CPTPP: Chính quyền VN sẽ không thể mãi giấu diếm về Công đoàn độc lập

3 năm chính quyền Việt Nam bưng bít thông tin về Công đoàn độc lập đã qua, còn giờ đây, điều gì phải đến đã phải đến.

Minh Quân, Việt Nam Thời báo, ngày 06/11/2018 

 

Một chục triệu công nhân Việt Nam lần đầu tiên biết được họ đang có trong tay một cơ chế pháp lý mang tính quốc tế hóa cao nhằm bảo đảm và hỗ trợ các quyền tự do lập nghiệp đoàn lao động.

Vào cuối năm 2018, để được tham gia vào CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng và chế độ độc trị của ông ta đã phải nhượng bộ chấp nhận điều kiện về cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…

Nhưng tin tức quá nóng hổi trên không phải được công bố bởi Văn phòng Quốc hội hay bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ, mà chỉ được hé ra từ một cuộc thảo luận tổ ở Quốc hội về CPTPP – chủ đề mà đến nay ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng đã làm tờ trình chính thức cho Quốc hội và chỉ còn chờ đến khi cơ quan được coi là dân cử tối cao này ‘gật’ theo quán tính.

Trong khi toàn bộ báo giới bên đảng và các cơ quan tuyên giáo vẫn im như thóc và như thể chìm trong nỗi sượng sùng vô kể khi trước đó đã lỡ lên án Công đoàn độc lập là ‘một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình’, một số tờ báo dù thuộc nhà nước nhưng le lói quan điểm cải cách thể chế và cả cải cách chính trị đã đăng tin về Công đoàn dộc lập, nhưng chưa dám gọi thẳng ra cái tên đó mà chỉ ẩn dụ theo cách ‘người lao động sẽ được quyền thành lập tổ chức công đoàn khác và song song với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam’.

Nhưng như thế cũng đã là tốt, đã tạm đủ thông tin ban đầu cho một chục triệu công nhân ở Việt Nam, để họ lần đầu tiên biết được họ đang có trong tay một cơ chế pháp lý mang tính quốc tế hóa cao nhằm bảo đảm và hỗ trợ các quyền tự do lập nghiệp đoàn lao động, đình công và đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của họ trước giới chủ và trước cả một bộ phận không nhỏ quan chức chính quyền Việt Nam ‘làm thuê’ cho giới chủ.

Tình hình hiện thời – năm 2018 – đã khác khá nhiều với năm 2015 và những năm trước đó. Về minh bạch hóa thông tin.

Nhớ lại năm 2015. Sáu tháng sau khi đoàn đàm phán Việt Nam “hoàn tất đàm phán song phương và đa phương về TPP với các nước” vào tháng Chín năm đó, chính quyền Việt  Nam vẫn hầu như ém nhẹm trên mặt truyền thông về định chế công đoàn độc lập – một trong những điều kiện tiên quyết để được gia nhập TPP mà Bộ Chính Trị đảng CSVN đã phải chấp nhận vô điều kiện.

Hé lộ hầu như duy nhất chỉ đến từ ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam. Sau Tết Nguyên Đán 2016, ông Kiên cho biết “người lao động được quyền lập hội và họ được tự do tham gia một tổ chức hội nào đó mà họ muốn và chính quyền phải chấp nhận” trên báo chí nhà nước.

Cũng phải mất đến sáu tháng sau khi kết thúc đàm phán TPP, phía Việt Nam mới chịu công bố bản văn tiếng Việt, trong đó có nội dung công đoàn độc lập.

Cố tình không công bố thông tin về công đoàn độc lập không chỉ là một thủ thuật xấu chơi của giới lãnh đạo Việt Nam, mà hành vi này còn vi phạm chính cam kết về việc phải công khai toàn bộ thông tin mà đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã hứa hẹn và ký.

Cho đến nay và mặc dù đã gần như chính thức tham gia vào CPTPP, não trạng bưng bít truyền thống của nhà nước Việt Nam vẫn hầu như chưa có gì được khai sáng: trong khi vẫn chưa xuất hiện bất cứ cụm từ “công đoàn độc lập” nào trên miệng giới quan chức và trên mặt báo chí, tất cả cùng lắm chỉ đề cập đến “người lao động có quyền thành lập tổ chức của mình.”

Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Những người theo đường lối một đảng lợi ích ở Việt Nam chắc chắn vẫn hy vọng kịch bản WTO năm 2007 “được cả hai” sẽ lặp lại vào năm nay: vừa vào được CPTPP, vừa “hồi tố” bắt giam trở lại những kẻ bất đồng chính kiến liều lĩnh nhất.

Còn trong thời gian chờ đợi CPTPP được các nước còn lại ký để bắt đầu triển khai vào tháng Giêng năm 2019, chiến thuật ưa thích nhất của chính quyền Việt Nam vẫn là vừa kiềm chế những người bảo vệ quyền lợi công nhân, vừa bưng bít thông tin đến mức tối đa về công đoàn độc lập!