Vì sao bà Heidi Hautala không nói gì đến EVFTA?

Những thời khắc cuối năm 2018 và sang đầu năm 2019 đã chứng minh rất rõ ràng về hiệu ứng từ bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu: không có bất kỳ dấu hiện nào cho thấy EVFTA được Cộng đồng châu Âu cho phép Ủy ban châu Âu ký với chính quyền Việt Nam.

Minh Quân, Việt Nam Thời báo, ngày 12/01/2019

Ngược lại với niềm mong đợi đã trở thành nỗi sốt ruột của chính thể độc đảng ở Việt Nam, chuyến công du của nữ phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu – bà Heidi Hautala – đến Hà Nội vào tuần đầu tiên của năm 2019 đã chẳng hé ra chút hy vọng nào cho chính thể Việt Nam, trong lúc Chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại một lần nữa “mong muốn trên cương vị của mình, Phó Chủ tịch sẽ ủng hộ và thúc đẩy EP sớm phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu) khi được ký kết”, bà Heidi Hautala đã chẳng hé môi bất cứ từ nào về bản hiệp định phải được đánh đổi bằng quyền con người này.

Cái bắt tay của bà Heidi Hautala với Thủ tướng Phúc đã chẳng hé ra hy vọng nào cho EVFTA.

Xem ra, những chuyến đi châu Âu vào năm 2017 của Nguyễn Thị Kim Ngân, theo ý chỉ của Nguyễn Phú Trọng, nhằm ‘quốc tế vận’ cho EVFTA đang và sẽ có thể trở thành công cốc hoặc một cái gì đó đày đọa lòng kiên nhẫn của những kẻ chỉ biết nhận không biết cho.

Kể từ cuộc điều trần ở Bỉ vào tháng 10 năm 2018 cho đến cuối năm đó, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã chẳng chịu làm một điều gì để cải thiện nhân quyền. Cũng đã quá rõ là chính vì nguyên do rất chính yếu ấy mà Cộng đồng châu Âu đã không cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam, cho dù bản thảo của hiệp định này đã khá đầy đủ và nằm sẵn trên bàn chỉ chờ ký.

Trước đó vào ngày 15/11/2018, tức gần một tháng sau khi Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, Nghị viện châu Âu bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền mà đã nhấn kỳ vọng ‘EVFTA được ký kết’ từ xác suất cao hoặc rất cao xuống mốc 50/50.

Khác nhiều với quan điểm không mấy rõ ràng và dứt khoát của Ủy ban châu Âu, ngay phần đầu của nghị quyết 2018/2925(RSP) đã khẳng định: “Quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam phải căn cứ trước hết trên nền tảng tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền; và trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực này”.

Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về các quyền tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do báo chí và Internet, bắt bớ người hoạt động nhân quyền, đàn áp người biểu tình, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…

Một khả năng có thể là với não trạng chủ quan với Liên minh châu Âu (EU) – được đúc kết từ kinh nghiệm các cuộc đối thoại nhân quyền với EU mà phía Việt Nam chỉ làm một động tác duy nhất là hứa hẹn cho qua trước mọi khuyến nghị về cải thiện nhân quyền, người vừa trở thành ‘tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng cùng Thủ tướng Phúc vẫn còn tưởng đâu ‘châu Âu cần Việt Nam hơn Việt Nam cần châu Âu’ về thương mại, và cái logic tạm thành công về EVFTA trong hai tháng Mười và Mười Một năm 2018 tất yếu sẽ mang lại chiến thắng cho chính thể Việt Nam khi EVFTA phải được ký vào cuối năm đó.

Nhưng động thái tung ra bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu vào ngày 15/11/2018 đã hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để quyết định có cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không.

Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị viện châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng đồng châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam về cái thời mà bản hiệp định này mới chỉ là ý tưởng.

Những thời khắc cuối năm 2018 và sang đầu năm 2019 đã chứng minh rất rõ ràng về hiệu ứng từ bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu: không có bất kỳ dấu hiện nào cho thấy EVFTA được Cộng đồng châu Âu cho phép Ủy ban châu Âu ký với chính quyền Việt Nam.

Việc Phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu Heidi Hautala không thốt ra một từ nào liên quan đến tương lai của EVFTA trong cuộc gặp với Nguyễn Thị Kim Ngân chính là một tín hiệu đủ xấu với Việt Nam: không cải thiện nhân quyền một cách thực tâm, thực chất và có thể chứng minh được, sẽ không có EVFTA.