Các chính sách chế tài kẻ vi phạm nhân quyền trong luật Hoa Kỳ

Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, BPSOS- Mạch sống Media, ngày 5/4/2019

Gần đây Việt Nam đã liên tiếp trải qua 3 cuộc kiểm điểm: kiểm điểm về chống tra tấn, kiểm điểm định kỳ phổ quát và kiểm điểm về quyền dân sự và chính trị. Câu hỏi đặt ra là, ngoài sự mất mặt trước quốc tế, các cuộc kiểm điểm này có công dụng thực tế nào không?

Các định chế nhân quyền của LHQ chỉ có thể lên tiếng về các vụ vi phạm chứ không có biện pháp trừng phạt kẻ vi phạm. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng sự tiếng nói uy tín của LHQ để vận động các quốc gia có biện pháp chế tài trừng phạt kẻ vi phạm. Đó sẽ là trọng tâm của cuộc tổng vận động Quốc Hội Hoa Kỳ năm 2019 do BPSOS tổ chức ngày 10 tháng 7 tới đây.

Quang cảnh buổi kiểm điểm Việt Nam về việc thực thi Công Ước về Quyền Dân Sự và Chính Trị tại trụ sở LHQ – 11-12/03/2019

Trong thời gian 2 năm qua, người Việt ở trong và ngoài nước chỉ biết và bàn đến Luật Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Act, hoặc GMA). Thực ra, Hoa Kỳ có nhiều chính sách chế tài với các công dụng khác nhau. Dưới đây là 4 chính sách có thể áp dụng lên Việt Nam.

Các chính sách chế tài của Hoa Kỳ có thể áp dụng đối với Việt Nam

A. Cấm nhập cảnh đối với các giới chức chính quyền vi phạm tự do tôn giáo, theo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998

Chính sách chế tài theo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (International Religious Freedom Act, hoặc IRFA), do Dân Biểu Frank R. Wolf (Cộng Hoà, Virginia) là tác giả, được đưa vào Điều 212(a)(2)(G) của Luật Di Dân và Quốc Tịch  (Immigration and Nationality Act): Những giới chức chính quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách đặc biệt trầm trọng (particularly severe violations) sẽ bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh Hoa Kỳ mãn đời. “Đặc biệt trầm trọng” được định nghĩa là “có hệ thống, đang tiếp diễn và nghiêm trọng”, chẳng hạn:

(1)    Hành vi tra tấn hoặc các đối xử độc ác, vô nhân hoặc hạ nhân phẩm;

(2)    Giam giữ dài lâu mà không rõ tội;

(3)    Bắt cóc hoặc làm mất tích;

(4)    Khước từ quyền sống, tự do hoặc an toàn của các cá nhân.

Luật pháp Hoa Kỳ định nghĩa vi phạm tự do tôn giáo là sự ngăn cấm, hạn chế hoặc trừng phạt tuỳ tiện đối với:

(1)    Việc nhóm họp ôn hoà để sinh hoạt tôn giáo — tuỳ tiện bắt buộc đăng ký sinh hoạt tôn giáo cũng là vi phạm;

(2)    Quyền tự do biểu đạt về tín ngưỡng của mình;

(3)    Việc cải đạo hoặc chọn tổ chức tôn giáo theo ý nguyện của mình;

(4)    Việc chọn lựa không theo một tôn giáo đặc thù, hoặc bất kỳ một tôn giáo nào;

(5)    Quyền sở hữu và phát tán các tài liệu về tôn giáo;

(6)    Quyền giáo dưỡng con cái theo các tín điều và thực hành tôn giáo do bố mẹ chọn lựa.

Xem thêm: https://www.law.cornell.edu/uscode/text/8/1182 

Bích chương về khóa huấn luyện các nhà vận động trẻ năm 2019

Chính chế tài này đã không được các đời Hành Pháp trước đây áp dụng, ngoại trừ trong một số rất ít trường hợp. Để áp lực Hành Pháp thực thi đúng đắn chính sách, năm 2016, Dân Biểu Christopher Smith đã đưa vào Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 2016 mà Ông là tác giả điều luật đòi hỏi Bộ Ngoại Giao báo cáo Quốc Hội mỗi năm 2 lần về việc thực thi biện pháp chế tài. Bộ Ngoại Giao đã bỏ 2 năm 2017 – 2018 để thiết kế hệ thống điện toán nhằm thu thập, lưu trữ và cập nhật thông tin nhằm đáp ứng đòi hỏi mới này của luật pháp. Nay BNG sẵn sàng đón nhận các hồ sơ đề nghị chế tài.

