Tiền gửi cho nhà hoạt động ở Việt Nam bị chặn?

Dịch vụ kiều hối quen thuộc với những người Việt có thân nhân ở nước ngoài (hình chỉ mang tính minh họa)

Dịch vụ kiều hối quen thuộc với những người Việt có thân nhân ở nước ngoài (hình chỉ mang tính minh họa)

BBC | 14.10.2016

Một nhà hoạt động cáo buộc với BBC về chuyện tiền do Việt kiều Mỹ gửi ông để giúp người dân khiếu kiện đất đai ở Hà Nội bị chặn và chuyển trả lại người gửi.

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, một người dân Dương Nội nói: “Gần đây có người từ Mỹ gửi tôi và một nhà hoạt động khác [ông Dũng Mai] mỗi người 200 đôla để giúp dân oan nhưng khoản tiền này sau đó bị trả lại.”

“Tôi tìm hiểu nguyên nhân và được người gửi báo lại lý do là tên, địa chỉ của tôi và nhà hoạt động kia nằm trong danh sách bị cấm nhận tiền.”

“Trước đây, tôi vẫn nhận kiều hối nhằm giúp dân Dương Nội được chuyển từ Mỹ đến tận nhà.”

“Việc bị ngăn nhận kiều hối khiến tôi bức xúc.”

Nhà hoạt động cho biết thêm: “Lâu nay người dân Dương Nội đã có đơn xin cứu đói gửi các cơ quan chính quyền do họ bị mất đất đai, nhà cửa, thất nghiệp và nghèo đói.”

“Chỉ có Hội Chữ thập Đỏ giúp hai thùng mì gói và hai thùng nước suối rồi thôi.”

“Việc ngăn chuyển tiền của kiều bào giúp đỡ chẳng khác gì triệt tiêu đường sống của dân oan và cô lập họ trên con đường đấu tranh”, ông Phương cáo buộc.

‘Tuân thủ nghiêm túc’

BBC đã liên hệ với Vietcombank, ngân hàng mà website của họ giới thiệu cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh UniTeller từ Mỹ về Việt Nam.

Sau khi chúng tôi gửi xác nhận thông tin về phiếu chuyển tiền không thành đề tên người nhận là ông Phương và ông Dũng Mai cho ngân hàng này, tối 13/10, BBC nhận được email phản hồi từ ông Nguyễn Hữu Kiên, phó giám đốc bộ phận PR của Vietcombank trả lời: “Vietcombank có quan hệ hợp tác với nhiều công ty chuyển tiền tại Mỹ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu chuyển tiền kiều hối của khách hàng.”

Không trả lời thẳng về trường hợp ông Trịnh Bá Phương, đại diện Vietcombank viết: “Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ với chất lượng cao nhất, trong quan hệ hợp tác với các công ty chuyển tiền, Vietcombank và các đối tác luôn cam kết tuân thủ nghiêm túc các qui định của luật pháp quốc tế và Việt Nam về Bảo mật thông tin, Phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố”.

Hôm 13/10, bà Tina Le, người gửi tiền cho ông Phương xác nhận với BBC: “Tôi chỉ là người đi gởi còn tiền là của khán giả ủng hộ chương trình văn nghệ gây quỹ ‘Nước mắt dân oan’ tổ chức tại California cuối tháng 9/2016, trong đó có 100 đôla của cộng đồng người Việt San Diego.”

Hôm nay tôi đã đi nhận lại tiền và bên dịch vụ kiều hối nói họ trả tiền lại vì công an Việt Nam không cho phép ông Phương và ông Dũng Mai nhận tiền vì hai người này bị ghép tội phản động.”