Công an Đắc Lắc vi phạm tố tụng hình sự khi khởi tố vụ ‘tiến sĩ chân vịt’

Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thuộc về nơi xảy ra hành vi phạm tội chứ không phải nơi cư trú của bị hại!

Hoài Nguyễn, Việt Nam Thời báo, ngày 04/10/2020

Chiều tối 2-10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, thiếu tướng Tô Ân Xô – chánh văn phòng Bộ Công an – thông tin về việc bắt giữ 2 người, trong đó có ông Phạm Đình Quý – giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng, để điều tra về tội vu khống.

Tướng Tô Ân Xô cho biết theo báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk, sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đắk Lắk đã tiến hành xác minh theo đúng quy định pháp luật.

“Quá trình xác minh cho thấy có dấu hiệu tội phạm nên ngày 19-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đắk Lắk ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam (thời hạn 2 tháng) đối với ông Hoàng Minh Tuấn, sinh năm 1980, về tội vu khống, theo quy định tại điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)” – ông Xô nói.

Các quyết định này đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn.

Sau khi mở rộng công tác điều tra, ngày 25-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, ra quyết định tạm giữ và lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Phạm Đình Quý – giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Ngày 1-10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bị can (thời hạn 2 tháng) đối với ông Phạm Đình Quý để điều tra tội vu khống, theo quy định tại điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; lệnh tạm giam đối với ông Quý để phục vụ công tác điều tra.

Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự được quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

“1. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

3. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt”.

Như vậy trong trường hợp 2 ông tiến sĩ cùng tố cáo một ông tiến sĩ khác về dấu hiệu ‘gian lận học thuật’; và sau đó cơ quan công an ở địa phương nơi mà ông tiến sĩ bị tố cáo ấy đang là Bí thư Tỉnh ủy, thì về nguyên tắc pháp luật hình sự, cho thấy ở đây “tội phạm không xảy ra ở tỉnh Đắk Lắk”, nên việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can không hề phạm tội tại tỉnh Đắk Lắk, là một hành vi vi phạm pháp luật tố tụng cố tình và đầy khó hiểu.