57 năm tù bất công vụ “Liên Minh Dân Tộc Việt Nam”

Minh Hải, Việt Nam Thời báo, ngày 07/10/2018

Ngày 5/10/2018, Tòa án TP.Hồ Chí Minh tuyên bản án sơ thẩm 57 năm tù giam và 15 năm quản chế dành cho 5 thành viên của tổ chức “Liên Minh Dân Tộc Việt Nam” với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật hình sự 1999…

Danh tánh của 5 thành viên tổ chức “Liên Minh Dân Tộc Việt Nam” bị Tòa án TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật hình sự 1999 gồm: Ông Lưu Văn Vịnh (SN 1967), anh Nguyễn Quốc Hoàn (SN 1977), anh Nguyễn Văn Đức Độ (SN1975) cùng cư trú tại TP.Hồ Chí Minh, sư thầy Phan Trung (SN 1976. Cư trú: Lâm Đồng) và anh Từ Công Nghĩa (SN 1993, dân tộc Chăm, quê Ninh Thuận). Cáo trạng của vụ án được phía Viện kiểm sát cho rằng 5 thành viên này đã có hoạt động phạm tội như tổ chức chặt chẽ, lôi kéo lực lượng hình thành tổ chức chính trị phản động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong đó ông Vịnh là người có vai trò cầm đầu, đã thành lập tổ chức, đề ra mục tiêu, đường lối hoạt động của tổ chức.

Ông Lưu Văn Vịnh và các thành viên của tổ chức Liên Minh Dân Tộc Việt Nam

Phiên xử bắt đầu tầm khoảng 8 giờ sáng ngày 5/10 và kết thúc tầm 16 giờ chiều cùng ngày. Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo ngay sau phiên xử kết thúc, bà Thập là vợ của ông Vịnh cho biết bản án của từng người như sau:

– Ông Lưu Văn Vịnh: 15 năm tù giam và 3 năm quản chế.

– Anh Nguyễn Quốc Hoàn: 13 năm tù giam và 3 năm quản chế.

– Anh Nguyễn Văn Đức Độ: 11 năm tù giam và 3 năm quản chế.

– Anh Từ Công Nghĩa: 10 năm tù giam và 3 năm quản chế.

– Sư thầy Phan Trung: 8 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Bà Thập cho biết bà và một số thân nhân của những thành viên còn lại của vụ án có vào tham dự phiên xử nhưng được bố trí cho ngồi cách biệt với phòng xử, theo dõi phiên xử qua màn hình với chất lượng tường thuật khá kém.

“Nói là mình được vào tham dự nhưng được bố trí ngồi ở phòng ngoài, nhìn qua màn hình lúc thì được lúc thì không, rồi nghe tiếng được tiếng không. Một số người ngồi xung quanh không liên quan nói chuyện rất ồn…” 

“Có người nhà của anh Độ và người nhà của sư thầy Phan Trung, những người ấy cũng ngồi ở phòng ngoài chứ không được vào bên trong”

Theo luật sư Đặng Đình Mạnh và luật sư Nguyễn Văn Miếng là hai luật sư bào chữa pháp lý cho các thành viên bị xét xử, đã chia sẻ những dòng status đánh giá phiên xử trên trang Facebook cá nhân là rất thú vị và căng thẳng. Ngay khi phiên tòa bắt đầu, ông Vịnh và anh Độ đã chủ động cướp lời chủ tọa phản đối phiên tòa, khẳng khái khẳng định mình hoàn toàn vô tội, giữ thái độ bất hợp tác. Còn anh Hoàn từ chối luật sư do tòa án chỉ định, cùng anh Nghĩa khẳng định bị ép cung, phủ nhận hoàn toàn cáo trạng của cơ quan an ninh điều tra.

Và theo bà Thập, bà chứng kiến phản ứng của ông Vịnh ngay tại phiên xử như sau:

“Anh ấy phản ứng về sự bất công của phiên tòa. Ảnh có nêu ra nhưng Tòa bác bỏ, không cho nói. Khi bắt đầu phiên xử ảnh cũng có nêu ra là không chấp nhận phiên tòa này. Ảnh phản đối vì phiên tòa công khai mà vợ con ảnh không được vào dự.”

Suốt quá trình xét xử ông Vịnh giữ thái độ không nhận tội.

“Không. Điều này không bao giờ có chuyện anh ấy nhận tội.”-Lời bà Thập.

Ngoài ra, bà Thập cho biết lời sau cuối mà ông Vịnh nói ở Tòa là:

“Kết thúc phiên xử họ có cho anh nói lời cuối cùng, một là ảnh nói Viện kiểm sát vu khống ảnh, hai là bên chính quyền vi phạm nhân quyền. Nói đến đấy thì thẩm phán cắt ngang, chặn không cho anh nói.”.

Tình hình sức khỏe của 5 thành viên tổ chức “Liên Minh Dân Tộc Việt Nam” hôm nay ra tòa nhìn chung là bình thường.

Xin nhắc lại các ông Lưu Văn Vịnh, anh Nguyễn Quốc Hoàn, anh Nguyễn Văn Đức Độ, sư thầy Phan Trung và anh Từ Công Nghĩa bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh bắt vào ngày 6/11/2016 với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật hình sự 1999. Ông Vịnh bị bắt khi đã tuyên bố rời khỏi tổ chức “Liên Minh Dân Tộc Việt Nam”. Những thành viên còn lại cũng là những người có tinh thần nhiệt tình trong các hoạt động dân sự, chính trị, tích cực lên tiếng trước những vấn đề bất công xã hội và môi trường ở Việt Nam.