Đan viện Thiên An: chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế không hành xử theo pháp luật?

Lợi dụng sự kiện Phiến đá “Lịch sử Đồi Chịu Nạn” để đàn áp, xóa bỏ Đan viện Thiên An?

Thời báo Việt Nam, ngày 13/8/2020

 

Đó là nghi vấn của các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế – Giáo xứ Thái Hà.

Khi tấc đất là đến mấy tấc vàng

Linh mục Võ Văn Giáo, người phụ trách đào tạo ở Đan viện Thiên An, vào tối ngày 11 tháng 8 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau (1):

“Nhìn chung thì không phải mục đích của họ đòi đất nữa, mà tại vì trong thời điểm này này anh em có khắc một phiến đá ghi lại tóm tắt lịch sử của cây thánh giá bị người ta hạ bệ, gọi là cây thánh giá Khổ Nạn.

Ghi tóm tắt mấy dòng đã được hơn một tuần nay rồi thì cái đó có lẽ làm cho nhà cầm quyền thấy sao sao đó, rồi họ kích động dân hay làm áp lực để mình có một cái động thái gì đó, chứ còn vấn đề đất đai chúng con có đụng đến ai đâu.

Thực tế thì người dân được Đan viện chúng con chia sẻ đất đai trước đây rất là nhiều từ năm 68, 75 được Đan viện cho đất, rồi mượn đất cách này cách khác.

Ngay cả gia đình ở bên cạnh thì Đan Viện cũng hỗ trợ đất đai làm sao có thể lấy đất của người khác được, làm sao mà Đan viện Thiên An có thể lấy đất của xã Thủy bằng được?

Nếu bà con có mất đất thật sự thì thì cứ viết đơn lên kiện chính quyền đi, có gì thì đối chất với nhau chứ làm sao có những động thái như thế”.

Báo Thừa Thiên Huế lâu nay khi đưa tin về các sự kiện liên quan tranh chấp đất đai ở khu vực Đan viện Thiên An, đều nghiêng về phía các đan sĩ nơi này đã cố tình vi phạm pháp luật về đất đai (2).

Trong bài báo “Không thừa nhận việc Đan viện Thiên An đòi hơn 107 ha đất và rừng thông” đăng trên Thừa Thiên Huế Online, số phát hành ngày 06/07/2017, viết rằng: “Dù đã có quyết định của Tổng Thanh tra Nhà nước về xác định nguồn gốc hơn 107 ha đất và rừng thông đồi Thiên An ở xã Thủy Bằng (Hương Thủy) nhưng Đan viện Thiên An cho rằng đó là đất của mình. Từ đó, đan viện nhiều lần tự ý xây dựng, lấn chiếm trái phép, sử dụng sai mục đích nhiều diện tích đất ở đồi Thiên An do Nhà nước quản lý”.

Bài báo có những đoạn trích lời dẫn trực tiếp: “Chúng tôi đã mua từng lô đất nhỏ bắt đầu từ năm 1940 đến năm 1959 với tổng thể hơn 107 ha và chúng tôi đã làm tờ trích lục đất. Đến năm 1995, Nhà nước đo vẽ lại rồi cho rằng đất của Nhà nước”, Đan sĩ Cao Đức Lợi (người của Đan viện Thiên An) đưa ra lý do.

Đan sĩ Cao Đức Lợi và Đan sĩ Võ Văn Giáo cho rằng, Đan viện Thiên An căn cứ vào tờ sao bản đồ do Ty Điền địa Thừa Thiên cấp ngày 17/5/1969, với tổng diện tích hơn 107 ha. Các giấy tờ liên quan đến diện tích hơn 107 ha đất mà phía Đan viện Thiên An đưa ra để chứng minh là phần đất của mình hầu hết đều là bản photo.

