Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 5 từ ngày 28/01 đến 03/02/2019: Việt Nam tăng cường trấn áp hoạt động trực tuyến, bắt giữ và tra khảo 4 nhà hoạt động

 

Người Bảo vệ Nhân quyền| ngày 03/02/2019

Chính thể cộng sản ở Việt Nam tiếp tục đàn áp các hoạt động trực tuyến chỉ trích chính quyền, sử dụng Luật An ninh mạng để làm câm lặng giới bất đồng chính kiến bằng việc bắt giữ và tra khảo 4 nhà hoạt động trong vòng 1 tuần sau khi luật này có hiệu lực vào đầu tháng 1.

Ngày 26/01, cơ quan an ninh tỉnh Đồng Nai bắt giữ ông Huỳnh Minh Tâm và tiến hành khám xét nơi ở của ông. Công an đưa ông đi mà không đưa ra lệnh bắt giữ và không thông báo cho gia đình ông về nguyên nhân bắt giữ cũng như cáo buộc mà ông phải đối mặt. Dường như việc bắt giữ ông có liên quan đến những bài viết của ông trên Facebook cá nhân mang tên Huỳnh Trí Minh.

Bốn ngày sau, cơ quan chức năng của tình Dak Nong cũng tiến hành vụ bắt giữ tương tự và lần này nạn nhân là cô Dương Thị Lanh sau khi triệu tập cô lên Uỷ ban Nhân dân xã để “làm việc” về sự liên quan của cô đến hai Facebooker Uyen Thuy và Mai Bui. Uyên Thuỳ là một Facebooker thuộc nhóm Hiến Pháp, một nhóm bị nhà cầm quyền đàn áp với việc bắt giữ tám thành viên kể từ đầu tháng 9 năm 2018.

Việc đàn áp tiếp tục với cuộc tra khảo sinh viên đại học Trần Ngọc Phúc bởi sỹ quan an ninh của tỉnh Bến Tre trong ngày 01/02 về những hoạt động trực tuyến, cụ thể là việc Phúc tham gia một số nhóm online và đăng tải nhiều bài viết trên Facebook với nick Ngọc Phúc có nội dung “chống lại chủ trương, chính sách của đảng cẩm quyền.” Chưa rõ hình thức trừng phạt áp dụng cho Phúc vì công an còn đang điều tra sự việc.

Ngày 23/01, công an tỉnh Bình Dương bắt giữ Trần Văn Quyền vì sự liên quan của anh này với Việt Tân, một đảng chính trị của người Việt có trụ sở tại California và bị chính phủ Việt Nam liệt vào nhóm khủng bố.

Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất bị mất tích ở Bangkok sau khi đến Văn phòng Cao uỷ LHQ về Người tỵ nạn để đăng ký. Ông Nhất được cho là trốn khỏi Việt Nam và tới Thái Lan ngày 19/01 để tránh sự đàn áp của chính quyền cộng sản Việt Nam. 

Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) và Boat People SOS (BPSOS) đang thu thập thông tin cá nhân của Ban Giám đốc Sở Công an thành phố Sài Gòn để lập hồ sơ theo Luật Magnitsky.

Theo đó, Ban Giám đốc của Sở Công an thành phố là những kẻ chịu trách nhiệm chính về vụ đàn áp người biểu tình giữa tháng 6 năm 2018, với việc hàng trăm người bị bắt giữ, tra khảo và đánh đập trong ngày 10/6 và đặc biệt là ngày 17/6, lực lượng công an đưa người bị bắt về công viên Tao Đàn để tra tấn họ hàng giờ trước khi trả tự do cho họ.

Những thông tin cần có trong hồ sơ của một cá nhân bị cho là vi phạm nhân quyền là tên tuổi, ngày sinh, số hộ chiếu và những thông tin cá nhân khác.

Và một số tin quan trọng khác.

===== 28/01 =====

Việt Nam bắt giữ Facebooker Huỳnh Trí Tâm, chưa công bố cáo buộc 

Theo một số Facebooker dẫn tin từ gia đình, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt giữ Facebooker Huỳnh Trí Tâm, tên thật là Huỳnh Minh Tâm, vì liên quan đến những bài viết chỉ trích chế độ trên trang cá nhân.

Theo đó, công an tỉnh Đồng Nai đã ập vào nhà riêng của ông Huỳnh Minh Tâm vào sáng ngày 26/01, bắt giữ và đưa ông về trụ sở Công an tỉnh. Sau đó, lực lượng công an tiến hành khám xét nhà ở của ông này.

Tuy nhiên, dường như phía công an chưa công bố cáo buộc chống lại Facebooker này.

Facebooker Huỳnh Trí Tâm có nhiều bài viết trên trang cá nhânchỉ trích nhà cầm quyềnViệt Nam về nhiều lĩnh vực như chủ quyền, chính sách kinh tế, tham nhũng…Nhiềubài viết có số lượt like và chia sẻ khácao.

Theomột số nhà hoạt động, ông có gia đình với hai con nhỏ.

Facebooker Huỳnh Trí Tâm là người đầu tiên bị bắt vì những bài viết online sau khi luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm nay, và là nhà hoạt động thứ 2 bị bắt kể trong tháng 1. Trước đó, vào giữa tháng 1, công an Sài Gòn đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Viên, thành viên của Hội Anh em Dân chủ, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật hình sự 2015.

Với việc bắt giữ hai nhà hoạt động Huỳnh Minh Tâm và Nguyễn Văn Viên, chế độ cộng sản Việt Nam cho thấy họ tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến bằng bắt bớ, cáo buộc nghiêm trọng và án tù nhiều năm nhằm giữ chế độ độc đảng.

Trong năm 2018, cộng sản Việt Nam bắt giữ ít nhất 27 nhà hoạt động và kết án 41 người với tổng mức án là 301 năm 9 tháng tù giam và 69 năm quản chế. Ngoài ra, cộng sản còn bắt giữ hàng trăm người biểu tình ôn hoà, đánh đập nhiều trong số họ và kết án hơn 60 người với mức án từ 8 tháng đến 54 năm tù giam, theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền.

——————–

Nhà hoạt động Hà Văn Nam bị bắt cóc, đánh gãy hai xương sườn

Nhà hoạt động xã hội Hà Văn Nam, một trong những người mạnh mẽ lên tiếng và đấu tranh với nhiều “BOT bẩn”, đã bị bắt cóc và đánh đập một một cách dã man trong ngày 28/01/2019.

Theo một video phổ biến rộng rãi trên Facebook, sáng thứ Hai, anh Hà Văn Nam đang ngồi uống nước và live stream ở gần nhà ở quận Từ Liêm (Hà Nội) thì bị một nhóm người đến từ một xe oto đeo biển kiểm soát 29B – 40960 giả  bắt cóc.

Bọn bắt cóc dùng băng dính bịt miệng, tống anh lên xe đưa anh đi lòng vòng nhiều nơi, đánh đập anh rồi đẩy anh xuống khu vực gần bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng. Do bị đánh đập, anh bị gãy hai xương sườn và có nhiều vết bầm tím trên người.

AnhHà Văn Nam là một trong số người mạnh mẽ lên tiếng và đấu tranh với BOT bẩn như Tân Đệ; Bắc thăng Long-Nội Bài; An Sương-An Lạc, nhằm đòi quyền lợi chính đáng của người dân nhằm xây dựng một xã hội minh bạch.

BOT bẩn là một khái niệm khá mới mẻ nhưng phổ biến ở Việt Nam, là từ sử dụng cho những trạm thu phí không được đặt đúng vị trí một cách cố ý nhằm buộc người dân phải đóng phí cầu đường cho dù họ không sử dụng dịch vụ mà công ty tư nhân đầu tư theo dạng build-operate-transfer (BOT).

Việt Nam có gần 100 trạm thu phí dạng BOT và hàng chục trong số đó được đặt sai vị trí và chủ đầu tư thu tiền một cách bất chính từ người có ô tô. Việc thu phí bất hợp pháp này là một trong nhiều nguyên nhân làm cho chi phí sản xuất cao hơn ở Việt Nam.

Nhiều quan chức chính phủ và địa phương đứng đằng sau các công ty xây dựng kia, và họ sử dụng cảnh sát, quân đội và côn đồ để bảo vệ quyền lợi bất hợp pháp của chủ trạm thu phí.

Trong nhiều tháng gần đây, nhiều tài xế đã liên kết để đánh BOT bẩn, như đỗ xe gây tắc nghẽn, sử dụng tiền mệnh giá thấp hoặc mệnh giá cao nhất để trả và kéo dài thời gian trả, gây tắc nghẽn buộc chủ trạm thu phí phải xả trạm.

Để đối phó, chủ trạm liên kết với chính quyền địa phương để trấn áp, bắt cóc và đánh đập những người đứng đầu chống BOT bẩn.

Video của anh Hà Văn Nam live stream trước khi bị bắt cóc: https://www.facebook.com/namtrung.999/videos/2305311143035463/

===== 29/01 =====

Tù nhân lương tâm Ngô Hào bị đột quỵ trong Trại giam An Điềm

Theo gia đình, tù nhân lương tâm Ngô Hào đã bị đột quỵ trong Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam), nơi ông đang thụ án tù 15 năm vì cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”

Tuy ông Ngô Hào bị đột quỵ ở tuổi 72 nhưng trại giam không thông báo cho gia đình mà vợ và con ông chỉ được biết khi thăm ông trại cơ sở này vào ngày 28.

Người đầu tiên đưa tin về tình hình bệnh tật của ông Ngô Hào là anh Hoàng Nguyên, em trai của tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình, người đang thụ án tù 14 năm tại Trại giam An Điềm. Nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Đức Bình đã nói ông Ngô Hào bị bệnh nặng với em trai mình, nhưng anh không thể nói chi tiết vì nhân viên trại giam không cho anh nói về vấn đề này.

Theo gia đình ông Ngô Hào, ông hiện rất yếu, bước đi không vững. Ông còn bị bệnh đục thuỷ tinh thể, một mắt không còn nhìn thấy gì và mắt kia thị lực giảm 40%.

Gia đình ông lo ngại rằng với sức khoẻ như hiện nay, ông khó có thể sống để thụ nốt 9 năm tù giam với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đối xử vô nhân đạo của trại giam. Gia đình ông kêu gọi cộng đồng quốc tế và trong nước lên tiếng để ông có thể được trả tự do hoặc ít nhất được hoãn thi hành án để chữa bệnh. 

Cách đây 3 năm, ông cũng đã bị đột quỵ trong trại giam.

Ông Ngô Hào là cựu quân nhân của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Ông tham gia hoạt động dân chủ, viết bài chỉ trích chế độ cộng sản độc tài ở Việt Nam.

Ông bị bắt vào ngày 8/02/ 2013 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999. 

Ông là một trong hàng trăm tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam, theo các tổ chức nhân quyền quốc tế và Việt Nam.

===== 29/01 =====

nhân lương tâm Nguyễn Trung Trực bị chuyển đi Thanh Hoá

Tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Trực, cựu phát ngôn nhân của Hội Anh em Dân chủ, đã bị chuyển đi thi hành án tù 12 năm tại Trại giam số 5 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

Theo gia đình thì Công an tỉnh Quảng Bình không thông báo tin chuyển trại cho gia đình mà gia đình nhận được tin từ một người quen cũng có người thân đang bị giam giữ tại trại giam của công an tỉnh.

Trại giam số 5 cách tỉnh Quảng Bình hàng trăm kilomet và việc chuyển trại này sẽ gây khó khăn cho gia đình trong việc thăm nuôi.

Ông Nguyễn Trung Trực, 45 tuổi, bị bắt ngày 24/8/2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999. Trong phiên sơ thẩm ngày 12/9/2018, ông bị Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Bình kết án 12 năm tù giam và 5 năm quản chế. Toà án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đã y án trong phiên phúc thẩm ngày 26/12/2018.

Trong cả hai phiên xử, ông khảng khái nói rằng ông vô tội vì chỉ hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ.

Ngoài việc đánh đập và kết án với những bản án nặng nề, chính quyền cộng sản còn đày đoạ những tù nhân lương tâm bằng cách chuyển họ đi thi hành án ở những trại giam xa gia đình từ hàng trăm đến gần 2,000 km.

Tù nhân, kể cả tù nhân lương tâm còn bị buộc lao động nặng nhọc như làm đồ thủ công, bóc hạt điều trong điều kiện thiếu trang bị bảo hộ lao động.

===== 30/01 =====

Ân xá Quốc tế nêu 4 khuyến nghị trong Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã đưa ra 4 khuyến nghị đề nghị Liên minh Châu Âu (EU) nên ra trong cuộc đối thoại nhân quyền giữa khối này với Việt Nam vào đầu tháng Ba năm nay.

Trong khuyến nghị thứ nhất, Ân xá Quốc tế bày tỏ lo ngại rằng Việt Nam sẽ sử dụng luật An ninh mạng để bịt miệng giới bất đồng chính kiến. Do vậy, tổ chức này đề nghị EU thúc giục chính phủ Việt Nam sửa đổi luật này cho phù hợp với luật nhân quyền quốc tế.

Tù nhân lương tâm là mối lo ngại thứ hai của Ân xá Quốc tế. Theo đó, Việt Nam là một trong những nước giam giữ nhiều tù nhân lương tâm nhất khu vực Đông Nam Á. Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại London cho rằng Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm, và ngưng các hoạt động bắt giữ và kết án những người hoạt động xã hội và nhân quyền ôn hoà.

Ân xá Quốc tế lo ngại việc chính quyền cộng sản Việt Nam kiềm toả các quyền tự do biểu đạt, tự lập hội và tự do hội họp ôn hoà dù Hiến pháp 2013 của Việt Nam công nhận các quyền tự do căn bản này. Theo Ân xá Quốc tế, Việt Nam thường xuyên sách nhiễu và đàn áp những người thực hiện các quyền trên, với minh chứng rõ nhất là bắt giữ và đánh đập hàng trăm người biểu tình ôn hoà ở Sài Gòn giữa tháng Sáu năm 2018.

Vấn đề cuối cùng mà Ân xá Quốc tế nêu ra là Việt Nam còn sử dụng án tử hình, là một trong nhóm nước có nhiều án tử hình nhiều nhất thế giới. Theo Ân xá Quốc tế, Việt Nam cần bãi bỏ án tử hình.

===== 30/01 ===== 

DTD, BPSOS lập hồ sơ Magnitsky của Ban Giám đốc Công an thành phố HCM

Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) và Boat People SOS (BPSOS) đang thu thập thông tin cá nhân của Ban Giám đốc Sở Công an thành phố Sài Gòn để lập hồ sơ theo Luật Magnitsky.

Theo đó, Ban Giám đốc của Sở Công an thành phố là những kẻ chịu trách nhiệm chính về vụ đàn áp người biểu tình giữa tháng 6 năm 2018, với việc hàng trăm người bị bắt giữ, tra khảo và đánh đập trong ngày 10/6 và đặc biệt là ngày 17/6, lực lượng công an đưa người bị bắt về công viên Tao Đàn để tra tấn họ hàng giờ trước khi trả tự do cho họ.

Những thông tin cần có trong hồ sơ của một cá nhân bị cho là vi phạm nhân quyền là tên tuổi, ngày sinh, số hộ chiếu và những thông tin cá nhân khác.

Hai tổ chức DTD và BPSOS kêu gọi cộng đồng mạng thu thập và cung cấp thông tin cá nhân của Ban Giám đốc Sở Công an thành phố Sài Gòn hiện nay để lập hồ sơ nộp cho Chính phủ Hoa Kỳ.

Theo website của Sở Công an thành phố, Ban Giám đốc có Giám đốc Nguyễn Đông Phong và 11 Phó Giám đốc, đều được bổ nhiệm năm 2015 và họ đang ở vị trí hiện tại trong tháng 6 năm 2018.

Luật Magnitsky (Magnitsky Act) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và Tổng thống Barack Obama khi đó ký ban hành năm 2012. Kể từ năm 2016, luật được áp dụng trên toàn cầu, ủy quyền cho Chính phủ Hoa Kỳ xử phạt những cá nhân được coi là người vi phạm nhân quyền, và chế tài là đóng băng tài sản của họ và cấm họ vào Hoa Kỳ.

===== 31/01 ===== 

Dak Nong bắt giữ nhà hoạt động Dương Thị Lanh vì hoạt động trực tuyến

Cơ quan công an tỉnh Dak Nong đã bắt giữ cô Dương Thị Lanh, một công dân địa phương, về những hoạt động trực tuyến của mình.

Theo anh Trần Côi, chồng của Dương Thị Lanh, công an đã bắt giữ vợ anh vào chiều ngày 30/01 nhưng không thông báo cho gia đình viết về cáo buộc mà vợ anh phải đối mặt.

Sáng ngày 30/01, vợ anh nhận được một giấy mời của cơ quan điều tra, công an tỉnh Đak Nong, đến trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, để “làm việc liên quan đến Facebook Uyên Thuỳ và Mai Bùi” vào đầu giờ chiều cùng ngày.

Anh Trần Côi nói sau khi vợ anh đi lên trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã thì công an kéo tới rất đông và lục soát nhà anh, thu giữ ba điện thoại và vài bộ quần áo lính mà vợ chồng anh đã mua ở chợ.

Công an thông báo việc bắt giữ vợ anh nhưng từ chối đưa lệnh bắt cũng như không công bố nguyên nhân của việc bắt giữ.

Chị Dương Thị Lanh là một người hoạt động ôn hoà, từng tham gia một số cuộc biểu tỉnh ở Sài Gòn, trong đó có buộc biểu tình phản đối hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu Kinh tế vào ngày 10/6/2018. Chị có bị bắt vào ngày 11/6 nhưng được trả tự do sau nhiều giờ tra khảo. Chị thường viết và chia sẻ nhiều bài viết về nhân quyền và dân chủ trên tài khoản Facebook cá nhânSG Ngọc Lan.

Uyên Thuỳ là Facebook của Nguyễn Thị Thuỷ, một thành viên của nhóm Hiến Pháp. Từ đầu tháng 9 năm 2018, 8 thành viên của nhóm đã bị bắt với những cáo buộc mơ hồ trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự trong khi một số khác phải trốn chạy.

Chị Dương Thị Lanh là Facebooker thứ hai bị bắt vì những hoạt động trực tuyến sau khi luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu tháng 1 năm nay.

Tuần trước, cơ quan an ninh tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ nhà hoạt động Huỳnh Minh Tâm (Facebooker Huỳnh Trí Tâm) nhưng vẫn không công bố cáo buộc.

===== February 01 ===== 

HRW: Việt Nam gian dối trong báo cáo ở UPR

Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) thì Việt Nam đã đưa ra một báo cáo nhân quyền sai khác với thực tế lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc trong kỳ Đánh giá Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review) vào ngày 22/01/2019 tại Geneva (Thuỵ Sỹ).

Theo HRW, trong thực tế, Việt Nam không hoặc chưa thực thi 175 trong số 182 khuyến nghị mà Hà Nội đã chấp thuận từ đợt Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) năm 2014.

Cụ thể, Việt Nam hạn chế các quyền dân sự và chính trị cơ bản, và đã gia tăng đàn áp mạnh tay đối với các nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến.

HRW nói hệ thống tư pháp của Việt Nam là một công cụ đàn áp của chính quyền, quyền tiếp xúc với luật sư và quyền được xét xử công bằng bị hạn chế, trái ngược với phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trong đợt kiểm định UPR này, rằng “Việt Nam đảm bảo cho mọi người quyền bình đẳng trước pháp luật và được tiếp cận luật sư biện hộ.”

HRW dẫn con số 63 người hoạt động và blogger bị bắt giữ trong hai năm 2017 và 2018, và số ngườị bị kết tội theo cáo buộc an ninh quốc gia ngụy tạo là 41 trong năm 2018 và 17 trong năm trước đó. Nhiều người bị kết án với mức án trên 10 năm.

Theo HRW, trong hầu hết các vụ án chính trị, người hoạt động chỉ được tiếp xúc ngắn ngủi với luật sư trước phiên xử, và nhiều phiên xử diễn ra trong 1 ngày, thậm chí là vài giờ.

HRW cũng chỉ trích Việt Nam về hạn chế quyền tự do tôn giáo, và người theo các nhóm tôn giáo độc lập với nhà nước thì bị sách nhiễu, đe doạ, hành hung, câu lưu và tra tấn.

Cũng theo tổ chức này thì Việt Nam không có nền báo chí truyền thông độc lập mà 900 cơ quan báo chí, 60 nhà xuất bản và một đài phát thanh phủ sóng gần như khắp cả nước là công cụ tuyên truyền của chính quyền hay Đảng Cộng sản.

Theo HRW, chính phủ Việt Nam lờ đi một thực tế là theo Luật An ninh mạng, hàng chục triệu người sử dụng internet ở Việt Nam sẽ không có quyền bảo mật riêng tư và có thể bị bắt giữ tùy tiện vì đăng tải thông tin bị chính quyền cho là đe dọa tới an ninh quốc gia.

Việt Nam có hơn 68,000 đoàn thể và tổ chức, nhưng chúng bị kiểm soát bởi nhà nước. Các tổ chức độc lập không thể hoạt động vì bị sách nhiễu, đàn áp.

HRW kết luận rằng nhà cầm quyền Việt Nam thường viện cớ an ninh quốc gia để cố biện minh cho chính sách đàn áp các quyền dân sự và chính trị cơ bản, và hệ thống pháp luật không nhằm bảo vệ an ninh quốc gia mà để bảo vệ sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản.

——————– 

9 nghị sỹ Châu Âu kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình 

Một nhóm 9 nghị sỹ Quốc hội Châu Âu đã gửi một bức thư chung đến Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi trả tự do ngay ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động về môi trường và côngđoànHoàng Đức Bình.

Trong bức thư chung đề ngày 01/02, nhóm nghị sỹ nói rằng việcbắt giam và xử án tù nhà hoạt động Hoàng Đức Bình đã đi ngược lại các quy định trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đãký kết.

Cácnghị sỹ cũng bày tỏ lo lắng về sức khoẻ xấuhiện nay của ông HoàngĐức Bình, người bị bắt ngày 15/5/2017 và bị kết án 14 năm với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Nhómnghị sĩ cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam phải đảm bảo bồi thường đầy đủ theo luật quốc tếcho ông Hoàng Đức Bình cũng nhưđiều tra những quan chức công an, toà án, và nhà tù chịu trách nhiệm về những đối xử tàn tệ đối với ông Hoàng Đức Bình. 

Các nghị sĩ cũng yêu cầu ViệtNam phải để ông Hoàng Đức Bình được ở trong nước, không trục xuất ông ra nước ngoài như điều kiện để được trả tự do.

Đề cập đến Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA), các nghị sỹ nói Việt Nam phải tuân thủ các quyền cơ bản của người dân nếu muốn Nghị viện Châu Âu thông qua.

Cácnghị sỹ đã ký vào bức thư chung là Barbara Lochbihler, Wajid Khan, Petras Austrevicius, Anne-Marie Mineur, Ana Gomes, Karoline Graswander-Hainz, Reinhard Bütikofer, David Martin, và Marietje Schaake.

——————–

Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất mất tích ở Thái Lan

Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, blogger nổi tiếng với trang cá nhân “Một góc nhìn khác,” đã bị mất tích ở Thái Lan.

Theo trang web The Vietnamese, blogger Trương Duy Nhất được nhìn thấy lần cuối cùng vào ngày 25/01/2019 khi đăng ký xin tỵ nạn tại Văn phòng Cao uỷ về Người Tỵ nạn ở thủ đô Bangkok.

Ông được cho là đã đến Thái Lan ngày 19/01. Hiện số điện thoại của ông vẫn đổ chuông nhưng không ai trả lời cuộc gọi đến.

Gia đình ông có liên lạc với cảnh sát Thái Lan nhưng được trả lời là phía Thái Lan không giam giữ người nào có thông tin như gia đình cung cấp. Thông thường, người nước ngoài bị bắt vì sống bất hợp pháp thì bị giam giữ ở IDC (Immigration Detention Center) ở thủ đô Bangkok.

Ông Trương Duy Nhất có nhiều bài viết chỉ trích ban lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, và do vậy, ông bị bắt với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật hình sự 1999. 

Ông bị kết tội năm 2014 với mức án 2 năm tù giam. Kể từ khi được trả tự do năm 2015, ông ít viết hơn về chính trị. Ông có vợ hiện ở Đà Nẵng, và cô con gái đang theo học đại học ở Canada.

Một số nhà hoạt động cho rằng ông Trương Duy Nhất có quan điểm “thân” với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu bí thư Đà Nẵng và trưởng ban kiểm tra trung ương của đảng cầm quyền Nguyễn Bá Thanh, người đã chết vì căn bệnh ung thư máu chỉ một thời gian ngắn được điều ra Hà Nội.

===== 02/02 ===== 

Sinh viên Trần Ngọc Phúc bị tra khảo vì viết bài trên Facebook

Ngày 01/02/2019, Công an tỉnh Bến Tre đã tra khảo sinh viên Trần Ngọc Phúc về việc “đã có hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để tuyên truyền chống đảng và nhà nước.”

Theo báo mạng Đồng Khởi của tỉnh Bến Tre, Trần Ngọc Phúc sử dụng tài khoản Facebook mang tên Ngọc Phúc tham gia nhiều nhóm chống đối chính trị như  Miền Nam Việt Nam, Đô Thành Sài Gòn Fanclub, Thích BBC Vietnamese, và viết bài, chia sẻ và bình luận nhiều bài viết để xuyên tạc đường lối, chính sách của nhà cầm quyền cộng sản.

Báo cũng đưa tin Phúc thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình và phía công an đang củng cố hồ sơ về vụ việc. 

Anh có thể bị bắt giữ với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật hình sự, với mức án cao nhất là 12 năm tù giam.

Trong năm 2018, 5 nhà hoạt động đã bị bắt vì cáo buộc theo Điều 117 và hai trong số họ đã bị kết án: ông Huỳnh Trương Ca bị án 5 năm 6 tháng tù còn bác sỹ Nguyễn Đình Thành bị án tù 7 năm.

Trần Ngọc Phúc có thể là Facebooker thứ 3 bị bắt giữ trong năm tuần đầu tiên của 2019, chỉ hơn một tháng sau khi Luật An ninh mạng có hiệu lực. Hai người bị bắt trong tháng 1 là Huỳnh Minh Tâm và Dương Thị Lành. Họ đều bị bắt vì viết và chia sẻ bài viết phê phán chế độ cộng sản trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, quản lý kinh tế yếu kém, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền…

Luật An ninh mạng được quốc hội cộng sản thông qua ngày 12/6/2018, hai ngày sau khi hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình phản đối dự luật này cùng dự luật Đặc khu Kinh tế. Luật An ninh mạng bị coi là công cụ của chế độ cộng sản nhằm trấn áp giới bất đồng chính kiến trên không gian mạng, và bị nhiều tổ chức nhân quyền, nhiều chính phủ dân chủ trên thế giới phản đối.

——————–

Bộ Công an bắt giữ Trần Văn Quyền với cáo buộc là thành viên Việt Tân

Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã bắt giữ anh Trần Văn Quyền hai tuần trước tết Nguyên Đán, với cáo buộc là thành viên của Canh tân Cách mạng Đảng (Việt Tân).

Theo luật sư Nguyễn Văn Miểng, anh trai của anh Quyền cho biết Quyền bị bắt giữ ngày 23/01/2019 tại Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Sau khi bắt giữ anh tại một quán cafe, công an đã đưa anh về để khám nhà khẩn cấp. Không rõ phía công an có thu giữ được gì không.

Phía gia đình không nhận được văn bản nào từ phía công an về việc bắt giữ cũng như khám nhà. Khi gửi quần áo và thực phẩm cho Quyền trong trại giam, gia đình chỉ được thông báo bằng miệng rằng “Quyền bị bắt vì tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân.”

Anh Trần Văn Quyền, sinh năm 1999, quê Hà Tĩnh, là thợ lắp đặt Camera và sống ở Dĩ An.

Hiện anh bị tạm giam tại Trại tạm giam B34 – Bộ Công an tại huyện Củ Chi.

Việt Tân là một đảng chính trị của người Việt có trụ sở ở California (Hoa Kỳ), bị chế độ cộng sản ở Việt Nam coi là tổ chức khủng bố. 

Giữa tháng 1 năm 2019, an ninh Việt Nam cũng bắt một công dân Australia tên là Châu Văn Khâm, thành viên của Việt Tân, cùng với Nguyễn Văn Viên, thành viên của Hội Anh em Dân chủ, khi hai người gặp gỡ tại Sài Gòn.

==================== 

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây: https://www.vietnamhumanrightsdefenders.net/2019/02/03/74705/