Chính sách chế tài theo IRFA có những hạn chế như sau, so với GMA:

(1)    Chỉ áp dụng cho các giới chức chính quyền, chứ không áp dụng cho những thủ phạm ở ngoài chính quyền như GMA.

(2)    Chỉ áp dụng cho các vi phạm quyền tự do tôn giáo trong khi GMA áp dụng cho mọi lĩnh vực nhân quyền.

(3)    IRFA chỉ cấm nhập cảnh trong khi GMA vừa cấm nhập cảnh vừa đóng băng tài sản.

Luật IRFA có 3 ưu điểm so với Luật Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Act, hoặc GMA):

(1)    Tiêu chuẩn và thủ tục dễ dàng hơn: GMA đòi hỏi sự vi phạm phải đạt mức “thô bạo” (tra tấn, giết hại, thủ tiêu…) trong khi IRFA chỉ đòi hỏi mức đặc biệt trầm trọng (giam giữ dài lâu, bắt cóc, đe doạ an toàn cá nhân…).

(2)    Không có thời hạn: GMA tập trung vào những hành vi đàn áp từ 5 năm trở lại; theo IRFA, thì bất luận hành vi xảy ra khi nào, có thể 5 năm, 10 năm trước hoặc lâu hơn vẫn được tính kể.

(3)    Cứu xét và quyết định nhanh chóng: Việc cứu xét chế tài theo GMA thường mất nhiều thời gian, lên đến nhiều năm, vì Bộ Ngân Khố phải âm thầm truy tìm tài sản của thủ phạm trước khi họ quyết định chế tài. Quyết định chế tài theo IRFA nhanh hơn vì hoàn toàn thuộc thẩm quyền của BNG do không liên quan gì đến việc đóng băng tài sản.

B. Cấm nhập cảnh theo Điều 7031(c) của Luật Ngân Sách Cho Bộ Ngoại Giao

Từ năm 2017 cho đến nay, Luật Ngân Sách Cho BNG đều có điều khoản cấm nhập cảnh, Điều 7031(c), đối với những giới chức chính quyền liên can đến các vụ tham nhũng “khủng” hoặc các vụ đàn áp nhân quyền “thô bạo”; lệnh cấm này mang tính cách mãn đời và áp dụng cho cả vợ, chồng, con của đối tượng. Điều luật này có thể xem là nằm giữa IRFA và GMA:

(1)    Điều luật này không đóng băng tài sản như GMA mà chỉ ngăn cấm nhập cảnh, giống như IRFA;

(2)    Điều luật áp dụng cho mọi lĩnh vực nhân quyền, giống như GMA, chứ không chỉ riêng tự do tôn giáo như IRFA;

(3)    Tiêu chuẩn chế tài là hành vi đàn áp phải ở mức “thô bạo”, giống GMA;

(4)    Điều luật cũng áp dụng cho các trường hợp tham nhũng khủng, giống GMA.

Trong mọi chính sách chế tài, chỉ có Điều 7031(c) là đặc biệt áp dụng đối với cả vợ, chồng, con của đối tượng bị chế tài.

Xem thêm: https://www.congress.gov/bill/116th-congress/house-joint-resolution/31

C. Cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản theo Luật Magnitsky Toàn Cầu (GMA) năm 2016

Người Việt ở trong và ngoài nước chú ý nhiều đến các biện pháp chế tài trong luật GMA, mà tác giả ở Hạ Viện Hoa Kỳ cũng là DB Christopher Smith. Luật này có những điểm đặc điểm như sau:

(1)    Đối tượng để bị chế tài gồm có:

  1. Các cá nhân hoặc thực thể, trong và ngoài chính quyền, là thủ phạm đàn áp nhân quyền thô bạo.
  2. Các giới chức chính quyền và các kẻ đồng loã chính ở ngoài chính quyền tham gia vào các vụ tham nhũng khủng.

(2)    Biện pháp chế tài gồm có cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ của đối tượng.

GMA khác với IRFA và điều luật 7031(c) ở 2 điểm:

(1)    Ngay cả những cá nhân và thực thể (công ty, ngân hàng, tổ chức…) ngoài chính quyền nhưng đồng loã với chính quyền hoặc với các giới chức chính quyền cũng có thể bị chế tài;

(2)    Đóng băng tài sản – đây là biện pháp không có trong luật IRFA hoặc điều luật 7031(c).

GMA giống Điều Luật 7031(c) ở chỗ là không giới hạn nơi quyền tự do tôn giáo như IRFA, mà áp dụng cho mọi lĩnh vực nhân quyền nhưng phải ở mức thô bạo.

