Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 23 từ ngày 01/6 đến 07/6/2020: Nhà Xuất bản Tự do được IPA trao tặng giải thưởng Prix Voltaire 2020

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 07/6/2020

 

Sau hai năm hoạt động từ khi được thành lập vào tháng 2 năm 2019, Nhà Xuất bản Tự do (Liberal Publishing House- LPH) đã được Hiệp hội Các nhà Xuất bản Quốc tế (International Publishers’ Association- IPA) trao giải thưởng Prix Voltaire 2020 vì những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc in và phổ biến sách về quyền con người và dân chủ đa nguyên trong hai năm qua.

LPH của một nhóm các nhà bất đồng chính kiến ​​đã vượt qua ba ứng cử viên nặng ký khác là  Avesta Yayinlari (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Chong Ton Sin (Malaysia) và Maktaba-e-Daniyal (Pakistan) để giành giải thưởng cao quý kèm 10.000 frank Thuỵ Sỹ (khoảng 10.400 USD).

Trong khi IPA công bố LPH là tổ chức chiến thắng giải thưởng Prix Voltaire uy tín vào tối ngày 3/6, nhà bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng Phạm Đoàn Trang, một trong những thành viên chủ chốt của nhà xuất bản, cho biết cô và các thành viên khác bị lực lượng an ninh Việt Nam truy đuổi nhằm bức hại họ. Trang cho biết, cảnh sát đã đến căn hộ của mẹ cô ở Hà Nội để thẩm vấn người phụ nữ 80 tuổi về cô.

Sau khi đàn áp dữ dội Hội Anh em Dân chủ và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, lực lượng an ninh Việt Nam đang nhắm mục tiêu LPH trong một nỗ lực không cho phép in và phổ biến các cuốn sách không bị kiểm duyệt trong chiến dịch củachế độ cộng sản ở Ba Đình muốn kìm hãm đất nước dưới chế độ độc đảng.

Lực lượng an ninh Việt Nam và Sở Công an Hà Nội vẫn đang bắt giữ 29 người dân oan mất đất  sau khi bắt giữ họ trong cuộc tấn công tàn bạo của hàng ngàn cảnh sát chống bạo động vào xã Đồng Tâm vào ngày 9 tháng 1 năm nay. Hầu hết trong số họ bị buộc tội giết hại ba sỹ quan cảnh sát trong vụ tấn công, và những người còn lại bị buộc tội chống lại người thi hành công vụ. Mới đây, cảnh sát Hà Nội cho biết một trong những người bị giam giữ, ông Lê Đình Chức, con trai thứ 2 của cụ Lê Đình Kình, đã hồi phục một phần sức khỏe. Có khả năng cảnh sát tra tấn dẫn đến thương tích nghiêm trọng của ông Công.

Trong thông cáo báo chí vào ngày 3/6, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet đã lên tiếng báo động rằng việc kiềm chế tự do ngôn luận đã gia tăng ở 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam, trong đại dịch COVID-19, với lý do chống phát tán tin giả.

Các vụ bắt giữ vì bày tỏ sự bất bình hoặc bị cáo buộc lan truyền thông tin sai lệch thông qua báo chí và phương tiện truyền thông xã hội, đã được báo cáo ở Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam, thông cáo báo chí cho biết.

Bàlưu ý rằng tại Việt Nam, hơn 600 người dùng Facebook đã bị cảnh sát triệu tập để thẩm vấn về nhiều bài viết trực tuyến của họ về COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch. Trong hầu hết các trường hợp, người dùng Facebook đã bị xử phạt hành chính và bị yêu cầu xóa bài đăng của họ, ít nhất hai người đã bị kết án tù vì đã đăng những gì mà chính phủ gọi là tin giả giả mạo về COVID-19.

===== 01/6 =====

Dân biểu Quốc hội Liên bang Australia chỉ trích Cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền ở Hội nghị Nhân quyền Toàn cầu

Dân biểu Chris Hayes của Quốc hội Liên bang Australia đã có bài phát biểu chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong Hội nghị Nhân quyền Toàn cầu (Global Human Rights Conference) gần đây.

Trong bài pháp biểu trực tuyến, Dân biểu Hayes nói rằng chế độ cộng sản ở Hà Nội sử dụng những điều luật mơ hồ trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật hình sự để cáo buộc người bất đồng chính kiến và người hoạt động nhân quyền, sử dụng những phiên toà không công bằng để kết án họ bằng những bản án nặng nề. Cuối cùng, chế độ cộng sản sử dụng lao tù để đày đoạ tù nhân lương tâm và tù nhân chính trị với việc tra tấn tinh thần và thể xác, cho họ ăn thức ăn và nước uống kém phẩm cấp, và bắt họ lao động khổ sai hoặc biệt giam họ trong những căn phòng chật hẹp và tăm tối. Ông cũng nói người tù còn không được chăm sóc y tế thích hợp.

Ông nêu trường hợp công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm, người bị bắt đầu năm 2019 và bị kết án 12 năm tù giam về tội danh “khủng bố” chỉ vì ông là thành viên của đảng Việt Tân, một tổ chức có trụ sở ở California và đấu tranh đòi nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam.

Dân biểu Hayes cũng nói về việc nhà cầm quyền ở nhiều địa phương của Việt Nam cướp đất của dân chúng mà không bồi thường thoả đáng, thậm chí còn sử dụng quân đội và công an để trấn áp người đấu tranh giữ đất. Ông có nên vụ tấn công của công an cộng sản Việt Nam vào xã Đồng Tâm, Hà Nội vào đầu năm, gây ra cái chết bi thảm cho cụ Lê Đình Kình.

Ông nói rằng một thực tập sinh ở văn phòng của ông, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, mới đây bị cảnh sát câu lưu nhiều giờ để tra khảo chỉ vì viết bài về vụ Đồng Tâm.

Ông kêu gọi chính phủ Úc cùng cộng đồng quốc tế sử dụng quyền lực mềm để ép cộng sản Việt Nam phải tuân thủ các cam kết về nhân quyền trong các công ước quốc tế mà Hà Nội đã ký kết.

===== 02/6 =====

Công an Hà Nội nói con cụ Lê Đình Kình “không bị liệt nửa người”

Ông Lê Đình Chức, con cụ Lê Đình Kình – một trong 29 người bị bắt giữ sau vụ đụng độ giữa người dân và công an vào ngày 9-1 ở xã Đồng Tâm, được công an thành phố Hà Nội thông báo là tình hình sức khỏe có tiến triển và không còn bị liệt nửa người như khi vào trại tạm giam nữa.

Vụ đụng độ ở Đồng Tâm liên quan đến tranh chấp đất đai giữa chính quyền Hà Nội và người dân địa phương khiến 4 người thiệt mạng bao gồm 1 người dân là đảng viên lão thành Lê Đình Kinh và 3 cảnh sát cơ động.

Bà Hoàng Thị Hoa, vợ ông Chức thuật lại buổi làm việc vào sáng 2 tháng 6 năm 2020 như sau:

“Em đi gặp cái anh ở ngoài cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội thì anh bảo nhà em, bây giờ chồng em là sức khỏe bình thường, hồi phục dần dần mà đi lại cũng được rồi.

Em bảo anh ấy là em cũng chẳng biết được là anh nói thật hay nói dối thì anh ấy bảo em là ‘Anh ấy nói dối để làm gì? Anh ấy đi lại được thì anh ấy bảo là anh ấy đi lại được!”

Nhà em cũng đang lo là sức khỏe yếu thì viết đơn để mà xin gửi thuốc vào với lại điều trị, đi bệnh viện để điều trị nhưng người ta mách lại là anh ấy hồi phục dần dần rồi, không còn liệt nửa người nữa.”

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện cho điều tra viên Đỗ Đình Thành, người đã mời bà Hoa lên làm việc vào sáng nay thì người này cáo bận và nói sẽ gọi lại sau. Tuy nhiên, hai cuộc gọi sau đó của phóng viên gọi cho ông Thành đều không có người nghe máy.

Ông Lê Đình Chức, năm nay 40 tuổi là con thứ hai của ông Lê Đình Kình, ông Chức bị thương nặng trong vụ đột kích của Công an Hà Nội vào Thôn Hoành, xã Đồng Tâm sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020.

Ông Lê Đình Chức là một trong số 29 người dân xã Đồng Tâm bị công an bắt giữ với cáo buộc các tội giết người, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ.

Một số thông tin khi đó nói cả ông Chức và cha là Lê Đình Kình đều qua đời trong vụ việc, tuy nhiên sau đó báo chí nhà nước xác nhận chỉ có ông Lê Đình Kình bị cảnh sát cơ động bắn chết.

Ông Lê Văn Hòa, luật sư bào chữa cho ông Lê Đình Chức tối ngày 2 tháng 6 cũng cho biết thông tin về sức khỏe thân chủ mình như sau:

“Tình hình sức khỏe của anh Chức là cũng như những thông tin trên mạng từ rất nhiều nguồn người ta đã nói, cũng như bản thân tôi cũng đã chứng kiến thì trong sự cố ngày 9 tháng 1 năm 2020 thì anh Chức có bị một vết thương phạt lõm ở trên đỉnh đầu, phía bên phải.

Trong lúc vừa lấy cung thì bản thân tôi cũng cũng thấy rằng, là thời điểm đó anh ấy đi lại cũng rất khó khăn.

Tôi cũng có hỏi tình hình sức khỏe của anh ấy thì anh ấy nói là thời kỳ đầu sức khỏe cũng rất là kém và liệt nửa người, thế nhưng dần dần cũng đã có sự cải thiện.”

Thân nhân của 29 người vụ Đồng Tâm bị gây khó dễ khi thăm nuôi

Mặc dù, đến nay đã gần 5 tháng kể từ khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm khiến 3 cảnh sát cơ động và cụ Lê Đình Kình qua đời, đồng thời 29 người có liên quan bị bắt giam và khởi tố nhưng những người thân của họ đều không được gặp mặt.

Thậm chí việc gửi quà vào cho thân nhân cũng bị làm khó. Bà Nguyễn Thị Duyên – vợ ông Lê Đình Uy cho biết sự việc như sau:

“Mỗi lần đều gửi tiền và gửi quần áo vào nhưng mà khi yêu cầu là là được cấp cái sổ thăm nuôi cho gia đình em theo dõi thì họ nói là cứ mua sổ đi. Nhưng mà không được cầm, em không được giữ cái sổ đó.

Em cũng mua cái sổ đó cho ba người là bố Lê Đình Công, anh Lê Đình Doanh và chồng là Lê Đình Uy, thì em đã mua đủ sổ cho ba người nhưng mà họ đã giữ cái số đó và không cho gia đình giữ.

Em hỏi là tại sao không cho gia đình giữ thì họ nói là trường hợp của Đồng Tâm là không có cái sổ đó.”

Cũng theo bà Duyên, quà gửi vào thì không được gửi đồ ăn và chỉ được gửi đúng 2 bộ quần áo. Tiền thì được gửi tối đa 1 triệu rưỡi cho một người trong một tháng.

Thân nhân của ông Chức cũng xác nhận vụ việc và cho biết thêm thân nhân của cả 29 người trong vụ việc đều bị đối xử như vậy.

Theo điều 27, 28 của Nghị định 113 ban hành năm 2008 về quy chế trại giam thì người đang bị tạm giam hay chấp hành án phạt tù đều được thân nhân thăm gặp mỗi tháng một lần và phải có sổ thăm gặp hoặc đơn xin thăm gặp khi đến thăm phạm nhân.

Cũng theo đó, mỗi tháng phạm nhân được cho nhận 1 gói quà (không quá 7 kg) từ người nhà.

Cụ Lê Đình Kình đã qua đời vẫn bị khai trừ ra khỏi đảng Cộng sản

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương hôm 1 tháng 6 năm 2020 cũng đưa lên trang cá nhân Giấy mời của Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Mỹ Đức đề ngày 27 tháng 5 mời đảng viên Lê Thanh Doãn – thuộc chi bộ thôn Hoành, để tiến hành kỷ luật tổ chức đảng đối với ông cùng 6 đảng viên trong chi bộ, trong đó có cụ Lê Đình Kình đã qua đời trong vụ việc ngày 9 tháng 1 năm 2020.

Chị Nguyễn Thị Duyên, cháu dâu của cụ Lê Đình Kình cho hay là có biết về vụ việc ông Doãn và một số người bị mời lên làm việc và được yêu cầu tự nhận lỗi và nhận hình thức kỷ luật nhưng những người này cho biết không có lỗi gì, mặc dù vậy họ vẫn bị khai trừ khỏi đảng.

Một số trang web thân chính phủ như Hội Cờ đỏ, vnnew.net… cũng dẫn thông tin nói cả 7 đảng viên thuộc Tổ đồng thuận trong đó có cụ Lê Đình Kình đều bị hội nghị Chi bộ đảng Thôn Hoành nhất trí khai trừ khỏi đảng vì vụ việc ngày 9 tháng 1 năm 2020.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại cho số Huyện ủy huyện Mỹ Đức để kiểm chứng thông tin nhưng không có người bắt máy.