Bài báo có đoạn xác định thực tế là sau năm 1975, chính quyền từ miền Bắc vào đây đã quốc hữu hóa nhiều tài sản bất động sản, và giờ thì không có chuyện ‘trả lại’:

“Ngày 5/3/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có Nghị định số 01/NĐ-75 nêu rõ về chính sách ruộng đất; Quyết định số 31/QĐ-76 về việc quản lý sử dụng ruộng đất, tiếp đến là Quyết định số 188/CP ngày 25/9/1976 quy định về chính sách xóa bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân phong kiến ở miền Nam Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước có Hiến pháp năm 1980, 1992, 2013, Luật Đất đai năm 1988, 1993, 2003,  2013 và các văn bản pháp luật khác về đất đai của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tất cả các văn bản trên đều quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý” (3).

Chính quyền đã không ứng xử theo luật?

Giả dụ như tất cả các bài báo liên quan đến sự kiện tranh chấp đất đai ở Đan viện Thiên An là ‘đúng’, thì cái sai lớn nhất ở đây lại không phải từ các vị đan sĩ, mà là chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ nhất, Luật tổ chức chính quyền địa phương, ở Điều 5 “Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương”, ghi:

“1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. 2. Hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân. 3. Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. 4. Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân”.

Như vậy, chủ tịch Ủy ban nhân dân là đại diện quyền lực chung của nhà nước tại địa phương.

Thứ hai, một khi chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế được trao quyền lực đại diện nhà nước tại địa phương, thì phải có bổn phận thực thi Luật tín ngưỡng, tôn giáo – cụ thể trong trường hợp Đan viện Thiên An, là:

“1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. 3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo” – Trích Điều 3. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ ba, nếu tuân thủ theo Điều 3, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thì chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phải thực thi phận sự cho đại diện quyền lực nhà nước tại địa phương trong vụ việc đất đai Đan viện Thiên An, theo các nội dung luật định nêu ở Luật tín ngưỡng, tôn giáo:

“Điều 56. Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo

1. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.

4. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Điều 57. Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo

Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 58. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo

1. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa, cách mạng.

3. Việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng”.

Các nội dung tại Điều 56, 57, 58 kể trên phải được chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế làm căn cứ pháp luật để xét giải quyết các yêu cầu mà những đan sĩ ở Đan viện Thiên An đề đạt. Nếu việc giải quyết này vẫn còn lấn cấn về các văn bản pháp lý liên quan, thì mọi chuyện cần đến các bước tố tụng dân sự ở cấp tòa án.

Thứ tư, theo tin tức đăng trên RFA và nhiều tài khoản cá nhân mạng xã hội facebook, thì chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang chọn giải pháp dùng áp lực số đông mang tên ‘quần chúng’ để nhằm ‘lấy thịt đè người’, đưa đến ngờ vực về quyền lực nhóm của chính quyền địa phương đã cố tình bất chấp pháp luật, hòng chiếm bằng được các tài sản bất động sản, vốn là tài sản hợp pháp trước tháng 4-1975 của Đan viện Thiên An.

Pháp luật hình sự có điều khoản liên quan đến hành vi nói trên của chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là “Tội phá hoại chính sách đoàn kết” được quy định tại Điều 116 Bộ Luật hình sự 2015, có hiệu lực ngày 01/01/2018.

_________________

Chú thích:

(1) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/so-called-spontaneous-groups-have-come-to-thien-an-monastery-in-hue-for-land-claims-08112020073201.html

(2) https://baothuathienhue.vn/phai-tren-tinh-than-thuong-ton-phap-luat-a43984.html; https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-can-thien-chi-hop-tac-a44070.html; https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-xay-dung-cac-cong-trinh-khong-phep-mot-cach-he-thong-a44121.html; https://baothuathienhue.vn/khong-thua-nhan-viec-dan-vien-thien-an-doi-hon-107-ha-dat-va-rung-thong-a44163.html; https://baothuathienhue.vn/nguoi-dan-kim-son-buc-xuc-voi-viec-lam-cua-dan-vien-thien-an-a52858.html; https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-thieu-ton-trong-phap-luat-a63896.html; https://baothuathienhue.vn/tu-si-dan-vien-thien-an-cua-ha-rung-thong-trai-phep-a77314.html

(3) https://baothuathienhue.vn/khong-thua-nhan-viec-dan-vien-thien-an-doi-hon-107-ha-dat-va-rung-thong-a44163.html