Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 23 từ ngày 07/6 đến 13/6/2021: Facebooker Cao Văn Dũng nhận án tù nặng nề vì viết bài chỉ trích chế độ

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 13/6/2021

 

Sau khi kết án Facebooker Đặng Hoàng Minh về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vì đăng bài trực tuyến và kết án ông 7 năm tù giam và 2 năm quản chế vào ngày 2/6, một tuần sau đó, vào ngày 9/6, chế độ độc tài của Việt Nam đã bỏ tù Facebooker thứ hai về cùng tội danh và nạn nhân là ông Cao Văn Dũng, quê Quảng Ngãi.

Theo truyền thông nhà nước kiểm soát, ông Dũng, 53 tuổi, bị kết án 9 năm tù giam cộng với 3 năm quản chế. Bản án của ông là nghiêm khắc nhất dành cho một Facebooker kể từ nhiều năm nay.

Sau khi bỏ tù nhiều nhà bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng, blogger có tên tuổi và nhiều nhà hoạt động xã hội cũng như người bảo vệ nhân quyền năng nổ, chế độ độc tài của Việt Nam tiếp tục đàn áp bằng cách nhắm vào các Facebooker ít nổi tiếng hơn và hai trường hợp của ông Minh và ông Dũng đã chứng minh xu hướng đó. .

Chế độ Việt Nam tiếp tục bức hại các tù nhân lương tâm sau khi kết án oan họ bằng các điều khoản gây tranh cãi trong phần An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự và kết án họ với những bản án nghiêm khắc. Trong trường hợp của blogger nổi tiếng Trần Đức Thạch, người bị kết án 12 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chế độ,” công an Việt Nam đã chuyển ông đến thụ án tại Trại giam số 5, tỉnh miền Trung Thanh Hóa mà không thông báo cho gia đình ông. Vợ ông muốn gửi cho ông một số thực phẩm và đồ dùng bổ sung nhưng bà không biết phải đi đâu để có thể thực hiện việc tiếp tế này.

Ngày 11/6, hai tù nhân lương tâm Chung Hoàng Chương và Nguyễn Thị Huệ đã mãn hạn tù. Cả hai đều bị kết tội “lạm dụng tự do dân chủ” và bị kết án lần lượt là 18 tháng và hai năm rưỡi. Ông Chương, 44 tuổi, được trả tự do một tháng trước khi mãn hạn tù trong khi bà Huệ, 53 tuổi, được trả tự do ba tháng trước khi mãn hạn. Bà Huệ bị bắt vào đầu tháng 3 năm 2019 và việc tạm giam là do bà tham gia cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người dân thường ở thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác ở miền Nam và miền Trung vào ngày 10 tháng 6 năm 2018 để phản đối hai dự luật về Đặc khu kinh tế và An ninh mạng. Còn ông Chương bị bắt vào cuối tháng 1 năm 2020 sau khi ông đăng bài trên Facebook tỏ ý nghi ngờ về cái chết của 3 sỹ quan công an trong cuộc tấn công của 3.000 cảnh sát cơ động vào xã Đồng Tâm vào sáng sớm ngày 09/1 cùng năm.

Hiện tại, Việt Nam đang giam giữ ít nhất 262 tù nhân lương tâm, theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (DTD).

===== 09/6 =====

Facebooker Cao Văn Dũng bị kết án 9 năm tù vì “tuyên truyền chống chế độ”

Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin vào ngày 09/6, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tuyên án chín năm tù và ba năm quản chế đối với ông Cao Văn Dũng theo cáo buộc “làm tàng trữ phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, ông Dũng, sinh năm 1968, đã sử dụng tài khoản Facebook Dung Caovan để đăng tải cũng như chia sẻ nhiều bài viết bị cho có nội dung chống Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Báo chí nhà nước còn đưa tin ông tham gia thành lập nhóm có tên ‘Hội anh em yêu dân chủ và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.” Ông cũng bị cho là tham gia với nhiều người sử dụng Facebook khác để livestream với nội dung “bôi nhọ danh dự, uy tín của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.”

Theo một số nhà hoạt động khác thì ông Dũng từng tham gia biểu tình chống dự luật An ninh mạng năm 2018.

Ông Dũng là người thứ 2 bị kết án về tội danh nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước” trong vòng một tuần. Trong ngày 02/6, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Hậu Giang đã kết án ông Đặng Hoàng Minh với bản án nặng nề 7 năm tù giam và 2 năm quản chế. Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, từ đầu năm 2021, cộng sản Việt Nam đã kết án 13 người về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án tù từ 5 năm đến 15 năm tù giam. Người bị án nhẹ nhất là ông Lê Viết Hoà ở Khánh Hoà, và người bị án nặng nhất là tiến sỹ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

===== 11/6 =====

Hai tù nhân lương tâm Chung Hoàng Chương và Nguyễn Thị Huệ mãn hạn tù

Trong ngày 11/6, hai tù nhân lương tâm Chung Hoàng Chương và Nguyễn Thị Huệ được tự do sau thời gian bị giam cầm 17 tháng và 30 tháng về tội danh nguỵ tạo “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Sáng ngày 11 tháng 6 năm 2021, Facebooker Chung Hoàng Chương (Chương May Mắn) mãn hạn tù, sớm một tháng so với thời hạn. Việc ông bị giam cầm có liên quan đến vụ án Đồng Tâm.

Sau cuộc tấn công của hơn 3.000 cảnh sát cơ động vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào lúc 3 giờ sáng ngày 9 tháng 1 năm ngoái, ông Chương có một số bài viết ngắn trên Facebook cá nhân để nói về vụ việc đó dẫn đến việc ông bị bắt. Ông bị Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ tuyên án 18 tháng tù giam về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì đăng bài “xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vụ việc ba sỹ quan công an chết ở Đồng Tâm.”

Ông Chương cho biết trong khoảng thời gian bị giam giữ ở trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương, ông cùng với những người tù chính trị khác đấu tranh đòi được ra khỏi buồng giam vào cuối tuần và lễ Tết để sinh hoạt, chơi thể thao nhưng không được quản giáo chấp nhận.

Ông Chương cho biết sức khỏe hiện tại ổn định và tinh thần cũng tốt.

Cũng trong ngày, bà Huệ, người bị bắt vào ngày 02/3/2019 bởi nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai, đã được trở về nhà tù lớn. Bà bị kết án chỉ vì tham gia biểu tình ngày 10/6/2018 để phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Trong thời gian bị giam giữ ở Trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, bà thể hiện tinh thần bất khuất trước cường quyền.

Bà Huệ cũng được trả tự do trước thời hạn gần 3 tháng.

=========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây