Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 16 từ ngày 19/4 đến 25/4/2021: Hai nhà hoạt động bị kết án, ba nhà báo chống tham nhũng bị bắt trong bối cảnh đàn áp gia tăng

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 25/4/2021

 

Sau khi hình thành ban lãnh đạo mới trong 5 năm tiếp theo, với nhiều nhân vật bảo thủ như Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vẫn giữ chức vụ trong khi cựu tướng công an Phạm Minh Chính được điều động giữ chức vụ lãnh đạo chính phủ, chế độ độc tài toàn trị của Việt Nam tiếp tục đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến. Trong tuần, nhà cầm quyền đã kết tội hai nhà hoạt động nữ và bắt giữ ba nhà báo chống tham nhũng. Các cáo buộc chống lại họ chủ yếu dựa trên các bài đăng của họ trên Facebook.

Vào ngày 22 tháng 4, Tòa án nhân dân quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đã kết tội nhà vận động dân chủ và người bảo vệ nhân quyền Lê Thị Bình theo tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự vì nhiều bài đăng trên Facebook của bà. Nhà hoạt động 45 tuổi này đã bị kết án hai năm, giống như anh trai bà Lê Minh Thể ba năm trước, người đã mãn hạn tù vào tháng Bảy năm ngoái.

Một ngày sau, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã kết án nhà báo độc lập Trần Thị Tuyết Diệu về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 cùng bộ luật và tuyên phạt cô 8 năm tù. Cô bị cáo buộc đăng 24 bài báo trên Facebook với nội dung xuyên tạc chính sách của chế độ và bôi nhọ nhiều lãnh đạo cộng sản.

Nhà cầm quyền tỉnh Hòa Bình đã quyết định đưa nhà hoạt động quyền đất đai và vận động nhân quyền Cấn Thị Thêu và con trai bà là Trịnh Bá Tư ra tòa để xét xử họ với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vì những nỗ lực của họ phản đối việc cưỡng chiếm đất ở xã Dương Nội và các địa phương khác trên khắp Việt Nam, đồng thời hỗ trợ và vận động cho dân oan Đồng Tâm. Người mẹ và cậu con trai đã bị bắt vào ngày 24/6 năm ngoái và bị biệt giam cho đến gần đây khi họ được phép gặp luật sư của mình để chuẩn bị bào chữa. Con trai lớn của bà Thêu là anh Trịnh Bá Phương, người bị bắt cùng ngày với cùng cáo buộc, vẫn đang bị Công an Hà Nội tạm giữ. Có khả năng bà Thêu và con trai y sẽ bị những bản án nặng nề.

Chế độ Việt Nam luôn khẳng định rằng họ đang áp dụng các biện pháp chống tham nhũng không có vùng cấm. Tuy nhiên, chế độ này đã bắt giữ nhiều nhà báo chống tham nhũng và nạn nhân mới nhất là 3 thành viên của một nhóm có tên là Báo Sạch. Báo chí nhà nước đưa tin rằng các ông Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang, và Nguyễn Phước Trung Bảo đã bị bắt vào ngày 20/4 với cáo buộc “lợi dụng tự do dân chủ” và việc giam giữ họ liên quan đến vụ bắt giữ thủ lĩnh nhóm Trương Châu Hữu Danh, người đã bị bắt vào giữa tháng 12 năm ngoái và cùng một cáo buộc. Báo Sạch này nổi tiếng với những nỗ lực vận động tài xế phản đối các trạm thu phí sai quy định ở nhiều tỉnh, thành cũng như nhiều bài báo chỉ ra sai phạm của cơ quan công an và viện kiểm sát trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Sau khi họ bị bắt, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở tại New York đã lên án hành động của Việt Nam và kêu gọi Hà Nội hủy bỏ mọi cáo buộc đối với họ, trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.

Vào ngày 21 tháng 4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố các báo cáo thường niên về tự do tôn giáo trên toàn cầu. Về Việt Nam, cơ quan này cho biết tình hình vẫn không thay đổi so với năm 2020 với các vi phạm có hệ thống trong lĩnh vực này. USCIRF đã thúc giục chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam lại vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC).

Cùng ngày, trong báo cáo thường niên toàn cầu, RSF cho biết ở Việt Nam không có tự do báo chí với hàng chục nhà báo và Facebooker bị bỏ tù vì nói sai sự thật. Trong Chỉ số Toàn cầu về Tự do Báo chí năm 2021, Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 175 trong số 180 quốc gia được khảo sát, không thay đổi so với năm ngoái.

===== 19/4 =====

Việt Nam sẽ xét xử nhà hoạt động nhân quyền Cấn Thi Thêu và con trai Trịnh Bá Tư và ngày 05/5

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ đưa nhà hoạt động nhân quyền Cấn Thị Thêu và con trai thứ Trịnh Bá Tư ra xét xử về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự vào ngày 05/5, sau nhiều tháng biệt giam họ kể từ khi bị bắt vào ngày 24/6/2020.

Toà án cộng sản tỉnh Hoà Bình sẽ thực hiện việc xét xử và phiên toà dường như sẽ là một phiên xử công khai nhưng chỉ một vài người trong gia đình được tham dự phiên toà, như nhiều vụ án xử giới bất đồng chính kiến và người hoạt động trước đây.

Theo xu hướng đàn áp trong nhiều năm gần đây, đặc biệt khi nhiều nhân vật bảo thủ của đảng cộng sản cầm quyền được tái cử vào ban lãnh đạo mới trong đại hội đảng vừa qua, dường như bà Thêu và con trai sẽ phải nhận mức án nặng nề dù nhiều chính phủ và tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi trả tự do cho họ.

Bà Thêu, người từng hai lần bị giam cầm tổng cộng 35 tháng tù giam vì phản đối việc cướp đất của dân Dương Nội, bị bắt cùng hai con trai Tư và Trịnh Bá Phương với cùng cáo buộc. Trong khi anh Phương còn đang bị biệt giam bởi công an cộng sản Hà Nội, bà và anh Tư mới chỉ được gặp luật sư để chuẩn bị bào chữa. Sự bắt giữ họ liên quan đến việc đàn áp người hoạt động nhân quyền cất tiếng nói trong vụ Đồng Tâm, và phong trào dân oan đòi công lý vì cả ba là những lãnh đạo tinh thần của nông dân bị cướp đất.

——————–

Phú Yên xử nhà báo độc lập Trần Thị Tuyết Diệu vào ngày 23/4

Gần một tháng sau khi đột ngột hoãn phiên xử nhà báo tự do Trần Thị Tuyết Diệu về cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, toà án cộng sản tỉnh Phú Yên thông báo sẽ mở lại phiên toà vào ngày 23/4.

Thông tin trên được luật sư của cô, ông Nguyễn Khả Thành công bố trên trang Facebook cá nhân của ông.

Sau khi tốt nghiệp khoa báo chí và truyền thông của Đại học Khoa học xã hội nhân văn Sài Gòn, cô Diệu làm phóng viên báo Phú Yên từ năm 2011 đến 2017.

Không đồng ý với việc đưa tin không trung thực cũng như kiểm duyệt báo chí nhà nước, cô bỏ việc và trở thành phóng viên tự do, đưa tin về tham nhũng, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền và quan hệ Trung-Việt.  Đến tháng 8 năm 2020, cô bị bắt và bị biệt giam cho tới tháng 11 mới được gặp luật sư.

Truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin từ công an Phú Yên nói rằng “từ cuối năm 2017 đến tháng 5 năm 2020, cô sử dụng nhiều tài khoản trên Facebook và chương trình YouTube để đăng tải hàng trăm bài viết, hình ảnh, clip có nội dung cổ súy cho những đối tượng chống phá chế độ, phỉ báng và kích động lật đổ chế độ, và đòi đa nguyên đa đảng.” Cộng sản Việt Nam thường sử dụng cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 để bịt miệng người bất đồng chính kiến.

Liên Hiệp quốc và cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Hà Nội xoá bỏ cáo buộc này và tuân thủ cam kết quốc tế về nhân quyền mà cộng sản Việt Nam đã ký kết.

Cô Diệu có khả năng phải nhận mức án nặng nề như nhiều người bất đồng chính kiến bị kết án gần đây, đặc biệt trước cuộc bầu cử quốc hội giả hiệu vào cuối tháng Năm tới. Việc đàn áp ngày càng trở lên khốc liệt sau khi cựu tướng công an Phạm Minh Chính lên chức thủ tướng còn tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bộ trưởng công an Tô Lâm vẫn tại vị.

===== 20/4 =====

Ba nhà báo độc lập thuộc nhóm Báo Sạch bị bắt với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”

Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin công an cộng sản thành phố Cần Thơ đã bắt giữ ba nhà báo độc lập Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang, và Nguyễn Phước Trung Bảo thuộc nhóm Báo Sạch với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Vụ bắt giữ này có liên quan đến một nhà báo trong nhóm, ông Trương Châu Hữu Danh, người đã bị bắt vào ngày 16/12 năm ngoái với cùng cáo buộc. Phía công an nói rằng ba người bị bắt sau khi mở rộng điều tra đối với ông Danh.

Báo Sạch là một báo mạng độc lập không thuộc kiểm soát của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, chuyên đưa tin về tham nhũng, sai phạm trong việc thu phí BOT và nhiều vụ án oan, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải. Các bài viết của nhóm thường đăng tải trên Facebook.

Bên cạnh việc đàn áp giới bất đồng chính kiến, cộng sản Việt Nam cũng gia tăng đàn áp báo chí sau đại hội đảng và trước cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân giả hiệu.

Tổ chức Ký giả Không Biên giới (RSF) xếp Việt Nam ở hạng 175 trong tổng số 178 quốc gia về tự do báo chí năm 2020 còn tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói cộng sản Việt Nam là một trong những nhà tù lớn nhất thế giới đối với người làm báo.

===== 21/4 =====

RSF nói Việt Nam tiếp tục đàn áp tự do báo chí

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) nói rằng nhà nước cộng sản Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 6 quốc gia có ít tự do báo chí nhất trên thế giới trong năm 2021 với việc nhà chức trách tăng cường kiểm soát mạng xã hội và tiến hành một làn sóng bắt giam nhiều nhà báo độc lập trong năm qua.

Theo Bản đồ Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2021 của RSF, Việt Nam trong nhóm các nước màu đen vì có môi trường “rất tồi tệ” trong lĩnh vực tự do báo chí. Cụ thể, Việt Nam bị xếp hạng 175 trong tổng số 180 quốc gia được khảo sát, cùng nhóm với Trung Cộng và Bắc Hàn. Tuy nhiên, so với năm 2020, thứ hạng của Việt Nam tăng một bậc.

Trong thông cáo báo chí ngày 20/4, RSF nói rằng cộng sản Việt Nam “cũng tăng cường sự kiểm soát của mình đối với nội dung mạng xã hội, trong khi tiến hành một làn sóng bắt giữ nhiều nhà báo độc lập hàng đầu trong thời gian chuẩn bị cho đại hội lần thứ 13 của đảng cộng sản cầm quyền vào cuối tháng 1 vừa qua. Trong số những người bị bắt giữ năm 2020 có nhà báo Phạm Đoan Trang, người được giải Tự do Báo chí ở hạng mục Tầm ảnh hưởng của RSF năm 2019. Hà Nội thường sử dụng các cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” “tuyên truyền chống nhà nước,” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để đàn áp giới bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội, nhà báo, và người bảo vệ nhân quyền.

Trong ngày RSF công bố báo cáo về tự do báo chí toàn cầu năm 2021 thì tại Cần Thơ, công an cộng sản đã bắt giữ 3 thành viên của Báo Sạch, một nhóm nhà báo tự do chuyên đưa tin về tham nhũng, bất công và bảo vệ người yếu thế.

——————–

USCIRF đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đưa cộng sản Việt Nam vào CPC vì vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng

Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) nói rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn liên tục bách hại các nhóm tôn giáo độc lập và vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, và đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đưa Hà Nội vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC).

Trong Phúc trình 2021 về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam công bố ngày 21/4, USCIRF nói rằng tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam nhìn chung có xu hướng giống như năm 2019 khi nhà cầm quyền Việt Nam vừa thực thi Luật Tôn giáotín ngưỡng nhưng cũng vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống, đặc biệt đối với các nhóm tôn giáo độc lập và kể cả đối với các nhóm tôn giáo được nhà nước công nhận. Phúc trình nói ở nhiều địa phương, nhà nước sử dụng nhóm Cờ Đỏ để đàn áp Công giáo.

Về nhóm tín hữu Tin lành ở Tây Nguyên, báo cáo nói rằng uớc tính có khoảng 10.000 người Hmong và người Montagnard vẫn không có quốc tịch vì nhà cầm quyền địa phương đã từ chối cấp thẻ căn cước để trả đũa việc họ không đồng ý từ bỏ đức tin của mình.

USCIRF đề nghị chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích cộng sản Việt Nam chỉnh sửa Luật Tôn giáo tín ngưỡng và tạo điều kiện tốt hơn cho các nhóm tôn giáo chưa được công nhận, yêu cầu Hà Nội ngưng sách nhiễu các nhóm tôn giáo độc lập, đặc biệt là nhóm tôn giáo người Hmong theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên.

Ngoài ra, USCIRF còn đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ cử viên chức về nhân quyền và tự do tôn giáo đến Việt Nam để thăm gặp các tù nhân lương tâm và tôn giáo, điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển, và kêu gọi Việt Nam phóng thích họ.

===== 22/4 =====

Nhà hoạt động Lê Thị Bình bị kết án 2 năm tù giam

Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin toà án cộng sản quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ đã kết án nhà hoạt động Lê Thị Bình án tù 2 năm về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Hội đồng xét xử nhận định bà Bình đã “lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải các bài viết, livestream trên mạng xã hội nhiều nội dung thông tin làm mất uy tín” của ban lãnh đạo chế độ. Theo cáo trạng, bà Bình tham gia mạng xã hội Facebook với nhiều khoản để phát trực tiếp (livestream), đăng tải và chia sẻ các bài viết có nội dung nhằm mục đích thể hiện quan điểm cá nhân của mình để mọi người cùng đóng góp ý kiến và chia sẻ.

Bà Bình là em gái của cựu tù nhân lương tâm Lê Minh Thể, người bị bắt năm 2018 cũng với cáo buộc theo Điều 331 và sau đó bị kết án 2 năm tù giam. Bà từng tham gia tích cực trong cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ở Sài Gòn ngày 10/6/2018 để phản đối hai dự luật Đặc khu kinh tế và An ninh mạng. Là thành viên của nhóm Hiến Pháp, bà cổ suý dân quyền và nhân quyền, viết và chia sẻ nhiều bài viết về các vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam trên Facebook. Do vậy, bà luôn bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hạch sách trong nhiều năm gần đây.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến và tự do báo chí sau đại hội đảng và trước cuộc bầu cử quốc hội. Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, từ đầu năm đến nay, cộng sản Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 10 nhà hoạt động và Facebooker, kết án 11 người khác với tổng mức án 82 năm tù giam và 15 năm quản chế. Nhiều vụ bắt giữ và kết án sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

===== 23/4 =====

Nhà báo độc lập Trần Thị Tuyết Diệu bị kết án 8 năm tù giam

Ngày 23/4, Toà án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã kết án 8 năm tù giam đối với nhà báo tự do Trần Thị Tuyết Diệu về tội danh “tuyên truyền chống chế độ” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự trong bối cảnh đàn áp giới bất đồng chính kiến và tự do báo chí gia tăng ở Việt Nam.

Cáo trạng nói rằng cô Diệu, 33 tuổi, đã sử dụng nhiều tài khoản trên mạng xã hội Facebook như “Tuyết Diệu Babel” và “Trần Thị Tuyết Diệu Journalist” hoặc kênh YouTube Tuyết Diệu Trần…để đăng tải bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung đòi đa nguyên đa đảng, truyền tải nhiều thông tin về hoạt động sai trái của cơ quan thực thi pháp luật, và tỏ thái độ không hợp tác với công an cộng sản khi bị triệu tập.

Cô Diệu từng làm phóng viên báo Phú Yên từ năm 2011 đến 2017 sau khi tốt nghiệp khoa báo chí và truyền thông của Đại học Khoa học xã hội nhân văn Sài Gòn. Bất mãn với việc đưa tin không trung thực cũng như kiểm duyệt báo chí nhà nước, cô bỏ việc và trở thành phóng viên tự do, đưa tin về tham nhũng, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền và quan hệ Trung-Việt. Đến tháng 8 năm 2020, cô bị bắt và bị biệt giam nhiều tháng trước khi được gặp luật sư.

Cộng sản Việt Nam thường sử dụng cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 để bịt miệng người bất đồng chính kiến.  Liên Hiệp quốc và cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Hà Nội xoá bỏ cáo buộc này và tuân thủ cam kết quốc tế về nhân quyền mà cộng sản Việt Nam đã ký kết.

Từ đầu năm đến nay, cộng sản Việt Nam bắt giữ 4 Facebooker với cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ” và kết án 9 người khác về tội danh này với mức án từ 5 đến 15 năm tù giam.

Mới đây, Ký giả Không Biên giới (RSF) công bố xếp hạng báo chí tự do toàn cầu 2021 và Việt Nam ở nhóm quốc gia không có tự do báo chí, xếp hạng 175 trong tổng số 180 quốc gia khảo sát.

=========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây