Tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục tuyệt thực sang ngày thứ 15

Nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên tòa ở TP Hồ Chí Minh hôm 20/1/2010

Nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên tòa ở TP Hồ Chí Minh hôm 20/1/2010
RFA, ngày 28/8/2018

Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức trong cuộc gọi điện thoại về gia đình ngày 27 tháng 8 xác nhận ông đã tuyệt thực sang ngày thứ 14 và sẽ còn tiếp tục đến khi nào trại giam chấm dứt việc áp bức ông.

Vào chiều ngày 28 tháng 8, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức nói với Đài Á Châu Tự Do

Theo tiêu chuẩn hàng tháng được gọi về từ trại giam, anh Thức gọi về nhà trong 5 phút cho chị gái thứ 5. Anh cho biết hiện tại anh vẫn còn tuyệt thực đến ngày thứ 14, hôm nay là ngày thứ 15.

Anh Thức cho biết lý do tuyệt thực để phản đối trại giam, cụ thể là ông Trần Bá Toan – Giám thị mới và ông Trần Duy Phong có những áp bức đối với anh và anh tiếp tục tuyệt thực đến khi nào trừ khi trại giam đáp ứng yêu cầu.”

Chúng tôi có gọi đến các số điện thoại của Trại giam số 6 – Thanh Chương, Nghệ An nhưng không có người bắt máy.

Ông Trần Huỳnh Duy Tân cũng cho hay, anh trai của mình sức khỏe không được tốt trong khi gọi điện thoại và nhiều lần lên cơn mệt. Tù nhân lương tâm thụ án qua năm thứ 9 cũng hỏi gia đình về việc có phản hồi nào sau các lá đơn gửi đến các cơ quan nhà nước về việc phải trả tự do cho ông theo Bộ Luật Hình sự mới năm 2015.

Trong lần thăm gần đây nhất tại trại giam số 6 hôm 17 tháng 8, ông Trần Huỳnh Duy Thức cho gia đình biết từ 2 tháng nay, trại giam này có một Đội trưởng Giáo dục mới và người này gây nhiều khó khăn cho ông. Những khó khăn được nêu ra bao gồm việc hạn chế viết thư cho gia đình cũng như việc gửi đơn đến các cơ quan; các sáng tác thơ, nhạc của ông không được gửi ra ngoài, kiến nghị gửi cho Chủ tịch nước không được chuyển đi.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án tù 16 năm ở trại giam số 6 Thanh Chương – Nghệ An với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, bắt đầu tuyệt thực từ ngày 13 tháng 8 để phản đối yêu cầu nhận tội từ phía công an để đổi lại lệnh đặc xá, cùng với đó ông cũng phản đối những ngược đãi của trại giam đối với mình.