Trại giam số 6 không cung cấp nước sôi cho nhóm tù nhân chính trị nấu ăn

Trại giam số 6 không cung cấp nước sôi cho nhóm tù nhân chính trị nấu ăn
Ông Trần Huỳnh Duy Thức (trái) và ông Đặng Đình Bách

Tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách, người đang thụ án tù năm năm về tội danh “trốn thuế” trong Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) và ba bạn tù vẫn bị đối xử hà khắc bởi quản giáo.

Ông Bách, 45 tuổi, là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) trước khi bị bắt vào tháng 7/2021.

Sau hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm năm 2022, ông bị đưa đi thi hành án ở Trại giam số 6, một trong những cơ sở giam giữ hà khắc nhất Việt Nam, theo nhiều cựu tù nhân lương tâm.

Thông tin ông Bách tiếp tục bị đối xử không tốt trong trại giam được vợ ông, bà Trần Phương Thảo, cung cấp cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 31/10.

Bà Thảo cho biết chồng bà không nhận khẩu phần ăn của trại từ ngày 04/9, và chỉ ăn thức ăn gia đình cung cấp.

Trong cuộc gọi điện về ngày 30/10, chồng tôi cho biết điều kiện giam giữ không được cải thiện: Trại giam  không cung cấp nước sôi và anh cũng không mua được ở căng-tin nên thực phẩm chính là bột đậu nhà gửi thì anh phải pha nước lọc chờ 30 phút-60 phút cho nở ra mới dùng được.

Căng-tin của trại khống chế số tiền được mua là 1.7 triệu/ tháng.

Bà Thảo được cho biết tình trạng tương tự đối với ba người khác trong nhóm tù chính trị của Phân trại 1 là các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Trọng Bằng và Nguyễn Thanh Quang.

Họ không thể chế biến thức ăn khô của gia đình gửi vào như bột đậu, bột ngũ cốc, và mì gói. Họ cũng gặp khó khăn trong việc mua đồ từ căng-tin của trại giam, trong khi những người tù hình sự  vẫn được mua bình thường. 

Điều 48 của Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định tù nhân được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, chất đốt… 

Trong Khoản 3 của điều luật này cũng quy định, tù nhân được bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh…

Bếp ăn cho tù nhân được cấp các dụng cụ cần thiết cho việc nấu ăn, đun nước uống và chia đồ ăn cho tùnhân theo khẩu phần tiêu chuẩn.

Điều 10 cũng nghiêm cấm cơ sở giam giữ trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có trách nhiệm thi hành án hình sự; không được tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án.

Anh Bách dặn tôi nếu gia đình không lên tiếng mạnh mẽ ở bên ngoài thì anh ở trong rất nguy hiểm,” bà Thảo thuật lại.

Bà Thảo cho biết trong lần thăm gặp ngày 08/10, ông Bách rất gầy, sức khoẻ giảm sút nhiều so với lần thăm gặp trước đó. Bà nhận thấy mỗi khi xoay người, đổi tư thế thì chồng bà phải đặt tay ở sau lưng và mặt rất nhăn nhó, đau đớn.

Bà đoán chồng mình bị đau ở lưng, và hỏi ông nhưng ông không thể trả lời vì quản giáo đứng cạnh đe doạ sẽ dừng cuộc gặp nếu nói đến vấn đề sức khỏe.

Như tin đã đưa, sau khi nhóm tù nhân lương tâm thuộc tổ A K1 (khu giam giữ tù chính trị) của Trại giam số 6, gồm các ông Đặng Đình Bách, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Trọng Bằng và Nguyễn Thanh Quang vào cuối tháng 8 vừa qua gửi đơn cho giám thị yêu cầu trại giam phải niêm yết công khai định mức khẩu phần ăn của tù nhân thì có một nhóm người mặc quần áo phạm nhân trong đêm cầm dao nhảy vào khu giam giữ của họ để đe doạ.

Trong cuộc gọi điện về nhà vào ngày 31/8, ông Bách báo với gia đình việc nhóm của ông bị đe doạ. Ngay sau đó, ông bị quản giáo hành hung nghiêm trọng với một số vết thương ở gáy và ở tay.

Bà Thảo cho RFA biết bà đã gửi hai đơn kiến nghị khẩn cấp tới Ban giám thị Trại giam số 6, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, và Cục Quản lý Trại giam (C10) của Bộ Công an về việc ông Bách cùng bạn tù bị đe doạ trong đêm, và việc ông Bách bị đánh đập sau khi thông tin về vụ đe doạ cho gia đình.

Sau đó, gia đình chỉ nhận được phản hồi của trại giam phủ nhận có người đe doạ nhóm tù nhân chính trị. Trại giam cũng nói đã cử nhân viên y tế tới buồng giam để thăm khám và kiểm tra sức khoẻ cho ông Bách.

Tuy nhiên, ông Bách vẫn khẳng định bản thân bị đe doạ và bị đánh. Ông còn cho biết thêm có hai đêm ông đã phải kêu cứu vì lo lắng cho tính mạng và sức khỏe của mình, tuy nhiên chỉ có cán bộ y tế đến, đứng ở ngoài cửa sổ hỏi bệnh và không thăm khám gì cả.

Bà Thảo cho biết ông Bách có trồng rau và mướp ở khu vườn của trại giam nhưng vườn rau của ông thường xuyên bị phá nát.

Trại giam còn thu giữ các đồ dùng cá nhân thiết yếu của các tù nhân trong tổ như dao cạo râu, và đồ cắt móng tay. Trại giam nói cho người đưa các đồ này vào cho họ hai lần trong một tuần để họ sử dụng nhưng bốn tù nhân không đồng ý vì lý do an toàn vệ sinh.

Ông Bách bị tịch thu đèn đọc sách từ tháng 8 nên từ đó tới nay ông không thể đọc sách và viết thư về nhà khi trời tối.

Để kiểm chứng thông tin mà bà Thảo cung cấp, phóng viên nhiều lần gọi điện cho Trại giam số 6 nhưng không thể kết nối.

Ông Bách là một trong sáu nhà hoạt động môi trường và xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước bị bắt với cáo buộc “trốn thuế” hoặc “chiếm đoạt tài liệu mật” trong ba năm qua. Năm người còn lại là Nguỵ Thị Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên, Mai Phan Lợi, và Bạch Hồng Dương.

Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc, chính phủ nhiều quốc gia dân chủ, và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.

Ông Bách đã nhiều lần tuyệt thực dài ngày để phản đối việc bị kết án oan, và bị đối xử vô nhân đạo trong nhà tù. Lần gần đây nhất là ông nhịn ăn từ ngày 09/6 đến ngày 10/7 năm nay. (RFA)