Đại hội 13: VN nói thông tin xấu độc tăng 50%, quốc tế kêu gọi trả tự do cho nhà báo


A police officer stands guard in front of a poster for the upcoming 13th national congress of the Communist Party of Vietnam on a street in Hanoi, Vietnam January 20, 2021. REUTERS/Kham
A police officer stands guard in front of a poster for the upcoming 13th national congress of the Communist Party of Vietnam on a street in Hanoi, Vietnam January 20, 2021. REUTERS/Kham

 

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng hôm 22/1 nói với báo chí rằng số lượng thông tin “xấu độc, xuyên tạc” tăng lên khoảng 50% vào thời điểm gần đến đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản, nơi sẽ giới thiệu bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam trong 5 năm tới.

“Càng tiến gần tới Đại hội Đảng toàn quốc, số lượng thông tin sai sự thật, xấu độc trên không gian mạng càng tăng lên. Một số tháng gần đây, số lượng tin xấu, độc này tăng lên khoảng 50% so với những tháng đầu năm 2019”, tờ Lao Động dẫn lời ông Hùng nói ngay sau tại buổi họp báo do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngay sau khi khai trương Trung tâm Báo chí tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, để phục vụ cho công tác truyền thông phục vụ đại hội 13.

Vẫn theo lời ông Hùng, trong thời gian khoảng 2,5 năm qua, Bộ TTTT Việt Nam đã xây dựng được “Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia”, nơi có thể xử lý “hàng trăm triệu tin” trong một ngày. Vì vậy, đã có khoảng 35.000 tin bài bị cho là “xấu độc, sai trái” đã bị xử lý.

Vào cuối tháng 11, Bộ này cho biết 80% tổng số thông tin xấu độc tập trung chủ yếu vào việc xuyên tạc, bôi nhọ công tác cán bộ.

“Đáng lo ngại hơn cả là những thông tin bịa đặt, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, hạ thấp uy tín cá nhân các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Trung ương và cả các đồng chí quy hoạch Trung ương”, người đứng đầu Bộ TTTT nói trong kỳ hội nghị vào tháng 11.

Việt Nam trong năm qua đã tăng cường trấn áp và kiểm duyệt các hoạt động truyền thông, thông tin, bao gồm siết chặt quản lý và tăng áp lực buộc các trang mạng xã hội có trụ sở ở nước ngoài như Facebook, YouTube phải gỡ bỏ hàng chục ngàn nội dung bị cho là “xấu độc” hay các khoá tài khoản có các nội dung trên.

Theo báo cáo của Bộ TTTT, từ tháng 7/2019 đến hết tháng 9/2020, theo yêu cầu của Việt Nam, Google đã ngăn chặn truy cập 24/62 kênh YouTube bị cho là “phản động” với nhiều nội dung chống Nhà nước Việt Nam.

Ngoài kiểm soát nội dung, Việt Nam cũng gia tăng bắt giam và phạt án tù nặng nề đối với các nhà báo độc lập, những nhà hoạt động cổ xuý cho vấn đề tự do ngôn luận. Trong số này có nhà báo có ảnh hưởng lớn trên công luận như nhà báo Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn, Trương Châu Hữu Danh…

Nghị viện châu Âu hôm 21/1 thông qua nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Hong Kong, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, trong đó kêu gọi Hà Nội “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho ba nhà báo vừa bị tuyên án phạt nặng là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn.

Theo cơ quan này, Việt Nam hiện đang giam giữ số lượng tù nhân chính trị “lớn nhất ở Đông Nam Á”, bao gồm 170 tù nhân lương tâm, trong đó có 69 người bị giam giữ chỉ vì hoạt động truyền thông xã hội, và “hầu hết tù nhân chính trị bị giam giữ theo những điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia không phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế về quyền con người như ICCPR mà Việt Nam là Quốc gia thành viên”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 22/1 cũng ra thông cáo lên án chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến trước kỳ Đại hội sẽ khai mạc ngày 25/01 tới.