===== 03/6 =====

Nhà Xuất bản Tự do được IPA trao tặng Giải thưởng Prix Voltaire 2020

Nhà Xuất bản Tự do của một nhóm bất đồng chính kiến đứng đầu là Phạm Đoan Trang đã được Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (International Publishers’ Association- IPA) trao tặng giải thưởng Prix Voltaire 2020 kèm tiền mặt là 10.000 đồng Thuỵ Sỹ.

IPA đã công bố khôi nguyên của Prix Voltaire 2020 trong buổi trao tặng giải thưởng trực tuyến vào tối 03/6. Nhà Xuất bản Tự do đã vượt qua 3 ứng cử viên nặng ký khác là : Nhà xuất bản Avesta Yayinlari (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Chong Ton Sin (Malaysia) và Nhà xuất bản Maktaba-e-Daniyal (Pakistan).

Trong buổi lễ trao tặng, IPA cho biết “Các thành viên của Nhà xuất bản Tự do đã đặt mình vào rủi ro lớn để giúp người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận. Sách đã được xuất bản theo kiểu du kích, trong môi trường đe dọa và mất an toàn cá nhân; đã truyền đi nhiều nguồn cảm hứng. Cộng đồng xuất bản quốc tế công nhận sự dũng cảm của họ và sẽ hỗ trợ bất cứ nơi nào có thể!”

Nhà xuất bản Tự do là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào tháng 2 năm 2019 tại Việt Nam, không qua hệ thống kiểm duyệt và cấp phép của chính quyền. Chỉ sau hơn 01 năm hoạt động, Nhà xuất bản Tự do đã phát hành khá nhiều đầu sách qua hình thức bán và tặng như Đêm giữa ban ngày (Vũ Thư Hiên, tái bản); Phản kháng phi bạo lực,Cẩm nang nuôi tù, và Chính trị bình dân (Phạm Đoan Trang); Chính đề Việt Nam (Tùng Phong); Những mảnh đời sau song sắt (Phạm Thanh Nghiên); Anh Ba Sàm; Cánh đồng Sênh (báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm)….

Có thể xem/mua và tải sách tại : www.nhaxuabantudo.com

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang truy lùng các thành viên của Nhà xuất bản Tự do và ngăn cản việc phát hành sách. Hai thành viên là Vũ Huy Hoàng và Phùng Thuỷ đã bị tra tấn với nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, hàng trăm độc giả đã bị sách nhiễu.

——————–

Việt Nam bị Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nêu đích danh vì đàn áp tự do ngôn luận thời dịch COVID-19

Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bày tỏ lo ngại trước tình trạng đáng báo động về đàn áp tự do ngôn luận ở nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành.

Theo thông cáo báo chí công bố ngày 03/6, bà Bachelet cho biết nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực đã thực hiện kiểm duyệt thông tin chặt hơn và bắt giam nhiều người dân với cáo buộc cho việc loan truyền thông tin sai lệch thông qua báo chị và mạng xã hội khi họ lên tiếng chỉ trích chính quyền, hoặc chia sẻ thông tin, hay chỉ là bày tỏ quan điểm cá nhân về đại dịch.

Thông cáo nêu những lo ngại về mức độ nghiêm trọng trong việc đàn áp thông tin và việc tuyên án đối với các trường hợp liên quan đến quyền thực hiện tự do ngôn luận trực tuyến và ở đời thực.

Bà Michelle Bachelet kêu gọi nhà cầm quyền các quốc gia cho phép công dân nước mình như các chuyên gia y tế, nhà báo, nhà hoạt động và người dân nói chung được tự do bày tỏ ý kiến về các chủ đề quan trọng đối với lợi ích công cộng.

Như tin đã đưa, trong 5 tháng vừa qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã triệu tập hơn 600 người dùng Facebook để tra khảo về các bài đăng trực tuyến thông tin về dịch bệnh COVID-19.

Hàng trăm người trong số họ đã bị xử phạt hành chính và bị yêu cầu xóa bài viết. Facebooker Chung Hoàng Chương và Mã Phùng Ngọc Phú đã bị kết án tù 18 tháng và 9 tháng tù chỉ vì các bài viết ôn hoà trên mạng xã hội.

====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây