Xử vụ Đồng Tâm “làm ba công an thiệt mạng”: Luật sư nói gì?

Sinh thời, ông Lê Đình Kình được một số người xem như anh hùng khi dám đứng lên chống lại các quan chức tham nhũng, nhưng nhà nước lại coi ông là một tội phạm,

Gần ba chục bị can trong vụ án được báo chí nhà nước Việt Nam gọi là vụ án nghiêm trọng ‘giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ’ làm thiệt mạng ba sỹ quan công an ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, sẽ được đưa ra xét xử trong một phiên sơ thẩm vào ngày 7/9/2020.

 

BBC, ngày 25 tháng 8 2020

“Sáng 25/8, thông tin từ Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết sẽ đưa ra xét xử vụ án từ ngày 7/9, dự kiến kéo dài 10 ngày. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội,” trang mạng của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (VOV) đưa tin hôm 25/8.

“Hội đồng Xét xử gồm 5 người, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh án Tòa hình sự, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội). Hiện có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại tòa,” báo Tuổi Trẻ Online cùng ngày cho hay.

“29 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”. Trong đó, có 25 người bị xét xử về tội “giết người” gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh…”

‘Mô tả qua báo nhà nước’

Về ba sỹ quan công an bị ‘giết hại’, Thông tấn xã Việt Nam, cũng hôm thứ Ba nhắc tới ông Lê Đình Kình, cựu quan chức đảng và chính quyền, công an xã Đồng Tâm, người được cho là ‘cầm đầu nhóm chống đối’ ở địa phương này.

“Đầu tháng Một năm nay, khi biết lực lượng Công an thành phố Hà Nội sẽ về xã Đồng Tâm, Kình đã cùng nhiều đối tượng tổ chức họp tại nhà Kình vào các ngày 6, 7 và 8/1/2020 để chỉ đạo chống đối, sát hại lực lượng công an. Chiều 8/1/2020, theo chỉ đạo của Kình, Công đã yêu cầu đồng bọn mang các hung khí gồm tuýp sắt có gắn dao bầu, gắn liềm, bom xăng, các bao chứa gạch đá tập trung tại nhà Kình để tấn công lại lực lượng công an.

“Rạng sáng 9/1/2020, khi lực lượng công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà Kình khoảng 50m) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra Bùi Văn Niên và Lê Đình Quân đánh kẻng báo động. Các đối tượng dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng công an, khiến cho 3 cán bộ, chiến sĩ công an là Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân bị rơi xuống hố ở gần nhà Lê Đình Kình. Lúc đó, Chức bảo Doanh đổ xăng từ can ra chậu để Chức đổ xuống hố và châm lửa đốt khiến cả 3 đồng chí hy sinh.

“Vào lúc đó, tổ công tác phát hiện thấy Lê Đình Kình đang cầm 1 quả lựu đạn và hô hào chống đối nên đã dùng súng bắn tiêu diệt.”

Trang mạng của VOV miêu tả vì sao có vụ thiệt mạng của bốn người trong vụ việc, trong đó có ba cảnh sát và ông Lê Đình Kình:

“Khi thuyết phục không thành công, tổ công tác gồm 3 chiến sĩ: Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân được chỉ đạo tiếp cận tầng 1 nhà Lê Đình Hợi để tiến sang tầng 2 nhà Lê Đình Chức khống chế các đối tượng. Khi 3 chiến sĩ di chuyển từ cửa sổ tầng 2 nhà Lê Đình Hợi định tiếp cận mái nhà Chức thì bị các đối tượng dùng tuýp sắt có gắn phóng lợn để tấn công, đồng thời ném nhiều gạch đá khiến 3 chiến sĩ ngã xuống.

3 chiến sĩ ngã từ trên cao xuống một hố sâu 4m nằm giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức và bị thương. Thấy vậy, Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh lấy một can xăng khoảng 5 lít đổ ra chậu. Rồi hai đối tượng đạp chậu xuống hố, châm lửa. Hai đối tượng đã nhiều lần đổ thêm xăng xuống hố, dẫn đến sự hi sinh của ba đồng chí Thịnh, Huy và Quân.

“Các đối tượng tiếp tục chống đối dữ dội. Lực lượng chức năng sử dụng lựu đạn khói và chó nghiệp vụ để dần vây chặt vòng vây. Lượng vũ khí của lực lượng chống đối hết dần và nhiều đối tượng còn không biết sử dụng các loại vũ khí như lựu đạn.

“Khi vòng vây khép chặt, các đối tượng chủ chốt còn lại tập trung ở nhà Lê Đình Kình. Lực lượng chức năng sử dụng lựu đạn khói ném vào nhà. Lê Đình Kình cầm một quả lựu đạn nói lớn: “Bây giờ xông vào nhà là tao ném lựu đạn cho chết hết”. Sau nhiều lần thuyết phục không thành công, để tránh hi sinh cho lực lượng chức năng, các chiến sĩ buộc phải bắn tiêu diệt Lê Đình Kình. Khi tử vong, ông Lê Đình Kình vẫn cầm lựu đạn trên tay.”

Luật sư nói gì?

Hôm 25/8/2020, một luật sư trong nhóm luật sư bảo vệ cho các thân chủ là bị can, bị cáo trong vụ Đồng Tâm nói với BBC News Tiếng Việt rằng các luật sư đã chỉ biết thông tin về phiên xét xử sơ thẩm qua báo chí nhà nước và không rõ vì sao báo chí chính quyền lại biết tin trước các luật sư đang bảo vệ cho các thân chủ là bị can trong vụ án.

“Thực ra về thời điểm không có vấn đề gì theo quy định của luật cả, thế nhưng hiện tại các luật sư vẫn chưa được thông báo chính thức mà mới chỉ nhận thông tin này trên báo chí, truyền thông nhà nước. Còn các quyết định đưa ra xét xử thì về mặt văn bản, các luật sư chưa được tiếp cận và chưa được gửi,” luật sư Lê Văn Luân nói với BBC từ Hà Nội.

“Công tác báo chí là một việc ở bên Tòa án, nhưng thường thì các việc thông tin cần được thực hiện cùng lúc và các luật sư cần được chủ động trước trong kế hoạch đó, thế nhưng vụ việc này không hiểu lý do làm sao mà báo chí lại có thể đưa tin trước, mà trong khi đó các luật sư chưa có một thông tin gì về vấn đề xét xử cả. Theo chúng tôi, về vấn đề tiếp cận là chưa được đảm bảo lắm, về mặt công bằng.”

Về vấn đề tiếp cận hồ sơ vụ án và nhận xét thêm về thông tin mới nhận trên báo chí về phiên sơ thẩm dự kiến khai mạc hôm 7/9, luật sư Lê Văn Luân cho biết:

“Các luật sư cách đây khoảng hai tuần đã được chụp đầy đủ rồi, nhưng về việc đưa những lời khai của các bị can mà công bố ngay từ ban đầu trên truyền hình đã là một chỉ dấu về việc chưa đảm bảo quy định của pháp luật rồi.

“Ngay cách mà báo chí của nhà nước, chính quyền vừa loan tin về vụ xét xử sơ thẩm, thì chúng tôi nghĩ, truyền thông, báo chí nhà nước đang làm sai chức năng của mình.

“Đó là mô tả những sự việc phạm tội rất cụ thể và đưa các thông tin, sự việc này như là thêm một định hướng kết tội thay cho cơ quan Tòa Án, và điều này đã được phản ánh từ trước đây, nhưng nó đã trở thành một thói quen báo chí mà chúng tôi cho rằng gây hại cho quá trình tố tụng, gây hại cho những quyền của các công dân và những bị can, bị cáo.

“Và điều đó đang được sử dụng một cách rất triệt để, đặc biệt trong vụ án này, gần như là đã kết tội sẵn sàng ở trên tất cả các mặt báo và điều đó xâm phạm vào quyền được xét xử công bằng và quyền, nguyên tắc xét đoán vô tội rất quan trọng quy định trong Luật Tố tụng Hình sự mà bất kỳ bị can nào cũng được hưởng.

“Điều này, chúng tôi nghĩ, nó còn liên quan đến cả một hệ thống nhận thức của xã hội và nhận thức về pháp lý nữa.”

Nhân dịp này, luật sư Lê Văn Luân cũng cho biết thêm về tình hình sức khỏe của các bị can và việc các luật sư được tiếp cận ra sao với các thân chủ của mình:

“Hiện tại, về cơ bản tình hình sức khỏe của các bị can tiến triển tốt, trước đấy một số người bị thương nặng, ví dụ như ông Chức, ông Công và Huy đều bị, ông Chức bị thương nặng nhất, theo chúng tôi biết. Bên cạnh đó, ông Hiểu cũng bị bỏng.

“Chúng tôi không có toàn bộ thông tin về các bị can, nhưng một số người như tôi vừa nêu tên có nằm trong số bị thương tật, có người phải dìu đi hôm lấy cung. Khi hôm chúng tôi vào trại giam, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị về chăm sóc y tế và biện pháp để chăm sóc cho các bị can.

“Tôi cũng phải nói thêm là các luật sư cũng không dễ dàng tiếp cận, gặp gỡ các thân chủ của mình, trong suốt quá trình vừa qua cho tới nay,” luật sư Lê Văn Luân nói với BBC News Tiếng Việt hôm 25/8 từ Hà Nội.