Xem thêm: https://www.govinfo.gov/content/pkg/CRPT-114hrpt840/pdf/CRPT-114hrpt840.pdf

D. Cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản theo Pháp Lệnh 13818

Pháp lệnh 13818 (Executive Order, hoặc EO, 13818) là một bất ngờ lớn cho những tổ chức nhân quyền, vốn hoài nghi về sự quan tâm của Hành Pháp Trump về nhân quyền. Được TT Trump ban hành ngày 20 tháng 12, 2017, EO 13818 nới rộng Luật GMA ở 3 điểm quan trọng:

(1)    Hạ thấp tiêu chuẩn về vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng: EO 13818 không đòi hỏi là việc vi phạm nhân quyền phải ở mức “thô bạo” mà chỉ cần ở mức “trầm trọng”; hơn nữa, EO 13818 chỉ cần 1 lần vi phạm thay vì có dạng mẫu vi phạm như trong luật GMA. Tương tự, EO 13818 không đòi hỏi tham nhũng ở mức “khủng” mà chỉ là có tham nhũng.

(2)    Không đòi hỏi nạn nhân phải là người đấu tranh hoặc thực thi nhân quyền hoặc là người phanh phui các vụ tham nhũng, như GMA đòi hỏi; hễ có vi phạm nhân quyền, dù nhắm vào bất kỳ ai (như một “dân oan” chưa ý thức về nhân quyền), cũng có thể là căn cứ để bị chế tài.

(3)    Nới rộng thành phần đối tượng có thể bị chế tài:

  1. GMA chỉ chế tài các giới chức chính quyền trực tiếp thực hiện sự vi phạm hoặc chỉ huy cấp dưới thực hiện sư vi phạm; trong khi đó, EO 13818 cho phép chế tài tất cả các giới chức lãnh đạo của cơ quan chính quyền đã có hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng;
  2. EO 13818 cho phép chế tài bất kỳ ai đồng loã (kể cả công dân Hoa Kỳ), nghĩa là yểm trợ hoặc tài trợ cho các hoạt động vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng kể trên.

Cách nào để khai thác các biện pháp chế tài trong luật Hoa Kỳ?

Các phân tích kể trên giải thích kế hoạch “Hoa Kỳ vận”của BPSOS như sau:

(1)    Áp dụng Luật IRFA để yêu cầu BNG Hoa Kỳ cấm nhập cảnh ngay các giới chức chính quyền chịu trách nhiệm về các hành vi đàn áp tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng.

(2)    Áp dụng Điều Luật 7031(c) để yêu cầu BNG cấm nhập cảnh ngay các giới chức chính quyền chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền một cách thô bạo, và cấm nhập cảnh luôn các thân nhân trực hệ của họ (hoặc trục xuất khỏi Hoa Kỳ nếu những thân nhân này đang ở Hoa Kỳ).

(3)    Áp dụng chồng thêm Luật GMA và Pháp Lệnh 13818 trong trường hợp đối tượng là giới chức chính quyền có tài sản ở Hoa Kỳ hoặc có các kẻ đồng loã ở ngoài chính quyền.

Kế hoạch này khai thác đặc điểm của Luật IRFA và Điều Luật 7031(c) là, tiến trình quyết định chế tài sẽ nhanh và gọn vì hoàn toàn thuộc thẩm quyền của BNG. Quyết định chế tài theo Luật GMA hoặc EO 13818 sẽ chậm hơn vì Bộ Ngân Khố phải âm thầm truy tìm tài sản của đối tượng trước khi quyết định về biện pháp chế tài. Trong khi đó phần lớn các thủ phạm gắn liền với các vi phạm nhân quyền thường là các giới chức chính quyền ở cấp thấp hoặc cấp trung, ít triển vọng có của chìm của nổi ở Hoa Kỳ để đóng băng.

Cuộc tổng vận động Quốc Hội do BPSOS thực hiện vào ngày 10 tháng 7 tới đây sẽ là cao điểm trong kế hoạch khai thác các chính sách chế tài có sẵn của Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ có một danh sách dài các giới chức chính quyền là đối tượng để áp dụng chế tài theo Luật IRFA và Điều Luật 7031(c). Song song, chúng tôi cũng có một danh sách ngắn hơn để vận động chế tài theo Luật GMA và EO 13818. Các nhận xét của LHQ tại các kỳ kiểm điểm vừa qua sẽ giúp tăng tính thuyết phục của các hồ sơ đề nghị chế tài.

Đồng thời, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi huấn luyện cho người ở trong và ngoài Việt Nam thực hiện hồ sơ theo các chính sách chế tài của Hoa Kỳ kể trên. Chúng tôi sẽ thông báo về các buổi huấn luyện tại các trang http://www.machsongmedia.com/https://www.facebook.com/VNAdvocacyDay/, và https://www.facebook.com/Vietnamcivilrights