Cuộc khủng hoảng sắp tới của chế độ độc đảng ở Trung Quốc

Project Syndicate, September 20, 2019

(Vũ Quốc Ngữ dịch)

 Vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) sẽ mang lại những thành công lớn khi kỷ niệm 100 năm hai sự kiện vào năm 2021 và 2049. Nhưng không tinhthần dân tộc nào có thể thay đổi sự thật rằng khả năng sụp đổ của CPC có thể xảy ra gần hơn bất cứ lúc nào kể từ khi kết thúc thời đại Mao.

Vào ngày 1 tháng 10, để kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm hoành tráng nhất trong lịch sử của CPC kể từ năm 1949. Nhưng, bất chấp sự tự tin và lạc quan rõ ràng của ông Tập, mối lo ngại ngày càng gia tăng về triển vọng tương lai của chế độ- sự lo lắng không phải vô cớ mà có lý do rõ ràng.

Vào năm 2012, khi Tập nắm quyền cai trị CPC, ông ta đã hứa rằng đảng này sẽ cố gắng mang lại những thành công lớn trước hai sự kiện kỷ niệm 100 năm sắp tới, đánh dấu ra đời của CPC vào năm 1921 và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Nhưng sự suy giảm kinh tế dai dẳng và căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ có thể sẽ làm xáo trộn tâm trạng của ban lãnh đạo đảng trong lễ kỷ niệm 2021. Và chế độ độc đảng ở Trung Quốc thậm chí có thể không tồn tại cho đến năm 2049.

Mặc dù về mặt kỹ thuật không có giới hạn thời gian đối với chế độ độc tài, CPC đang tiệm cận tuổi thọ của các chế độ độc đảng. Đảng Cách mạng Thể chế Mexico Mexico giữ quyền lực trong 71 năm (1929-2000), Đảng Cộng sản Liên Xô cầm quyền trong 74 năm (1917-1991), và Quốc Dân Đảng của Đài Loan tồn tại trong 73 năm (từ 1927 đến 1949 trên lục địa và từ 1949 đến 2000 tại Đài Loan). Chỉ còn chế độ cộng sản Bắc Hàn, một triều đại gia đình mô hình Stalin đã cai trị 71 năm, là cạnh tranh về mặt thời gian với CPC.

Nhưng các mô hình lịch sử không phải là lý do duy nhất khiến CPC phải lo lắng. Các điều kiện cho phép chế độ phục hồi sau thảm họa tự gây ra của chủ nghĩa Mao và thịnh vượng trong bốn thập kỷ qua phần lớn đã được thay thế bằng một môi trường ít thuận lợi hơn – và Trung Quốc có nhiều kẻ thù hơn.

Mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại lâu dài của CPC nằm trong cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra với Mỹ. Trong phần lớn thời kỳ hậu Mao, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã giữ một hình ảnh khiêm nhường trên trường quốc tế, cố gắng tránh xung đột trong khi xây dựng sức mạnh trong nước. Nhưng đến năm 2010, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế, theo đuổi chính sách đối ngoại ngày càng hung hãn. Điều này đã thu hút sự khó chịu từ Hoa Kỳ, vốn bắt đầu dần dần chuyển từ chính sách hỗ trợ sang đối đầu ngày nay.

Với khả năng quân sự vượt trội, công nghệ, hiệu quả kinh tế và mạng lưới liên minh (vẫn mạnh mẽ, bất chấp sự lãnh đạo phá hoại của Tổng thống Donald Trump), Mỹ có nhiều khả năng thắng thế trong cuộc đối đầu Trung-Mỹ so với Trung Quốc. Mặc dù một chiến thắng của Mỹ có thể phải trả giá đắt, nhưng nhiều khả năng nó sẽ ấn định số phận của CPC.

CPC cũng phải đối mặt với những sóng gió kinh tế mạnh mẽ. Cái gọi là phép màu của Trung Quốc được thúc đẩy bởi một lực lượng lao động lớn và trẻ, đô thị hóa nhanh chóng, đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tự do hóa thị trường và toàn cầu hóa – tất cả các yếu tố trên đã giảm hoặc biến mất.

Những cải cách cấp tiến – đặc biệt là việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) không hiệu quả  và chấm dứt các hoạt động giao dịch theo chủ nghĩa tân thương – có thể duy trì sự tăng trưởng. Nhưng, mặc dù nói mồm rằng đẩy mạnh cải cách thị trường hơn nữa, CPC đã lưỡng lự thực hiện chúng, thay vào đó, bám vào các chính sách có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước và gây thiệt hại cho khối doanh nhân tư nhân. Do khu vực nhà nước hình thành nền tảng kinh tế của chế độ độc đảng, nên triển vọng các nhà lãnh đạo CPC sẽ đột nhiên thúc đẩy cải cách kinh tế triệt để là mờ mịt.

Xu hướng chính trị trong nước cũng đáng lo ngại tương tự. Dưới thời Tập, CPC đã từ bỏ chủ nghĩa thực dụng, linh hoạt về ý thức hệ và sự lãnh đạo tập thể- là những điều đã giúp cho Trung Quốc phát triển nhanh trong quá khứ. Với sự quay lại của chủ nghĩa Mao mới – bao gồm sự tuân thủ nghiêm ngặt về ý thức hệ, kỷ luật tổ chức cứng nhắc và quyền lực tập trung vào một người thì những rủi ro về những sai lầm chính sách thảm khốc đang gia tăng.

Chắc chắn, CPC sẽ không sụp đổ nếu không có một cuộc chiến. Khi sự kìm kẹp của nó bằng sức mạnh suy yếu, có lẽ nó sẽ cố gắng khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong số những người ủng hộ, đồng thời tăng cường đàn áp đối thủ.

Nhưng chiến lược này không thể cứu vãn chế độ độc đảng của Trung Quốc. Mặc dù chủ nghĩa dân tộc có thể tăng cường hỗ trợ cho CPC trong thời gian ngắn, năng lượng của nó cuối cùng sẽ tiêu tan, đặc biệt là nếu đảng không thể tiếp tục cải thiện mức sống. Và một chế độ phụ thuộc vào sự ép buộc và bạo lực sẽ phải trả giá đắt khi hoạt động kinh tế suy giảm, chống đối gia tăng, chi phí an ninh leo thang và sự cô lập quốc tế ngày càng rõ ràng.

Đây không phải là bức tranh mà Tập muốn trình ra trước người dân Trung Quốc vào ngày 1/10. Nhưng không có tinh thần dân tộc nào có thể thay đổi thực tế rằng dấu hiệu về sự sụp đổ của CPC xuất hiện gần hơn bất cứ lúc nào kể từ khi kết thúc thời đại Mao.

Nguồn: The Coming Crisis of China’s One-Party Regime