệ và Bùi Hưng Tiến về cáo buộc gây rối trật tự công cộng vì đã phản đối việc thu phí bất hợp pháp của trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài. Cô Huệ bị kết án 18 tháng và ông Tiến bị phạt 15 tháng tù. Vì cô Huệ đã có 24 tháng quản chế trong một vụ án trước đó nên cô phải ngồi tù tổng cộng 42 tháng. Gần đây, hàng chục nhà hoạt động đã bị cầm tù chỉ vì lên tiếng chống lại các trạm thu phí BOT đặt sai vị trí và các trạm thu phí này thuộc doanhnghiệp sân sau hoặc được chống lưng bởi quan chức nhà nước cao cấp.

===== 08/5 =====

Hội đồng thẩm phán y án tử hình đối với Hồ Duy Hải

Sau 3 ngày làm việc, vào cuối chiều ngày 08/5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên giữ nguyên bản án tử hình đối với anh Hồ Duy Hải tại phiên xử theo thủ tục giám đốc thẩm.

Hội đồng Thẩm phán gồm 17 người thống nhất bác kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao, giữ nguyên bản án mà hai tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên đối với anh Hồ Duy Hải.

Hội Đồng Thẩm Phán rằng vào những thời điểm quan trọng, anh Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Hội đồng này cho rằng hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan sai. Tội giết người bị xử tử hình và tội cướp tài sản bị tuyên 5 năm tù là đúng pháp luật.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thừa nhận dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.

Luật sư của anh Hồ Duy Hải trong nhiều năm qua từng trưng ra những chứng cứ cho thấy những bất hợp lý trong quá trình điều tra như con dao và cái thớt gây án được mua từ chợ về để làm vật chứng; rồi dấu vân tay tại hiện trường không khớp, chưa xác định được; hai nghi phạm khác trong vụ án mạng không được điều tra làm rõ…

Vụ giết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An tại nơi làm việc xảy ra ngày 13/1/ 2008.  Ngay sau đó, thanh niên Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Hơn 12 năm qua, bản thân Hồ Duy Hải và gia đình đã kêu oan. Thân nhân tử tù này nộp đơn đến các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương và đại biểu quốc hội.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từng kêu gọi nhà cầm quyền tỉnh Long An điều tra lại vụ án vì cho rằng việc xét xử vụ án đã không diễn ra đúng các trình tự pháp luật, và thiếu bằng chứng.

Hồi cuối tháng 11 năm 2019, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó đối với tử tù Hồ Duy Hải để điều tra lại.

——————–

Thêm hai nhà hoạt động chống BOT bẩn bị kết án tù

Ngày 08/5, Toà án cộng sản huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, đã kết án cô Đặng Thị Huệ (còn gọi là Huệ Như) và anh Bùi Mạnh Tiến về tội danh “gây rối trật tự công cộng” vì đã có một số hoạt động phản đối việc thu phí bất hợp pháp của trạm thu phí đường BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.

Cả hai bị tuyên phạt 15 tháng tù giam, riêng cô Huệ, do có bản án 24 tháng tù treo trước đó, nên người mẹ đơn thân này phải thi hành án tù 42 tháng.

Theo cáo trạng, 2 bị cáo đã không chấp hành các quy định về mua phí đường bộ và dừng đỗ xe gây mất an ninh trật tự tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài do công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 làm chủ đầu tư.

Luật sư Lê Đình Việt, người bào chữa cho cả 2 người trong vụ án, cho rằng phiên toà không công minh và bản án được tuyên là bất công và trái pháp luật. Theo ông, căn cứ vào nội dung phụ lục hợp đồng ký giữa công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 với Cục Đường bộ Việt Nam thì trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài thu phí cả cho con đường ở tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên cách đó vài chục cây số. Do vậy, việc hai người không đi trên dự án tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên không phát sinh nghĩa vụ thanh toán và việc họ đòi hỏi trạm BOT cung cấp tài liệu cũng như quay trực tiếp các đoạn video là hợp lý.

Trước khi bị công an Sóc Sơn bắt ngày 16/10/2019, cô đã bị an ninh mặc thường phục của huyện này đánh đến truỵ thai.

Trong vài năm gần đây, cộng sản Việt Nam bỏ tù hàng chục người phản đối việc thu phí bất hợp lý của nhiều trạm thu phí BOT khắp nước mà các trạm BOT này thuộc các công ty sân sau của viên chức cao cấp của chế độ.

——————–

Thêm một người bị chết trong đồn công an, người thứ 6 trong năm 2020

Ông Nguyễn Quang Lập, 36 tuổi, tử vong sau 3 ngày chấp hành án tại trại giam Công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Dẫn nguồn tin từ công an huyện Châu Đức, truyền thông nhà nước cộng sản viết rằng ông Lập chết sau khi bị một người tù cùng buồng giam đánh. Theo video clip của gia đình, ông Lập bị đánh thâm tím khắp người.

Ông Lập được gia đình xác nhận là một người nghiện rượu và bị bắt cùng 11 người khác trong một vụ đánh bạc. Vào tháng 2/2020, Toà án Nhân dân huyện Châu Đức tuyên ông Lập án sáu tháng tù và vào ngày 05/5, ông tự nguyện trình diện và đi thụ án tù.

Ông Lập là người thứ 6 bị chết trong trại giam/nhà tạm giam ở Việt Nam trong năm 2020. Phía công an thường nói rằng họ chết vì bị người cùng buồng giam đánh, tự tử hay bệnh lý trong khi giới hoạt động nghi ngờ họ bị tra tấn dẫn đến tử vong. Tra tấn vẫn là “biện pháp nghiệp vụ” quan trọng của công an Việt Nam cho dù nhà nước cộng sản đã ký Công ước quốc tế chống tra tấn năm 2020.

===== 09/5 =====

Hai tù nhân lương tâm Ngô Văn Dũng, Lê Quý Lộc bị tra tấn trong trại tạm giam

Hai thành viên của nhóm Hiến Pháp là Ngô Văn Dũng và Lê Quý Lộc đã bị công an thành phố Sài Gòn tra tấn trong trại tạm giam Phan Đăng Lưu, nơi họ bị giam giữ kể từ khi bị bắt vào đầu tháng 9 năm 2018.

Theo tin tức từ một số tù nhân lương tâm cũng bị giam trong trại tạm giam này thì sự việc xảy ra vào ngày 12/4. Tù nhân trong trại giam thấy một số lượng lớn công an vào khu vực giam giữ để đánh đập hai người.

Do có sự phản ứng của nhiều người bị giam tại đây, công an dừng đánh đập nhưng đưa hai ông Dũng và Lộc ra khỏi trại giam. Ông Lộc được đưa trở lại trại tạm giam sau đó 1 tuần, và ông cho biết ông đã được đưa đi bệnh viện trong thời gian đó để điều trị những vết thương do trận đòn gây ra.

Còn ông Dũng bị đưa đi giam ở khám Chí Hoà, một trại tạm giam khác của Sở công an thành phố Sài Gòn. Hiện không rõ tình trạng của ông ra sao vì gia đình không được gặp mặt ông từ nhiều tháng qua do nhà cầm quyền nại lý do cách ly vì dịch Covid-19.

Hai ông Lộc và Dũng cùng 6 thành viên khác của nhóm Hiến Pháp bị cáo buộc “Gây rối an ninh” và đối mặt với án tù nặng nề chỉ vì có kêu gọi biểu tình vào dịp quốc khánh năm 2018. Phiên toà sơ thẩm xử họ bị hoãn nhiều lần vì nhiều nguyên nhân, trong đó có đại dịch Covid-19.

===================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây