Quyền chính trị của các tổ chức công đoàn độc lập?

Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực vào năm 2021, cho phép thành lập các công đoàn độc lập, tức là không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn duy nhất hiện nay.

Tuy nhiên có một lấn cấn là với thực tế Việt Nam chỉ có một đảng chính trị, thì các tổ chức công đoàn độc lập sắp tới đây nếu hình thành, liệu họ có được quyền tự do chính trị khi họ có quyền không phải chịu sự lệ thuộc/ phụ thuộc vào độc đảng chính trị ấy?

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, ghi nhận phản hồi từ một số đại biểu Quốc hội, rằng, công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội, đại diện của giai cấp công nhân và người lao động, mà giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, Công đoàn Việt Nam có nhiều đặc điểm khác biệt với các tổ chức chính trị – xã hội khác.

Việc Hiến pháp năm 2013 tiếp tục dành riêng một điều quy định về công đoàn là thể hiện vị trí quan trọng của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị; đảm bảo điều kiện pháp lý cho tổ chức công đoàn hoạt động. Do vậy, hồ sơ Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cần thể hiện rõ quy định trong Hiến pháp nhằm làm rõ địa vị pháp lý của tổ chức này trong hệ thống chính trị – xã hội.

Như vậy nhiều khả năng mai đây mặc dù người lao động Việt Nam có quyền tự do công đoàn, song dù là công đoàn nào chăng nữa, thì điều bắt buộc phải chịu sự lãnh đạo chung của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự bắt buộc trên về quyền chính trị đã được ghi rõ tại Điều 1 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức; chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trên thực tế, thì việc vận hành tổ chức công đoàn lâu nay dưới sự quản lý của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam rất khập khiễng.

Đơn cử, chính phủ thực hiện chủ trương cải cách bộ máy hành chính, tinh giản cán bộ, công chức, nhưng riêng tổ chức công đoàn không thể áp dụng cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác vận động đoàn viên, mà phải đến từng nhà trọ, từng công ty vận động người lao động tham gia tổ chức công đoàn.

Tuy nhiên, hiện nay biên chế của tổ chức công đoàn – tạm gọi là ‘công đoàn nhà nước’ không đủ, không có đặc thù so với các tổ chức chính trị – xã hội khác, nên nếu phát triển không khéo có thể dẫn tới tình trạng phát triển rộng nhưng không sâu, lớn nhưng không mạnh.

Riêng tại tỉnh Bình Dương, bên cạnh hơn 4.000 tổ chức công đoàn hiện có, năm 2020 được giao chỉ tiêu thành lập mới trên 400 tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, trong khi biên chế, bộ máy tổ chức công đoàn tại Bình Dương không khác so với các địa phương khác. Hiện Bình Dương đứng thứ hai cả nước về số đoàn viên công đoàn – sau thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chỉ có 108 cán bộ chuyên trách.

Một vấn đề mang tính nguyên tắc đang đặt ra: khi người lao động Việt Nam sẽ có quyền thành lập một tổ chức đại diện của mình, dạng như tổ chức công đoàn độc lập, khác với tổ chức công đoàn theo pháp luật hiện hành, thì tổ chức công đoàn này sẽ tự chủ trong các hoạt động, như bầu Ban chấp hành, xây dựng và hoạt động theo Điều lệ riêng, có quyền yêu cầu và nhận hỗ trợ từ các tổ chức hoạt động về lao động của quốc gia, hoặc của quốc tế đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, được chia sẻ khoản kinh phí công đoàn mà người sử dụng lao động đóng.

Đặc biệt, người lao động có thể lựa chọn gia nhập tổ chức công đoàn hiện nay, hoặc tổ chức đại diện của người lao động. Nếu tổ chức của người lao động không tham gia vào hệ thống của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thì sẽ không phải thực hiện các trọng trách chính trị như quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Nói một cách khác, quyền chính trị ở đây của tổ chức công đoàn độc lập, đó là quyền có thể từ khước các yêu cầu mà đảng chính trị đưa ra, song không vì thế mà bị cáo buộc về các tội danh hình sự quy định tại “Chương 13: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”, từ các điều 108 đến điều 122 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).