Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 10 từ ngày 08/3 đến 14/3/2021: Facebooker Trần Quốc Khánh bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 14/3/2021

 

Vào ngày 10/03, lực lượng an ninh ở tỉnh phía bắc Ninh Bình đã bắt giữ Facebooker Trần Quốc Khánh với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự vì đã đăng bài liên quan đến các vấn đề nhức nhối của quốc gia. Theo thông báo của cảnh sát cho gia đình ông, nhà hoạt động 61 tuổi này sẽ bị giam giữ trong ít nhất bốn tháng. Ông phải đối mặt với án tù lên đến 12 năm nếu bị kết tội.

Việc bắt giữ ông diễn ra vài ngày sau khi ông công bố dự định tranh cử vào Quốc hội với tư cách là một ứng cử viên độc lập trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến ​​vào tháng 5.

Ông Khánh, người thường phát trực tiếp trên trang Facebook Trần Quốc Khánh và trang Tiếng Nói Công Dân, là Facebooker thứ ba bị bắt trong năm nay. Một tháng trước, nhà cầm quyền tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ nhà báo Phan Bùi Bảo Thy và cộng sự Lê Anh Dũng với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì đăng bài trực tuyến tố cáo quan chức cấp cao tham nhũng trong nhiều dự án ở địa phương.

Sau 2 ngày làm việc trong phiên toà phúc thẩm dự kiến ​​3 ngày, tối 9/3, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định cuối cùng về phúc thẩm vụ 6 người dân oan đất Đồng Tâm bị cáo buộc tội giết người hoặc “chống người thi hành công vụ” trong cuộc đột kích đẫm máu của khoảng 3.000 cảnh sát chống bạo động vào xã vào ngày 9/01/2020. Tòa án giữ nguyên các bản án hà khắc mà Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra trong phiên xử sơ thẩm vào giữa tháng 9 năm 2020 mặc dù các luật sư bào chữa đưa ra bằng chứng mạnh mẽ cho những sai phạm của quá trình điều tra và sáu người khiếu kiện đất đai tuyên bố họ vô tội. Theo báo cáo của các luật sư, phiên xử phúc thẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về một phiên tòa công bằng, giống như phiên tòa sơ thẩm.

Vào ngày 9/3, tù nhân lương tâm Đoàn Thị Hồng, một thành viên của nhóm Hiến Pháp (Hiến Pháp) bị bắt vào tháng 9 năm 2018 và bị kết án 30 tháng tù giam với cáo buộc “gây rối an ninh,” đã mãn hạn tù. Cô trở về nhà để đoàn tụ với con gái chưa đầy hai tuổi khi cô bị bắt giữ.

Trong khi đó, gia đình của hai tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ và Trần Thanh Phương cho biết họ đã bị kỷ luật khi đang thi hành án tại Trại giam An Phước và Trại giam Xuân Lộc. Ông Độ, người bị kết tội lật đổ và bị kết án 11 năm tù, đã bị giam trong phòng biệt giam trong nhiều tháng, không có ánh sáng mặt trời và thực phẩm không an toàn. Trong khi đó, ông Phương, thành viên của nhóm Hiến Pháp và bị kết án 3 năm rưỡi tù giam với cáo buộc “Gây rối an ninh,” đã không được phép gặp vợ và nhận thêm thức ăn của cô ấy trong chuyến thăm tù ngày 13/3.

Và một số tin tức khác

===== 08/03 =====

Luật sư yêu cầu làm rõ nhiều tình tiết mâu thuẫn trong vụ án Đồng Tâm

Nhóm 14 luật sư tham gia bào chữa cho sáu người dân oan Đồng Tâm kháng án đã gởi Đơn kiến nghị dài 31 trang đến các cơ quan hữu trách yêu cầu làm rõ nhiều điểm sai sót và vi phạm thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả bản án.

Theo nhận định của các luật sư này, vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào rạng sáng 9/1/2020 là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ thể hiện ở số lượng người chết trong vụ án này, mà sức ảnh hưởng ghê gớm của nó tác động lên đại bộ phận dân chúng Việt Nam.Do đó, các luật sư đã nêu ra 8 nội dung chính và yêu cầu hội đồng xét xử phiên phúc thẩm đặc biệt lưu tâm làm rõ ở phiên toà các ngày 08-10/3.

Các điểm luật sư yêu cầu sáng tỏ là:

– Xác định khu đất tranh chấp có phải là đất quốc phòng hay không.

– Công khai kế hoạch số 419A của công an Việt Nam trong việc tấn công và vây bắt người dân Đồng Tâm.

– Về hoàn cảnh và nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 sỹ quan công an. Các luật sư đề nghị cần phải thực nghiệm lại hiện trường tổng thể, đặc biệt lưu tâm đến nguyên nhân dẫn tới cái chết của ba người này khi rơi xuống hố.

– Điều tra về vết thương trên thân thể nhiều bị can, có thể do bị bắn trong vụ tấn công hoặc bị tra tấn sau khi bị bắt.

– Điều tra về cái chết của ông Lê Đình Kình. Phía công an đã thừa nhận dùng súng để giết chết ông nhưng không công khai tên của kẻ thủ ác.

– Điều tra về nguồn gốc về các clip phóng sự ghi lại lời nhận tội của một số bị cáo.

Các luật sư chỉ ra rằng trong suốt quá trình điều tra, khởi tố và xét xử vụ án Đồng Tâm, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bị cáo bị đánh đập, ép cung, và mớm cung…

Gần 1 tuần sau khi gửi đề nghị, các luật sư bào chữa chưa nhận được phản hồi từ bất cứ cơ quan nào.

Đọc thêm: Phúc thẩm vụ Đồng Tâm: 14 luật sư yêu cầu làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong vụ án

——————–

Nhiều bất thường trong ngày đầu phiên toà phúc thẩm Đồng Tâm

Có nhiều bất thường trong ngày 08/3, ngày đầu tiên của phiên toà phúc thẩm Đồng Tâm khi toà án cộng sản cấp cao tại Hà Nội xem xét kháng cáo của 6 dân oan Đồng Tâm, những người cho là mình bị xét xử không công bằng trong phiên sơ thẩm vào giữa tháng 9 năm ngoái.

Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin một trong những luật sư của dân oan Đồng Tâm là Ngô Anh Tuấn đã bị toà tịch thu phần ghi chép cá nhân trong phiên toà. Công an không cho ông đưa các ghi chép của mình lên Facebook.

Trước khi vào phòng xử án, các luật sư bào chữa phải đi qua cửa kiểm tra an ninh. Buổi trưa, từ nhà vệ sinh ra, họ lại bị buộc phải đi qua cửa an ninh lần nữa và các nhân viên an ninh nói làm thế để ngăn việc mang vũ khí vào phòng xử án. Luật sư Đặng Đình Mạnh yêu cầu được tiếp xúc với thân chủ của ông trong phiên toà nhưng hội đồng xét xử từ chối vì cho rằng ông đã tiếp xúc với họ trước khi phiên tòa diễn ra rồi.

Một tuần trước phiên phúc thẩm, nhóm 14 luật sư đã có một văn bản chung đề nghị hội đồng xét xử lưu ý 8 vấn đề, trong đó có việc triệu tập một số người liên quan đến vụ tấn công của cảnh sát vào xã Đồng Tâm trong sáng sớm ngày 09/01/2020 nhưng đã bị bác bỏ.

Trong phiên phúc thẩm, chủ tọa phiên tòa liên tục ngắt lời các luật sư, không cho họ hỏi sâu về nhiều nội dung.

Ông Lê Đình Công, người bị tuyên án tử hình vì bị cáo buộc là chủ mưu, đã kêu oan thay vì xin giảm nhẹ hình phạt. Ông nói kết luận điều tra và luận tội của viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm là chưa đúng, người dân Đồng Tâm không phân công hay bàn bạc để chống đối cảnh sát và không có cuộc họp nào “để chống đối lực lượng công an.”

Viện kiểm sát vẫn đề nghị y án tử hình đối với hai anh em Lê Đình Công và Lê Đình Chức.

===== 09/03 =====

Toà án cộng sản y án trong phiên phúc thẩm Đồng Tâm

Trong ngày thứ hai của phiên phúc thẩm Đồng Tâm, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã giữ nguyên các bản án tuyên bởi toà án cộng sản thành phố Hà Nội đối với 6 dân oan xã Đồng Tâm trong phiên sơ thẩm trong tháng 9 năm ngoái trong vụ án liên quan đến cuộc tấn công vào xã này vào tháng 1 năm 2020.

Trong chiều tối ngày 09/03, TANDCC tại Hà Nội đã tuyên y án tử hình đối với hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, hai con trai của cụ Lê Đình Kình- người đã bị cảnh sát cơ động bắn chết trong sáng sớm ngày 09/01/2020, chung thân đối với anh Lê Đình Doanh, án 13 năm tù đối với ông Nguyễn Quốc Tuyến, án 16 năm tù đối với cụ Bùi Viết Hiểu cùng với cáo buộc “giết người” cùng án 6 năm tù đối với bà Bùi Thị Nối về cáo buộc “chống người thi hành công vụ.” Năm người bị buộc tội gây ra cái chết của 3 sỹ quan công an cho dù toà từ chối các lời biện hộ của 14 luật sư và yêu cầu của họ đòi dựng lại hiện trường vụ án.

Tại phiên toà, các bị cáo khai lại rằng việc kháng cự của họ không có chủ đích giết người và các luật sư cũng đưa ra các chứng cứ nói rằng 3 sỹ quan công an tự rơi xuống hố.

Toà cũng từ chối không công khai bản kế hoạch 419A của phía nhà cầm quyền trong cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm mà nhiều nhà phân tích cho rằng được xây dựng và thực hiện bởi lực lượng vũ trang của bộ công an.

Như vậy là sau khi bắn chết cụ Kình và bắt giữ 29 người dân oan Đồng Tâm để nhằm chiếm đoạt mảnh đất 59 hecta của người dân nơi đây, cộng sản Việt Nam quyết tâm tử hình 2 con của cụ và kết án chung thân cháu trai của họ để triệt hạ gia đình cụ, người dũng cảm dẫn dắt người dân trong xã quyết giữ đất đai của ông cha để lại không cho nhà cầm quyền thành phố Hà Nội cướp để giao cho Công ty Viettel.

Ngoài ra, cộng sản Việt Nam còn bắt giữ 5 người bảo vệ nhân quyền Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu cùng hai con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, và Nguyễn Thị Tâm với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” chỉ vì họ lên tiếng bảo vệ cho dân oan Đồng Tâm. Cả 5 người này vẫn đang bị biệt giam và đối mặt với án tù nặng nề.

Trong hai năm qua, cộng đồng quốc tế và giới hoạt động ở Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ hành xử của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong vụ án Đồng Tâm và kêu gọi Hà Nội minh bạch về những gì xảy ra trong vụ đột kích chết người đó.

===== 10/03 =====

Facebooker Trần Quốc Khánh bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”

Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin an ninh cộng sản tỉnh Ninh Bình đã bắt giữ ông Trần Quốc Khánh với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vì nhiều bài viết và livestream trên trang Facebook mang tên ông.

Ông Khánh, 61 tuổi, bị công an Ninh Bình bắt giữ ngày 10/3 và hiện đang bị tạm giam ở trại giam công an tỉnh. Ông sẽ bị biệt giam ít nhất 4 tháng trong thời gian điều tra, và đối mặt với án tù từ 7 năm đến 12 năm nếu bị kết tội.

Mới đây, ông Khánh tuyên bố sẽ ra ứng cử đại biểu quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng Năm sắp tới. Không rõ việc bắt giữ ông có liên quan đến việc ông tuyên bố này không.

Ông bị cho là đăng bài và phát livestream có thông tin xuyên tạc và phỉ báng chế độ cộng sản ở Việt Nam từ cuối năm 2018 đến năm 2020.

Trong Facebook của ông có nhiều bài viết và livestream về một số vấn đề của đất nước như tham nhũng mang tính hệ thống, vi phạm nhân quyền phổ biến, ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi, và sự hèn yếu của chế độ cộng sản Ba Đình trước sự hung hăng xâm lấn của Trung Cộng ở Biển Đông…

Ông là Facebooker thứ 3 bị bắt giữ từ đầu năm đến nay vì viết bài chỉ trích chế độ và viên chức cộng sản. Trước đó, công an tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ nhà báo Phan Bùi Bảo Thi và cộng sự Lê Anh Dũng với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” khi tố cáo viên chức cao cấp của địa phương tham nhũng trong nhiều dự án ở địa phương.

Theo Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Việt Nam là một trong số quốc gia ở Đông Nam Á giam giữ nhiều nhà báo nhất trong khi tổ chức Ký giả Không Biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam ở nhóm cuối trong bảng xếp hạng vệ tự do báo chí hàng năm.

——————–

Cộng sản Việt Nam ngăn HĐBA của LHQ lên án đảo chính ở Myanmar

Ngày 10/3, cộng sản Việt Nam cùng Trung Cộng, Nga, và Ấn Độ đã ngăn chặn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc ra thông cáo lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.

Chính sự phản đối của 4 quốc gia mà Hội đồng Bảo an không đạt được đồng thuận để ra tuyên bố lên án vụ đảo chính quân sự, kêu gọi quân đội Myanmar tự chế, đồng thời đe dọa sẽ xem xét “các biện pháp triệt để hơn.” Bốn quốc gia này yêu cầu không đề cập tới đảo chính, và rút lại lời đe dọa sẽ có biện pháp tiếp theo.

Tháng trước, Hội đồng Bảo an ra thông cáo báo chí bày tỏ lo ngại về tình trạng khẩn cấp do quân đội Myanmar ban hành, và kêu gọi quân đội trả tự do cho những người bị bắt giữ, nhưng cũng không lên án cuộc đảo chánh do sự chống đối của Nga và Trung Cộng.

Vì sự chống đối của Việt Nam và 3 nước khác, Hội đồng Bảo an không thể xem xét các biện pháp trừng phạt trong tương lai gần, bởi vì các biện pháp đó có khả năng bị Trung Cộng và Nga chống đối. Nga là một nước có quyền phủ quyết, cùng với Hoa Kỳ, Pháp và Anh.

Việt Nam, thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, là quốc gia đầu tư lớn vào Myanmar. Hiện có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại Myanmar, trong đó Viettel, Vietnam Airlines, Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng BIDV… với tổng đầu tư hơn 2,2 tỷ Mỹ kim theo số liệu năm 2019. Một tổ chức xã hội dân sự Myanmar đã tố cáo Viettel hỗ trợ quân đội Myanmar trong vi phạm nhân quyền.

===== 11/03 =====

Cộng sản Việt Nam không mạnh miệng phản đối việc bị Freedom House xếp vào nhóm quốc gia không có tự do

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không mạnh miệng phản đối việc bị tổ chức Freedom House xếp vào nhóm quốc gia “không có tự do,” trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội ngày 11/3.

Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam về xếp hạng của Freedom House, phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng của bộ ngoại giao cộng sản Việt Nam không nhắc đến tổ chức nhân quyền này mà chỉ nói “Hà Nội không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quyền con người.”

Như đã đưa tin, vào ngày 3/3, Freedom House công bố báo cáo Tự do trên Thế giới năm 2021. Việt Nam bị xếp hạng “không có tự do” khi chỉ có được 19 điểm trên thang điểm 100, bao gồm 3 điểm cho các quyền chính trị và 16 điểm cho các quyền tự do dân sự. Sự xếp hạng phản ánh đúng việc cộng sản Việt Nam đàn áp khốc liệt giới bất đồng chính kiến và người hoạt động, bắt giam hơn 60 người và kết án hơn 50 người với những bản án nặng nề trong năm 2020.

Cũng trong buổi họp báo trên, bà Hằng nói rằng Việt Nam lo ngại về tình trạng bạo lực và thương vong tiếp tục gia tăng tại Myanmar trong những ngày gần đây và kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối thoại hoà bình để giải quyết bất đồng.

Báo chí quốc tế đưa tin cộng sản Việt Nam cùng Trung Cộng, Nga, và Ấn Độ đã không đồng ý để Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc ra nghị quyết với những lời lẽ cứng rắn phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Vì vậy, nghị quyết không lên án cuộc đảo chính mà chỉ kêu gọi các bên kiềm chế bạo lực để giải quyết bất ổn bằng các biện pháp ôn hoà. Nghị quyết cũng không đưa ra các biện pháp trừng phạt phe đảo chính như quốc gia soạn thảo Anh Quốc mong muốn.

===========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây