Người lao động nói gì về phí 3% ‘ăn cướp’ của công đoàn nhà nước?

Thảo Vy và nhóm PV, Việt Nam Thời báo, ngày 18/11/2018

Ghi nhận ý kiến của người lao động trên địa bàn một tỉnh ở miền Đông Nam bộ về chuyện con số 2% quỹ lương của doanh nghiệp bắt buộc phải nộp cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. [*]

Vô lý nhưng vẫn phải ‘cống nộp’?

Ông Phương: Tôi là người lao động nhưng tôi thật sự thấy không hiểu kinh phí công đoàn để làm gì?. Chúng tôi đi làm cho những doanh nghiệp tư nhân, họ đóng bảo hiểm cho chúng tôi họ cũng trừ trong lương. Đáng lẽ lương chúng tôi được 10 triệu thì họ chỉ trả cho 9 triệu thôi, vì họ nói họ đóng bảo hiểm cho rồi, để khỏi bị thanh tra hạch sách, kiếm chuyện.

Tôi thì không sao, nhưng rất nhiều người lao động khác thì tôi thấy thương cho họ vô cùng. Họ không hề được một chút dù chỉ là một phần lợi ích rất nhỏ trong kinh phí công đoàn đó, nếu ở những doanh nghiệp ấy không có bộ phận công đoàn cơ sở.

Nếu mà có một chút gọi là thăm lúc ốm đau, thì đó cũng là mồ hôi nước mắt của họ làm ra và trích nộp vào đó mà thôi. Cho nên Nhà nước ở trên đánh vào doanh nghiệp, nhưng người chịu gánh cuối cùng cũng là người lao động.

Ảnh minh họa.

Nói cho cùng là người lao động nghèo khổ thì vẫn cứ khổ là vậy, vì họ lại nuôi một bộ phận công đoàn lớn đến thế, trong khi họ thì nhởn nhơ suốt ngày, nay đi ăn mai đi du lịch. Còn người lao động vẫn cứ còng lưng ra đi làm. Uất ức thay cho một xã hội.

Ông Đỗ Minh Trí: Riêng tôi thấy, không cần có tổ chức công đoàn làm gì. Vì thực chất chủ tịch công đoàn cơ sở do chủ doanh nghiệp trả lương. Phát biểu lớ quớ là coi chừng “lên đường”. Chả ai dại dột gì mà chui đầu vào chỗ chết. Vậy ai là người bảo vệ cho người lao động? Luật dân sự, luật doanh nghiệp… Chẳng có ai hết.

 Ông Trần Ngọc Toản: Công đoàn có chức năng gì? nghĩa vụ gì? Làm sao đánh giá chức năng, nhiệm vụ của công đoàn khi mà thấy các công đoàn toàn ra các qui định đối với người lao động, rồi chấm công trừ điểm, trong khi quyền lợi sức khỏe người lao động thì không biết là gì? Ông sếp ho thì nhanh chóng đi thăm, còn công đoàn viên bệnh thì từ từ khỏe rồi hãy đến….  Công đoàn làm việc thì chờ sự chỉ đạo của sếp tại cơ quan….

Bà Huệ: Tôi thấy trích 2% kinh phí công đoàn đúng là một điều vô lý, đồng thời tạo cho doanh nghiệp và người lao động thêm gánh nặng hơn. Tôi đồng ý hủy bỏ quy định nộp 2% đó. Đâu chỉ vậy. Công đoàn là tổ chức tự nguyện do người lao động thành lập để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình, nên trong chừng mực nhất định, đây là tổ chức đối lập với người sử dụng lao động (trong trường hợp có xung đột quyền và lợi ích). Việc bắt buộc người sử dụng lao động phải đóng một khoản tiền không nhỏ cho công đoàn hàng tháng là một điều rất vô lý.

Ông Nguyễn Đức Tài: Kiến nghị bỏ quy định trích nộp 2% quỹ lương cho công đoàn là hoàn toàn hợp lý. Tổ chức công đoàn là tự nguyện. Song việc các đoàn viên tự nguyện tham gia là hầu như không có, mà các doanh nghiệp nói thẳng ra là ép công nhân tham gia để lấy số lượng báo cáo. Thậm chí còn lập danh sách “ma” gửi công đoàn huyện cấp thẻ đoàn viên.

Ngày nay người chủ doanh nghiệp đã rất vất vả về khoản lãi ngân hàng cao ngất ngưỡng mà còn bị ép buộc trích 2% đó là phi lý. Trong các doanh nghiệp tư nhân thiết nghĩ không cần có chế độ công đoàn, vì thực chất người chủ doanh nghiệp tư nhân phải bỏ ra tất cả các khoản nhằm tạo công ăn việc làm giải quyết bài toán thất nghiệp, cũng như nâng cao ngân sách cho địa phương rồi. Cần phải đấu tranh cho các doanh nghiệp về vấn đề này.

Bà Khen: Tôi vừa bị thất nghiệp. Câu hỏi mà mấy bạn phóng viên Việt Nam Thời Báo liên quan con số 2% cho kinh phí đóng góp công đoàn, tôi cho là pháp luật được xây dựng nhằm đưa những điều đang hợp lý trong cuộc sống vào luật pháp và loại bỏ những điều bất hợp lý ra khỏi văn bản pháp luật. Quy định “doanh nghiệp” tức người sử dụng lao động phải đóng kinh phí cho tổ chức công đoàn là một quy định bất hợp lý cần phải bị bãi bỏ.

Đảng phân công thì tôi làm, nhưng quả tình thì…

Ông Lê Quang: Tôi là đảng viên, hiện đang là chủ tịch công đoàn và đồng thời tại nhà có một cơ sở nhỏ may mặc. Để đảm bảo chủ động kinh phí hoạt động công đoàn, mỗi đầu năm hoặc khi tổ chức đại hội công đoàn, công đoàn nên có kế hoạch tài chính cụ thể, cùng bàn bạc thống nhất với chính quyền và kinh phí này do doanh nghiệp tài trợ.

Như vậy doanh nghiệp và công đoàn hiểu rõ nguồn lực tại chỗ để liệu cơm gắp mắm cho các hoạt động của công đoàn. Nếu cứ thu đổ đồng 2% phí công đoàn mà không biết doanh nghiệp hoạt động thế nào, tài chính ra sao sẽ làm cho doanh nghiệp rơi vào thế bị động.

Ông Quyết Thắng: Trước khi gia nhập công đoàn, quần chúng cần được sinh hoạt (học) Luật Công đoàn, nghĩa vụ và quyền lợi của tổ chức công đoàn, nghĩa vụ và quyền lợi của công đoàn viên.

Riêng phần công đoàn phí cũng phải được sinh hoạt kỹ. Cán bộ công đoàn cần vững về nhận thức, lý luận để bảo vệ đoàn viên và tổ chức mình; trong đó có giới chủ. “Mỡ cá rán cá”, đúng vậy, nhưng là dĩa cá rán thơm ngon chứ không là dĩa cá dở. Công đoàn mang lại lợi ích nhiều mặt chứ đâu chỉ là tiền thăm hỏi ít, nhiều.

Bà Kim Thu: Việt Nam Thời Báo đã quên là người lao động còn phải đóng 1% tiền lương của mình cho công đoàn cơ sở. Là chủ tịch công đoàn cơ sở, tôi thấy nguồn lực mà công đoàn có thể thu được từ kinh phí công đoàn là không hề nhỏ. Lấy ví dụ một nhà máy cỡ vừa, có khoảng 1.000 nhân viên. Tạm lấy trung bình lương đóng bảo hiểm xã hội của mỗi nhân viên là 4 triệu/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu ở nhiều nơi.

Doanh nghiệp phải trích 2% quỹ lương để đóng kinh phí công đoàn và mỗi nhân viên là công đoàn viên sẽ đóng 1% lương của họ. Vậy công đoàn quản lý nhà máy kể trên sẽ thu được từ 1 nhân viên có lương bảo hiểm xã hội 4 triệu đồng/tháng là 3% của 4 triệu, tức là 120.000 đồng.

