Bộ LĐTB&XH đề xuất gì về quyền tự do thành lập công đoàn của người lao động?

Trúc Giang, Việt Nam Thời báo, ngày 26/11/2018

 

Theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung, thì dự kiến Bộ luật Lao động 2012 sẽ sửa đổi, trong đó các liên quan về công đoàn độc lập sẽ nằm ở chương XII “Tổ chức đại diện của người lao động”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký Nghị quyết 72/2018/QH14 về phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan. Nghị quyết có yêu cầu sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 để phù hợp với cam kết CPTPP.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được Thủ tướng giao chấp bút soạn thảo theo yêu cầu này của Quốc hội.

Mẫu tranh cổ động chào mừng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: Công đoàn điện lực VN

Theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thì dự kiến Bộ luật Lao động 2012 sẽ sửa đổi, trong đó các liên quan về công đoàn độc lập sẽ nằm ở chương XII “Tổ chức đại diện của người lao động”.

Đáng chú ý là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không có đề xuất nào hạn chế về quyền tham gia trong các tố tụng dân sự của công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập. Nôm na, nghiệp đoàn độc lập không bị giới hạn về quyền đại diện người lao động trong tranh tụng, tổ chức đình công, bãi thị…

Xin giới thiệu toàn văn của nội dung chương XII, từ Điều 149 đến 161 của dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012.

Điều 149. Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp

  1. Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ, thúc đẩy quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật lao động.
  2. Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bao gồm công đoàn cơ sở được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn; và tổ chức khác của người lao động (sau đây gọi là nghiệp đoàn) được thành lập theo quy định của Bộ luật này.

Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Điều 150. Thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp

  1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp.
  2. Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  3. a) Trường hợp gia nhập vào hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì sau khi hoàn thành việc gia nhập, công đoàn có thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc công nhận gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh quyết định thành lập, quyết định công nhận, số lượng đoàn viên, danh sách Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.

b)

Phương án 1: Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập; thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Phương án 2: Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thực hiện theo quy định tại các điều: Điều 151, 152, 153, 154, 155, và 156 của Bộ luật này.

  1. Công đoàn cơ sở thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và nghiệp đoàn tại cơ sở có tư cách pháp nhân phi thương mại, có các quyền, nghĩa vụ và được bảo vệ theo quy định của Bộ luật này và văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 151. Hồ sơ đăng ký nghiệp đoàn (Bỏ điều này nếu điểm b Khoản 2 Điều 150 đi theo phương án 1)

  1. Văn bản đề nghị đăng ký nghiệp đoàn do người đại diện của nghiệp đoàn ký và phải bao gồm các thông tin tối thiểu sau: a) Tên nghiệp đoàn; b) Địa chỉ nghiệp đoàn; c) Họ, tên và địa chỉ của người đứng đầu nghiệp đoàn.
  2. Điều lệ của nghiệp đoàn theo quy định tại Điều 153 của Bộ luật này.
  3. Biên bản bầu cử và danh sách họ tên, địa chỉ của ban lãnh đạo được bầu của nghiệp đoàn.
  4. Danh sách có chữ ký của những thành viên sáng lập và những người tự nguyện tham nghiệp đoàn theo quy định tại Khoản 1 Điều 152 của Bộ luật này.
  5. Bản sao có chứng thực thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện và các thành viên ban lãnh đạo nghiệp đoàn.

Điều 152. Điều kiện về số lượng đoàn viên tối thiểu, ban lãnh đạo và người đứng đầu của nghiệp đoàn để được đăng ký (Bỏ điều này nếu điểm b Khoản 2 Điều 150 đi theo phương án 1)

  1. Tại thời điểm đăng ký, nghiệp đoàn phải có tối thiểu 20 đoàn viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
  2. Thành viên Ban lãnh đạo được bầu của nghiệp đoàn là người lao động Việt Nam.
  3. Thành viên Ban lãnh đạo được bầu của nghiệp đoàn không phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Điều 153. Điều lệ của nghiệp đoàn (Bỏ điều này nếu điểm b Khoản 2 Điều 150 đi theo phương án 1)

Điều lệ của nghiệp đoàn phải các nội dung chủ yếu sau đây:

  1. Tên, địa chỉ của nghiệp đoàn.
  2. Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động của nghiệp đoàn.

Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động của nghiệp đoàn phải đáp ứng những yêu cầu sau:

  1. a) Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động của nghiệp đoàn là nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền và lợi ích của đoàn viên trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp; cùng với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
  2. b) Nghiệp đoàn đăng ký theo quy định của Bộ luật này không được là tổ chức có mục đích chính trị hoặc chỉ thuần túy là tổ chức nhằm thực hiện các hoạt động xã hội hoặc các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên.
  3. Điều kiện, thủ tục gia nhập và ra khỏi nghiệp đoàn của người lao động.

Nghiệp đoàn không được đồng thời bao gồm đoàn viên là người lao động thông thường và người lao động là người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động. Người lao động là người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động là người có quyền tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến việc tuyển dụng, kỷ luật lao động, thuyên chuyển, chấm dứt hợp đồng lao động và điều kiện lao động của người lao động.

  1. Cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ, người đại diện của nghiệp đoàn. Người đại diện của nghiệp đoàn là người đứng đầu nghiệp đoàn hoặc người khác được bầu theo quy định của điều lệ của nghiệp đoàn.
  2. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động và thể thức thông qua quyết định của nghiệp đoàn. Tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
  3. a) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; b) Tự nguyện, tự quản; c) Dân chủ, minh bạch.
  4. Những nội dung sau đây phải do đoàn viên quyết định theo đa số.
  5. a) Thông qua, sửa đổi, bổ sung điều lệ của nghiệp đoàn;
  6. b) Bầu cử, miễn nhiệm người đứng đầu và ban lãnh đạo của nghiệp đoàn;
  7. c) Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên, giải thể nghiệp đoàn.
  8. Đoàn phí, nguồn tài sản, tài chính và việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của nghiệp đoàn.

Việc thu, chi tài chính của nghiệp đoàn phải được theo dõi, lưu trữ và định kỳ hàng năm công khai cho đoàn viên nghiệp đoàn.

  1. Kiến nghị và giải quyết kiến nghị của đoàn viên trong nội bộ nghiệp đoàn.
  2. Các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

Điều 154. Trình tự, thủ tục đăng ký nghiệp đoàn (Bỏ điều này nếu điểm b Khoản 2 Điều 150 đi theo phương án 1)

  1. Người đại diện của nghiệp đoàn gửi hồ sơ đăng ký theo quy định tại Bộ luật này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký nghiệp đoàn. Các tài liệu trong hồ sơ đăng ký nghiệp đoàn phải được lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập đến ngày nộp hồ sơ đăng ký.
  2. Trong trường hợp hồ sơ đăng ký thiếu các thông tin, tài liệu theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật này thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký thông báo cho người nộp hồ sơ đăng ký trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký.
  3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký phải cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Trường hợp không cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  4. Cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký từ chối đăng ký trong các trường hợp sau:
  5. a) Tài liệu và nội dung hồ sơ đăng ký không theo quy định tại các Điều 151, 152, 153 của Bộ luật này.
  6. b) Có căn cứ cho rằng tổ chức của người lao động có hành vi gian dối trong quá trình thành lập tổ chức.
  7. c) Tổ chức có nguồn tài chính không phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 155. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể và các thay đổi khác của nghiệp đoàn (Bỏ điều này nếu điểm b Khoản 2 Điều 150 đi theo phương án 1)

  1. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể nghiệp đoàn:
  2. a) Hợp nhất là trường hợp hai hoặc nhiều nghiệp đoàn đang hoạt động trong cùng một đơn vị sử dụng lao động hợp nhất thành một nghiệp đoàn mới tại đơn vị sử dụng lao động đó. Các nghiệp đoàn bị hợp nhất chấm dứt sự tồn tại và hoạt động. Nghiệp đoàn hợp nhất mới của người lao động phải tiến hành đăng ký để được thừa nhận hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  3. b) Sáp nhập là trường hợp một hoặc nhiều nghiệp đoàn đang hoạt động sáp nhập vào một nghiệp đoàn khác tại đơn vị sử dụng lao động. Nghiệp đoàn bị sáp nhập chấm dứt sự tồn tại và hoạt động. Nghiệp đoàn nhận sáp nhập phải tiến hành các thủ tục cập nhật hồ sơ đăng ký theo quy định của pháp luật để được thừa nhận hợp pháp.
  4. c) Chia nghiệp đoàn là trường hợp một nghiêp đoàn chia thành hai hoặc nhiều nghiệp đoàn mới. Nghiệp đoàn bị chia chấm dứt sự tồn tại và hoạt động. Các nghiệp đoàn mới phải tiến hành đăng ký để được thừa nhận hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  5. d) Tách nghiệp đoàn là trường hợp nghiệp đoàn đang hoạt động tách thành nghiệp đoàn mới. Nghiệp đoàn bị tách vẫn tiếp tục tồn tại và hoạt động hợp pháp sau khi hoàn thành thủ tục cập nhật hồ sơ đăng ký theo quy định của pháp luật. Nghiệp đoàn mới tách ra phải tiến hành đăng ký để được thừa nhận hợp pháp theo quy định của pháp luật.

đ) Giải thể nghiệp đoàn là việc nghiệp đoàn tự chất dứt sự tồn tại và hoạt động của mình do đoàn viên quyết định theo quy định của điều lệ tổ chức. Trình tự, thủ tục giải thể nghiệp đoàn thực hiện theo quy định của pháp luật.

  1. Việc gia nhập của nghiệp đoàn với hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Nghiệp đoàn đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền gia nhập Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Khi gia nhập Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tôn chỉ, mục đích, tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn thực hiện theo Điều lệ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc tiếp tục thực hiện theo điều lệ đã đăng ký của mình trên cơ sở thống nhất giữa nghiệp đoàn và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

  1. Trong trường hợp nghiệp đoàn có các thay đổi về tên của nghiệp đoàn, địa chỉ của nghiệp đoàn, người đứng đầu của nghiệp đoàn, điều lệ của nghiệp đoàn thì phải tiến hành các thủ tục thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký nghiệp đoàn.
  2. Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều này.

Điều 156. Thu hồi đăng ký nghiệp đoàn (Bỏ điều này nếu điểm b Khoản 2 Điều 150 đi theo phương án 1)

Nghiệp đoàn bị thu hồi đăng ký theo một trong các trường hợp sau đây:

  1. Đơn vị sử dụng lao động chấm dứt hoạt động; nghiệp đoàn chấm dứt sự tồn tại trong các trường hợp quy định tại Điều 155 của Bộ luật này;
  2. Vi phạm về tôn chỉ, mục đích của tổ chức quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 153 của Bộ luật này.

Điều 157. Thẩm quyền chấp thuận đăng ký, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, thu hồi đăng ký của nghiệp đoàn (Bỏ điều này nếu điểm b Khoản 2 Điều 150 đi theo phương án 1)

  1. Cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về lao động thực hiện việc chấp thuận đăng ký, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, thu hồi đăng ký của nghiệp đoàn.
  2. Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, thu hồi đăng ký nghiệp đoàn.

Điều 158. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, nghiệp đoàn

  1. Phân biệt đối xử đối với người lao động và cán bộ công đoàn, nghiệp đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn, nghiệp đoàn, bao gồm:
  2. a) Yêu cầu không tham gia hoặc ra khỏi công đoàn, nghiệp đoàn để được tuyển dụng hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
  3. b) Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không gia hạn hợp đồng lao động, thuyên chuyển người lao động vì lý do người lao động thành lập, gia nhập hoặc tham gia hoạt động công đoàn, nghiệp đoàn;
  4. c) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động đối với người lao động hoặc cán bộ công đoàn, nghiệp đoàn;
  5. d) Cản trở, gây khó khăn liên quan đến việc làm của người lao động và cán bộ công đoàn, nghiệp đoàn nhằm làm suy yếu hoạt động của công đoàn, nghiệp đoàn.
  6. Can thiệp, thao túng, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp kinh tế khác, vào quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của công đoàn, nghiệp đoàn nhằm làm vô hiệu hóa hoặc suy yếu việc thực hiện chức năng đại diện của công đoàn, nghiệp đoàn.

Điều 159. Quyền của cán bộ công đoàn, nghiệp đoàn

  1. Tiếp cận người lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của công đoàn, nghiệp đoàn.
  2. Tiếp cận người sử dụng lao động để thực hiện các nhiệm vụ đại diện của công đoàn, nghiệp đoàn.
  3. Được sử dụng thời gian làm việc để thực hiện các công việc của công đoàn, nghiệp đoàn mà vẫn được người sử dụng lao động trả lương. Tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn, nghiệp đoàn tối thiểu là 24 giờ làm việc trong một tháng đối với mỗi 100 đoàn viên, không kể thời gian tham gia các cuộc họp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, mà vẫn được trả lương và vẫn được coi là thời giờ làm việc, trừ trường hợp Luật Công đoàn có quy định khác. Tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn và người sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm và cách thức sử dụng thời gian làm việc của cán bộ công đoàn, nghiệp đoàn phù hợp với điều kiện thực tế.
  4. Được hưởng các bảo đảm khác theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật Công đoàn.

Điều 160. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động

  1. Không được cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động của công đoàn, nghiệp đoàn.
  2. Công nhận và tôn trọng các quyền của tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn đã được thành lập hợp pháp.
  3. Phải thỏa thuận bằng văn bản với ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban lãnh đạo của tổ chức nghiệp đoàn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ được bầu của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.

Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban lãnh đạo nghiệp đoàn và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

  1. Thực hiện các nghĩa vụ khác của người sử dụng lao động theo quy định của Luật Công đoàn và Bộ Luật này.

Điều 161. Quyền của công đoàn, nghiệp đoàn trong quan hệ lao động

  1. Thương lượng tập thể với người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Luật này.
  2. Đối thoại, tham vấn tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Luật này.
  3. Tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động; được tham khảo ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là đoàn viên của mình.
  4. Đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động yêu cầu.
  5. Tổ chức và lãnh đạo đình công.
  6. Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu về pháp luật lao động, trình tự, thủ tục thành lập công đoàn, nghiệp đoàn, tiến hành các hoạt động công đoàn, nghiệp đoàn sau khi được thành lập.
  7. Được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động công đoàn, nghiệp đoàn.
  8. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.