Vì sao EU vẫn cần tỉnh táo về nhân quyền Việt Nam?

Một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam sẽ được Ủy ban thương mại quốc tế châu Âu tổ chức với sự có mặt của ba bên: EU, Bộ Công thương Việt Nam và một vài nhà hoạt động nhân quyền từ Việt Nam – diễn ra vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussells (Bỉ), nơi hiện diện trụ sở chính của Liên minh châu Âu, để quyết định có ký chính thức EVFTA hay là không.

 

Minh Quân, Việt Nam Thời báo, ngày 10/10/2018

 

Chính vào thời gian này, quá nhiều khó khăn kinh tế đã tích tụ và chồng chất để trở thành nỗi bế tắc được định dạng ngay trên gương mặt thất thần của đảng Cộng Sản. Nếu không khẩn cấp tìm ra lối thoát kinh tế và tài chính, chẳng mấy năm nữa đảng sẽ sạch tiền, sẽ không còn tiền nuôi đội ngũ công chức viên chức “còn đảng còn mình” lên đến gần ba triệu người, cùng một lực lượng vũ trang và bán vũ trang hoặc chỉ biết đàn áp quyền làm người của dân chúng, hoặc chỉ lo làm “kinh tế quốc phòng” mà chẳng hề bảo vệ ngư dân Việt trong lúc tàu Trung Quốc hùng hổ tấn công, hành hung và bắn giết.

Trong toàn bộ bức tranh u tối kinh tế ở Việt Nam đương đại, Hiệp Định EVFTA là lối thoát được Bộ Chính Trị đảng ở Việt Nam kỳ vọng nhất.

Và chính thể đó đã phải tìm cách nhân nhượng theo chiêu thức ‘đởi nhân quyền lấy thương mại’.

Tháng Sáu năm 2018 đã chứng kiến một nhượng bộ đầu tiên, chỉ mới là đầu tiên, của chính thể Việt Nam đối với EU và trong EVFTA: nhà tù Việt Nam phải mở tung cửa để luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và cộng sự của ông là bà Lê Thị Thu Hà – hai thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ – được đi tị nạn chính trị ở Đức.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị chính quyền Việt Nam giáng một bản án quá bất công và quá nặng nề.

Có thể cho rằng nếu yêu cầu kiêm điều kiện của Đức về việc phải thả tù nhân lương tâm không được thỏa mãn, với tư cách là đầu tàu kinh tế và cũng là một trong những đầu tàu chính trị trong khối EU, Đức sẽ thẳng tay phủ quyết EVFTA và còn thể đưa vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ theo hướng quốc tế hóa và tạo ra thế triệt buộc đối với chính thể và một số quan chức cao cấp của Việt Nam.

4 tháng sau đó, hiện tượng Tiến sĩ Nguyễn Quang A – khách mời của EU – được nhà cầm quyền Việt Nam ‘cho phép’ xuất cảnh sang Bỉ tham dự phiên điều trần nhân quyền – EVFTA là một chỉ dấu nữa cho thấy chính thể Việt Nam buộc phải nhượng bộ và vẫn theo cách ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’. Chuyến đi Bỉ của Tiến sĩ A tuy chỉ là một sự kiện nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn: phải chăng công an Việt Nam bắt đầu nới rào cản xuất cảnh đối với một vài nhà hoạt động nhân quyền, và sẽ còn phải nới với những người khác, khi trước đó đã cấm cản và giam hộ chiếu hàng trăm người?

Tuy nhiên, bài học 2006 vẫn cần được EU ghi nhớ.

Vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã nhún mình giảm đàn áp giới nhân quyền và bất đồng chính kiến để tiếp đón Tổng Thống Mỹ George Bush tại Hà Nội, và sang năm 2007 Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), tức được giảm cấm vận kinh tế, đồng thời. Nhưng chỉ một năm sau đó, từ năm 2008 trở đi, công an Việt Nam liên tiếp gia tăng tống giam người bất đồng như một kiểu “bắt bù.”

Tròn một con Giáp sau sự tráo trở trên, kịch bản “vào trước, bắt sau” hầu như đang tái hiện ở Việt Nam. Lần này là Hiệp Định EVFTA.

Một dấu hỏi đánh đố ghê gớm là khi nào Việt Nam sẽ thỏa mãn những đòi hỏi của EU về cải thiện nhân quyền là phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, bãi bỏ lao động cưỡng bức, tức ít nhất Việt Nam phải sớm ban hành luật về Hội và công nhận Công Đoàn Độc Lập? Trước hay sau khi EVFTA được Nghị viện Châu Âu thông qua?

“Kết thúc rà soát pháp lý EVFTA” chỉ là một trong nhiều công đoạn phải có trước khi hiệp định này được Nghị Viện Châu Âu quyết định có phê chuẩn hay không. Điều gì sẽ xảy ra, hoặc bao nhiêu năm nữa sẽ biệt trôi một khi chính thể Việt Nam không những không giảm bớt hành vi gian lận thương mại mà còn tiếp tục vi phạm nhân quyền khi vẫn liên tiếp hành hung tra tấn dã man người dân biểu tình vì an sinh và chủ quyền đất nước, bắt bớ và xử tù nặng nề các công dân yêu nước?