Đem số trung bình này nhân cho 1.000 nhân viên thì 1 tháng, công đoàn sẽ thu được khoảng 120 triệu đồng. Tất nhiên, sẽ có những nhân viên trong nhà máy đóng ở mức cao hơn do lương cao hơn, và sẽ có những nhân viên không phải là công đoàn viên nên không phải đóng công đoàn phí. 

Bà Hồng Châu: Tôi là chủ tịch công đoàn cơ sở ở một doanh nghiệp có vốn FDI Nhật Bản. Hiện tại công đoàn chúng tôi đang tập trung lo tết Kỷ Hợi cho người lao động bằng những chuyến xe về quê ăn Tết. Tôi cũng biết phía liên đoàn tỉnh đang có kế hoạch hỗ trợ các công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết.

Tuy nhiên đúng là những phương thức này ít nhiều tương tự như các tổ chức từ thiện xã hội, ít nhiều mang tính phong trào. Cũng khó trách, công đoàn vẫn là tổ chức độc quyền. Mà cái gì hễ độc quyền là dễ dẫn đến quan liêu, cửa quyền, thậm chí là ‘ngủ quên trên chiến thắng’. Đó mới là nguyên cớ ngọn nguồn chứ không phải tỷ lệ 2% nguồn thu từ quỹ lương doanh nghiệp buộc phải dành cho công đoàn.

Đây là hụi chết

Ông Võ Quang: Mình là người lao động, mà mình đang thấy tiền nộp cho công đoàn quá vô bổ, nộp cho bảo hiểm xã hội sau này người lao động còn hưởng ít nhiều lại được, còn nộp cho công đoàn có thấy được gì đâu? Chỉ thấy lấy làm kinh phí nuôi bộ máy đồ sộ, kể cả trong công ty nhân viên công đoàn có làm gì? chỉ có cái tên mà vẫn có lương? và đã bao giờ công đoàn bảo vệ một cách thật sự cho người lao động nào chưa?

Người lao động vẫn đang bị bóc lột một cách vi mô, hay vĩ mô gì đó. Đừng đua đòi theo những nước phát triển khác, họ nhận lương của người lao động, họ làm đem lợi cho người lao động, còn ở nước mình thì chỉ nhận lương thôi còn làm những việc vớ vẫn đâu đâu à, việc thiết thực để làm cũng có, nhưng không đáng với cái người lao động bỏ ra. Hy vọng quý lãnh đạo công đoàn có nhiều quyết định thiết thực hơn cho người lao động.

+ Bà Thu Trang: Tôi làm việc trong một văn phòng tư vấn việc làm. Tỷ lệ 2% là nhiều hay ít cần đặt trên tương quan phía thu đã làm gì cho người lao động khi ép buộc chủ sử dụng lao động phải đóng hụi chết hàng tháng là 2% trên tổng quỹ lương, cộng thêm 1% tiền lương của người lao động.

Theo pháp luật về công đoàn, người lao động được hưởng chỉ có mỗi nội dung chính yếu sau đây thôi: “Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm”.

Còn hàng loạt các quyền lợi sau đó nữa thì chỉ mang tính của một tổ chức nặng chất tuyên giáo đảng: “Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn. Được ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm.  

Được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn. Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức. Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động”.

Tất cả những nội dung ở trên nằm trong Điều 18 của Luật Công đoàn. Những quyền lợi đó, nếu không phải là đoàn viên, liệu người lao động có được quyền thụ hưởng hay không? Trả lời ngay, theo Bộ Luật Lao động và Bộ Luật Dân sự thì tất cả nội dung có ở Điều 18, Luật Công đoàn đều có ở Bộ Luật Lao động và Bộ Luật Dân sự.

Dẫn chứng, Điều 5.1.d của Bộ Luật Lao động cho phép người lao động được quyền đình công. Trong Điều 5 này, người lao động có tất cả các quyền như tìm thấy ở Điều 18 của Luật Công đoàn; thậm chí người lao động còn được trao cho quyền tự do lựa chọn “Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.

Bằng cái nhìn tổng thể như vậy nên không quá lời khi tôi nhận định rằng 2% là số tiền hụi chết mà chủ doanh nghiệp phải đóng cho cơ quan công quyền.